NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU DÙ KÊ, DI SẢN VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI

Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khơme Nam Bộ là một tài sản tinh thần vô giá của người Khơme Nam Bộ, vừa lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng của người Khơme Nam Bộ, vừa có sự giao lưu, tiếp biến các giá trị từ nền văn hóa khác. Chính vì vậy, dù kê không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc Khơme mà của cả nhân loại, là bài học về sự tiếp biến, giao lưu nhưng không đánh mất mình trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Dù kê ra đời vào những năm 20 của TK XX, là đỉnh cao trong sự phát triển văn hóa của người Khơme, có nền tảng từ các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng mà người Khơme Nam Bộ đã xây dựng, gìn giữ, bồi đắp trong quá trình sinh tồn, phát triển. Sân khấu dù kê thuộc thể loại kịch hát, là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp tích hợp trong đó nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khơme như: âm nhạc, múa, văn học, võ thuật…

1. Mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Khơme Nam Bộ

Sân khấu dù kê ra đời trên chính mảnh đất Nam Bộ, do người Khơme sáng tạo nên, ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần yêu cái đẹp của đồng bào Khơme Nam Bộ. Dù kê ra đời khi loại hình nghệ thuật rô băm truyền thống của người Khơme không thể đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tinh thần của người Khơme Nam Bộ trong giai đoạn mới. Dù kê là sản phẩm của vùng đất Nam Bộ với những đặc tng văn hóa, nghệ thuật mang tính địa phương, vùng miền rõ rệt. Chính vì vậy, khi biểu diễn ở Campuchia, dù kê được nhận diện như một đặc sản nghệ thuật của đồng bằng sông Cửu Long qua tên gọi Lo khôn Ba Sắc (kịch hát miền sông Hậu), có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Khơme ở Campuchia.

Về ngôn ngữ, các diễn viên trong vở diễn dù kê lấy điệu hát để chuyển tải nội dung vở diễn, diễn viên chỉ dùng điệu múa minh họa hay phụ họa cho cách thể hiện bằng ngôn ngữ. Vũ đạo giữ vai trò thứ yếu còn lời ca giữ vai trò chủ yếu. Ngôn ngữ biểu diễn chính là tiếng Khơme Nam Bộ, trong khi hiện nay, hầu hết các loại hình nghệ thuật của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều chuyển tải bằng tiếng Việt.

Về đề tài, cốt truyện, nhân vật, các vở diễn dù kê thường hình thành hai tuyến nhân vật rõ ràng: thiện và ác. Nhân vật tượng trưng cho phái ác là hình tượng con chằn. Vai thiện thường do nam thủ vai chính. Họ thường đóng vai vua, hoàng tử, tiên ông hay một bậc anh hùng cái thế, đứng ra cứu giúp mọi người khỏi cơn hoạn nạn. Là một dân tộc sùng bái đạo Phật, người Khơme đưa luật nhân quả vào hầu hết các kịch bản dù kê, dù khó khăn trắc trở đến đâu, thiện vẫn thắng ác. Vì vậy, cốt truyện trong sân khấu dù kê được kết cấu theo môtíp diệt chằn, hướng tới cái tốt đẹp. Cốt truyện theo hướng những người làm việc tốt cuối cùng sẽ gặp lành, còn những kẻ độc ác, xấu xa sẽ bị trừng phạt, vừa thể hiện triết lý nhân sinh, lối sống thuần phong mỹ tục, đặc trưng của một dân tộc sùng đạo Phật như người Khơme Nam Bộ, vừa là đặc điểm chung của dân tộc sinh sống trên mảnh đất Việt Nam. Sân khấu dù kê còn là nơi bảo lưu kho tàng văn học truyền thống của người Khơme bởi kịch bản sân khấu dù kê luôn chú ý khai thác những điển tích, truyền thuyết huyền thoại dân tộc như: Linh thôn, Mathi đongkeo, Sackinhni

Về âm nhạc, dù kê là sân khấu kịch hát nên âm nhạc bị chi phối bởi đề tài kịch bản sân khấu, vở diễn. Theo thống kê, đến nay, sân khấu dù kê Khơme Nam Bộ có khoảng 163 làn điện, bài bản thuộc các thể loại khác nhau, trong đó có 34 bài bản được hình thành từ những điệu hát trong nghệ thuật truyền thống của người Khơme, có khuôn mẫu rõ ràng. Về dàn nhạc trong sân khấu dù kê, cơ sở ban đầu, giữ vai trò chủ yếu trong dàn nhạc của sân khấu dân tộc vẫn là các nhạc khí dân tộc như: Truô U, Truô Su, Khưm tooch, Khưm thum, Khlôy, Skô tôch, Krap, Kôông, Lôô, Chhưng. Đây là dàn nhạc dành riêng cho sân khấu dù kê, có vai trò chủ yếu trong toàn bộ vở diễn. Ngoài ra, dàn nhạc Pinn Peat với 9 nhạc cụ đảm nhiệm vai trò làm nhạc nền cho tình huống kịch sân khấu.

