NSND Thúy Cải: Trọn đời cho nghệ thuật quan họ

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Cải là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ở độ tuổi 72, bà vẫn dành tình yêu sắt son với dân ca quan họ - làn điệu đặc sắc với những câu hát mượt mà, đằm thắm của vùng đất Kinh Bắc.

Người nghệ sĩ sinh ra dành cho quan họ

Chúng tôi đến thăm NSND Thúy Cải vào một ngày mưa bay, trong tiết trời đặc trưng của mùa Xuân. Ân cần, niềm nở tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà ấm cúng, bên tách trà thơm, nghệ sĩ Thúy Cải bồi hồi nhớ lại và kể cho chúng tôi nghe về những ngày thơ ấu. Bà nhớ lại: “Mẹ tôi là người làng Ném Đoài - một làng quan họ cổ, nên bà biết rất nhiều bài dân ca quan họ. Từ những câu hát ngân nga của mẹ, trong tôi dần quen thuộc với các làn điệu dân ca. Khi đó, tôi đã học mót và hát được vài bài cơ bản như: Cây trúc xinh, Người ở đừng về, Lý Thiên Thai… Quan họ Bắc Ninh có lẽ đã thấm vào máu thịt tôi từ ngày đó rồi”.

NSND Thúy Cải chia sẻ: “Tháng 5-1969, nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu có ý định lập Đội ca hát quan họ để bảo tồn và phát triển làn điệu truyền thống. Trong số những người được tìm kiếm, ông lựa chọn chị Canh - là chị của tôi, có nhan sắc nổi trội. Tuy nhiên, mẹ tôi đã kiên quyết từ chối và để tôi tham gia Đội, bởi bà quan niệm rằng “nhất thanh, nhì sắc”. Vì thế, tôi là người thứ 9 được tuyển vào Đội, khi đó tôi ở độ tuổi 16”.

Chính lựa chọn ấy đã đưa cô gái Thúy Cải trở thành lứa nghệ sĩ đầu tiên tham gia Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, mở ra con đường đến với nghệ thuật rực rỡ của bà sau này.

NSND Thúy Cải - người nghệ sĩ sinh ra dành cho quan họ - Ảnh: NVCC

Những ngày đầu nhập Đội, cô bé Cải gặp không ít khó khăn. Thử thách đầu tiên cho thành viên Đội là học bài hát La rằng (bài Lề lối) với những câu ca: “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà/ Hôm nay họp mặt giao hòa/ Nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên”. “Mặc dù lời bài hát chỉ có bốn 4 câu, nhưng khi đó tôi học gần một tháng bẻ câu vẫn chưa thành” - bà cười và kể lại.

Nhờ có sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân, cùng với sự kiên trì luyện tập, đồng thời áp dụng kiến thức thanh nhạc được học từ trường lớp, giọng hát Thúy Cải ngày càng mượt mà, truyền cảm, với đủ các yếu tố “vang rền nền nảy”. Chia sẻ thêm về môn nghệ thuật truyền thông độc đáo này, NSND Thúy Cải cho biết: “Quan họ là hình thức hát đôi đồng giọng, nên giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp đến mức hai giọng trở thành một để tạo ra một âm thanh thống nhất. Chính vì thế, đòi hỏi người hát quan họ phải có đầy đủ 4 kỹ thuật: nền, rền, vang, nảy. Để có được những kỹ năng đó, các liền anh liền chị phải mất rất nhiều thời gian học hỏi và tập luyện kỳ công”.

Nỗ lực đưa Quan họ Bắc Ninh vươn xa

NSND Thúy Cải sinh năm 1953, quê ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Suốt chặng đường dài làm nghề, ngoài hoạt động nghệ thuật trên sân khấu, bà còn năng nổ ở cương vị lãnh đạo. Bà là nữ nghệ sĩ hiếm hoi từng đắc cử Đại biểu Quốc hội. Năm 1992, bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Từ năm 1996 đến 2008, Thúy Cải làm Trưởng đoàn Dân ca Quan họ. Tận dụng khả năng cũng như tình yêu quan họ từ máu thịt, trong thời gian giữ chức vụ, bà luôn nỗ lực cải thiện đời sống anh chị em nghệ sĩ trong đoàn và cố gắng đưa quan họ lan tỏa không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài.

Kể về những kỷ niệm khi mang âm nhạc truyền thống đến với bạn bè quốc tế, NSND Thúy Cải cho biết, bà không thể nhớ hết mình đã có bao nhiêu buổi biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng có một kỷ niệm đáng nhớ đối với bà, đó là năm 1982, khi lần đầu tiên bà xuất ngoại biểu diễn ở Pháp cùng NSND Thanh Hoa, nghệ sĩ Ái Vân.

“Đợt lưu diễn đó đã thu hút rất đông kiều bào của nước ta, họ đã dành cho chúng tôi những tràng vỗ tay kéo dài không dứt. Trong buổi diễn đó, ngoài việc truyền tải trọn vẹn tinh hoa quan họ qua lời ca, chúng tôi còn khéo léo giới thiệu về trang phục quan họ truyền thống và giao tiếp chân tình với khán giả, vì thế, khán giả đã rất thích thú, dành cho các nghệ sĩ nhiều sự mến mộ. Chúng tôi đã phải chào khán giả đến lần thứ ba mới rời được sân khấu” – nghệ sĩ chia sẻ.

NSND Thúy Cải cảm thấy tự hào khi nhắc đến một ký ức khó quên, đó là khi bà và đoàn nghệ sĩ đi biểu diễn tại đất nước Nhật Bản. Hình ảnh của nghệ sĩ trong chiếc áo tứ thân mớ ba, mớ bảy và chiếc khăn mỏ quạ đã được in lên poster lớn treo ở tuyến đường nơi biểu diễn. Với nghệ sĩ, đây là hình ảnh rất đáng hãnh diện bởi đã giới thiệu được với bạn bè quốc tế về trang phục truyền thống cũng như văn hóa đặc sắc của đất nước”.  

Ở tuổi 72, NSND Thúy Cải tập trung cho công tác đào tạo thế hệ trẻ - Ảnh: Phương Thảo

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, nhưng sâu thẳm trong lòng người nghệ sĩ vẫn luôn canh cánh với ước mơ làn điệu dân ca quan họ truyền thống của quê hương sẽ mãi được trường tồn, lan tỏa. Ở tuổi 72, nữ nghệ sĩ ít xuất hiện trên sân khấu và lui về tập trung vào công tác đào tạo. Bà không ngần ngại tham dự các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở trường học để giao lưu với lớp trẻ, giúp họ có cái nhìn sâu sắc và hiểu hơn về môn nghệ thuật truyền thống này. Đặc biệt, bà rất quan tâm đến việc truyền tình yêu quan họ đến với các em nhỏ. Theo bà, chính các em sẽ là những người tiếp nối các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương.

Theo NSND Thúy Cải, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các làn điều dân ca là việc làm rất cần thiết và quan trọng. Đối với dân ca quan họ, việc truyền dạy được thực hiện theo hình thức “truyền khẩu” là phương pháp hiệu quả nhất. Bởi, mỗi bài dân ca sẽ có giai điệu và cách luyến láy khác nhau, nên với cách truyền thụ này sẽ giúp các em tiếp thu được tinh hoa của quan họ. Bên cạnh việc đào tạo và tìm kiếm tài năng trẻ, để bảo tồn dân ca quan họ cũng cần phải quan tâm, chăm lo đối với các nghệ nhân thế hệ trước, bởi họ là những người giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, trao truyền.

Được biết, con gái của NSND Thúy Cải là nhạc sĩ Ngọc Lương cũng yêu thích làn điệu dân ca truyền thống. Chị có nhiều sáng tác về con người Bắc Ninh và dân ca quan họ, được nhiều người biết đến như: Về Kinh Bắc, Người ơi thương nhớ, Trẩy hội Xuân… Nữ nhạc sĩ hiện là hội viên trẻ nhất của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, đồng thời là Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh.  

Gắn bó với dân ca quan họ hơn nửa thế kỷ, với NSND Thúy Cải, loại hình nghệ thuật truyền thống này đã trở thành một “người bạn tri kỷ” cùng bà vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Vì thế, những làn điệu mượt mà, sâu lắng vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nghệ sĩ trên con đường đam mê, giữ lửa nghệ thuật và trao truyền cho thế hệ mai sau. 

PHƯƠNG THẢO

;