NHÂN TỐ TÔN GIÁO - TÍN NGƯỠNG, CỘNG ĐỒNG TRONG LỄ HỘI THỜ MẪU TỨ PHỦ Ở PHỦ DÀY

Lễ hội thờ mẫu tứ phủ là một trong những hoạt động tín ngưỡng đặc trưng của vùng châu thổ Bắc Bộ nước ta. Trước những biến đổi của xã hội, loại hình lễ hội độc đáo này đã chịu sự chi phối, tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó, nhân tố tôn giáo - tín ngưỡng, cộng đồng đã ảnh hướng mạnh mẽ tới bản chất, quy mô, cách thực hành nghi lễ… Và, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày, Nam Định không phải một ngoại lệ.


1. Nhân tố tôn giáo - tín ngưỡng

Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày chịu sự tác động mạnh mẽ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác cùng tồn tại và phát triển trong một nền văn hóa nhất định. Sự tương tác giữa các tôn giáo, tín ngưỡng tạo nên hai xu hướng rõ rệt: dung hòa lẫn nhau để cùng tồn tại, phát triển hoặc triệt tiêu, loại bỏ nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xu hướng thứ hai gần như không xảy ra với các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khi định hình hoặc du nhập. Để hiện tượng dị đoan/cực đoan trong tôn giáo ở Việt Nam không xuất hiện, chính là nhờ có các tín ngưỡng dân gian. Theo tác giả Trần Lâm Biền: “Các tín ngưỡng dân gian đã có vai trò quan trọng trong việc triệt tiêu đi tính cực đoan trong tôn giáo ngoại lai. Nói cách khác, chính tín ngưỡng đã buộc các tôn giáo phải bản địa hóa, tín ngưỡng hóa, hòa nhập với tín ngưỡng để tồn tại và phát triển trong đời sống cộng đồng Việt. Từ đó, các tín ngưỡng thông qua tôn giáo để tự nâng cấp, hoàn thiện mình trong diễn trình phát triển”.

Sự tương tác hai chiều giữa các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là một đặc tính chung trong đời sống tâm linh của dân tộc. Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã dung hòa với tín ngưỡng thờ nữ thần, kết hợp với hiện tượng thờ tứ pháp mà hình thành các ngôi chùa. Rồi chính tín ngưỡng thờ nữ thần này đã qua Phật giáo trở nên thịnh hành, có quyền năng hơn trong đời sống cộng đồng. Sau này, các điện thờ mẫu tứ phủ ở Việt Nam có thêm gian thờ phật, hoặc các ngôi chùa đều có thêm điện thờ mẫu. Một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh vốn đa dạng của người Việt, mặt khác cũng cho thấy sự hỗn dung đan xen giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ tứ phủ. Nhiều vị thánh mẫu mang trong mình hai tư cách vừa là nữ/ mẫu thần, vừa là hóa thân của bồ tát trong không gian thờ tự Phật giáo.

Sự tác động của Phật giáo đến tục thờ mẫu tứ phủ nói chung và lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày nói riêng là một đặc điểm/hiện tượng rất phổ biến trong đời sống tâm linh người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong lễ hội, chúng ta còn thấy nghi thức rước kiệu thánh mẫu lên chùa Gôi, đây được xem như một hành động kết giao, dung hòa giữa đạo Thánh và Phật giáo. “Nó phản ánh sự kết giao giữa tín ngưỡng thờ mẫu và Phật giáo. Trong huyền thoại, trận Sùng Sơn thể hiện sự xung đột giữa chúa Liễu và triều đình phong kiến, có sự can thiệp của đức phật. Tương truyền, chúa Liễu sau đó đã nhận mũ áo nhà phật, noi theo phật, ban phát ân đức. Hiện nay, trong nhiều ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam đều có điện thờ mẫu, theo kiểu tiền phật hậu mẫu. Sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu trở thành một bộ phận sinh hoạt nhà chùa” (1).

