QUẢN LÝ NGUỒN NHÂN LỰC CÁC TỔ CHỨC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN HIỆN NAY

Chủ trương xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL đặt ra từ khá lâu, với kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để hoạt động nghệ thuật phát triển trong giai đoạn hội nhập. Đến nay, con đường này đã đi được nửa, tuy nhiên theo các tổ chức nghệ thuật biểu diễn, quá trình tự chủ vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được giải quyết.

Những năm gần đây, ở nước ta, tư tưởng coi con người là trung tâm của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã trở thành quan điểm có ý nghĩa định hướng các hoạt động xã hội. Việc phát hiện, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người là mục tiêu của sự phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nước ta. Nguồn nhân lực sáng tạo trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất trong cấu trúc của tổ chức nghệ thuật. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng nguồn lực này có hiệu quả, không phải tổ chức nghệ thuật nào cũng đạt được, thậm chí hầu hết các tổ chức nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những khủng hoảng trong vấn đề quản lý nói chung và quản lý nguồn nhân lực nói riêng.

Hiện nay, nhiều loại hình giải trí mới xuất hiện và cạnh tranh khán giả gay gắt. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ rất ít hoặc không còn quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống đã làm tăng những khó khăn mà ngành biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội phải đối mặt, đó là: đội ngũ lao động nghệ thuật trong các tổ chức nghệ thuật biểu diễn có trình độ chuyên môn nhưng đã quá tuổi nghề, không biểu diễn được vẫn được hưởng lương cao, người có năng khiếu không muốn đi theo con đường nghệ thuật, người có tâm huyết với nghề lại khó mang đến những nguồn thu nhập đủ trang trải trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật khi tuyển dụng và đãi ngộ nghệ sĩ còn bị chi phối bởi cơ chế bao cấp trước đây. Có những tổ chức nghệ thuật đông nhân lực nhưng chất lượng công việc vẫn không cao, việc bố trí sắp xếp công việc cho những nghệ sĩ đã hết tuổi nghề nhưng tuổi đời vẫn còn trẻ đang đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý… Điều đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của tổ chức nghệ thuật biểu diễn.

Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có các văn bản, nghị quyết, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển nền văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Cụ thể là, từ sau công cuộc đổi mới, các tổ chức văn hóa nghệ thuật thực hiện theo đường lối của Đảng là xã hội hóa văn hóa nên phải dần giảm đi sự hỗ trợ từ nguồn bao cấp Nhà nước, tiến tới tự thu, chi, tự hoạch toán kinh doanh. Do đó, đòi hỏi các tổ chức văn hóa nghệ thuật phải phát huy nguồn nội lực mà yếu tố quan trọng hàng đầu đó chính là nhân lực.

 Thực tế, một số tổ chức văn hóa nghệ thuật thuộc khu vực Nhà nước đã thực hiện Nghị định số 43-NĐ/CP ngày 25 - 4 - 2006 của Chính phủ, về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (1); tiếp đến là Nghị định số 16-NĐ/CP ngày 14 - 2 - 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (2). Mục tiêu căn bản của các đơn vị nghệ thuật tự chủ về tài chính là chủ động bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng vở diễn nghệ thuật, chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị, phân phối tiền lương gắn với chất lượng và hiệu quả công việc… Trong những năm qua, những đơn vị văn hóa nghệ thuật hoạt động theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là các tổ chức nghệ thuật biểu diễn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề quản lý nguồn nhân lực còn bộc lộ nhiều vấn đề cả tích cực và tiêu cực. Điều này thu hút khá nhiều mối quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như nhà quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Những thách thức đối với tổ chức nghệ thuật biểu diễn

