TP.HCM được mệnh danh là trung tâm văn hóa của cả nước, đã, đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, sâu sắc, đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, công tác văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, du lịch… Xã hội phát triển, các dịch vụ văn hóa cũng ngày càng được chú trọng hơn; nhu cầu tiêu dùng văn hóa từ đó càng được đẩy mạnh, điều này kéo theo những thực trạng của quá trình phát triển. Bài viết nêu ra những vấn đề của xã hội đương đại trong việc sử dụng các dịch vụ văn hóa tại TP.HCM và xu hướng tiêu dùng văn hóa hiện nay.
Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM - Ảnh: sggp.org.vn
Với vai trò vừa là đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của các tỉnh, thành phía Nam và cả nước, TP.HCM còn là trung tâm văn hóa của cả nước với những nét đặc sắc. Đời sống văn hóa của TP.HCM ngày càng phong phú, đa dạng thông qua việc ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; tạo ra nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, xây dựng nếp sống đô thị mới, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; đưa nếp sống văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng công sở, doanh nghiệp, đơn vị. Điều này mang lại mức tiêu dùng lớn về văn hóa trong cộng đồng cư dân. Nhiều nơi ở TP.HCM đã hình thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thiết chế văn hóa bằng phương thức xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm hay nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn.
1. Sự lan tỏa, tiêu dùng văn hóa từ thành phố cửa ngõ ra thế giới
Dịch vụ văn hóa và tiêu dùng văn hóa là hai khái niệm quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế.
Dịch vụ văn hóa là các hoạt động cung cấp các sản phẩm, trải nghiệm và dịch vụ liên quan đến văn hóa cho cộng đồng. Những dịch vụ này thường mang tính nghệ thuật, giáo dục, giải trí và thông tin. Một số ví dụ về dịch vụ văn hóa bao gồm: Nghệ thuật biểu diễn: các buổi hòa nhạc, vở kịch, múa ballet, xiếc và các sự kiện biểu diễn khác; Triển lãm nghệ thuật: các phòng tranh, bảo tàng...; Hoạt động giải trí: rạp chiếu phim, công viên giải trí và các trung tâm giải trí; Dịch vụ giáo dục: các khóa học nghệ thuật, lớp học nhạc, hội thảo văn hóa; Truyền thông: một số nội dung, chương trình của các đài phát thanh, truyền hình và nhà xuất bản.
Tiêu dùng văn hóa đề cập đến việc mua sắm, sử dụng và tận hưởng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Điều này bao gồm: Mua vé tham dự các sự kiện văn hóa: vé xem phim, vé xem ca nhạc, vé tham quan bảo tàng; Mua sản phẩm văn hóa: sách, âm nhạc, phim, tác phẩm nghệ thuật; Sử dụng các dịch vụ văn hóa: tham gia các lớp học nghệ thuật, sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, thuê sách từ thư viện; Tham gia các hoạt động văn hóa: tham gia lễ hội văn hóa, hội thảo và các sự kiện cộng đồng khác.
Tiêu dùng văn hóa có những vai trò cơ bản: sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ là một vòng liên kết thúc đẩy sự tái sản xuất hàng hóa văn hóa. Thực hiện nhiệm vụ cung và cầu, nhiệm vụ giá trị văn hóa xã hội. Sản phẩm văn hóa trong quá trình sáng tạo, tạo ra năng lực sáng tạo văn hóa và năng lực thưởng thức nghệ thuật của người tiêu dùng văn hóa.
Tiêu dùng văn hóa thúc đẩy hoạt động tái sản xuất của con người. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được bước chuyển quan trọng để văn hóa TP.HCM phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, sâu rộng. Là một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, TP.HCM cũng là nơi thu hút một lực lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo từ các địa phương khác đến để định cư, phát triển nghề nghiệp. Trí thức của TP.HCM hiện chiếm khoảng 30% số trí thức của cả nước, trong đó có trên 25.000 người làm khoa học, hàng nghìn người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Đây là cửa ngõ để văn hóa đất nước lan tỏa ra bên ngoài, cũng là nơi đón nhận, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa TP.HCM nói riêng.