Bên cạnh sự tương tác với Phật giáo, tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ còn chịu sự tác động của Đạo giáo khá rõ nét. Những tích truyện mang đậm chất thần tiên về mẫu Liễu Hạnh là minh chứng cho quá trình hỗn dung giữa đạo Mẫu và Đạo giáo. Đến nay, dân gian vẫn tin rằng: “Bà chúa Liễu vốn là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc trong hội đào tiên, nên bị đày xuống trần gian, thác sinh vào nhà họ Lê. Khi cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên, tới năm 18 tuổi thì gả chồng. Lấy chồng được 3 năm thì hết hạn đầy, bị gọi về trời. Nhưng vì nhớ chồng con, Ngọc Hoàng lại cho về hạ giới…”(2). Môtíp huyễn hoặc này, chúng ta có thể bắt gặp nhiều trong số thần linh của Đạo giáo Trung Hoa. Ngô Đức Thịnh đã nhận định: “Đạo Mẫu và các tín ngưỡng dân gian khác tiếp thu ảnh hưởng của Đạo giáo về nhiều phương diện. Đó là các quan niệm tự nhiên, đồng nhất con người với tự nhiên, quan niệm về tứ phủ, tam phủ, một số vị thánh của Đạo giáo thâm nhập vào điện thần tứ phủ, như Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu. Đó còn là các câu chuyện thần tiên huyền ảo, các phép thuật mang tính phù thủy để trừ ma tà… Ngay lễ hầu bóng của đạo Mẫu Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng các hình thức vu thuật của Đạo giáo. Những ảnh hưởng này, một mặt giúp đạo Mẫu lên khuôn, hệ thống hóa và bước đầu mang tính phổ quát nguyên lý mẫu - mẹ, nhưng mặt khác cũng làm tăng thêm tính ma thuật, phù thủy mà vốn trong dân gian đã từng tiềm ẩn” (3). Từ việc tác động đến bản chất của tín ngưỡng, Đạo giáo đã tác động trực tiếp đến các hoạt động trong lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày. Những biểu hiện đầy chất cầu cúng ma thuật như trừ tà, cầu tài lộc thông qua hoạt động hầu đồng kéo dài trong 3 tháng tổ chức lễ hội.

Cùng với Đạo giáo và Phật giáo, Nho giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ. Tuy nhiên, khác với Phật giáo và Đạo giáo, Nho giáo không tác động trực tiếp đến đạo Mẫu, mà ảnh hưởng gián tiếp thông qua những hình thức biểu hiện khác nhau. Đặc biệt, trong lễ hội phủ Dày, hình thức biểu hiện có ảnh hưởng từ Nho giáo rõ nhất là nghi lễ kéo chữ. Nội dung chữ được xếp gắn liền cầu mong cho đất nước phát triển, cuộc sống được thái bình hạnh phúc như: Thiên Hạ Thái Bình, Quốc Thái Dân An… Đây chính là nội dung tư tưởng mà Nho giáo cũng như các nhà Nho đều mong ước, họ phải cố gắng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, để cho thiên hạ thái bình, đời sống no đủ, thịnh vượng.

Ngoài ra, các tín ngưỡng dân gian truyền thống cũng là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày. Bản thân đạo Mẫu được hình thành trên nền tảng tục thờ nữ thần của tín ngưỡng dân gian. Từ tục thờ đó phát triển thành tín ngưỡng thờ các thần mẫu, rồi hội nhập với các tôn giáo ngoại lai (Phật giáo, Đạo giáo) mà hình thành tín ngưỡng thờ tam, tứ phủ. Các bước tiến hành nghi lễ trong lễ hội phủ Dày không quá khác biệt so với lễ hội dân gian khác. Nói cách khác, chính các nghi thức, trình tự của lễ hội dân gian như cầu mùa, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, thờ các hiện tượng tự nhiên… đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới nội dung của lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày.

Nhân tố tôn giáo - tín ngưỡng đã tạo ra sự tích hợp, đan xen giữa các loại hình tôn giáo ngoại lai, tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ. Từ đó tác động trực tiếp đến nội dung thực hành, nghi thức tâm linh của lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày.

2. Nhân tố cộng đồng

Đây có thể được coi là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng là nơi dung dưỡng, che chắn cho các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ khó khăn, và giúp cho tôn giáo có thể phát triển, mở mang rộng rãi sức ảnh hưởng mỗi khi có điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, tác động của các nhóm cộng đồng khác nhau thì sức ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau. Vì vậy, có thể chia thành những nhóm cộng đồng như sau:

Thứ nhất, nhóm cộng đồng cư dân địa phương trực tiếp tham gia vào công việc quản lý và vận hành tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày. Họ là những cá nhân trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý, thực hành nghi lễ và tổ chức các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội, như: Ban quản lý di tích, thủ nhang đồng đền, đội ngũ phục vụ hậu cần, bảo vệ… Trong đó, Ban quản lý di tích do huyện Vụ Bản thành lập, để thay mặt UBND, Sở VHTTDL... phân cấp quản lý các hoạt động nghi thức, lễ tiết và thu ngân sách. Tuy nhiên, theo điều tra thực tế, hoạt động của cơ quan quản lý này không mấy hiệu quả, đôi lúc chỉ mang tính chất chung chung, rất mờ nhạt.