Những năm qua, các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập được sống trong bầu sữa mẹ, với mức bao cấp của Nhà nước cho mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng/ nhà hát, nay khuynh hướng cắt giảm nguồn tài trợ từ Nhà nước cho văn hóa nghệ thuật đã và đang diễn ra (3). Cụ thể, năm 2016, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thực hiện cắt giảm 30% ngân sách nhà nước. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng cho biết, trước việc tự chủ, nhà hát gặp rất nhiều khó khăn: tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca, múa, nhạc là loại hình nghệ thuật khác nhau, điều kiện khán giả khác nhau, xây dựng tác phẩm khác nhau... Khi chuyển đổi cơ chế sang lộ trình thí điểm theo đơn đặt hàng và giao nhiệm vụ thì yêu cầu phải có kịch bản. Kịch có thể có mấy chục tác giả viết kịch, nhưng tuồng chỉ có 1 đến 2 tác giả viết tuồng. Vậy mà chúng ta đang thực hiện chế độ cào bằng, tuồng cũng như chèo, chèo cũng như cải lương, múa, hát, kịch… Rồi có những đêm diễn rạp Hồng Hà chỉ bán được 2-3 vé. Như thế thì có thể tự chủ được hay không, ông Tuấn cho rằng rất khó, vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế riêng, đầu tư đặc thù với những tổ chức nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Đồng quan điểm trên, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng tự chủ tài chính sẽ khiến các tổ chức nghệ thuật biểu diễn đối mặt với rất nhiều khó khăn: “Hiện nay, để trả lương và các chi phí thông thường, nhà hát đã mất 6 - 7 tỷ/năm. Với tình hình kinh doanh hiện nay thì không thể kiếm được từng ấy tiền. Có những vở dựng với số tiền đầu tư rất lớn, được khán giả yêu thích, nhưng nếu bảo kinh doanh bán vé thì rất khó. Mỗi năm nhà hát chỉ kiếm được 2 tỷ đồng thì lấy đâu trả được lương”.

Tự chủ nhưng cơ chế chưa thông

 Điều băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo các tổ chức nghệ thuật biểu diễn trong lộ trình tự thu, tự chi còn nằm ở cơ chế. Để có thể sống được, các nhà hát không còn cách nào khác là phải tinh gọn lại bộ máy, nhưng cách làm như thế nào thì hoàn toàn là bài toán khó. Mỗi nhà hát, từ lâu luôn tồn tại một lượng diễn viên không diễn nhưng mỗi tháng vẫn đều đặn lĩnh lương. Vì thế, khi được tự chủ, mỗi giám đốc đều đang loay hoay trong việc sắp xếp nhân lực. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tỏ ra bế tắc trong việc tìm cách giải quyết chế độ cho mấy chục nghệ sĩ không làm việc nhưng vẫn nhận lương: “Xiếc là môn nghệ thuật đặc thù, vất vả và tuổi nghề rất ngắn. Ở lại thì khó cho cả hai bên, Liên đoàn Xiếc không có tiền trả lương, còn nghệ sĩ khi được chuyển sang làm công việc khác như soát vé, chiếu đèn… vì tính tự ái nghệ sĩ nên họ không làm. Chúng tôi đang tìm cách để kiến nghị giải quyết chế độ cho những nghệ sĩ đã quá tuổi biểu diễn này ở Liên đoàn, nhưng xem ra không dễ dàng”. Cũng theo NSND Tạ Duy Ánh, khi bước vào cơ chế tự chủ, lương là vấn đề vướng mắc nhất đối với các nhà hát. Tuy nhiên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn khó khăn hơn. Trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam có đoàn xiếc thú, tiêu tốn rất nhiều tiền cho thức ăn hàng ngày, dẫu là khó khăn về mặt kinh phí nhưng Liên đoàn không thể cắt khẩu phần của những con thú ấy được. Theo NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: điểm tốt, tích cực của tự chủ là các nhà hát được tự thu chi. Tuy nhiên lộ trình này gặp phải nhiều vướng mắc. Theo ông: “Tự chủ là phải tự chủ về tư duy, tự chủ về sáng tạo và tự chủ quyết định sống và chết của nhà hát. Nhưng, nhà hát dựng vở nào, phải được Bộ đồng ý. Vở này dựng được, vở kia không dựng được, khiến chúng tôi bị động. Như thế, đâu còn là tự chủ thu, chi”. Trong khi đó, NSND Trần Bình cho biết, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam là đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhưng đến nay các cơ chế, tổ chức, tài chính vẫn là cơ chế áp dụng cho những đơn vị được bao cấp. Chính vì thế ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch, hoạt động của Nhà hát, chưa tạo được điều kiện thuận lợi để Nhà hát có thể bươn trải trong cơ chế thị trường, xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Sự kết hợp giữa các doanh nghiệp với nhà hát

Lộ trình tiến tới tự chủ của các nhà hát là con đường đầy chông gai, nhưng các nhà hát vẫn phải tìm mọi cách để vượt lên, phải tự tìm hướng đi cho đơn vị mình. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nghệ thuật, tìm cách kéo công chúng đến với sân khấu, nhiều nhà hát đã tìm đến các mạnh thường quân, tìm cách kết nối với các doanh nghiệp lớn kêu gọi đầu tư cho hoạt động sân khấu.

