Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Mường ở Cẩm Lương (Thanh Hóa)

Cẩm Lương là xã vùng cao của huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, nơi có suối cá thần - tài nguyên du lịch hấp dẫn, điều kiện cơ bản để phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch cộng đồng. Dù vẫn ở bước đầu hình thành, nhưng du lịch cộng đồng tại Cẩm Lương đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân người Mường ở địa phương. Bài viết trình bày sự thay đổi cách nhìn nhận về hướng phát triển du lịch, cách làm du lịch tạo ra thu nhập bền vững từ các cấp quản lý đến người dân trong cộng đồng, sự thay đổi trong nhận thức về bảo tồn những giá trị văn hóa và tài nguyên môi trường của địa phương.

1. Tình hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Cẩm Lương

Cẩm Lương nằm ở bờ Bắc sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa 80km về phía Tây Bắc, nằm ẩn mình dưới chân núi Trường Sinh, xã Cẩm Lương được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí với suối cá thần thấm đẫm huyền thoại và những bí ẩn của tự nhiên còn ẩn dấu chưa được khám phá. Người dân nơi đây còn lưu giữ rất nhiều những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng của người Mường.

Từ khi suối cá thần ở làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương được biết đến, nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Theo thống kê của Sở VHTTDL Thanh Hóa, năm 2010 lượng khách đến với Cẩm Lương là 150.000 lượt khách, đến năm 2019 đã tăng lên 300.000 lượt khách đạt doanh thu 5,7 tỷ đồng. Hoạt động du lịch đã làm thay đổi đáng kể diện mạo đời sống của người dân nơi đây.

Tạo thu nhập bền vững

Trong thời gian qua, việc phát triển theo hướng du lịch cộng đồng đã đem lại cho tỉnh Thanh Hóa nói chung và Cẩm Lương nói riêng, những hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện đời sống của người dân tại các làng, bản. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng tại Cẩm Lương do chính cộng đồng hướng dẫn và phục vụ khách đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào việc cải thiện kinh tế gia đình. Trong tổng số 53 hộ dân được điều tra, kết quả cho thấy, nguồn thu từ dịch vụ du lịch chiếm vị chí hàng đầu (54,10% tổng nguồn thu). Theo số liệu nguồn thu nhập của các hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch, ít nhất là 3.000.000 đồng/tháng, cao nhất là 45.000.000 đồng/tháng.

Bảng: Nguồn thu nhập của các hộ người Mường - số liệu điền dã của tác giả tháng 5-2019

Bảng thống kê cho thấy, tỷ lệ các hộ có thu nhập dưới 3.000.000 đồng/tháng là rất ít, chiếm 5,7%, số hộ có thu nhập trên 10.000.000 đồng/tháng có xu hướng tăng cao chiếm 25%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tiếp cận theo hướng đa chiều số hộ đói nghèo theo tiêu chí mới giảm 4,63% (1). Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng ở Cẩm Lương chưa cao, nhưng đã cung cấp trực tiếp việc làm cho đồng bào người Mường tạo thu nhập bền vững và mở ra hướng phát triển mới trong hoạt động du lịch.

 Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với lợi ích cộng đồng

Tại xã Cẩm Lương, các cấp lãnh đạo cùng với người dân ở nhiều bản làng đã nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa địa phương bằng cách chú trọng đầu tư phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào để nét đẹp văn hóa vùng cao không bị mai một. Năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng dự án về xây dựng và bảo tồn làng văn hóa Lương Ngọc xã Cẩm Lương của đồng bào dân tộc Mường. Từ cấu trúc làng, nghệ thuật trang trí nhà sàn đến không gian sinh hoạt,… được dựng, tạo thành vòng tròn khép kín theo nguyên mẫu bản Mường cổ. Đồng bào Mường đã lấy văn hóa để kết hợp cùng làm du lịch, phục vụ du khách gắn với công tác bảo tồn trước nguy cơ biến dạng của xu thế hiện đại hóa trong nhận thức của người dân vùng cao. Cuộc sống của người Mường có nhiều đổi thay nhưng không gian văn hóa làng, ẩm thực truyền thống của người Mường… vẫn còn khá nguyên vẹn. Thu nhập của đồng bào được cải thiện, có tác động tích cực đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường. Các hoạt động du lịch còn góp phần trong công tác bảo vệ môi trường và gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vẫn còn nhiều khó khăn trên con đường phát triển, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều làng, để kết nối các điểm đến với nhau, tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa cộng đồng, chính quyền, các doanh nghiệp lữ hành, cũng như để duy trì những thành công đã đạt được.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường của người dân

