SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ ĐÚC ĐỒNG TRÀ ĐÔNG XƯA VÀ NAY

 

       Trà Đông (Kẻ Chè) là một làng nghề nổi tiếng trong hệ thống làng nghề của xứ Thanh. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, nghề đúc đồng ở làng Trà Đông cho đến ngày nay vẫn bảo lưu được nghề cổ truyền từ đời trước truyền lại. Người thợ đúc đồng Trà Đông trong quá trình làm nghề đã tạo ra những sắc thái riêng về lịch sử, kỹ thuật, tổ chức sản xuất, sản phẩm làng nghề so với các làng nghề đúc đồng trong cả nước.

Mặc dù không phải là quá trình tạo ra các sản phẩm có giá trị, khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn có một vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của một nghề thủ công. Hiệu quả của việc tiêu thụ sản phẩm là động lực về tinh thần và vật chất to lớn để tái sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho làng nghề. Mỗi làng nghề thủ công tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội đã tìm cho mình những cách thức tiêu thụ sản phẩm riêng. Do vậy, qua việc nghiên cứu cách thức tiêu thụ sản phẩm có thể thấy được một số đặc trưng nghề và làng. Đối với các làng nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu, việc nghiên cứu còn mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Qua nghiên cứu trường hợp làng Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Trong hệ thống làng nghề của Xứ Thanh, làng đúc đồng Trà Đông là làng nghề nổi tiếng và có vị trí quan trọng. Làng Trà Đông (tên Nôm là Kẻ Chè, còn có tên gọi khác là Trà Đồng, Trà Đúc hay Chè Đúc) (1). Nửa đầu TK XIX làng thuộc tổng Vận Quy, nằm ngay bên cạnh con sông đào nhà Lê, gần con đường tỉnh lộ đi lên các huyện miền núi Tây - Bắc Thanh Hóa. Nghề đúc đồng ở đây có mối liên hệ biện chứng với truyền thống chế tác đồ đồng của cư dân văn hóa Đông Sơn, đặc biệt làng chỉ cách Cồn Chân Tiên - nơi có di chỉ xưởng đúc đồng vào sơ kỳ thời đại đồng thau 6km. Người làng Trà Đông thờ ông tổ làng nghề là Thánh sư Khổng Minh Không (1066 - 1141) và hai người học trò họ Vũ, hàng năm đều tổ chức tế lễ (2).

Việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề Trà Đông khá thuận lợi do nằm kề đầu mối giao thông quan trọng. Từ TK X, Lê Đại Hành đã cho đào sông từ Đồng Cổ (huyện Yên Định) đến Bà Hòa (huyện Tĩnh Gia), đi qua vùng đất Kẻ Chè, Kỷ Rỵ, từ đó thuyền ra sông Mã, sông Chu cũng không xa. Vì vậy, người buôn các làng có thể dễ dàng đi đến các huyện xa hơn như Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy, thậm chí sang cả các tỉnh biên giới của Lào. Theo sông Mã, sông Chu đã hình thành hai luồng vận chuyển chính: một luồng từ thượng lưu xuống hạ lưu, vận chuyển hàng lâm sản và một luồng từ hạ lưu lên thượng lưu, vận chuyển hàng hải sản, gốm sứ, kim khí,... (3). Giao thông thuận lợi đã làm cho vùng đất này trở thành một trong những trung tâm lớn của đồng bằng sông Mã.

Tiêu thụ sản phẩm làng nghề đúc đồng Trà Đông ngày xưa

Theo khảo sát của tác giả, trước đây nghề đúc và sản phẩm đúc đồng (đồ gia dụng và đồ thờ cúng) của làng Trà Đông có lợi thế lớn là thị trường tiêu thụ rất rộng, không chỉ các làng quê đồng bằng và trung du, mà còn ở các bản làng của các tộc người thiểu số ở các huyện miền núi (4). Các tộc Thái, Mường, Khơ mú… tiêu thụ hai sản phẩm chính của thợ đúc làng Trà Đông là bộ ninh xôi (nồi đáy và chiếc ninh - người Việt gọi là chõ) và xanh đồng. Xưa kia, các tộc người thiểu số đều dùng gạo nếp làm lương thực chính. Bộ ninh xôi không chỉ gắn với bữa ăn hàng ngày, mà còn là biểu tượng cho sự sung túc của gia đình, biểu tượng quyền lực của người phụ nữ (5). Vì thế, mỗi gia đình phải có ít nhất một bộ ninh xôi, nhiều gia đình có tới 2, 3 bộ.

