SINH VIÊN HÀ NỘI VỚI LỄ HỘI PHƯƠNG TÂY

Tổ chức và tham gia vào các lễ hội là hoạt động văn hóa thường xuyên của sinh viên Hà Nội. Các lễ hội truyền thống, lễ hội nhân dịp thành lập trường, lập khoa, lễ hội chào tân sinh viên... thu hút sự quan tâm của sinh viên, đặc biệt là những lễ hội có nguồn gốc phương Tây. Từ sự tham dự của sinh viên ở những lễ hội này đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần quan tâm.

1. Những lễ hội có nguồn gốc phương Tây trong sinh viên Hà Nội

Các lễ hội phương Tây du nhập vào Việt Nam tại các thời điểm khác nhau và thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên là: Noel, tết Dương lịch, Valentine và Halloween.

Đối với sinh viên, Noel là lễ hội phương Tây lớn nhất mà họ tham dự. Ngày lễ này xuất phát từ Thiên Chúa giáo, đi vào Việt Nam theo con đường du nhập tôn giáo. Tuy nhiên, Noel hiện nay đã trở thành một lễ hội quen thuộc đối với đông đảo sinh viên, nó vượt ra khỏi khuôn khổ của một lễ hội mang tính tôn giáo. Cùng là lễ hội mang tính tôn giáo, được phổ biến rộng rãi và nhiều người biết đến, nhưng lễ Phật đản lại không thu hút đông sinh viên tham gia như lễ Noel. Noel dễ được sinh viên đón nhận còn bởi nó diễn ra trong khoảng thời gian kết thúc năm cũ, là dịp cả thế giới đón mừng năm mới với nhiều sự kiện, nhiều hình thức khác nhau. Đối với người phương Tây, Noel là một ngày lễ tôn giáo thiêng liêng để họ hướng về gia đình. Thời gian này, sinh viên Hà Nội không được nghỉ học, họ đang chuẩn bị cho các kỳ thi cuối kỳ. Do vậy, ngay cả sinh viên có đạo, họ khó có thể quây tụ bên gia đình, nên đây là dịp để giao lưu và gặp gỡ bạn bè. Những hoạt động của tết Dương lịch, tết Nguyên đán được nhiều sinh viên, nhiều trường đại học tổ chức gộp với lễ Noel như để tổng kết năm cũ và đón chào năm mới. Vì vậy, các trường đại học ở Hà Nội, thông qua tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội đồng hương, câu lạc bộ… thường có chương trình hoạt động và tổ chức cho sinh viên đón Noel, chào năm mới.

Tết Dương lịch là lễ hội mừng năm mới chung của cả thế giới. Với thời gian quy định được nghỉ tết ít, lại trùng vào kỳ thi, nên sinh viên thường ở lại Hà Nội, tự tổ chức đón năm mới. Nhiều hoạt động được tổ chức như: ăn uống, đi chơi…

Do đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi nên ngày lễ tình yêu (Valentine) có ý nghĩa đặc biệt đối với các bạn sinh viên. Hễ nhắc đến Valentine, họ thường chú ý đến vấn đề tỏ tình, tặng quà, thậm chí là tặng món quà có giá trị kinh tế cao so với khả năng tài chính của chính họ. Một số sinh viên đã tỏ tình theo những cách của người phương Tây và muốn người xung quanh biết mình đang yêu như thắp nến giữa sân trường hay sân ký túc xá, làm hình trái tim to bằng những bông hồng, viết lời ngỏ trên con đường bạn gái hay đi qua…

Halloween (lễ hội hóa trang) diễn ra ngày  31-10 hàng năm ở châu Âu và Bắc Mỹ, đến nay lễ hội này đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Sinh viên thường hóa trang đến tham dự Halloween do một tổ chức nào đó thực hành (câu lạc bộ, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm văn hóa, Đại sứ quán...) hoặc xem phim kinh dị. Hiện nay, lễ hội này còn mới so với Việt Nam nên số lượng sinh viên tham gia trực tiếp vào lễ hội không nhiều. Họ đến xem và coi đây là một dịp được thể hiện mình, xả stress, học ngôn ngữ, tiếp xúc với cái lạ nên thấy tò mò muốn thử nghiệm mà không tốn kém nhiều kinh phí.