Về múa, đối với người Khơme, múa là một kỹ năng thấm sâu vào máu thịt của mỗi người. Tiếp xúc với đồng bào Khơme mới hiểu được truyền thống yêu múa hát của họ. Các chàng trai, cô gái trong sinh hoạt hàng ngày, khi vui chơi, giải trí thường kết hợp múa hát một cách hồn nhiên, thuần thục. Tất cả những điệu múa thuộc các loại hình múa của người Khơme Nam Bộ như: múa cổ điển, múa dân gian đều được kế thừa một cách triệt để trong sân khấu dù kê. Vũ thuật, vũ đạo, kể cả tính chất tạo hình, tạo dáng điệu trong diễn xuất của diễn viên trong sân khấu dù kê là dấu vết của loại hình sân khấu dân tộc cổ truyền Khơme. Múa dù kê có 2 loại: múa vai chính diện và múa cho vai phản diện. Với vai chính diện (tiều phu, thôn nữ, ông bà cha mẹ nhà quê), múa được kế thừa theo kiểu múa dân gian; vai chính diện của hoàng tử, hoàng hậu, công chúa và vua thì múa theo khuôn khổ, múa theo kiểu vũ đạo cổ điển. Dù ở vai diễn nào, diễn viên múa dù kê vẫn thể hiện các đặc điểm chung: múa mềm với tiết điệu dịu dàng, vừa phải. Vai phản diện (chằn) có ngón múa riêng. Động tác múa của chằn rất sinh động, nhất là nét mặt. Khi biểu diễn, tùy thời điểm mà chằn có những biểu hiện nét mặt khác nhau: hung dữ, giận dữ. Những nét mặt này của chằn một phần do hóa trang, phần khác do diễn viên khổ luyện mà ra. Có thể nói, họ biểu hiện khuôn mặt gống như họ múa (mặt múa). Các động tác cơ thể họ di chuyển mạnh mẽ, phần tay chân xoay chuyển rộng, khoa trương để tạo uy thế, vì chằn luôn dùng võ lực để áp đảo đối phương. Đối với múa, trong nhân vật chằn luôn có sự tạo hình, luật động ổn định, bất biến, chằn nói bằng điệu múa chứ không bằng lời nói.

Về trang phục, nghệ thuật sân khấu dù kê còn là nơi bảo lưu các trang phục truyền thống của người Khơme, nơi thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc đã thăng hoa đến múc cao độ. Bởi lẽ trang phục dân tộc chính là biểu hiện rõ nét của thị hiếu thẩm mỹ dân tộc. Trong sân khấu dù kê, diễn viên thường mặc những trang phục mà người Khơme Nam Bộ thường ngày hay mặc hoặc những trang phục truyền thống với những trang trí hoa văn đậm chất dân tộc. Trang phục của diễn viên thiên về những gam màu sáng ấm, sang trọng phù hợp với từng vai diễn.

 
 
 
Sân khấu dù kê Khơme. Ảnh Lệ Hoa 
 
 