Chiếc xanh đồng cũng gắn với đời sống của từng gia đình người Thái. Theo tư liệu dân tộc học ở tộc người này, khi tổ chức cưới xin, gia đình nhà trai phải mang đến nhà gái một chiếc xanh còn mới. Khi nhà trai đến đón dâu, chiếc xanh đó được đặt trước gia đình hai họ. Những người thân (cô, dì, chú, bác) đã có gia đình của cô gái và chàng rể phải để những đồng tiền mừng cho đôi vợ chồng trẻ vào chiếc xanh đó. Sau lễ cưới, số tiền được trao lại cho cô gái, còn mẹ cô được giữ chiếc xanh đó như là biểu tượng cho sự trả ơn của chàng rể đối vơi công lao nuôi dưỡng của bà đối với con gái. Vì thế, hầu như mỗi gia đình người Thái đều phải sắm ít nhất một chiếc xanh trở lên.

Hai ví dụ trên cho thấy, ngay cả ở miền núi thì thị trường tiêu thụ sản phẩm đúc Trà Đông cũng rất lớn.

Sản phẩm đúc làng Trà Đông được tiêu thụ trước hết tại chợ làng (chợ Chè). Xưa kia, chợ họp tại đình làng nên còn gọi là chợ Đình. Chợ họp một tháng sáu phiên, vào các ngày 5 và 10. Vào các ngày chợ, các sản phẩm đúc gia dụng được người làng bày la liệt trong khuôn viên đình. Người các nơi đến mua hàng theo hai hình thức bán lẻ và bán buôn, rồi gánh bộ hoặc chất xuống thuyền chuyển theo đường Sông nhà Lê. Ngoài việc mua sản phẩm, người các nơi còn mang các đồ đồng nát đến bán cho các lò đúc đồng Trà Đông. Ngoài ra còn có cả những người buôn than lim từ các huyện Triệu Sơn, Nông Cống; những bè nứa, củi từ các huyện Ngọc Lặc, Mường Lát, Bá Thước, Thạch Thành… cập bến Sông nhà Lê ở trước cửa đình, bán cho các lò đúc đốt lò. Chợ Chè từ xưa nổi tiếng là trung tâm buôn bán đồ đồng và nguyên liệu đồng cùng các nguyên vật liệu khác phục vụ cho nghề đúc. Cảnh mua bán nhộn nhịp, tấp nập ở chợ Chè được mô tả trong ca dao:

Chợ Chè một tháng sáu phiên

Phường buôn, phường bán khắp miền về đây

Cảnh chợ buôn bán vui thay

Tiếng đồn Trà Đúc xưa nay vẫn truyền

Sản phẩm đúc làng Trà Đông còn được tiêu thụ phần lớn ở ngoài làng, song có nét đặc biệt. Nếu như ở làng đúc đồng Tống Xá (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), việc tiêu thụ sản phẩm do đội ngũ người làng vừa đem hàng của các chủ lò đem đi các nơi bán, vừa kết hợp thu mua nguyên liệu để bán lại cho chủ, thì ở Trà Đông, hai công việc trên do đội ngũ thương nhân là người các làng bên (làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung; làng Đại Bái, xã Thiệu Giao) thực hiện. Họ hình thành các phường buôn, mỗi phường thường gắn với một số chủ lò đúc nhất định của làng Trà Đông, kết hợp thu mua nguyên liệu cũ và bán sản phẩm mới. Ngoài các chợ phiên trong vùng, người buôn các làng còn gánh hàng đi bán rong khắp các làng quê. Mặt hàng họ đem đi bán (hoặc trao đổi lấy nguyên liệu) tùy thuộc vào nhu cầu của từng vùng, từng gia đình; thường mang đi một ít để chào hàng, nếu khách ưng thuận thì bán buôn, nếu sản phẩm chưa đúng với yêu cầu của khách thì về đặt các lò đúc Trà Đông làm để lần sau mang tới. Vừa bán đồ gia dụng, người buôn các làng còn kết hợp mua các đồ đồng cũ (hoặc đổi hàng mới lấy hàng đồng nát) về bán lại cho các chủ lò đúc Trà Đông. Mỗi người thường hành nghề tại một vùng quê nhất định, gọi là thổ, người khác biết thường không đi xen vào, vì biết rằng, có xen vào thổ đó cũng không có lộc và lệ các phường buôn cũng quy định khi đã có người nào bán hàng ở đâu, người khác không được vào để tranh mua tranh bán. Nguyên tắc này làm cho thị trường buôn bán của người các làng bên, cũng là thị trường tiêu thụ của sản phẩm đúc Trà Đông luôn ổn định. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, người buôn các làng đi đến các huyện xa hơn như Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy, thậm chí sang cả các tỉnh thuộc nước Lào tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa. Tùy theo độ xa gần mà họ chở hàng bằng xe trâu hoặc ngược theo đường sông Mã, sông Chu. Từ một địa điểm tập kết nhất định, họ gửi hàng rồi gánh đi các nơi bán. Điều này làm cho thị trường buôn bán của người các làng bên, cũng là thị trường tiêu thụ của sản phẩm đúc Trà Đông, luôn được mở rộng.