2. Mục đích và mức độ tham gia lễ hội phương Tây của sinh viên Hà Nội

Mục đích tham dự các lễ hội phương Tây của sinh viên chủ yếu là vui chơi, giải trí, gặp gỡ bạn bè và tham gia theo phong trào. Lễ hội phương Tây được hầu hết sinh viên biết đến nhưng mức độ tham gia của mỗi cá nhân khác nhau vì mục đích của mỗi người không giống nhau. Ở một số lễ hội phương Tây, khi tham dự, giới trẻ được mặc những trang phục theo sở thích cá nhân, thoải mái và phá cách hơn. Kết quả khảo sát một số trường đại học cho thấy mức độ thích các lễ hội có nguồn gốc từ phương Tây của sinh viên tuy không quá cao nhưng mức độ hưởng ứng của họ trong các dịp lễ hội này để vui chơi theo cách của mình, của nhóm bạn thì tương đối cao. Chẳng hạn như lễ Noel, sinh viên ra đường đi chơi đông hơn rất nhiều so với những sinh viên đến nhà thờ làm lễ. Họ coi đây chỉ là dịp giao lưu, gặp gỡ bạn bè, là dịp để họ được chơi, được hòa vào phong trào cùng các bạn.

Tham gia các lễ hội là cách để sinh viên thể hiện và chia sẻ các giá trị cá nhân của mình với cộng đồng xã hội. Sinh viên thường chúc tụng nhau trên các trang mạng xã hội, họ gửi những lời chúc, những điều ước cho nhau vào mỗi dịp lễ hội. Những món quà mà họ tặng nhau cũng mang đặc trưng của người phương Tây: thiệp, hoa hồng, socola... Nhiều sinh viên, đến với lễ hội chỉ để chụp ảnh, chia sẻ với bạn bè thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, mỗi dịp lễ hội còn là nơi mà sinh viên thể hiện những giá trị mà họ nhận được từ phương Tây như tính tự lập, tự chủ, tự lao động thông qua làm các đồ kỷ niệm, cắm hoa để bán. Hoạt động thiện nguyện được một số sinh viên lựa chọn trong dịp lễ hội lớn như: Noel, tết Dương lịch. Trong dịp này, một số tổ chức như đoàn thanh niên, hội sinh viên, câu lạc bộ, hội đồng hương... tổ chức hoạt động thiện nguyện với nhiều hoạt động như: tặng quà cho các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo ở bệnh viện, trẻ em mồ côi, khuyết tật tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, phát cơm miễn phí cho người vô gia cư...

Điểm đáng lưu ý là, khi tham gia vào lễ hội phương Tây, sinh viên Hà Nội đã chú ý đến những hoạt động chia sẻ, tình nguyện và thiện nguyện. Đây là những hoạt động rất cần thiết và đáng khích lệ, điều này không chỉ khơi gợi tình yêu thương cho giới trẻ, mà còn góp phần tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích và thực sự giá trị cho các bạn sinh viên.

Sinh viên tham gia lễ hội phương Tây phản ánh nhu cầu được hưởng thụ những thứ mới mẻ, năng động, hấp dẫn. Họ tham gia lễ hội chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giao lưu, gặp gỡ, mua sắm, ăn uống. So với lễ hội truyền thống, khi tham gia lễ hội phương Tây, người tham gia được mặc những loại trang phục thoải mái, hiện đại, thậm chí khác thường đều được chấp nhận. Các lễ hội phương Tây không gò bó về trang phục, ngôn ngữ, cách đi đứng... không phải tuân theo một khuôn mẫu nào. Điều đó phù hợp với nhu cầu của thanh thiếu niên hiện nay.

Thành phần tham gia loại lễ hội (truyền thống hay hiện đại) cũng thể hiện xu hướng, lối sống của họ. Người già thường quan tâm, tham gia các lễ hội truyền thống. Lứa tuổi thanh thiếu niên ít tham gia lễ hội truyền thống mà thường thích tham gia lễ hội hiện đại, đặc biệt các lễ hội phương Tây bởi các lễ hội này mang hơi thở, không khí mới lạ từ trang phục, đồ ăn đến việc mua sắm và các hình thức giải trí kèm theo. Vì vậy, những sinh viên tham gia lễ hội phương Tây thấy mình được hòa nhập với cuộc sống hiện đại, gần gũi với bạn bè quốc tế.

