Quý I năm 2024: Hoạt động VHTTDL có nhiều khởi sắc, tạo sức lan tỏa lớn

Sáng 11-4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức họp báo thường kỳ Quý I năm 2024. Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì buổi họp báo.

Tham dự buổi họp còn có: đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước thuộc Bộ, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Toàn cảnh buổi họp báo

Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ VHTTDL, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, trong quý I, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, ngành VHTTDL đã tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, những Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn. Có thể nói, không gian văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, nhất là trên địa bàn dân cư, thôn, bản, tổ dân phố, cơ sở giáo dục, cơ quan hành chính, doanh nghiệp… thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội có nhiều thay đổi; cụm từ văn hóa theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp được nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, sinh viên, người dân, du khách thập phương… bàn luận, thực hành thường xuyên và ngày càng thực chất hơn. Đây là một chuyển biến hết sức quan trọng trong nhận thức và hành động để văn hóa từng bước thấm sâu, thật sự trở thành sức mạnh mội sinh của dân tộc.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì buổi họp báo

Tập thể Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ luôn giữ vững nguyên tắc thống nhất, đoàn kết, gương mẫu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, toàn diện các lĩnh vực công tác; quan tâm, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” tiếp tục thấm sâu trong Bộ và chính quyền các cấp.

Về công tác xây dựng thể chế: Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo triển khai: Quyết định số 162/QĐ-BVHTTDL ngày 19-1-2024 ban hành Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5-3-2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2024. Trong Quý I/2024, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) . Bộ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền thông qua một số văn bản quy phạm pháp luật khác đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024.

Lĩnh vực Văn hóa, gia đình: Bộ phê duyệt 3 Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) cho 29 hiện vật và nhóm hiện vật; Quyết định: xếp hạng 9 di tích quốc gia; cấp 5 quyết định thăm dò, khai quật khảo cổ cho các tỉnh/thành phố; đưa 26 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...Bên cạnh đó,  hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới; chỉnh sửa hồ sơ di sản tư liệu đề cử ghi danh vào Danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; chuẩn bị các hoạt động nhằm xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể: Mo Mường (Hòa Bình), Võ Cổ truyền Bình Định (Bình Định) và Nghệ thuật Chèo Đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình)…

Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Hữu Ngọc thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ Quý I năm 2024 của Bộ VHTTDL

Bộ cũng đang xây dựng: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; phê duyệt kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước…;  kế hoạch tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh và khán giả tại thành phố Điện Biên; chuẩn bị tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII; tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam; Cuộc thi Triển lãm tranh đồ họa 10 nước ASEAN…

Về lĩnh vực Thể dục, thể thao, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, lành mạnh; theo dõi, hướng dẫn các địa phương tổ chức Ngày Chạy Olympic toàn dân và tháng hoạt động TDTT cho mọi người …Tập trung tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia năm 2024 để chuẩn bị lực lượng vận động viên, chuẩn bị tham dự Olympic Paris 2024, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á tại Thái Lan…; tham dự các giải thi đấu nước ngoài đạt 23 huy chương vàng, 29 huy chương bạc, 32 huy chương đồng, tiêu biểu là vận động viên Võ Thị Kim Anh đội tuyển Boxing và VĐV Lê Thị Mộng Tuyền đội tuyển Bắn súng đạt suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã đạt 6 suất tham dự Olympic Paris 2024 ở các môn: Bơi, Bắn súng, Boxing, Xe đạp và Cử tạ.

Về lĩnh vực Du lịch, tháng 3-2024, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 1,6 triệu lượt, tăng 6,7% so với tháng 2-2024, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 8,5 triệu lượt, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch). Tính chung quý I năm 2024, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,64 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 30 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 195,1 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023.

Các phóng viên báo chí ở Trung ương và địa phương tại buổi Họp báo

Về nhiệm vụ trong tâm quý II năm 2024, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, Bộ VHTTDL tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", với phương châm "Tăng tốc, sáng tạo, về đích", tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Trong đó: tập trung xây dựng các văn bản, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024, tập trung hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án trong quý II/2024; Tổ chức: Tọa đàm Ngày quốc tế Bảo tàng năm 2024, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội thi Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Triển lãm tranh cổ động tấm lớn Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ…; Trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới...; Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Tổ chức Hội nghị toàn quốc về xúc tiến quảng bá du lịch nhân dịp hội chợ VITM năm 2024. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước thuộc Bộ giải đáp câu hỏi của đội ngũ phóng viên tại buổi họp báo

Cũng trong buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2024, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL đã giải đáp các câu hỏi của đội ngũ phóng viên báo chí.

