PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC CỦA TÔN GIÁO

Việt Nam là quốc gia thống nhất đa dân tộc, đa tôn giáo với hầu hết người dân có tín ngưỡng. Trong đó, có khoảng 24 triệu tín đồ thuộc 40 tổ chức tôn giáo được công nhận, chiếm tới 27% dân số. Sự đa dạng các hình thức tôn giáo là nhân tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chủ trương tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết đồng bào có đạo trong khối đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta không chỉ tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Với tư duy đổi mới, ngày 16-10-1990, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tìn hình mới, trong đó khẳng định rõ: “Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” (1). Trên cơ sở nhận thức về sự tương đồng nhất định giữa cách mạng với tôn giáo về đạo đức, văn hóa, ngày 2-7-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới, nhấn mạnh: “Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đề ra 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ về chính sách văn hóa đối với tôn giáo. Đảng khẳng định: “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện… trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục khắc phục tệ mê tín, dị đoan; chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu”. Quan điểm trên được Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó, chủ trương nhất quán của Đảng là: “Phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của các tôn giáo” (2). Quan điểm, chính sách đó, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào có đạo, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo nên sự chuyển biến rõ nét cho lĩnh vực văn hóa tôn giáo. Các di sản văn hóa trong tôn giáo được phát huy đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống tín ngưỡng nói riêng, đời sống tinh thần xã hội nói chung. Cơ sở thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ và cho phép tu bổ, trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới ngày càng khang trang. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo luôn được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước. Những tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, Ủng hộ đồng bào thiên tai, lũ lụt, các hoạt động nhân đạo, từ thiện như tổ chức phòng khám chữa bệnh miễn phí, lớp học tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, chăm sóc người già không nơi nương tựa, tư vấn và nuôi dưỡng những người bị nhiễm HIV/AIDS, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo, việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo cũng có những bất cập và hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên về tôn giáo và văn hóa tôn giáo còn phiến diện, chưa thống nhất. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tôn giáo và văn hóa tôn giáo còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Những yếu kém của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã được chỉ ra như: có nơi chủ quan, nóng vội, giản đơn trong giải quyết vấn đề tôn giáo, có nơi lại hữu khuynh, thụ động, buông lỏng quản lý; tổ chức, bộ máy làm công tác tôn giáo còn bất cập; đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu…vẫn chưa được khắc phục triệt để. Hoạt động tôn giáo diễn biễn phưc tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều hiện tượng tiêu cực đã len lỏi vào sinh hoạt tôn giáo, làm vẩn đục bầu không khí sinh hoạt văn hóa tâm linh. Hiện tượng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh có chiều hướng gia tăng. Một số chức sắc, nhà tu hành tôn giáo suy thoái về phẩm hạnh, đạo đức, chạy theo lối sống kim tiền, bị sa ngã vào vòng danh lợi. Một số kẻ đã lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi, vun vén cho cá nhân, gây thiệt hại về của cải, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng của người dân. Một số cá nhân trong các tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thậm chí cấu kết với các thế lực thù địch để chống phá chế độ. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo có chiều hướng gia tăng. Cùng với sự phục hồi và phát triển nhiều lễ hội tôn giáo, xuất hiện tình trạng tổ chức các lễ nghi rườm rà, tốn kém. Nhiều nơi, việc quyên góp tiền xây cất cơ sở thờ tự quá sức của đồng bào có đạo. Xuất hiện hiện tượng xây dựng kiến trúc tôn giáo lai căng, kệch cỡm, không phù hợp với thẩm mỹ truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có những tôn giáo phản văn hóa, phi nhân tính. Những hạn chế, bất cập nêu trên đang làm giảm ý nghĩa, vai trò tích cực của văn hóa tôn giáo trong đời sống xã hội. Để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo phục vụ công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo và văn hóa tôn giáo

Đảng lãnh đạo công tác tôn giáo và văn hóa tôn giáo trước hết bằng chủ trương, chính sách, tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ nhận thức của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Để hoàn thiện chủ trương, chính sách về tôn giáo, Đảng cần lãnh đạo đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận khoa học về tôn giáo, tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực công tác tôn giáo, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo các thành viên trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với công tác tôn giáo. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo việc xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các thành viên của hệ thống chính trị trong quá trình tiến hành công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, cần lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là các nhà tu hành, chức sắc, tín đồ các tôn về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Thông qua tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của tổ quốc, cũng như ý nghĩa, vai trò của các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo, làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, cần chú trọng phát triển đảng viên là người có đạo, xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo để làm nòng cốt trong công tác vận động đồng bào có đạo tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động văn hóa tôn giáo

Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo là nhằm đảm bảo giải quyết kịp thời, hợp lý những nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào có đạo, bảo đảm các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ pháp luật. Qua đó, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện chức năng văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa mới. Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động văn hóa tôn giáo, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trước hết, cần nghiên cứu sửa đổi pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và tiến tới xây dựng, ban hành luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Mặt khác, để tạo sự đồng bộ của luật pháp về phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến vấn đề tôn giáo. Qua đó, chỉnh sửa những quy định đã lỗi thời, bổ sung những quy định mới cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về lễ hội, việc tang, cưới, cúng bái, đốt vàng mã ở các đền chùa, giữ gìn vệ sinh nơi thờ tự. Khuyến khích nhân dân xã, phường, thôn ấp, cụm dân cư, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp ở những vùng đồng bào có đạo xây dựng các quy ước về nếp sống văn hóa, giữ gìn trật tự vệ sinh, bảo vệ các di tích văn hóa tôn giáo và cảnh quan, môi trường thiên nhiên xung quanh.