Sinh viên tham gia lễ hội phương Tây là cách rèn luyện khả năng hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Để trở thành người có khả năng thích ứng cao với các điều kiện xã hội thay đổi nhanh chóng, sinh viên cần phải rèn luyện cho mình khả năng hòa nhập và thích ứng với những nền văn hóa khác biệt. Lễ hội là một trong nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường giao lưu văn hóa, nâng cao sự hiểu biết, hòa nhập của sinh viên với các nền văn hóa trên thế giới. Có thể thấy, khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu của sinh viên nước ngoài đến và học tập tại các trường đại học ở Hà Nội đang không ngừng tăng lên. Những lễ hội phương Tây được tổ chức hiện đại và trẻ trung, tạo sân chơi chung giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài. Từ đó, hai bên có những trao đổi văn hóa, tạo sự hiểu biết lẫn nhau.

Lễ hội phương Tây được tổ chức ở Việt Nam phản ánh một hình thức sinh hoạt văn hóa của người phương Tây. Khi tham dự, họ như được trải nghiệm và được sống trong nền văn hóa phương Tây. Vì vậy, họ tiếp nhận văn hóa phương Tây rất nhanh và thực hiện rất sống động. Qua đó thấy được sinh viên có vai trò quan trọng trong việc làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Tác giả Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Từ chỗ coi quá trình hiện đại hóa mang nặng tính khách thể, tức coi trọng khía cạnh phương tiện vật chất, kỹ thuật và kinh tế, mà thường là xuất phát từ mô thức phương Tây tư bản chủ nghĩa, nhiều khi mang tính áp đặt, đồng hóa cưỡng bức, người ta càng ngày càng nhận rõ vai trò của chủ thể của hiện đại hóa, đó là vai trò của con người, của xã hội, mà con người và xã hội thuộc về các dân tộc, các quốc gia, các địa phương với các truyền thống, các điểm mạnh và điểm yếu khác nhau” (1).

Tiếp nhận các lễ hội phương Tây, sinh viên đã tích hợp thêm những yếu tố phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và các phong trào xã hội mà họ đang tham dự. Các lễ hội trên đã được quốc tế hóa trong đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ các nước phương Tây mới tổ chức đón mừng những ngày lễ đó mà các quốc gia phương Đông cũng tổ chức như một trào lưu của thời đại. Điều đó cho thấy sức mạnh và sự ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa phương Tây đối với thế giới. Tuy nhiên, lễ hội phương Tây ở Việt Nam không diễn ra theo các bước, các phần giống như ở phương Tây. Những trang trí, biểu tượng như cây thông Noel, socola, hoa hồng, trang phục kinh dị... đã tạo nên không khí lễ hội và được sinh viên tiếp nhận đầy hứng thú. Các nội dung khác về nghi lễ tôn giáo, ý nghĩa của việc hóa trang trong lễ hội không được sinh viên quan tâm nhiều. Chẳng hạn như lễ Haloween là lễ hội hóa trang dành cho trẻ nhỏ, nhưng sinh viên biến nó thành lễ hội của mình, họ cũng hóa trang và ăn mặc lạ mắt nhất để tạo cho nhau niềm vui. Hoặc là, trong các dịp Noel, tết Dương lịch, họ kết hợp giữa tổ chức lễ hội với các công việc thiện nguyện… Điều đó phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi dân tộc.

3. Những vấn đề đặt ra

Sinh viên hào hứng tham gia lễ hội phương Tây, trong khi đó lại thờ ơ với lễ hội truyền thống. Tham gia các lễ hội phương Tây, sinh viên được vui chơi, ăn mặc thoải mái nên họ hào hứng tham gia. Ngược lại, nhiều lễ hội truyền thống, sinh viên không biết đến, không hiểu về ý nghĩa nên không tham gia. Thậm chí, có những sinh viên còn phản đối tết cổ truyền - lễ hội lớn nhất của dân tộc. Hoặc họ muốn đón tết cổ truyền của Việt Nam sẽ như người phương Tây đón tết Dương lịch: đi chơi, đi du lịch, không phải là dịp để tụ hợp gia đình, người thân, họ hàng. Nhiều sinh viên đứng ngoài lễ hội của quê hương mình. Mỗi lễ hội có những giá trị riêng, nhưng các lễ hội truyền thống hiện nay không thu hút đông sinh viên tham gia bằng các lễ hội phương Tây. Khi họ thờ ơ với lễ hội truyền thống thì đất nước giảm đi một lực lượng quan trọng để quảng bá văn hóa dân tộc. Lễ hội truyền thống còn là cơ hội để người tham gia hiểu và ôn lại lịch sử văn hóa của đất nước mình. Tuy nhiên, dường như lễ hội phương Tây đã lấn át lễ hội truyền thống và việc tham gia lễ hội phương Tây của sinh viên ngày càng phổ biến hơn trước. Khi không hiểu, không trân trọng, không tự hào những giá trị truyền thống dân tộc thì khó mà yêu và giữ gìn những truyền thống đó. Sự lấn át các giá trị văn hóa ngoại sinh so với văn hóa nội sinh sẽ làm phai mờ bản sắc văn hóa dân tộc.