Về chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức vào Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra vào 20 giờ 10 ngày 6-5, tại Quảng trường 7-5 thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Chương trình được Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức. Hiện tại, Nhà hát đã xây dựng kịch bản khung, dự kiến tên và tên chủ đề của chương trình là “Điện Biên phủ - Mốc vàng lịch sử”. Có khoảng 180 nghệ sĩ chuyên nghiệp và các lực lượng khác khoảng 780 người tham gia chương trình này. Bên cạnh các nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Tùng Dương, Dương Hoàng Yến, còn có các nghệ sĩ gạo cội, thành danh: NSND Quang Thọ, dự kiến có sự góp mặt của NSND Dương Minh Đức; và các nghệ sĩ tên tuổi trong làng Opera như Đào Tố Loan sẽ thể hiện tổ khúc hợp xướng Điện Biên – một tiết mục quan trọng trong chương trình…

Chương trình dự kiến có 3 chương, chương 1 có tên Toàn dân ra trận, chương 2 với tiêu đề Cuộc đối đầu lịch sử, tên của chương 3 là Điểm hẹn hòa bình. Hiện tại chương trình đang được Hội đồng nghệ thuật thẩm định để chốt nội dung…

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly chia sẻ thông tin về Chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh về 3 yếu tố khiến bộ phim "Đào, phở và piano" thu hút khán giả

Về câu hỏi bộ phim Đào, phở và piano được khán giả quan tâm nhiều thời gian qua, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, thời gian qua Bộ VHTTDL có ban hành Quyết định 316/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch phát hành thí điểm các phim: Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩ và 6 phim hoạt hình, đây là phim Nhà nước đặt hàng được chiếu ở các cụm rạp để xem khả năng doanh thu đối với những phim nhà nước đặt hàng. Đối với các phim nhà nước đặt hàng đều được sử dụng chiếu vào các tuần phim, đợt phim chiếu trong khắp cả nước hoặc tham gia các tuần phim Việt Nam ở nước ngoài; phim được gửi về các trung tâm điện ảnh tại 63 tỉnh, thành phố chiếu phục vụ nhân dân miễn phí, và chiếu cả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo phục vụ chính trị, nhân dân.

Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, phim Đào, phở và piano đạt 21 tỉ đồng, là phim đạt được doanh thu so với các phim chiếu cùng đợt, bởi hội tụ ba yếu tố. Đó là, bộ phim về đề tài lịch sử, nói về Hà Nội có nội dung tư tưởng tốt. Bên cạnh đó công tác dàn dựng, đạo diễn, cùng với đội ngũ diễn viên tròn vai. Yếu tố thứ hai là phim được sự ủng hộ của giới báo chí, truyền thông, cộng đồng mạng, mặc dù phim này không có kinh phí cho truyền thông, quảng cáo, phát hành. Một lý do nữa khiến phim có hiệu ứng tốt đó là phim có “điểm rơi” đẹp, đó là đúng vào dịp nghỉ Tết nên được khán giả đón xem; và cũng trong thời điểm đó đề tài của các bộ phim khác bị bão hòa. Qua đó cho thấy, không phải giới trẻ không quan tâm đến lịch sử của dân tộc.

Trong suốt thời gian qua, Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất phim, chưa có kinh phí dành cho phát hành phim. Mặc dù trước đây có Fafilm Việt Nam là đơn vị phát hành phim, nhưng sau khi cổ phần hóa đã bị tê liệt, không còn hoạt động. Chính vì vậy việc phát hành phim do Nhà nước đặt hàng chưa có đơn vị nào thực hiện. Hiện tại, Cục Điện ảnh đang đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL giao cho Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước sẽ làm nhiệm vụ phát hành phim nhà nước đặt hàng…

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết, Bộ VHTTDL luôn trân trọng và cảm ơn các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đồng hành cùng ngành VHTTDL trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục chung tay hỗ trợ, đồng hành trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối cũng như các lĩnh vực, hoạt động để Bộ, ngành ngày càng phát triển trong thời gian tới.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;