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường trên toàn cầu, việc phát triển du lịch cộng đồng là một trong những giải pháp khả thi, góp phần vào việc giáo dục cả du khách lẫn đồng bào dân tộc về vấn đề bảo vệ môi trường.

Đối với xã Cẩm Lương, sau thời gian 20 năm hoạt động của khu du lịch sinh thái suối cá thần, cộng đồng đã được tiếp cận các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo, nâng cao năng lực, nghiên cứu, cải thiện sinh kế. Như vậy, khu du lịch cộng đồng tại suối cá thần với mục tiêu hỗ trợ cho sự tham gia của người dân địa phương, nâng cao trách nhiệm và chia sẻ lợi ích vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển nguồn lợi, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường tại khu du lịch… đã và đang góp phần nâng cao và làm hiệu quả hơn sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực này.

2. Cơ sở định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại Cẩm Lương

 Xây dựng sản phẩm du lịch

Cộng đồng địa phương là “nhân tố cốt lõi” xâu chuỗi và chuyển tải các giá trị của sản phẩm du lịch đến du khách. Từ đó, cộng đồng địa phương, đặc biệt các hộ dân tham gia trực tiếp, phải tự ý thức một cách nghiêm túc trong quá trình xây dựng, đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Chất lượng của sản phẩm du lịch được du khách cảm nhận một cách tinh tế về mặt tinh thần và sự thụ hưởng các giá trị vật chất. Sự cảm nhận tốt và ấn tượng từ du khách cần được bắt đầu từ chính thái độ tiếp đón ân cần, sự am hiểu về môi trường sống cả tự nhiên lẫn nhân văn, cách làm minh bạch từ chính cộng đồng địa phương. Giao tiếp tạo sự gần gũi và thân thiện chưa phải là hiệu quả tốt nhất trong quá trình tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương. Sự hiệu quả trong quá trình giao tiếp giữa du khách và cộng đồng còn cần được tính đến sự diễn đạt thông tin một cách chính xác và xúc tích. Vì vậy, rào cản về mặt ngoại ngữ cần được khắc phục từ chính sự nỗ lực của những hộ dân khi triển khai các hoạt động và sản phẩm du lịch từ quá trình đón tiếp du khách quốc tế.

Văn hóa bản địa là yếu tố tạo nên tính độc đáo, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Việc gìn giữ, bảo tồn và thực hiện các thói quen văn hóa một cách chân thực là nội dung cần được cộng đồng nhận thức một cách thấu đáo để tạo nên những giá trị văn hóa đích thực, để du khách hiểu đủ và hiểu đúng những gì đang diễn ra. Các hộ gia đình, nên nhận diện lại những điều kiện cơ sở vật chất tại chính gia đình để có kế hoạch đầu tư làm mới hoặc tu bổ nhằm đảm bảo điều kiện tối thiểu về sinh hoạt cho du khách, nhưng cũng tránh việc làm mới lại hoàn toàn một cách máy móc, gây tổn hại những giá trị vật chất truyền thống của gia đình hoặc ảnh hưởng đến bố cục không gian nói chung của địa phương.

 Tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho người dân địa phương

Mô hình du lịch cộng đồng mang tính chất cùng ăn cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Do đó, sự tham gia của cộng đồng địa phương là yếu tố quyết định việc hình thành và tạo nên thành công cho loại hình du lịch này.