Những người buôn này đến các chủ lò đúc nhận hàng và được chịu tiền; khi bán hết hàng mới quay trở về thanh toán đầy đủ cho chủ lò, để rồi lại nhận tiếp đợt hàng mới đi bán. Cứ như thế, các lò đúc Trà Đông tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người các làng bên và người buôn các làng bên vừa cung cấp nguyên liệu, vừa tiêu thụ sản phẩm cho các lò đúc làng Chè. Giữa họ từ lâu đã hình thành mối quan hệ thân thiết, tin cậy lẫn nhau. Các bậc cao niên kể rằng chưa bao giờ có hiện tượng người buôn sau khi cầm hàng bỏ trốn quỵt tiền của chủ lò; cũng hầu như không có hiện tượng người các làng bên “chiếm dụng vốn” của các chủ lò đúc Trà Đông, tức bán hàng xong, giữ lại tiền dùng vào việc khác; trái lại, cứ bán hàng xong, người buôn lại đem tiền thanh toán cho chủ để nhận đợt hàng mới đem bán. Nghề đúc làng Trà Đông duy trì liền mạch sản xuất nhờ mối quan hệ kinh tế tin cậy này.

Ngoài người các phường buôn ở hai làng Phủ Lý và Đại Bái, sản phẩm đúc Trà Đông còn được tiêu thụ nhờ người ở các làng xa hơn, không phải là mối làm ăn thường xuyên. Theo nghệ nhân Lê Văn Bảy: lúc đầu, chưa thật thân quen, họ đến nhận hàng và trả hết tiền ngay cho người Trà Đông. Về sau, khi đã thân tín, họ chỉ đặt cược 30% giá trị số hàng mang đi, đến khi bán hết hàng trở về trả lại tiền cho chủ.

Với đồ thờ cúng, việc tiêu thụ rất khó khăn, vì đây là sản phẩm lâu hỏng và thường chỉ những gia đình khá giả, các đình chùa, đền miếu mới mua. Vì thế, trước đây người Trà Đông sản xuất các mặt hàng này một cách cầm chừng, thường theo đặt hàng của khách; còn sản xuất đại trà để bán rất hạn chế, vì tiêu thụ chậm, bị đọng vốn.

Những người đi bán hàng kết hợp hàn nồi - đồng nát cũng là người quảng cáo cho các sản phẩm của các lò đúc đồng (cả đồ gia dụng, đồ thờ cúng). Nhà nào cần mua đồ gì, người buôn giới thiệu đặc điểm sản phẩm, giá thành; nếu được chấp thuận sẽ hẹn thời điểm trở lại mang hàng đến; sau đó về nói với chủ lò đúc đồng làm hàng. Đương nhiên người buôn bao giờ cũng ăn chênh lệch từ cả hai phía.

Một đặc điểm nổi bật của thủ công nghiệp Việt Nam thời trung đại là gắn bó mật thiết với nông nghiệp, mặc dù trong một chừng mực nào đó thủ công nghiệp đã giải quyết được những nhu cầu cấp bách của dân làng nhưng trong thực tế chưa bao giờ tách khỏi nông nghiệp. Ngay cả những làng nghề đã có trình độ tổ chức sản xuất khá cao như Trà Đông cũng không là ngoại lệ. Từ khâu thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đều phản ánh nhịp điệu sản xuất nông nghiệp rõ nét. Các hoạt động liên quan đến sản xuất thủ công chỉ nhộn nhịp vào dịp nông nhàn. Mức tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào kết quả sản xuất nông nghiệp, được mùa hay mất mùa. Do đời sống mới chỉ hướng đến đủ ăn đủ mặc nên những sản phẩm tinh xảo ít thông dụng trong dân gian, chủ yếu cung cấp cho gia đình khá giả, quan lại, triều đình, với số lượng ít ỏi.