2. Kết quả của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các nền văn hóa

Dù kê Khơme Nam Bộ tiếp thu những tinh túy của sân khấu rô băm và nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Khơme như: âm nhạc, múa hát, các hình thái biểu diễn khác. Điều này làm cho nghệ thuật sân khấu dù kê mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, kết tinh các giá trị văn hóa đặc sắc nhất của người Khơme Nam Bộ. Tuy nhiên, chính điều này cũng cho thấy sân khấu dù kê tích hợp cả những giá trị trong các nền văn hóa khác. Bởi nghệ thuật truyền thống của người Khơme cũng đã có sự giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác, đặc biệt là Ấn Độ. Có thể tìm thấy ở nghệ thuật sân khấu dù kê biểu hiện của văn hóa Bà la môn giáo và văn hóa Phật giáo Nam tông qua sự thể hiện của từng kịch bản. Sân khấu dù kê khai thác các loại hình múa truyền thống của người Khơme. Nhưng múa Khơme có truyền thống từ lâu đời, là di sản nghệ thuật độc đáo của người Khơme, vốn có cội nguồn, chịu ảnh hướng sâu sắc từ các điệu múa trong tín ngưỡng xa xưa của văn hóa Ấn Độ. Hơn nữa, sân khấu dù kê ra đời trên mảnh đất Nam Bộ, nơi có 3 tộc người: Việt, Hoa, Khơme cùng sinh sống. Trong quá trình cùng chung sống đó, người Khơme Nam Bộ đã tiếp thu những giá trị tốt đẹp trong nghệ thuật của các dân tộc anh em. Dù kê ra đời vào đầu TK XX, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, chịu ảnh hưởng của nền kinh tế xã hội tư bản phương Tây, nên dù kê tiếp nhận luôn hình thức ca kịch phương Tây và phim ảnh. Người Campuchia gọi sân khấu dù kê là: Lo khôn Ba sắc. Lo khôn, trong ngôn ngữ của người Khơme bắt nguồn từ chỗ Lô khôn của người Java có nghĩa là bước đi, chậm rãi, giản dị, cả ba hàng nghĩa đều đúng cho một loại hình nghệ thuật luôn biết tiếp nhận và dung hòa. Tính chất mở của sân khấu dù kê không làm mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng của người Khơme Nam Bộ mà trái lại, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa chứa đựng trong sân khấu dù kê. Biểu hiện rõ nét nhất là dù kê không chỉ thu hút, làm say mê cộng đồng người Khơme mà nhiều người Việt, người Hoa cũng rất thích xem dù kê.

Về đề tài, cốt truyện, nhân vật, tuồng tích biểu diễn của dù kê ngoài những truyện cổ tích, truyền thuyết của dân tộc, kịch bản dù kê cũng được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ như: Ramayana, Mahabharata, đồng thời sử dụng cả tuồng tích, điển tích của các dân tộc khác như: Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám của người Việt; Phàn Lê Huê - Tiết Đinh San, Tam tạng thỉnh kinh, Trụ vương mê Đắc Kỷ của người Hoa, thậm chí không ngần ngại tiếp thu kịch bản sân khấu của các nước xung quanh như: Mã Lai, Campuchia. Chính vì vậy, nhân vật trong sân khấu dù kê cũng rất đa dạng. Sự pha trộn về nhân vật biểu hiện không chỉ có các nhân vật quen thuộc trong loại hình sân khấu của người Khơme mà còn có cả nhân vật của người Hoa như các vở diễn có hình tượng Quan Công, Tiết Nhơn Quý… Sau này, dù kê còn khai thác những đề tài đương đại, phản ánh cuộc sống của người dân Khơme Nam Bộ trong hiện tại như vở: Nghĩa tình trong giông tố, Mối tình Bô Pha - Rạng Xây. Nhưng dù tiếp thu kịch bản từ nhiều nguồn khác nhau, nội dung của những vở diễn dù kê vẫn mang đạm triết lý đạo đức, lối sống thuần phong mỹ tục của người Khơme, thể hiện truyền thống hướng thiện của dân tộc mình.

Về âm nhạc, từ nền tảng của âm nhạc dân gian truyền thống lâu đời, dù kê đã tiếp nhận, tiếp biến từ nhiều nguồn âm nhạc khác nhau của các loại hình nghệ thuật khác của dân tộc Khơme như: dì kê, nhạc Mô hô ti (Campuchia) cùng các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á như: người Hoa, Lào, Thái Lan, Singapore, Myanma… bài ca, bản nhạc của một số nước châu Âu (chủ yếu là Pháp). Các làn điệu âm nhạc đó đã được Khơme hóa, dung nạp vào sân khấu dù kê Khơme Nam Bộ đậm đà âm hưởng, sắc thái Khơme Nam Bộ. Đến nay, sân khấu dù kê Khơme Nam Bộ có khoảng 163 làn điện, bài bản thuộc các thể loại khác nhau, trong đó có 22 bài bản có nguồn gốc ảnh hưởng từ thể loại sân khấu hát Tiều, hát Quảng của người Hoa, có 16 bài bản có nguồn gốc ảnh hưởng từ bài ca, bản nhạc của châu Âu, 91 bài bản có nguồn gốc ảnh hưởng từ các loại hình nghệ thuật sân khấu khác như: sân khấu dì kê, các làn điệu nhạc Mô hô ti (Campuchia), cùng các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á như người Hoa, Lào, Thái Lan, Singapore, Myanma. Sự đa dạng, phong phú của bài hát dù kê trên cơ sở biết tiếp thu nhiều loại hình âm nhạc khác nhau đã làm cho kịch tính của sân khấu dù kê ngày càng phát huy, giúp cho nhân vật thể hiện vai trò, bộc lộ rõ tính cách nhân vật cho từng hoàn cảnh cụ thể, có thể chuyển từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác trong cốt truyện, gây sức hấp dẫn và ấn tượng cho khán giả.

