Phước Long và những nét đẹp từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Đã hai mươi năm, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) cùng những tác động tích cực đối với việc thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những ngày đầu mới tái lập huyện, Phước Long được xem là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bạc Liêu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 22%, cuộc sống của người dân phụ thuộc rất lớn vào sản xuất nông nghiệp nhưng lĩnh vực nông nghiệp lại mang nặng tính độc canh cây lúa, thu nhập bình quân đầu người thấp còn thấp, đời sống của một bộ phận người dân nông thôn còn trong tình trạng thiếu trước hụt sau.

Giờ đây, cũng trên mảnh đất này, mọi sự đều đã thay đổi, đó là những cây cầu khỉ lắt lẻo gập ghềnh khó đi ngày nào đã được thay bằng những cây cầu bê tông cốt thép vững chắc; những con đường đất đỏ, đất đen lầy lội ngày nào giờ cũng thành đường thảm nhựa, chạy dài từ trung tâm huyện đến hầu hết các ấp vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến năm xưa và đến nay hầu hết xe ô tô đều về đến được trung tâm các xã; những căn nhà lá cũng đã thay thế bằng những ngôi nhà tường khang trang; những cánh đồng lúa mỗi năm chỉ sản xuất được 1 hoặc 2 vụ lúa thì nay đã thành 3 vụ trong năm với năng suất, hiệu quả và sản lượng không ngừng tăng lên... Cùng với đó, các công trình hạ tầng phúc lợi xã hội cũng được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, tất cả đã hòa quyện cùng nhau góp phần tạo nên dáng dấp một Phước Long hôm nay thật sự thay da, đổi thịt, xua đi cái thời đầy gian khó.

“Nhờ thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà diện mạo nông thôn hôm nay như thay áo mới, an ninh trật tự ở địa bàn dân cư ngày càng ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên đáng kể”… là cảm nhận của ông Nguyễn Út Thôi ở ấp Huê 3 (xã Vĩnh Phú Đông – Phước Long) và nhiều người dân trong huyện Phước Long. “Để có được thành quả này, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết, tích cực thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào”.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình anh Nguyễn Hoàng Thành (đứng giữa) thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Hữu Thành, một gia đình giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa 10 năm liền ở ấp Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long – Bạc Liêu) bày tỏ: “Xây dựng gia đình văn hóa là phong trào hợp lòng dân, được nhà nhà đồng thuận và hợp sức thực hiện bằng nhiều hành động cụ thể. Đặc biệt, vai trò của mỗi hộ gia đình rất được đề cao phát huy qua các mô hình: Gia đình văn hóa 3 thế hệ, Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ Ông bà mẫu mực – con cháu thảo hiền… Không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phong trào còn góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự”.

Điều ấn tượng nhất ở huyện Phước Long trong 20 năm qua là từ một huyện nghèo, giờ hộ nghèo đã giảm xuống còn 0,51% (theo phương pháp tiếp cận đa chiều). Đặc biệt, không còn trường hợp nhà ở lụp xụp trong dân và huyện cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng khó khăn về nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Ông Lê Văn Tần, Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết: Đến cuối tháng 9 năm 2020, Phước Long có 67/67 ấp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để công nhận 2 ấp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng xã Phước Long, xã Phong Thạnh Tây B trở thành đô thị loại V và thị trấn Phước Long trở thành đô thị loại IV.

Ông Nguyễn Hữu Thành (thứ 2 từ trái qua) cùng người dân chăm sóc hoa kiểng hai bên tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ấp Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long – Bạc Liêu), góp phần bảo vệ công trình và làm đẹp cảnh quan nông thôn.

“Những kết quả đạt được đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo ra những chuyển biến trên nhiều phương diện ở khu vực nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống” – ông Tần nói.

Có thể khẳng định rằng, qua 20 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Phước Long đã triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp, cách làm mang tính sáng tạo, đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về xã hội, thực hiện tốt công tác quốc phòng – an ninh, phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, trở ngại, biết tin và dựa vào sức mạnh của nhân dân nên Đảng bộ và nhân dân huyện Phước Long đã giành nhiều thành tựu thật đáng tự hào. 

Tác giả: Phương Nghi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

;