Tiêu thụ sản phẩm làng nghề đúc đồng Trà Đông ngày nay

Ngày nay, do nhiều lý do khác nhau nên số lượng các lò đúc đồng ở Trà Đông không còn nhiều. Hình ảnh chợ Chè tấp nập người mua bán với các sản phẩm từ nghề đúc đồng cũng đã đi vào quá khứ. Đất nước đổi mới, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, đời sống được cải thiện, vì vậy những đồ gia dụng từ làng đúc đồng Trà Đông không còn được ưa chuộng như xưa nữa, thay vào đó là những sản phẩm từ nguyên liệu và công nghệ hiện đại như inox... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở Trà Đông phát triển một sản phẩm mới rất được ưa chuộng, đó là trống đồng. Dựa vào những bản thảo và phác họa của nhà sử học Dương Trung Quốc, bằng bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ tinh tế của mình, nghệ nhân Lê Văn Bảy đã đúc thành công phiên bản trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn xưa kia. Sản phẩm này trở thành mặt hàng chiếm ưu thế của làng trên thị trường đồ đồng, được rất nhiều khách hàng yêu thích. Bên cạnh trống đồng, các loại tượng, hoành phi, câu đối, các đồ thờ cúng... cũng được đặt hàng rất nhiều. Hiện nay, ngoài một vài lò đúc có cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên TP Thanh Hóa, các gia đình còn lại đều mở cửa hàng tại nhà để bán sản phẩm. Khách hàng có nhu cầu, đến trực tiếp lò đúc để đặt và mua sản phẩm. Những khách hàng thân quen này giới thiệu cho bạn bè... đến mua hàng tại đây.

Trong những năm gần đây, quy mô sản xuất của các chủ lò đúc ngày càng mở rộng, trình độ tay nghề của thợ ngày càng nâng lên, nhu cầu của nền kinh tế quốc dân ngày càng cao đã làm cho nghề đúc ở Trà Đông có một thị trường rộng lớn hơn ở khắp mọi nơi trên đất nước, trên mọi lĩnh vực dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp. Đối tượng tiếp nhận sản phẩm đúc đồng Trà Đông không đơn thuần là các gia đình nông dân, các cá nhân mà cả các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước.

Các sản phẩm mang tính nghệ thuật có đường nét mềm mại, hoa văn phong phú đã có mặt ở nhiều đình chùa và các công trình văn hóa nghệ thuật, lễ nghi tôn giáo ở trong tỉnh và nhiều nơi trong nước.

Một số nhận xét

Sự biến đổi dễ nhận biết nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm ở làng Trà Đông nằm ở địa điểm. Trước đây, hầu hết sản phẩm được bán ở chợ làng, người mua chủ yếu là nhân dân quanh vùng. Ngày nay, các sản phẩm đúc được tiêu thụ tại nhà, khách hàng tự tìm đến, hoặc do người quen giới thiệu. Ngoài ra, còn có một số chủ lò đúc có cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên TP Thanh Hóa. Có thể nói đây là sự thay đổi quan trọng, trong việc mở rộng và quảng bá nghề, sản phẩm nghề đúc làng Trà Đông đến với đông đảo người tiêu dùng.

Một sự thay đổi nữa cần phải nhắc đến, đó là việc tiêu thụ sản phẩm ở ngoài làng là chủ yếu. Trước đây, công việc này do đội ngũ thương nhân là người các làng bên (làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung; làng Đại Bái, xã Thiệu Giao) thực hiện. Ngày nay, sản phẩm có tiêu thụ mạnh hay không phụ thuộc vào khả năng của chủ lò đúc. Ở Trà Đông, chủ lò đúc vừa là người chịu trách nhiệm về kỹ thuật của sản phẩm nhưng cũng chịu trách nhiệm đi tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Nói chung, chủ lò, người con trai làng Chè đứng được với nghề phải là những người tài giỏi, biết lo toan không chỉ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mà còn các mặt khác của đời sống gia đình. Và cũng chính điều này, họ là mẫu hình về người chồng trong con mắt của các cô gái làng bên:

Làng Chè đẹp lắm ai ơi

Một ngày hai bữa chỉ ngồi ăn không

Việc làm đã có ông chồng

Đúc một nồi đồng nuôi tám miệng ăn

Hay:

Làng Chè lắm mít nhiều gai

Mấy người tài giỏi như trai làng Chè

_______________

1. Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, Nghề thủ công truyền thống Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 1999.

2. Hà Mạnh Khoa, Làng nghề thủ công và làng khoa bảng thời phong kiến ở đồng bằng sông Mã, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

3. Charles Robe Quain, Tỉnh Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, 2012.

4. Phạm Tấn - Phạm Văn Tuấn, Địa chí Thiệu Hóa, Nxb Khoa học Xã hội, 2010.

5. Trong gia đình của người Thái xưa kia, bộ đồ xôi là biểu tượng về sự sung túc, cần cù, quyền lực của người phụ nữ. Khi một người con gái trong nhà yêu một chàng trai nào đó nhưng không được bố mẹ mình chấp nhận, cô gái quyết tâm đi theo chàng trai, cô ta bỏ 1 gói gồm vài đồng tiền, vài hạt gạo, 1 ít muối vào chiếc ninh xôi rồi bỏ đi theo chàng trai. Đến chiều mẹ cô gái về đem chiếc ninh để đồ xôi mà thấy gói đó là biết chắc cô gái đã không còn ở nhà với mình nữa. Các nhà Dân tộc học coi đây là một hình thức kéo vợ trong phong tục người Thái.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : Vũ Văn Tuyến

;