Dịch vụ văn hóa và tiêu dùng văn hóa đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận và tận hưởng các giá trị văn hóa, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của xã hội. Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như một đất nước thanh bình, hiện đại, trẻ trung và năng động, một thành viên tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế cho hòa bình và phồn vinh chung trên toàn cầu. Hơn nữa, bối cảnh chuyển đổi mang tính bước ngoặt của Việt Nam, nền văn hóa hiện tại đang hướng đến việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, hướng tới tương lai. Nhận diện được đặc tính, phẩm chất cơ bản này của văn hóa trong truyền thống và hiện đại, TP.HCM có ý thức góp phần chuyển hóa, tạo thành “sức mạnh mềm” của đất nước, tạo sức thuyết phục đối với bạn bè quốc tế. Hệ thống tài nguyên văn hóa phong phú là những tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế toàn thành phố và cả nước, cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa TP.HCM.
Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Nhiều luật quan trọng liên quan đến văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật khác góp phần hoàn thiện thể chế văn hóa, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Nhiều chiến lược ngành đã được phê duyệt, làm căn cứ để triển khai các hoạt động văn hóa trong thực tiễn. Xã hội hóa được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa; thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.
Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; có sự thể nghiệm nhiều phương thức, hình thức biểu đạt mới làm phong phú thể loại, phong cách sáng tác và sản phẩm nghệ thuật với các đề tài, chủ đề được mở rộng bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất sản phẩm văn hóa từng bước được thực hiện, nhiều dự án văn hóa nghệ thuật đã khuyến khích được những sáng tạo mới của các cá nhân nghệ sĩ, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và đưa ra những cách nhìn mới về những vấn đề của cuộc sống đương đại. Ở lĩnh vực báo chí, xuất bản, TP.HCM là một trong những trung tâm báo chí, xuất bản lớn, năng động, sáng tạo của cả nước.
Trước tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, ngày 25-10-2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. TP.HCM đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa của thành phố đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP.
Tiêu dùng văn hóa mặc dù là tiêu dùng tinh thần, nhưng đều phải thông qua hình thức vật chất mang ý nghĩa chứa đựng, lưu giữ, chuyển tải như báo chí, internet, truyền hình… nhưng nội dung tiêu dùng thì đều là vô hình. Thông qua những phương tiện có tính vật chất này, con người đạt được mục đích về nội dung mang tính tinh thần.
2. Thực trạng, thách thức trong phát triển dịch vụ văn hóa TP.HCM và xu hướng tiêu dùng văn hóa
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế giúp văn hóa Việt Nam có được cơ hội quảng bá rộng rãi trên thế giới. Văn hóa Việt Nam phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin có những bước phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng mở ra khả năng giao lưu, hợp tác và phát triển toàn diện về văn hóa, nâng cao cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Khoa học - công nghệ, truyền thông đại chúng phát triển mang đến cho người dân khả năng sáng tạo và thụ hưởng các sản phẩm văn hóa mới nhanh chóng, hiệu quả và có tính tương tác cao.
Bước vào cơ chế thị trường, sự phát triển nền văn hóa của đất nước và thành phố vừa đa dạng, sống động, nhiều chiều, vừa có mặt phức tạp, hỗn độn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống… tạo lực cản không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của thành phố chặng đường phía trước.
Ở môi trường học đường, cuộc sống gia đình, quan hệ cộng đồng, yếu tố xã hội, còn có những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất lợi. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành phụ nữ, trẻ em và nhiều tệ nạn xã hội khác có chiều hướng gia tăng. Hoạt động thể dục, thể thao từ phong trào đến thành tích cao, vốn là thế mạnh của thành phố, cũng đang có dấu hiệu chững lại, có mặt tụt hậu. Các thiết chế văn hóa và sự hưởng thụ văn hóa, giữa nội thành và ngoại thành, giữa các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn chênh lệch khá lớn. Tình trạng đua đòi, lệch lạc, lãng phí trong cưới hỏi, tang lễ chưa được khắc phục.