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh cho rằng, cơ chế tự chủ sẽ bắt các nhà hát phải tìm đầu ra cho các vở diễn của mình. Đồng thời, nó cũng mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị nghệ thuật và các doanh nghiệp phải tìm đến nhau để tạo nên cái lợi cho xã hội. Các doanh nghiệp có cơ hội để quảng bá các thương hiệu của mình thông qua các sản phẩm nghệ thuật. Đồng thời sẽ mang đến cho khán giả có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc doanh nghiệp và Nhà nước bắt tay nhau, Nhà nước phải có những chính sách cơ chế hợp lý cho doanh nghiệp khi tham gia thúc đẩy xã hội hóa nghệ thuật, từ đó tạo nên những sản phẩm tốt hơn. Nhà nước cũng không nên thả nổi cho doanh nghiệp và nhà hát kết hợp tùy ý.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng để các nhà hát tồn tại và phát triển, phải có những điều kiện nhất định. Đó phải là sự công bằng chung với tất cả các nhà hát, khán giả giờ đây có trình độ thưởng thức rất cao, trong quá trình phục vụ khán giả nếu sản phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ không tốt và giáo dục kém, đương nhiên sản phẩm nghệ thuật không thể tồn tại.

Không còn đường lùi, các tổ chức nghệ thuật biểu diễn sẽ phải tìm mọi cách để vượt lên. NSND Lê Khanh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng để tự chủ trước hết hiện nay là cần phải đào tạo lại con người. Đào tạo nhiều trong một chứ không nên đào tạo cục bộ. Kịch là chỉ biết diễn, múa chỉ biết múa, ca chỉ biết ca, mà tối thiểu là ba trong một và còn nhiều thứ khác. Với khối nghệ sĩ hơn 60 người, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, một đơn vị tự chủ 100% hiện nay đang thực hiện phương án khoán buổi biểu diễn, khoán tiền cho mỗi chương trình nghệ thuật. Ngoài ra, nhà hát còn sử dụng phương án kích cầu nghệ sĩ, đây được coi là một bước cải tiến của nhà hát. Như vậy đòi hỏi diễn viên nghệ sĩ phải có chuyên môn tốt hơn, thanh sắc người lao động phải giữ hơn. Nếu không đảm bảo nhà hát sẽ không sử dụng, thu nhập sẽ kém đi. Nhà hát còn có chính sách mở cửa đón những ngôi sao ca nhạc từ bên ngoài. Thêm vào đó, nhà hát có chế độ chăm lo cho các diễn viên ngay từ đầu như để các diễn viên trẻ tham gia các cuộc thi trên truyền hình và trở thành một ngôi sao thị trường.

Ông Hoàng Văn Long, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, trước tình hình tự chủ của đơn vị, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã sắp xếp lại, giảm bớt những nhân lực yếu kém. Trước đây, 3 - 4 người một việc thì giờ đây một người làm 2 - 3 việc. Trước kia một đoàn diễn viên cứng có hơn 40 diễn viên, nhưng giờ đây chỉ còn từ 30 - 32 diễn viên. Có như vậy thì Nhà hát Tuồng mới nuôi được bộ máy, đủ người chứ không thừa không thiếu.

