Bàn thảo giải pháp phát huy di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam

Sáng 10-4 tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975, đã mang tới nhiều góc nhìn.

Đoàn chủ tọa Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà cho biết: mảng phim truyện chiến tranh đã trở thành “di sản” cần được phát huy các giá trị của điện ảnh Việt Nam. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là cơ sở để các bên liên quan tham khảo, phục vụ công tác tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, giúp phim đề tài chiến tranh lịch sử của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói riêng và điện ảnh cách mạng Việt Nam nói chung phát triển.

Với điện ảnh Việt Nam, mảng phim chiến tranh là một nội dung lớn với khá nhiều bộ phim được sản xuất trong các thời kỳ: chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới, sau ngày thống nhất đất nước và sẽ còn mãi tới sau này. Những sự kiện, câu chuyện, nhân vật tham gia, làm nên các mốc lịch sử trọng đại của dân tộc sẽ luôn là nguồn cảm hứng để các thế hệ Việt Nam tự hào với lịch sử, với truyền thống yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ cha ông. Với góc nhìn đó, hội thảo tập trung vào bốn nội dung chính. Trong đó, nội dung thứ nhất nêu bật giá trị nghệ thuật, những đóng góp, thành công và hạn chế của phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam.

Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong nội dung thứ nhất, TS Hoàng Như Yến – nguyên Viện trưởng Viện Phim Việt Nam đã mang tới nhiều phân tích chuyên sâu qua tham luận Phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam: Hướng nghiên cứu chuyên sâu. Với nhiều năm công tác trong ngành, dự nhiều hội thảo, các buổi bảo vệ luận án và xem nhiều phim về đề tài chiến tranh từ các nguồn phim trong và ngoài nước, bài tham luận đã nêu vấn đề cần có những nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra nét riêng biệt, sự thành công cũng như các hạn chế của dòng phim này, qua đó giúp cho các nhà làm phim trẻ có thêm những góc tiếp cận mới về một đề tài không còn mới nhưng vẫn luôn có sức thu hút. Theo TS Hoàng Như Yến: Góc nhìn của mỗi thế hệ đều không hoàn toàn như nhau và đó cũng là điều cần thiết để lan tỏa tinh thần dân tộc, chí khí hào hùng của cha anh và cũng là sự khám phá lịch sử rất có ích.

TS Trần Quang Minh – Trưởng khoa Nghệ thuật điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội lại đi vào một mảng chuyên biệt với tham luận Một số suy nghĩ về tạo hình phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam. Với góc nhìn chuyên sâu, tham luận cũng giúp các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ có thêm những hiểu biết, hướng tiếp cận về mảng phim này trong tương lai khi cho rằng: Tạo hình của phim truyện đề tài chiến tranh đã tìm hướng đi mới phù hợp, với hình thức thể hiện phù hợp, đó là tìm tới việc sáng tạo những không gian mang tính biểu tượng. Sự kế thừa và phát triển này cũng là sự biến đổi mang tính tích cực.

Trong nội dung thứ hai tại Hội thảo, đề cập tới thực trạng lưu trữ, bảo quản tư liệu hình ảnh động trong đó có khối lượng lớn tác phẩm phim truyện đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam tại các đơn vị lưu trữ trên cả nước. Nội dung này nhận được khá nhiều ý kiến, cả qua tham luận lẫn phát biểu trực tiếp của các đại biểu tại hội nghị, khi tình trạng lưu trữ đáng báo động tại nhiều đơn vị, hãng phim dấy lên những lo ngại về kho tư liệu hình ảnh động quý giá của dân tộc có nguy cơ bị hỏng do nấm mốc, chua hóa…

