Giáo viên Diễn Châu là nòng cốt xây dựng đời sống văn hóa

Giáo viên, học sinh các xã vùng biển huyện Diễn Châu (Nghệ An) thu gom rác thải bảo vệ môi trường biển

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 126 cơ sở giáo dục, với hơn 74.600 học sinh các cấp và 3.800 giáo viên. Toàn huyện có hơn 2.000 giáo viên đã nghỉ hưu đang sinh hoạt ở 285 xóm, khu dân cư ở 38 xã, thị trấn. Ngoài tuyến đường sắt Bắc Nam, Diễn Châu có tuyến đường quốc lộ 1A, 7A, 48A và 2 con đường tỉnh lộ chạy qua. Trong số 126 cơ sở giáo dục, có 60% số trường xây dựng dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Để chấp hành luật An toàn giao thông, 100% trường học xây dựng cổng trường an toàn giao thông, tổ chức cho các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh học tập Luật An toàn giao thông, Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống tác hại ma túy, HIV. Cách làm này để học sinh, các bậc phụ huynh lĩnh hội lẽ sống, đạo đức từ nhà trường về tác động đến gia đình, họ hàng, làng xóm, hành xử đúng pháp luật trong sản xuất kinh doanh theo các phương thức mới; trong nuôi dưỡng, củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng đời sống ở khu dân cư.

Các thầy cô giáo ở huyện Diễn Châu còn trực tiếp vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp bà con làng xóm nơi mình cư trú lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài, cưu mang giúp đỡ học sinh nghèo, trẻ khuyết tật vươn lên học tốt, đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới (NTM). Họ còn là những cô giáo, thầy giáo gương mẫu thực hiện quy ước, hương ước nông thôn, quy ước văn hóa, gia đình văn hóa, giữ gìn trật tự trị an thôn xóm. Chỉ tính trong 10 năm xây dựng NTM (từ năm 2011 - 2019), bình quân mỗi gia đình giáo viên ủng hộ từ 60 - 70 ngày công, từ 3 - 5  triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, bãi tập thể thao, khu vui chơi giải trí. Là những người có tri thức, các thầy, cô giáo ở Diễn Châu thường được bà con cậy nhờ, hỏi han trong nhiều việc từ làm ăn đến cư xử. Hiện tại, toàn huyện có 38 giáo viên về hưu trực tiếp làm Chủ tịch Hội Khuyến học ở 38 xã, thị trấn.

Không những trực tiếp dạy văn hóa, đạo đức trong trường học, các thầy cô giáo còn dạy hát, dạy múa, dạy cách cắm hoa, trang trí nhà cửa, lời hay ý đẹp. Phong trào đó đã lan tỏa về tận 285 thôn xóm, khu dân cư ở cả 38 xã, thị trấn trong huyện. Từ 25 xóm ở xã miền núi Diễn Lâm đến 9 xã bãi ngang ven biển, tỏa về 22 xã có đồng bào theo đạo công giáo ở huyện Diễn Châu, hầu như mọi hoạt động văn hóa, xã hội đều không thể vắng bóng các thầy, cô giáo. Các thầy cô không chỉ “cõng chữ” lên 7 xã vùng đồi núi mà còn góp phần đưa ánh sáng văn hóa về những xã vùng sâu, vùng giáp ranh với các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An. Hệ thống giáo dục đã trở thành một phần tất yếu trong hệ thống văn hóa của cả huyện Diễn Châu.

Tuy nhiên, không phải ai và ở đâu cũng nhận thức rõ vai trò nòng cốt trong văn hóa xã hội của thầy cô và nhà trường. Theo nếp chung, hay theo thói quen, một số cán bộ ở xã, ở xóm không coi họ là chỗ dựa, một thành phần  quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đưa kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật làm giàu cho quê hương. Nhờ sự chung tay vào cuộc, của các thầy cô giáo - lực lượng làm công tác văn hóa xã hội tích cực của mỗi miền quê  mà sau 35 năm đổi mới, nhất là 10 năm xây dựng nông thôn mới, Diễn Châu đã hoàn thành nhanh gọn chương trình kiên cố hóa trường lớp, với 100% số xã, thị trấn, xây dựng được trường học cao tầng, trong đó có 36 xã xây dựng được trường cao tầng cho cả 3 cấp học. Huy động trẻ đến trường đạt 100%. Không có học sinh nghèo, trẻ khuyết tật bỏ học, thất học. 100% số xã, thị trấn và dòng họ xây dựng được quỹ khuyến học, khuyến tài, có số dư từ 100 đến 120 triệu đồng/ xã. Đến  năm học 2020 – 2021, toàn huyện có 126 cơ sở giáo dục đạt danh hiệu Đơn vị văn hóa, hơn 100 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Năm 2003, trường tiểu học xã Diễn Xuân được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 36 xã có thiết chế văn hóa đạt chuẩn và 250 xóm được công nhận Làng văn hóa. Hơn 6.900 hộ /74. 000 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Phòng Giáo dục - Đào tạo Diễn Châu 17 năm liền đứng đầu về giáo dục của tỉnh Nghệ An, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục tặng Bằng khen. Đời vật chất tinh thần của người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân vào năm 2020 đạt 53 triệu đồng/ người. Tổng thu nhập trên địa bàn đạt mỗi năm từ 9.500 tỷ đồng đến 12.000 tỷ đồng. Hộ nghèo chỉ còn 0,7 %. Hộ giàu và khá thu từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng hộ/ năm, chiếm 70%. Thu ngân sách năm 2018 đạt 536 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn huyện có 34 xã đạt chuẩn NTM. Thành quả này có sự đóng góp lớn lao của các thế hệ thầy, cô giáo ở cả 126 cơ sở giáo dục và 38 xã, thị trấn trong huyện.

Tác giả: Lê Hoài Thung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;