Sau một thời gian đầu tư bài bản, hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố phát triển chậm lại, không đáp ứng quy mô và cơ cấu dân số, một số khu vực đang có dấu hiệu xuống cấp, hoạt động không hiệu quả như hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi, giải trí... Thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật đặc thù, nhất là nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hàn lâm, chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Theo ý kiến đánh giá của một số nhà nghiên cứu được tham gia đóng góp trong Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của thành phố, sau 40 năm giải phóng, thành phố dường như chưa xây dựng được công trình nào đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa thành phố hoặc đáp ứng yêu cầu giao lưu, hội nhập văn hóa, nghệ thuật quốc tế.
Văn học, nghệ thuật, bộ phận quan trọng có chức năng truyền bá và góp phần xây dựng tư tưởng, văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ, giao tiếp, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người, bên cạnh những nhân tố phát triển tích cực cũng còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Tuy số lượng các sáng tác nhiều, số người tham gia sáng tác tăng lên nhưng chưa đồng hành với chất lượng. Cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội chưa là dòng chủ lưu thường trực trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tính định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhân bản, nhân văn chưa được các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản thường xuyên coi trọng. Chất lượng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được công bố chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Một số ấn phẩm, chương trình, công trình còn dành nhiều diện tích, thời lượng để đăng tải các sáng tác văn học, nghệ thuật chất lượng thấp, nghiệp dư hóa. Ở nhiều trang báo, chương trình văn hóa, văn nghệ của thành phố đang thiếu hụt những cây bút có uy tín như trước đây; việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng nhân cách, thẩm mỹ, lối sống cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ cần phải được tăng cường.
Với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, ở một địa bàn là trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu của cả nước, TP.HCM vừa tiếp nhận, khai thác được mặt thuận lợi của quá trình này, vừa phải đương đầu, “đau đầu” với mặt trái của thông tin từ mạng internet. Thời gian gần đây thông tin trên internet, mạng xã hội từ bên ngoài hoặc đặt máy chủ ở bên ngoài phát triển ồ ạt, nội dung rất phức tạp, độc hại, phản văn hóa nhằm vào thành phố. Là thành phố có nhiều cơ sở đào tạo các ngành nghề văn hóa, nghệ thuật từ cao đẳng đến đại học (chỉ đứng sau Hà Nội), nhưng chất lượng đào tạo một số nơi chưa cao, chưa gắn kết đào tạo và sử dụng.
Vấn đề số hóa đã khiến ranh giới giữa các thị trường sản phẩm truyền thông truyền thống ngày càng trở nên mờ nhạt. Việc ứng dụng rộng rãi các phương tiện công nghệ kỹ thuật số đã ảnh hưởng đến phương thức sản xuất, truyền tải và tiêu dùng văn hóa. Hệ thống mạng là nền tảng cho hoạt động chuyển tải nội dung truyền thông và sự gia tăng của rất nhiều loại hình phục vụ mạng, cơ cấu truyền thông truyền thống đã có sự gia tăng của dịch vụ mạng. Công nghệ số phát triển dẫn đến sự đa dạng hóa văn hóa và toàn cầu hóa tiêu dùng văn hóa nhanh chóng.
Cơ sở hạ tầng văn hóa cũ kỹ và xuống cấp: Nhiều công trình văn hóa, bảo tàng, thư viện, nhà hát và trung tâm văn hóa đã được xây dựng từ lâu, hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu các công trình văn hóa hiện đại và tiện nghi để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Thiếu không gian công cộng cho các hoạt động văn hóa: Thành phố chưa có đủ các công viên, quảng trường và khu vực công cộng để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ngoài trời. Không gian công cộng bị hạn chế do quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng.
Trang thiết bị và cơ sở vật chất chưa đầy đủ: Các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa như âm thanh, ánh sáng và các thiết bị kỹ thuật khác không đạt tiêu chuẩn. Nhiều nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thiếu trang thiết bị cơ bản để tổ chức các hoạt động văn hóa.
Đầu tư công không đủ: Ngân sách đầu tư cho các công trình văn hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và nâng cấp hạ tầng văn hóa. Sự đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế.
Quản lý và bảo trì yếu kém: Công tác quản lý và bảo trì các công trình văn hóa chưa được thực hiện tốt, dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng. Thiếu sự quan tâm và đầu tư vào việc bảo dưỡng định kỳ và nâng cấp các công trình văn hóa. Những hạn chế và yếu kém này đã và đang là thách thức lớn đối với sự phát triển văn hóa của TP.HCM.