Về nhạc cụ, trong dàn nhạc của dù kê có một số nhạc cụ của người Hoa, bộ trống, bộ gõ đánh đệm khi mở màn, đóng màn, khi bước ra hay bước vào của các vai diễn sân khấu dù kê; từng động tác đấu kiếm, võ thuật, biến phép thần thông, cử chỉ, điệu bộ cho từng nhân vật khác nhau. Sau này, để thích ứng với một số loại bài bản nhạc mới cũng như các vở diễn mang đề tài hiện đại, ngoài các nhạc cụ nằm trong dàn nhạc dù kê truyền thống, một số nhạc cụ châu Âu cũng được đưa vào dàn nhạc như: kèn trompette, saxo, đàn violin… nhằm phục vụ ca, múa, diễn xuất, làm nhạc nền cho các tình huống kịch trên sân khấu.

Vũ đạo dù kê tiếp nhận vũ đạo của các loại hình nghệ thuật sân khấu đồng bào anh em trên vùng đất Nam Bộ, vũ đạo trong tuồng Hồ quảng của người Hoa và cải lương của người Việt. Vũ đạo có sự ảnh hưởng của Hồ quảng thể hiện rõ nhất ở các bộ Huôn, những bộ động tác cách điệu từ võ thuật của người Hoa thể hiện sức mạnh của nhân vật nam. Tuy nhiên, họ không tiếp nhận một cách trực tiếp mà có sự kết hợp những động tác trong võ thuật Khơme, cải biên, tạo thành những bộ vũ quyền đầy sức quyến rũ, sáng tạo. Huôn là những vũ đạo múa trên sân khấu lấy quyền thuật của người Khơme, người Hoa làm nền tảng, khuếch đại, cách điệu chúng để biểu diễn thành những chuỗi động tác đầy tính ước lệ, tượng trưng, uyển chuyển, mạnh mẽ, thể hiện cái đẹp, trí óc sáng tạo tuyệt vời của nghệ sĩ Khơme.

Vì luôn biết tiếp biến những giá trị trong các nền văn hóa khác, đặc biệt văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn nên nghệ thuật sân khấu dù kê mặc dù mang những nét đặc trưng văn hóa riêng của người Khơme Nam Bộ vẫn mang những nét chung với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác trong khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, có người từng gọi dù kê Khơme Nam Bộ chính là cải lương của người Khơme. Các vở diễn dù kê cũng như các loại hình sân khấu tổng hợp của người Việt, yếu tố tâm linh, tôn giáo trong các vở diễn thể hiện rõ, ở việc luôn gắn liền với các ý niệm thiêng liêng trong việc thể hiện các nhân vật. Các sân khấu biểu diễn tổng hợp cả đạo và đời, trần gian và thần thánh, ước lệ nhưng cũng rất chân thật. Về lối diễn xuất, nghệ thuật sân khấu dù kê cũng có màn mở đầu giới thiệu, hát cúng tế giống với các loại hình nghệ thuật khác cùng tồn tại trên đất nước Việt Nam. Trong vở diễn dù kê, trước khi chuẩn bị diễn xuất, các vai diễn phải xin ông Tà trước rồi mới cúng tổ khai diễn.

Một nền văn hóa có sức sống, giá trị khi nó, vừa biết giữ lấy những bản sắc, yếu tố nguyên gốc, đặc trưng của mình, vừa có tính mở biết tiếp nhận những giá trị tốt đẹp bên ngoài vào nền văn hóa đó. Sự biệt lập văn hóa hoặc sự đồng hóa văn hóa đều sẽ khó tồn tại hoặc không có đóng góp cho sự phát triển chung. Những giá trị văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại trước hết là những giá trị có tính độc đáo, đặc sắc, không thể hòa lẫn, song nó cũng phải là gạch nối với nền văn hóa nhân loại, kết tinh nhiều giá trị của các nền văn hóa khác. Nghệ thuật sân khấu dù kê Khơme Nam Bộ đã thỏa mãn những yêu cầu đó và trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : NGUYỄN TIẾN THƯ

;