Kết hợp giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật tuồng, vở diễn “Đối diện với vô cùng” (Facing Infinity) chính thức ra mắt công chúng Thủ đô trong ba đêm diễn, từ ngày 2 đến 4-8-2024 tại Rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hà Nội).
Vở diễn là kết quả của dự án nghệ thuật được khởi xướng giữa Lên Ngàn, XplusX Studio và Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng biên đạo múa Tú Hoàng. Dự án Đối diện với vô cùng cũng nhận được sự bảo trợ và đồng hành từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, Khoa múa trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, FOD Collective Studio. Dự án nằm trong chương trình phát triển khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, với chuỗi sự kiện hướng công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo hơn.
Đối diện với vô cùng đưa người xem tới những khái niệm sinh tồn thông qua các triết lý, biểu tượng và thẩm mỹ tâm linh
NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá cao màn thể hiện của các diễn viên khi tiếp cận nghệ thuật đương đại từ hồn cốt dân tộc: “Chúng ta luôn phải lấy cốt lõi, hồn cốt của phát triển truyền thống. Truyền thống bất cứ dân tộc nào cũng là nguồn cội, gốc rễ. Từ đó, chúng ta mới sáng tạo được”.
Trước đây, nhóm nghệ sĩ Lên Ngàn và XplusX Studio từng ra mắt các vở như: Sơn Hậu (Beyond the mountain) (2021), Cõi thinh không (2023) lấy cảm hứng từ trích đoạn tuồng cổ Sơn Hậu. Vẫn lấy cảm hứng từ tuồng, kết hợp thêm với chất liệu hiện đại nhưng ở vở Đối diện với vô cùng, các nghệ sĩ hoàn toàn nhảy trên nền nhạc, không có diễn tuồng hay thoại tuồng.
Đối diện với vô cùng kể lại câu chuyện về thời điểm hậu mở cửa từ năm 1986 tới những năm 2000, nơi mà tính cá nhân được giải phóng nhưng đồng thời sự cô đơn cũng mở ra trong xã hội. Trong vở diễn, nhân vật chính là “cái tôi” trải qua sự do dự, bất lực, đau đớn ... cuối cùng chọn đối diện, tìm ra giá trị mới cho sự tồn tại. Tác phẩm với chất liệu cổ truyền đan xen với các yếu tố đại chúng, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính bản thân mỗi người. Các nhân vật chỉ vỏn vẹn có “cái tôi” đối diện với 4 vị thần đại diện cho 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc và nhân vật linh hồn của đất. Vở diễn không có nội dung nhất định, chủ yếu thông qua hình ảnh mang tính ẩn dụ, thông qua cảm nhận và diễn giải riêng để đưa đến những liên tưởng, nhận thức mang tính cá nhân. Truyền tải những ý tưởng trừu tượng dưới hình thức biểu diễn trên sân khấu múa đương đại là một thách thức đối với cả êkíp. Đối diện với vô cùng đưa người xem tới những khái niệm sinh tồn thông qua các triết lý, biểu tượng và thẩm mỹ tâm linh của phương Đông.
Cảnh trong vở diễn
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc dự án cho biết: Đối diện với vô cùng có mục tiêu là kết nối thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam và quốc tế cùng công chúng đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống thông qua vũ đạo đương đại. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ quan niệm về thế giới quan mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc của người Việt xưa. Đặc biệt, vở diễn còn là sự đan xen cùng các chất liệu từ văn hóa đại chúng và tinh thần soi chiếu lại bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại.
Cuộc gặp gỡ giữa ba anh tài: nhạc sĩ Hoàng Anh, đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long, biên đạo múa Tú Hoàng đã tạo nên một tác phẩm mới với chủ đề về hành trình đi tìm danh tính, niềm tin và sự cô đơn. Không chỉ kết hợp những bản nhạc gốc của âm nhạc truyền thống Việt với các sáng tác mới lấy cảm hứng từ âm nhạc nghệ thuật tuồng, mà các yếu tố âm thanh của nhạc tôn giáo, nhạc thể nghiệm và đặc biệt là chất liệu từ văn hóa đại chúng Vinahouse.
Biên đạo múa Tú Hoàng đã chú ý về chuyển động vũ đạo. Với cách tiếp cận tối giản và tối đa từ chất liệu vũ đạo tuồng, nghệ sĩ có rất nhiều phương pháp để làm cho mọi chi tiết tạo ra ý nghĩa biểu tượng từ những chuyển động mang tính đặc thù của di sản. Đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long cho rằng tính tối giản trong thiết kế bối cảnh của tác phẩm sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn cho trí tưởng tượng và chuyển động vật lý, cũng như các ẩn dụ.
Vở diễn được đông đảo giới chuyên môn, khán giả trong và ngoài nước đón nhận
Ông Phạm Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: “Ngôn ngữ nghệ thuật múa đương đại và nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là múa tuồng, là sự kết hợp hài hòa, tạo ra tác phẩm nghệ thuật vừa hội tụ yếu tố múa đương đại phương Tây, đồng thời kết hợp với múa tuồng truyền thống. Nếu khai thác tốt múa tuồng, sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm”.
Vở diễn phản ánh tham vọng nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ, góp phần làm mới, đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với khản giả trẻ và bạn bè quốc tế. Được biết, 3 đêm công diễn tại Thủ đô Hà Nội là một phần quan trọng của chuỗi dự án, ngoài ra còn có các hoạt động giao lưu giữa các vũ công múa đương đại và nghệ sĩ của sân khấu tuồng truyền thống, tọa đàm về tiềm năng phát triển của vũ đạo tuồng. Đây chính là kết quả của quá trình các nghệ sĩ phát triển những chất liệu sân khấu với ngôn ngữ múa đương đại. Dự án sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2025 với chuỗi sự kiện tiếp nối tại Hà Nội, TP.HCM, Amsterdam (Hà Lan) và London (Vương Quốc Anh).
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG