Nón lá của mẹ

Mẹ tôi có thói quen cất giữ những vật dụng tưởng chừng như không còn dùng được nữa. Ví như chiếc nón lá cũ sờn đã gắn bó với mẹ suốt những tháng ngày qua. Vậy mà mẹ vẫn nâng niu, giữ gìn nó như muốn lưu giữ những ký ức của một thời chật vật, khó khăn.

Mẹ kể rằng, lúc mới về nhà chồng, trong số những của hồi môn mẹ mang theo, có sự góp mặt của chiếc nón lá. Theo tập tục của ông bà ngày xưa, sau đám cưới ba ngày, cô dâu, chú rể phải về lại nhà gái để hầu dâu. Khi đó, mẹ mặc bộ áo dài màu hồng nhạt, đội trên đầu chiếc nón lá mà ngoại tôi đã ân cần trao cho mẹ trước ngày cưới. Tôi lục lại những tấm ảnh cưới đã ố màu thời gian của mẹ, nhìn mẹ ngày ấy toát lên vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ truyền thống. Giờ đây, dù thời gian có từng ngày trôi qua lặng lẽ, nét đẹp ấy vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt phúc hậu của mẹ. Chiếc nón lá cũng từ đó theo mẹ suốt chặng đường dài.

Trong tâm thức của tôi, chiếc nón lá hiện lên cùng dáng hình chịu thương, chịu khó của mẹ. Quanh năm mẹ tất bật cùng nắng mưa, bao vất vả, lo toan đổ dồn trên tấm lưng gầy guộc. Và chiếc nón lá như là người bạn thủy chung đã đồng hành cùng mẹ, qua bao mùa lúa, mùa dưa và cả những lúc mẹ xa nhà ngược xuôi nơi đất khách. Tôi còn nhớ những sáng mùa đông cùng mẹ ra rẫy. Con đường đất lầy lội, gập ghềnh, mà mẹ phải vất vả đi cả một quãng dài. Chiếc nón cũ sờn như cũng sụt sùi trong mưa. Lúc ấy, lòng tôi nghẹn đắng nhận ra bao nỗi khổ cực mà mẹ đã hy sinh để lo cho chị em tôi ăn học. Thương mẹ một đời tần tảo cùng vành nón lá bàng bạc gió sương.

Có những ngày mùa đông rét buốt cùng những cơn mưa nặng hạt, gió bấc ùa về lạnh cắt thịt da, mẹ thu mình dưới chiếc nón lá đơn sơ không che nổi sự khắc nghiệt của đất trời. Giữa cánh đồng mênh mông, đôi bàn tay lấm tấm vết đồi mồi run run trong gió, hai gót chân nứt nẻ của mẹ sưng đỏ lên vì lạnh. Mẹ về nhà mà áo quần ướt sũng. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ mẹ, nhớ lại những tháng ngày vất vả ấy, nước mắt tôi vẫn tuôn ra cay xè.

Chiếc nón cũ lặng thầm đồng hành cùng mẹ ra đồng, cuốc đất, gieo hạt, bón chăm, ngày mưa cũng như ngày nắng, như thấu hiểu những nỗi gian nan, vất vả của mẹ. Trông nó mộc mạc, hiền lành và cũng rất bền bỉ, tựa người nông dân một nắng hai sương. Trải qua bao khó khăn, mẹ vẫn luôn giữ gìn chiếc nón lá, như muốn níu giữ một khoảng trời kỷ niệm. Còn tôi, nhớ về chiếc nón của mẹ là khi tôi tự nhắc nhở bản thân không được quên những tháng ngày nhọc nhằn, và lấy đó làm động lực để vượt qua chặng đường dài phía trước.

Chiếc nón lá tượng trưng cho đức hy sinh, lòng nhân hậu của mẹ. Từng đường kim mũi chỉ nói lên bao sự nhọc nhằn của người làm nón. Cũng giống như mẹ, mẹ đã dệt nên cả một khoảng trời bình yên, êm ấm trong lòng những đứa con xa quê luôn đau đáu hướng về nguồn cội. Dù tuổi tác làm mái tóc mẹ không còn đen mượt như xưa, dù cho khóe mắt mẹ theo thời gian đã hằn lên những vết chân chim xa xót thì đối với tôi, mẹ vẫn là người phụ nữ đẹp nhất. Và chiếc nón của mẹ tuy có cũ sờn, có rệu rã đi vì mưa nắng… vẫn là đồ vật được tôi yêu quý nhất. Để lòng tôi không nguôi nỗi nhớ khi nghĩ về mẹ, về hơi ấm của tình yêu thương...

 

Tác giả: Trần Thị Thắm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

;