Nhạc khí họ hơi của tộc người Cor ở Bắc Trà My (Quảng Nam)

Tộc người Cor là một hợp phần của các tộc vùng Đông Trường Sơn, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer và ngữ hệ Nam Á. Đồng bào dân tộc Cor sống trong những ngôi nhà sàn cổ truyền xinh xắn trên địa hình rừng núi cheo leo, hiểm trở. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi và đánh bắt cá sông.

Âm nhạc dân gian của người Cor là một vốn di sản quý giá được tổ tiên sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau trong suốt quá trình lịch sử. Nhạc khí được vang lên trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của tộc người. Cũng như nhạc khí của các tộc cận cư, nhạc khí của người Cor khá đa dạng và phong phú, gồm đầy đủ các họ trong bảng phân loại nhạc khí: họ dây, họ hơi, họ màng rung, họ tự thân vang. Đó là nhạc khí dân gian, chưa có kích thước mẫu mã cố định, mà chỉ dựa vào kinh nghiệm và tai nghe để chế tác và diễn tấu.

Chất liệu chế tác nhạc khí hầu hết có sẵn trong tự nhiên (trừ kim loại). Một chất liệu chế tác có thể sử dụng làm nhiều nhạc khí thuộc các họ khác nhau, chẳng hạn tre (carơm) để làm cần đàn Va ró, đinh căng da trống (agưr)...

Chất liệu chế tác nhạc khí Cor

Nhạc khí họ hơi của người Cor gồm: sáo amáp, rà ngoáy, tà lía. Trong quá trình điền dã ở các p’lây người Cor, chúng tôi được các nghệ nhân cao tuổi cho biết: ngày xưa người Cor còn có cả nhạc khí bằng ốc biển, tù và làm bằng sừng sơn dương. Thế nhưng, cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy dấu vết của các nhạc khí trên ở các p’lây người Cor thuộc ba xã: Trà Kót, Trà Giáp và Trà Nú ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 Sáo amáp

Sáo amáp của người Cor Bắc Trà My

Ảnh: tác giả

Về mặt chất liệu, quy cách chế tác, phương thức diễn tấu thì chiếc amáp của người Cor tương đương với chiếc amó của người H’rê và amam của người Cadong (Xơ đăng). Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi vùng đều có các bài bản, âm thanh và cách trò chuyện khác nhau.

Amáp là một loại sáo nhỏ được làm ống triêng (ống dùng để uống rượu cần). Ống triêng gồm: đầu gốc (ức) được bịt kín bằng sáp ong, cạnh đó là một lưỡi gà - người Cor gọi là kà lép (nắp); đầu ngọn (goi) được để thông.

Về nguyên tắc trình diễn: nếu thổi một người (độc tấu) thì người thổi ngậm đầu gốc bao gồm cả phần lưỡi gà (kà lép). Nếu thổi hai người thì đầu gốc dành cho người thổi hơi, còn đầu ngọn là cho người nói (trò chuyện). Sau đó, hai người thay đổi vị trí cho nhau để tâm sự...

Cũng như các loại nhạc khí khác của người Cor, sáo amáp phản ánh rất đa dạng đời sống xã hội của người Cor. Ngoài những chức năng để các phụ nữ lớn tuổi trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyện làng xóm… Sáo amáp còn có chức năng rất quan trọng, đó là ru con ngủ.

Rà ngoáy

Rà ngoáy của người Cor được cấu tạo rất đơn giản, chỉ gồm một thanh nứa nhỏ có gắn một miếng thép nhỏ. Khi thổi, người nghệ nhân dùng ngón tay trỏ bật thanh thép qua lại sẽ phát ra một giai điệu (âm thanh) đơn giản, nhưng rất ngộ nghĩnh và vui tai. Âm sắc rà ngoáy gần giống với phần phá âm của các nhạc khí điện tử trong ban nhạc Estrade, nhưng nó bị hạn chế rất nhiều về mặt âm lượng, đặc biệt các cô gái đều biết sử dụng rà ngoáy khi đối đáp, hò hẹn, tỏ tình...