Sinh viên tham gia lễ hội phương Tây, vô tình, họ trở thành người quảng bá văn hóa nước ngoài rất hiệu quả trong khi họ chưa tỏ rõ ý thức quảng bá cho văn hóa dân tộc. Chẳng hạn, khi tham gia lễ hội Noel, dù không theo tôn giáo, nhưng qua đó, sinh viên hiểu biết về tôn giáo, rút ngắn khoảng cách giữa người theo đạo và không theo đạo. Điều đó, tạo điều kiện cho những ảnh hưởng của tôn giáo lan rộng hơn. Tôn giáo nào cũng có tính hướng thiện, giáo dục đạo đức nhưng không ít lực lượng dựa vào tôn giáo để thực hiện các ý đồ chính trị, ý đồ cá nhân. Các lực lượng đó thường nhằm vào thanh thiếu niên để truyền bá, hành động.  

Việc thích hay sùng bái đồ ngoại của sinh viên có cơ hội được thể hiện rõ vào dịp lễ hội phương Tây diễn ra, vượt quá khả năng tài chính của họ. Các mặt hàng phục vụ cho những ngày lễ này được bày bán phong phú, đa dạng và dược sinh viên mua bán rất nhộn nhịp. Thậm chí họ mua những trang phục chỉ dành riêng cho một ngày lễ như những bộ trang phục hóa trang thành ma quỷ trong lễ hội Hallowen. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ hội này, các trung tâm thương mại, khu vui chơi có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút các bạn trẻ đến vui chơi, chụp ảnh, ăn uống... Vì để được thỏa mãn nhu cầu vật chất trong lễ hội, sinh viên có thể tiết kiệm tiền sinh hoạt hàng tháng, họ có thể làm nhiều cách để kiếm tiền chi tiêu cho việc mua sắm.

Báo chí và các phương tiện truyền thông cung cấp nhiều thông tin về lễ hội phương Tây cũng góp phần quảng bá văn hóa phương Tây rộng rãi. Ngoài các kênh truyền thông giành riêng cho giới trẻ, các kênh khác của truyền hình Việt Nam đều đưa tin về các lễ hội này. Thậm chí các bản tin của kênh truyền hình trung ương cũng đưa tin liên tục, dày đặc về những lễ hội này. Nhiều hình ảnh, âm thanh, đoạn clip gắn với các lễ hội đều dễ dàng tìm kiếm trên   internet. Những nội dung thông tin này chủ yếu chứa đựng những yếu tố thương mại, chưa chú ý đến định hướng giá trị cho giới trẻ khi tham gia các hoạt động lễ hội.

Các dịp lễ hội phương Tây còn là dịp để học sinh, sinh viên hưởng thụ theo cách riêng của mình. Ngoài những hoạt động lành mạnh đem lại niềm vui và bổ ích, cũng có những trường hợp lợi dụng ngày diễn ra lễ hội để nhiều sinh viên sa đà vào những trò chơi, việc làm thiếu ý thức gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và lối sống. Đối tượng này dễ làm việc theo ý thích, sống buông thả, dễ dãi, chạy theo bề nổi nên cần được quan tâm và định hướng của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Các lễ hội phương Tây du nhập vào Việt Nam đã làm phong phú đời sống văn hóa của sinh viên, tạo nên sự gần gũi giữa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, chứng tỏ khả năng thích ứng của văn hóa dân tộc đối với văn hóa bên ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần có những định hướng từ sự quản lý của nhà nước về văn hóa để cân bằng những giá trị của văn hóa ngoại sinh và văn hóa nội sinh. Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta xác định: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa” (2).

____________

1. Ngô Đức Thịnh, Giá trị văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.86.

2. baochinhphu.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : PHẠM THỊ HẰNG

;