Nhân nghĩa, đức độ của Ức Trai

Ảnh minh họa

Thời vua Thái Tổ - Thái Tông được coi là giai đoạn thái bình, thịnh trị trong lịch sử dân tộc. Ấy thế nhưng, thời nào cũng có những phần tử bất hảo, bất lương. Chẳng thế mà năm 1434, nhà nước quân chủ lúc bấy giờ đã phải xét xử cùng lúc 7 tên ăn trộm tái phạm. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì: “Có bảy tên cùng tái phạm tội ăn trộm. Bọn Lê Sát và Lê Ngân lấy làm khó nghĩ vì phải giết một lúc quá nhiều người. Nhà vua bèn đem việc này để hỏi quan thừa chỉ Lê Trãi (Nguyễn Trãi lúc bấy giờ được ban quốc tính). Trãi thưa rằng:

Dùng hình phạt chẳng bằng dùng nhân nghĩa, sự ấy đã quá rõ rồi. Như bây giờ mà đem một lúc đến bảy người ra giết thì sợ đó không phải là việc làm của người có đức lớn. Kinh Thư có nói “An nhữ chỉ”, nghĩa là phải thuận theo chính đạo mà đặt mình đúng chỗ chí thiện. Ví như vua ở trong cung, đấy là đúng chỗ của nhà vua, thảng hoặc có tuần du đây đó thì sự thoải mái thường không như khi ở trong cung. Vua về cung, đấy là về đúng chỗ. Ông vua đối với nhân nghĩa cũng vậy (vua phải dùng nhân trị, đấy mới là phép trị dân đích thực của vua).

Bọn Lê Sát bèn nói với Lê Trãi:

Ông thực là người nhân nghĩa, đủ sức để cảm hóa kẻ ác thành kẻ thiện. Đây, xin giao hết cho ông bọn trộm này!

Nói rồi bọn Sát đem cả bảy tên tội phạm giao cho Lê Trãi. Lê Trãi nói:

Bọn chúng là lũ hung ác, gian xảo. Phép nước còn không răn chúng chừa được. Trãi này có đức độ gì mà cảm hóa nổi chúng?

Sau triều đình chỉ chém hai tên cầm đầu, còn thì khép vào tội lưu”.

Qua ghi chép của chính sử, chúng ta có thể thấy cái cốt cách nhân nghĩa, đức độ của Ức Trai. Người đã viết nên câu bất hủ trong Bình Ngô đại cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” cũng chính là người có thừa sự sâu sắc, tinh tế nhận ra “dùng hình phạt chẳng bằng dùng nhân nghĩa (…) đem một lúc đến bảy người ra giết thì sợ đó không phải là việc làm của người có đức lớn” Chúng ta không nên quên là cách đây vài chục năm, lực lượng Công an nước nhà (khởi đầu là Công an Thanh Hóa) từng có phong trào “giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi”. Hóa ra, Ức Trai đã đi trước chúng ta gần 600 năm. Ông tự nhận “Trãi này có đức độ gì” song đương thời và hậu thế đều thấy cái Đức lớn của một bậc đại Nho “tiên ưu, hậu lạc”. Thái độ và lời nói của Lê Sát quả thực để lại nhiều vết gợn: một mặt, nó phơi bày những nhóm lợi ích trong triều; mặt khác, cho thấy: Là quan Thừa chỉ, được vua hỏi, ông chỉ có thể “tham mưu” những việc mà ông cho là đúng đắn, hợp lý cũng như hợp tình…, còn bản thân ông, không thể làm công việc của một quản giáo hay quan coi ngục. Dẫu vậy, chuyện triều đình “chỉ chém hai tên cầm đầu, còn lại thì khép vào tội lưu” chứng tỏ vua Lê Thái Tông đã nghe theo lời Nguyễn Trãi, không “đem một lúc đến bảy người ra giết”.

 

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;