Sáo tà lía

Tà lía là tên gọi chung của các dân tộc sử dụng nhạc khí này. Dân tộc H’rê và dân tộc Cadong (Xơ đăng) thường ưa chuộng loại sáo có 5 lỗ bấm, còn người Cor thích những chiếc sáo có 2 lỗ bấm. Người Cor thường chọn những cây nứa già, thẳng chắc, thon thả để làm những chiếc tà lía du dương trầm bổng. Thực chất tà lía có cấu tạo gần giống một loại sáo dọc của người Kinh, nhưng đơn sơ hơn.

Tà lía được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Nam nữ đều thổi được, nhưng nữ giới ít sử dụng. Tiếng tà lía có sức vang xa, nên ngoài các chức năng giải trí, tỏ tình, người Cor còn dùng để gọi nhau khi ở trong rừng.

Hiện nay, có một số nhạc khí, tưởng rằng đã bị lãng quên, biến mất trong đời sống cộng động, nhưng khi được hỏi, các nghệ nhân vẫn còn nhắc tới, đó là a ngưr (đàn nước) và ra ngó (đàn gió). Theo họ, đây là những loại nhạc cụ dùng để bảo vệ mùa màng, xua đuổi chim muông… phá hoại mùa màng.

A ngưr (đàn nước) được chế tác bằng cách bố trí các ống tre (hoặc ống nứa, lồ ô) có độ dài ngắn khác nhau, rồi xâu chuỗi lại với nhau, khi máng nước đầy tràn rồi đổ xuống, các ống tre quét vào thành ống tạo ra âm thanh… Đàn nước, thực chất là một trong những nông cụ dẫn thủy nhập điền sơ khai nhất của người Cor, cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, đến nay gần như đã biến mất. Trong suốt quá trình khảo sát thực địa, cũng như qua tìm hiểu, chúng tôi không thấy loại tiền nhạc khí này. Có lẽ chúng đã được thay thế bằng các công trình kênh mương thủy lợi và những chiếc máy bơm nước…

Ra ngó (đàn gió) cấu tạo gồm một đốt tre (hoặc lồ ô), một thanh tre (cật tre) bọc qua đốt tre, hai đầu thanh tre được buộc lại bởi một sợi dây rừng làm cong như cánh cung. Khoảng giữa sợi dây rừng là một khúc cây nhỏ, khi có gió khúc cây này sẽ rung qua rung lại gõ vào đốt tre phát ra âm thanh. Gió càng lớn thì âm thanh vang lên càng lớn và dồn dập. Đây có thể là một công cụ dự báo thời tiết sơ khai, có từ rất xa xưa trong lịch sử và cũng có nhiều kiêng kỵ xung quanh chiếc đàn gió hay thần gió này trong tín ngưỡng của người Cor.

Chiếc ra ngó (đàn gió) của người Cor Bắc Trà My - Ảnh: tác giả

Có thể nói, âm nhạc dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội của người Cor. Nó được hình thành xuất phát từ các nhu cầu của cuộc sống như: tâm linh, tình cảm, giải trí, văn hóa... Nhạc cụ dân tộc Cor tuy giản đơn nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Cổng Thông tin điện tử huyện Bắc Trà My.

2. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Hà Nội, 1984, tr.188-198.

3. Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam 2018, Nxb Thống kê, 2019.

4. Nguyễn Thế Truyền, Âm nhạc chiêng của người Cor ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 3-1999, Hà Nội.

5. Nguyễn Thế Truyền, Tư liệu khảo sát điền dã âm nhạc dân gian tộc Cor ở huyện Bắc Trà My (3 xã: Trà Kót, Trà Giáp và Trà Nú), tỉnh Quảng Nam, 2017.

6. Phỏng vấn các nghệ nhân Cor cao tuổi: Trần Văn Trang (84 tuổi), Đỗ Thái (81 tuổi), Huỳnh Thị Làng (76 tuổi), Nguyễn Thanh Nghĩa (65 tuổi) ở huyện Bắc Trà My (3 xã: Trà Kót, Trà Giáp và Trà Nú), tỉnh Quảng Nam, 2017.

Tác giả: Nguyễn Thế Truyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;