Quảng Bình: ĐIểm sáng Đông Dương

Thôn Đông Dương nằm phía Bắc xã Quảng Phương - huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình; có diện tích đất tự nhiên 185,17 ha, 247 hộ dân với 908 nhân khẩu, tổng số lao động trong độ tuổi 545 người, chiếm tỷ lệ 60%. Đời sống kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn là sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền, đổi thửa cuối năm 2017, đến nay, thôn cơ bản đã quy hoạch, đầu tư và nâng cấp xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, nội thôn, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất phát triển kinh tế. Ngoài ra, thôn có một số hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ và phát triển một số ngành nghề khác nhưng không đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm, các thiết chế văn hóa trong thôn được củng cố và xây dựng, đường giao thông đi lại được nâng cấp xây dựng, tu bổ thuận lợi cho nhân dân đi lại cũng như thuận tiện cho trẻ em đến trường. Cán bộ và nhân dân trong thôn đoàn kết, tích cực tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời không ngừng nỗ lực phấn đấu thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển.

Xác định phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nhằm phát huy tính chủ động của người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, trong tổ chức sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa, sáng tạo văn hóa, đáp ứng với những nhu cầu thiết thực của nhân dân và phù hợp với sự phát triển chung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nên ngay từ khi phát động phong trào cán bộ và nhân dân thôn Đông Dương rất phấn khởi và đồng loạt hưởng ứng. Các nội dung về xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phòng, chống tội phạm, vệ sinh môi trường.. được Ban Cán sự thôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động để bà con tích cực tham gia. Bên cạnh đó, nhiều nội dung của phong trào được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn, xóm, của các đoàn thể để người dân thấm nhuần và nhận thức sâu sắc hơn, đồng thời gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thôn.

Để đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, các chi hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn vay trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, lập vườn… mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng được chú trọng và đạt kết quả cao. Đường làng, ngõ xóm từng bước bê tông hóa, việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan thôn sạch đẹp được Ban Cán sự thôn vận động, thường xuyên nhắc nhở bà con ý thức giữ gìn, cùng với Đoàn Thanh niên thực hiện phong trào ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, dọn dẹp đường làng ngõ xóm.

Thôn Đông Dương đã đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh. Hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe đã thành phong trào của toàn dân với nhiều hình thức phong phú như bóng chuyền, bóng đá, câu lạc bộ dưỡng sinh... được đông đảo người dân tham gia tạo không khí sôi nổi, vui vẻ . Song song với phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa cũng được quan tâm. Làng Đông Dương nổi tiếng về Đình làng Đông Dương, rừng trâm bầu và giếng Chăm cổ quanh năm nước ngọt trong lành. Ngôi làng nhỏ này còn có một gia tài vô giá đó là những làn điệu Ca trù với lối hát đứng độc nhất vô nhị. Câu lạc bộ Ca trù thôn Đông Dương thành lập với 9 thành viên năm 1999, không chỉ hát trong lễ hội truyền thống của làng mà còn tham gia và đoạt được giải cao trong các hội diễn do huyện và tỉnh tổ chức. Đội ngũ đào, kép của Câu lạc bộ Ca trù làng Đông Dương ngày càng được trẻ hóa, luôn có sưu tầm, sáng tác, luyện tập để phục vụ nhân dân trong làng và bà con vùng lân cận. Để duy trì được các hoạt động văn hóa này, trong những năm qua, Ban Cán sự thôn đã rất quan tâm chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vốn có của làng, tuyên truyền vận động bà con nhân dân cùng tham gia hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của để tôn tạo di tích lịch sử, trích một phần kinh phí để hỗ trợ cho CLB Ca trù hoạt động có hiệu quả. Lãnh đạo địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí cho CLB Ca trù hoạt động hằng năm, đặc biệt từ năm 2019, CLB được UBND huyện Quảng Trạch hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng/năm để hoạt động. Ca trù thực sự gắn bó với đời sống của người dân nơi đây. Với họ, Ca trù đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được, một món ăn tinh thần mang đậm bản sắc dân gian.

Qua 20 năm triển khai thực hiện phong trào, diện mạo thôn Đông Dương đã có những chuyển biến tích cực và khởi sắc, nhận thức của người dân đời sống văn hóa - xã hội cũng được nâng lên. Môi trường xanh, sạch, đẹp, tình hình trật tự được ổn định, quan hệ bà con xóm giềng ngày càng thân thiết, các mâu thuẫn tranh chấp được giải quyết kịp thời. Việc cưới, tang được thực hiện theo nếp sống mới; trong thôn không có hộ đói, hộ nghèo giảm. Các thiết chế văn hóa như Nhà văn hóa, Khu thể thao thôn được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện, tạo nên sự phấn khởi cho mỗi người dân. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong những năm qua, thôn Đông Dương luôn duy trì Thôn đạt chuẩn văn hóa cấp huyện, Gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 87%; là đơn vị tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vinh dự được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen. Những thành quả trên cho thấy sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của chính quyền, đoàn thể và nhân dân toàn thôn. Dù còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - văn hóa nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân thôn Đông Dương cố gắng giữ vững và phát huy thành tích của mình để phấn đấu trở thành điểm sáng của huyện Quảng Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

 

PHAN THỊ LỆ HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;