Nâng cao chất lượng nhân lực của các tổ chức nghệ thuật biểu diễn

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Việc xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật đã được Nhà nước ban hành từ rất lâu. Đây là hoạt động có hiệu quả tạo cho đơn vị nghệ thuật năng động hơn, tích cực hơn, dàn dựng những tiết mục hay để phục vụ nhân dân. Bán vé để đầu tư hỗ trợ dàn dựng những tác phẩm có chất lượng phục vụ công chúng và mang lại nguồn thu cho tổ chức nghệ thuật. Xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật sẽ giúp các nhà hát nghệ thuật truyền thống năng động hơn, hợp tác, kêu gọi tài trợ cho hoạt động nghệ thuật có chất lượng, có những tiết mục phục vụ cho nhân dân và giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện tại, trong quy hoạch và phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Nhà nước đã có những đầu tư chăm lo đến những môn nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra, có những chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên các chuyên ngành: nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc… được giảm 70% học phí. Bộ VHTTDL hỗ trợ các tổ chức nghệ thuật biểu diễn liên kết với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tự tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực. Mới đây, Bộ còn có đề án đào tạo những diễn viên, nhạc công của những môn nghệ thuật truyền thống cho các tổ chức nghệ thuật biểu diễn trên cả nước.

 Xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật là cần thiết, nhưng Nhà nước vẫn cần có những ưu tiên chăm lo hơn cho những loại hình nghệ thuật truyền thống. Đó là, Nhà nước vẫn phải đầu tư hỗ trợ dàn dựng và biểu diễn cho các tổ chức nghệ thuật sân khấu truyền thống. Những tổ chức nghệ thuật có tác phẩm nghệ thuật chất lượng sẽ được Nhà nước đặt hàng và có chính sách bảo tồn và phát triển đi đôi với nhau. Đồng thời cũng cần có chính sách hỗ trợ nhằm tăng thêm mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và phụ cấp nguy hiểm cho các nghệ sĩ, bằng nguồn thu sự nghiệp của các tổ chức nghệ thuật.

Trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông, các tổ chức nghệ thuật phải chủ động thông tin giới thiệu, tiếp thị, quảng bá các sản phẩm nghệ thuật của tổ chức tới các đối tượng đa dạng hơn, chứ không đơn thuần chỉ là bán vé. Bên cạnh đó, khi bước vào cơ chế tự chủ, tự sống bằng chính thực lực của đơn vị, bắt buộc các tổ chức nghệ thuật biểu diễn phải kiện toàn lại bộ máy tổ chức của mình. Điều đó có nghĩa các tổ chức nghệ thuật biểu diễn buộc phải tinh giảm bộ máy một cách gọn nhẹ nhất, thay vì cồng kềnh như trước.

Có thể thấy, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng quản lý nguồn nhân lực chưa tốt của các tổ chức nghệ thuật như hiện nay, là do cơ chế bao cấp lâu ngày, chế độ cào bằng đã không phát huy được tính sáng tạo của đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ của Nhà nước chưa khuyến khích được năng lực của người lao động, khi nghệ sĩ vẫn còn phải lo cơm, áo, gạo, tiền, họ khó có thể thăng hoa trong công việc được. Hệ thống chính sách của Nhà nước chưa thực sự hỗ trợ, phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong nghệ thuật cũng như trong quản lý của các nhà hát; kiến thức và năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nghệ thuật của các nhà hát còn hạn chế; nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.

Chính vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách vĩ mô và vi mô nhằm khuyến khích tính tự chủ, năng động, sáng tạo và hỗ trợ các tổ chức nghệ thuật hoạt động hiệu quả hơn. Phát triển các chương trình nâng cao năng lực về quản lý văn hóa nghệ thuật cho các tổ chức này. Cụ thể là: tinh giảm bộ máy gọn nhẹ, sử dụng lao động theo mùa vụ và lao động ngoài. Tạo môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ cho người lao động để có thể phát huy tính sáng tạo của mình. Xây dựng cơ chế đãi ngộ như lương, phụ cấp để nghệ sĩ có thể yên tâm cống hiến cho nghề và có chế độ khen thưởng, kỷ luật hợp lý. Các tổ chức nghệ thuật biểu diễn cũng cần chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Có thực hiện được những giải pháp nêu trên, các tổ chức nghệ thuật biểu diễn mới có thể phát triển và hội nhập trước xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay.

_____________

1. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 - 4 - 2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 - 2 - 2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Báo cáo tổng kết công tác năm của 12 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL, từ năm 2012 - 2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN THANH XUÂN

;