Về bộ máy làm công tác tôn giáo, hiện nay ở các địa phương, mô hình tổ chức còn thiếu tính thống nhất. Để khắc phục tình trạng trên, cần hoàn thiện mối quan hệ dọc Ban Tôn giáo Chính phủ với các ban (hay phòng) tôn giáo ở cấp tỉnh, huyện. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, cần từng bước quy chế hóa toàn bộ những mối quan hệ công tác giữa những cơ quan này với các cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp trên cũng như cùng cấp. Đặc biệt, cần tiến hành xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cùng cấp. Trong quy chế phối hợp công tác, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa tôn giáo, như: quản lý, bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật tôn giáo; sản xuất, phát hành ấn phẩm văn hóa có nội dung tôn giáo; quản lý báo chí tôn giáo, thư viện tôn giáo; xây dựng phong trào văn hóa vùng đồng bào có đạo; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn mê tín, hủ tục,... Trong đó, cần xác định rõ công việc nào cả hai cơ quan đồng chủ trì giải quyết, công việc nào thì một cơ quan chủ trì và phối hợp với cơ quan kia. Bên cạnh đó, các cơ quan cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết đăng ký sinh hoạt; giao đất, chuyển đổi mục đích, xây dựng cơ sở thờ tự; trùng tu, cải tạo các công trình tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng và các nhu cầu khác của các tổ chức, pháp nhân tôn giáo.

Cùng với kiện toàn tổ chức bộ máy, cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng giúp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và văn hóa tôn giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần phối hợp tốt, am hiểu về tôn giáo, văn hóa. Đối với cán bộ làm công tác tôn giáo, trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng, ngoài những kiến thức nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo; những kiến thức về lịch sử, đặc điểm tình hình tôn giáo; cần chú ý hơn nữa đến việc trang bị cho người học kiến thức về văn hóa và quản lý văn hóa. Đối với cán bộ làm công tác tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn phải được trang bị kiến thức về phong tục tập quán, tiếng nói của dân tộc nơi mình công tác. Đối với đội ngũ cán bộ của các cơ quan làm công tác văn hóa, cần trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về tôn giáo và quản lý tôn giáo.

Trong quá trình thực hiện, quản lý nhà nước về tôn giáo và văn hóa tôn giáo, cần coi trọng công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc nảy sinh như tranh chấp đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự khi chưa được cấp phép, tổ chức các hoạt động lễ hội trái quy định... Đồng thời, cần kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo, văn hóa tôn giáo của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong công tác tôn giáo và văn hóa tôn giáo

 Để phát huy được vai trò cầu nối giữa quần chúng tín đồ với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong vùng đồng bào có đạo, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng tôn giáo cụ thể. Nội dung hoạt động cần đảm bảo tính thiết thực, gắn liền với lợi ích của đồng bào tôn giáo. Mặt khác, để hoạt động có hiệu quả trong vùng đồng bào có đạo, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải chú trọng đến phương pháp vận động quần chúng tín đồ. Cán bộ của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phải hòa nhập với cuộc sống của quần chúng tín đồ, kiên trì thuyết phục, giáo dục, giúp đỡ, hướng dẫn để họ phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.

Phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật trong định hướng sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật tôn giáo

Văn hóa tôn giáo bao chứa trong nó nhiều giá trị thuộc những thành tố văn hóa khác nhau, trong đó nghệ thuật tôn giáo là một bộ phận quan trọng và mang tính đặc thù. Bởi vậy, để phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống tinh thần xã hội, bên cạnh việc nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, còn phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội văn học nghệ thuật. Các Hội văn học nghệ thuật cần có định hướng cho hội viên có tư tưởng đúng đắn trong khai thác đề tài, cảm hứng từ văn hóa tôn giáo, có ý thức trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao trong tôn giáo. Mặt khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng hội, cần có sự giúp đỡ, định hướng để sự phát triển của nghệ thuật tôn giáo giữ được vẻ đẹp truyền thống, không sa vào lai căng, kệch cỡm hay bi quan, yếm thế trước cuộc đời.

Nâng cao vai trò của các tổ chức tôn giáo trong phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo

Các tổ chức giáo hội thường có vai trò quan trọng trong đường hướng phát triển của tôn giáo. Do tính đặc thù của tôn giáo, các tổ chức này không chỉ chi phối đời sống tín ngưỡng của tín đồ, mà trên thực tế còn tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống của đồng bào có đạo. Bởi vậy, để phát huy vai trò tích cực của văn hóa tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức giáo hội, đặc biệt là vai trò của các chức sắc, nhà tu hành trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Muốn vậy, cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa những thành viên của hệ thống chính trị với tổ chức giáo hội tôn giáo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hóa. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu, tâm tư tình cảm của các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào có đạo; giáo dục cho đội ngũ những nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, giúp họ nâng cao ý thức công dân, tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng đồng thuận xã hội và khối đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội ích nước, lợi dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

________________

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.45-46.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.128.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : TRỊNH KHẮC CƯỜNG

;