Ths Lê Tuấn Anh – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam đã có những phân tích, đánh giá về thực trạng này qua tham luận Thực trạng lưu trữ tư liệu hình ảnh động tại Viện Phim Việt Nam và những cơ hội, thách thức trong thời kỳ mới. Theo ông Lê Tuấn Anh thì việc số hóa tư liệu hình ảnh động và áp dụng các công nghệ lưu trữ mới càng được thực hiện sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu trong việc bảo tồn những di sản nghe nhìn quốc gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Cùng đề cập về vấn đề này, Ths Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng có tham luận về Công tác lưu giữ, bảo quản phim ảnh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bà Đinh Thị Thúy Chinh – Trưởng phòng bảo quản Viện Phim Việt Nam chia sẻ tại hội thảo về mối lo ngại khi kinh phí, các hỗ trợ về kỹ thuật nếu không kịp thời sẽ dẫn đến kho tư liệu phim bị đe dọa khi nhiều bộ phim đã quá thời hạn cần sự lưu trữ, bảo quản trong các định dạng mới. Cùng chung mối lo, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng – Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều thước phim quý được đổi bằng máu, những sáng tạo, cống hiến của các thế hệ nghệ sĩ có nguy cơ mai một khi thiếu các điều kiện cần thiết trong bảo quản, lưu trữ tài liệu.

Nội dung thứ ba chỉ ra thực trạng khai thác, phổ biến phim truyện đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam qua các hình thức truyền thống và trên không gian mạng: Những đề xuất, giải pháp, kiến nghị. Đây có lẽ là nội dung nóng nhất của hội thảo khi bộ phim Đào, phở và piano đã đặt ra việc cần thiết phải có những chính sách, quy định để các bộ phim đặt hàng của nhà nước thuận lợi khi ra rạp. PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam với tham luận Khai thác, phổ biến phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đã có nhiều chia sẻ. Theo PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, ngày nay với nền kinh tế thị trường, khi các hãng phim tư nhân được tham gia hoạt động sản xuất phim thì phim truyện chiến tranh lại không phải sự lựa chọn số một với các nhà đầu tư.

Với quan điểm phim truyện chiến tranh thường kén khách, đòi hỏi mức đầu tư tốn kém mà khả năng thu hồi vốn lại rất khó khăn, các hoạt động sản xuất phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước. Do đó, rất cần những giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư cho dòng phim này. Chia sẻ tại Hội thảo, PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết, bộ phim Đào, phở và piano đã thu được 20,8 tỷ đồng trong khi kinh phí Nhà nước dành cho bộ phim vào khoảng 22 tỷ. Nếu có một cơ chế, nguồn kinh phí dành cho quảng bá phát hành thì các phim do nhà nước đặt hàng nói chung, phim về mảng đề tài chiến tranh nói riêng hoàn toàn có khả năng thu hồi vốn và có lãi.

Toàn cảnh Hội thảo

Về vấn đề phát hành phim, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng cũng mong muốn có một cơ chế, những hướng dẫn được cụ thể hóa trong các nghị định, văn bản hướng dẫn để các bộ phim tài liệu, khoa học nói chung, những thước phim quý về lịch sử có cơ hội được đến với đông đảo khán giả.

Nội dung thứ tư, đề xuất hệ thống giải pháp phát triển phim truyện điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh, góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Với tham luận Giải pháp phát triển phim truyện điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh trong bối cảnh hiện nay, nhà báo Ngô Thị Minh Nguyệt – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đề xuất 5 giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc bố trí ngân sách có thể xem xét ở nhiều mức độ, từ bao cấp toàn bộ đến đầu tư một phần hoặc bao cấp, trợ giá bao nhiêu phần trăm kinh phí sản xuất, phát hành. Việc cấp kinh phí cũng cần có sự tính toán hợp lý của bộ phận thẩm định dựa trên nội dung kịch bản, bối cảnh đặc thù hay độ khó của các cảnh kỹ xảo, mức độ thu hút, sự tham gia của các nhà đầu tư cho mỗi dự án cụ thể…

Phát biểu kết luận hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thế Hùng đánh giá, các ý kiến tại hội thảo đều hướng đến mong muốn điện ảnh Việt Nam sẽ có sự phát triển, tạo ra những tác phẩm chất lượng trong bối cảnh đang thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao về văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, hội thảo đã có sự đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam và phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, điện ảnh Việt Nam rất cần những giải pháp để phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

NGUYÊN AN - Ảnh: TRẦN HUẤN

;