3. Giải pháp phát triển văn hóa bền vững từ xu hướng tiêu dùng
Phát triển văn hóa bền vững từ xu hướng tiêu dùng tại TP.HCM đòi hỏi các giải pháp kết hợp giữa việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới.
Tập trung xây dựng con người với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Đó là những phẩm chất quan trọng của con người Việt Nam, như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân đoàn kết giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng “Nếp sống văn minh đô thị”.
Khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong ngành Văn hóa. Hỗ trợ nghệ sĩ và nhà sáng tạo: cung cấp các quỹ hỗ trợ, chương trình đào tạo và cơ hội giao lưu quốc tế cho các nghệ sĩ, nhà văn, nhà sáng tạo. Tạo điều kiện cho các startup văn hóa: hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cung cấp không gian làm việc và tư vấn kinh doanh.
Đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm kinh doanh và đề cao yếu tố văn hóa tri thức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp. Kịp thời tôn vinh với các doanh nhân, doanh nghiệp về văn hóa kinh doanh. Hoàn thiện thể chế văn hóa thúc đẩy tự do sáng tạo. Đầu tư nguồn lực hợp lý cho văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường và xã hội là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người Việt Nam, để cái tốt được bảo vệ, nhân lên, cái ác, cái xấu bị bài trừ, lên án. Đổi mới giáo dục ở mọi cấp học, trong đó nhấn mạnh vào các môn học về đạo đức, nghệ thuật và sáng tạo.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bảo tồn di sản văn hóa: đầu tư vào việc bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của TP.HCM.
Tổ chức các sự kiện văn hóa: tổ chức các lễ hội, triển lãm và sự kiện nghệ thuật để giới thiệu và tôn vinh văn hóa truyền thống.
Hợp tác với các tổ chức quốc tế: tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các thành phố khác để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi mô hình phát triển văn hóa bền vững. Tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế: tham gia các triển lãm, liên hoan nghệ thuật quốc tế để giới thiệu văn hóa TP.HCM ra thế giới và đồng thời học hỏi từ các nền văn hóa khác. Những giải pháp này, khi được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển văn hóa bền vững tại TP.HCM, đồng thời nâng cao chất lượng sống và tạo ra những giá trị văn hóa lâu dài cho cộng đồng.
Từ những kiến thức, kỹ năng được học trong nhà trường, những giá trị văn hóa sẽ lan tỏa toàn xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa quốc tế, quảng bá các thông điệp văn hóa, đưa hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn cho văn hóa Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
4. Kết luận
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã và đang tạo ra sự tích cực xã hội và tích cực văn hóa cho người dân, là cơ hội thúc đẩy tinh thần tự quản, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động và sáng tạo văn hóa. Người dân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động văn hóa với tư cách như những nhân tố chủ động.
Tiêu dùng văn hóa giữ vai trò điều tiết, bố trí, sắp xếp tài nguyên công nghiệp văn hóa và thúc đẩy cơ cấu công nghiệp văn hóa theo tầng bậc của thang nhu cầu. Tiêu dùng văn hóa bị tác động rất lớn từ môi trường xã hội. Việt Nam luôn tồn tại thị trường văn hóa và tiêu dùng văn hóa. TP.HCM là nơi tiêu thụ văn hóa mạnh mẽ và ngày càng phát triển trên nhiều phương diện. TP.HCM cần tận dụng cơ hội, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu và vượt qua được thách thức là cách thức tốt nhất để phát triển văn hóa, thực sự biến văn hóa trở thành động lực cùng với mục tiêu cho sự phát triển đất nước, từ đó đẩy mạnh tiêu dùng văn hóa mạnh mẽ hơn nữa.
______________________
Tài liệu tham khảo
1. PGS, TS Phan Xuân Biên, Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh Văn hóa và phát triển, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2014.
2. Bảo tàng cách mạng Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1998.
3. Trần Mạnh Thường, Việt Nam văn hóa và du lịch, Nxb Thông tấn, 2005.
Ths VŨ THỊ NHUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024