Một phần của nhóm cộng đồng này là các thủ nhang đồng đền (những người trực tiếp quản lý từng ngôi đền trong quần thể di tích phủ Dày và những cá nhân làm công tác phục vụ, bảo vệ...),  lại có ảnh hưởng lớn đến các sinh hoạt tín ngưỡng. Họ trực tiếp điều hành, tổ chức các sinh hoạt/hoạt động cụ thể của lễ hội. Bên cạnh đó, họ cũng là người nắm nguồn thu kinh phí do khách thập phương công đức, trực tiếp chi trả, trang trải những khâu vận hành liên quan đến ngôi đền, tổ chức xây dựng, tu sửa đền.

Thứ hai, nhóm cộng đồng cư dân địa phương tham gia gián tiếp vào các tổ chức hoạt động của lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày. Đó là những người dân địa phương tham gia vào các khâu dịch vụ xung quanh ngôi đền, phục vụ, cung cấp, đáp ứng những đồ lễ hay hàng hóa cần thiết cho nhu cầu của khách thập phương. Người dân địa phương tham gia trực tiếp vào các nghi thức rước kiệu, kéo chữ cũng như các hoạt động khác trong những ngày chính của lễ hội. Nhóm cộng đồng dân cư này là nhân tố quan trọng tác động đến lễ hội, làm lễ hội có sức sống, duy trì nó trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử. Những giá trị truyền thống, bài bản, nghi thức… được đúc kết, hoạt động và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể nói, nếu không có sự tham gia đóng góp công sức của nhóm cộng đồng này, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày khó lòng mà phục dựng được sau nhiều năm gián đoạn.

Bên cạnh đó, người dân địa phương còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cung cấp các dịch vụ cho lễ hội. Họ là nhân tố đem lại sự đa dạng, đáp ứng tại chỗ những nhu cầu cần thiết của khách hành hương.

Cộng đồng cư dân địa phương (gồm cả nhóm tham gia trực tiếp và gián tiếp) là chủ thể/chủ nhân quyết định trực tiếp đến sự tồn tại hay mất đi của lễ hội phủ Dày.

Thứ ba, nhóm cộng đồng khách thập phương, là nhân tố quyết định đến quy mô, tên tuổi của lễ hội đối với đời sống xã hội. Việc khách thập phương tham gia hành hương, tham quan làm lễ, cầu may, buôn may bán đắt, cầu đỗ đạt, thăng quan tiến chức, cầu sức khỏe, bình an… đã làm cho bản thân tín ngưỡng có vai trò nhất định đối với đời sống cộng đồng xã hội. Không khí đông vui, sôi động này không chỉ diễn ra trong những ngày chính tiệc, mà còn diễn ra trong cả ba tháng mùa xuân, làm tăng thêm sự thiêng liêng, uy tín của lễ hội.

Hơn nữa, khách thập phương đến lễ hội đã tạo ra nguồn thu tài chính từ việc công đức. Bản thân khách thập phương đem lại cho bản thân gia đình mình sự ổn định về tâm lý, vững tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Các nhóm cộng đồng cư dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, vừa tái đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến trúc… vừa tạo thu nhập cho gia đình, làm giàu cho địa phương.

Trong nhóm cộng đồng khách thập phương, có một tiểu nhóm ông đồng, bà đồng tham gia các khóa lễ lớn, cụ thể là hầu đồng. Thành phần xã hội, xuất thân của tiểu nhóm cũng rất đa dạng: người làm ăn kinh doanh, người có căn cốt sau những biến cố của cuộc đời, người bị bệnh tật ốm đau… Chính các giá hầu thánh đã tạo nên một đặc trưng riêng có của đạo Mẫu. Theo Ngô Đức Thịnh, thì “các vị thánh nhập hồn vào thân xác của ông đồng, bà đồng là để làm việc thiện: chữa bệnh, trừ ma tà, mang lại phúc lộc cho mọi người” (4). Hoạt động của các ông bà đồng còn tạo nên một nguồn thu quan trọng cho bản đền và địa phương. Để tổ chức một buổi hầu đồng, họ phải đóng góp cho nhà đền một khoản tiền, tùy vào mức độ tham gia, vị trí hầu... Vì vậy, nhóm cộng đồng khách thập phương cũng là nhân tố quan trọng để minh chứng cho quy mô, tầm vóc, uy tín và sự thiêng liêng của lễ hội đối với cộng đồng.

Có thể nói, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày có thể vận hành, tổ chức được là nhờ vào nhân tố cộng đồng, hoặc nói theo cách khác, nhân tố cộng đồng đã tạo nên lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày.

______________

1, 2, 3, 4. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.353, 351, 175, 219.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGUYỄN DUY HÙNG

;