Một trong những điều kiện cơ bản để có thể xóa đói giảm nghèo đó là hàng hóa và dịch vụ du lịch phải là một chuỗi cung ứng, nhiều nhất có thể, đến từ các địa phương, vùng miền. Mục tiêu hướng tới là tối đa hóa tiêu dùng cho ngành Du lịch và lợi ích đó được giữ lại ở cộng đồng địa phương, quá trình này có sự tham gia của người dân địa phương. Biện pháp nêu trên giúp hỗ trợ các kỹ năng và hoạt động truyền thống của vùng nông thôn, nâng cao chất lượng và định vị sản phẩm du lịch địa phương, giúp ổn định các nguồn thu nhập cho người dân. Người dân địa phương có thể tìm kiếm lợi nhuận từ du lịch thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ, như bán đồ thủ công, hướng dẫn du lịch…, và họ sẽ trực tiếp thực hiện việc cung cấp đó. Du khách tham quan tại các điểm đến sẽ có một số hoạt động trao đổi mua bán nhỏ, lẻ. Điều này có thể giúp tăng thu nhập cho người nghèo, đồng thời đem lại những trải nghiệm đầy màu sắc và bổ ích cho du khách.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn kết với phát triển du lịch

Phát triển du lịch, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng mới khai thác, có thể bao gồm cả công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như xây dựng đường, hệ thống cung cấp nước và năng lượng, vệ sinh môi trường và phát triển văn hóa cộng đồng. Cần tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại một số điểm, tuyến du lịch làng văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng được thuận lợi. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục quy hoạch tổng thể về không gian, kiến trúc và một số mẫu thiết kế xây dựng nhà ở truyền thống, đặc biệt là nhà sàn, các di tích lịch sử; đầu tư phát triển văn hóa cồng chiêng và các làng nghề thổ cẩm, nghề mộc truyền thống phù hợp với không gian theo mô hình du lịch cộng đồng tại các thôn bản của người Mường.

 Tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn và văn minh

Thời gian qua, du lịch Thanh Hóa nói chung và Cẩm Lương nói riêng đã khẳng định được vị thế, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển du lịch tầm ngắn và dài hạn, đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện… Với tài nguyên du lịch phong phú, Cẩm Lương hoàn toàn có thể khai thác đa dạng các loại hình du lịch và thu hút nhiều khách hơn mỗi năm. Để đạt được điều đó, ngoài việc đầu tư hạ tầng, xúc tiến, quảng bá… yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự thân thiện của cộng đồng người Mường nơi đây.

Hiện nay, những người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch tại khu du lịch suối cá thần đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch. Đặc biệt, đối với cộng đồng dân cư - những người được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch và tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch - cũng cần có những cách làm tích cực nhằm để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách. Trước hết, cần chuyên nghiệp trong cách phục vụ, có thái độ, hành động, lời nói thích hợp trong việc ứng xử. Bên cạnh đó, mỗi người làm du lịch cần tự nâng cao vốn hiểu biết, kiến thức để tự hoàn thiện bản thân.

Mặt khác, để tạo niềm tin và sức hấp dẫn đối với du khách, huyện Cẩm Thủy cần kiên quyết loại bỏ những cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm pháp luật; giảm thiểu các tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, môi trường; đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh cho du khách, cũng như giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp.

Với lợi thế về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và sự đa dạng về phong tục tập quán vùng miền, du lịch cộng đồng tại Cẩm Lương là một hình thức du lịch phù hợp để phát triển. Việc phát triển du lịch cộng đồng tại Cẩm Lương trên quan điểm bền vững, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, tạo thành động lực thúc đẩy các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội.

______________

1. Đảng bộ xã Cẩm Lương, Báo cáo tình hình xóa đói giảm nghèo 6 tháng đầu năm, 2019.

Tác giả: Nguyễn Thanh Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;