55 NĂM TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỆ THUẬT XIẾC VÀ TẠP KỸ VIỆT NAM: HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là trung tâm sáng tác, thí nghiệm, dàn dựng các thể loại tiết mục xiếc mới, hiện đại; khôi phục, dàn dựng tiết mục xiếc truyền thống; là cơ sở đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp duy nhất của Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Trong suốt lịch sử 55 năm hình thành, phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt được tạo điều kiện trực tiếp của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Trường đã trưởng thành trên nhiều lĩnh vực để trở thành một cơ sở đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp, có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Sau 55 năm, Trường đã đào tạo được hơn 1.700 diễn viên, trong đó có 42 khóa cho ngành xiếc Việt Nam, 13 khóa cho ngành xiếc của CHDCND Lào và vương quốc Campuchia; tổ chức hơn 300 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn thực tập, kết hợp doanh thu. Các tiết mục xiếc của trường đã đoạt giải thưởng cao khi tham dự liên hoan xiếc quốc tế tổ chức cả trong và ngoài nước. Nhiều học sinh cũ của trường có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT. Một số người được bổ nhiệm vào những vị trí quản lý, lãnh đạo của ngành xiếc Việt Nam, CHDCND Lào, vương quốc Campuchia. Kết quả đào tạo của trường còn góp phần vào việc sáng lập đoàn xiếc Nhân dân Long An, Gia Lai, Kontum, nhóm xiếc tỉnh đoàn Tây Ninh, đoàn xiếc quốc gia Lào, đoàn xiếc quốc gia Campuchia… Với những thành tích trong lĩnh vực đào tạo của 55 năm qua, Trường đã khẳng định được vai trò quan trọng trong định hướng phát triển, không chỉ đối với ngành xiếc Việt Nam mà còn đối với ngành xiếc của CHDCND Lào và vương quốc Campuchia.

 

Ghi nhận công lao đóng góp và những thành tích đạt được trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và quan hệ đối ngoại 55 năm qua của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ và các địa phương đã tặng thưởng cho tập thể, cá nhân của Trường nhiều huân chương, huy chương. Trong đó có: 1 huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng cho tập thể trường; 3 huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng cho tập thể trường; 2 huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng cho 2 cá nhân của trường; 1 huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng cho tập thể trường; 1 huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng cho 1 cá nhân; 1 huân chương Cấp trung hạng hai của Chính phủ hoàng gia Campuchia trao tặng cho 1 cá nhân; 2 huân chương Cấp trung hạng ba của Chính phủ hoàng gia Campuchia trao tặng cho 2 cá nhân; 36 bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trao tặng cho các tập thể, cá nhân của trường. 

1. Từ lớp xiếc đến trường xiếc

Những lớp xiếc đầu tiên được chiêu sinh, đào tạo dưới hình thức kèm cặp vào tháng 11 - 1961. Năm 1969, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định số 073/QĐ-BVH cho phép đoàn xiếc Nhân dân TW mở lớp trung cấp xiếc chính quy, trực tiếp quản lý hoạt động đào tạo.

Ngày 22 - 5 - 1986, Bộ trưởng Bộ Văn hóa ký quyết định số 129/QĐ-BVH cho phép thành lập Trường Trung học Nghệ thuật Xiếc Việt Nam. Cơ cấu tổ chức bộ máy của trường bao gồm Ban Giám hiệu, 2 tổ giáo viên xiếc và tổ giáo viên văn hóa, 2 phòng hành chính tổng hợp, phòng giáo vụ. Sau đó, quyết định 797/QĐ-BVHTT ngày 4 - 5 - 1998 của Bộ VHTT, Trường chính thức được đổi tên thành Trường Trung học Xiếc Việt Nam và trở thành đơn vị độc lập, trực tiếp chịu sự quản lý của Vụ Đào tạo, Bộ VHTT.

Ngày 15-11-2006, Bộ trưởng Bộ VHTT ký quyết định số 5176/QĐ-BVHTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường Trung học Xiếc Việt Nam. Trong đó, cho phép trường chính thức thành lập 3 khoa nghiệp vụ: khoa Xiếc, khoa Tạp kỹ và khoa Văn hóa phổ thông; 3 phòng chức năng: phòng Đào tạo và Quản lý học sinh, phòng Hành chính tổng hợp, phòng Khoa học và Đối ngoại; 2 tổ chức trực thuộc: Nhà hát Thể nghiệm và thư viện trường. Kể từ đây, ngoài chức năng đào tạo chuyên ngành xiếc, Trường tổ chức đào tạo các chuyên ngành tạp kỹ khác thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như: xiếc thú, ảo thuật, hài hước, nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghệ thuật diễn viên đóng thế (cascadeur); nghệ thuật dẫn chương trình, nghệ thuật trình diễn thời trang...

Để theo kịp sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập của khu vực và thế giới, từ năm 2008, cấp ủy, Ban Giám hiệu Trường đã tổ chức nhiều cuộc họp, tọa đàm, hội thảo khoa học nhằm xác định rõ mục tiêu đào tạo trong thời kỳ hội nhập. Trên cơ sở đó, xây dựng nghị quyết phấn đấu nâng cấp trường thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, Trường đã và đang từng bước mở rộng thêm quy mô đào tạo một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Vì thế, ngày 17 - 4 - 2009, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định số 1468/QĐ-BVHTTDL cho phép đổi tên Trường Trung học Xiếc Việt Nam thành Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam trực thuộc Bộ VHTTDL.

2. Điều kiện cơ sở vật chất

Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL, trong những năm qua, cơ sở vật chất của trường đã và đang được đầu tư xứng đáng. Nếu trước đây, học sinh của trường chỉ được trang bị các đạo cụ, dụng cụ luyện tập sản xuất trong nước, thì 5 năm trở lại đây, số trang thiết bị, đạo cụ luyện tập chất lượng cao đã được lãnh đạo trường đặt sản xuất đơn chiếc, mua từ Pháp, Mỹ, Nga, Đài Loan, Trung Quốc... góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng, năm 2002, Trường được đầu tư xây mới nhà tập tròn. Năm 2007, Trường hoán đổi khu nhà 4 tầng với Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội để thực hiện quy hoạch tổng thể khu vực đào tạo của trường. Năm 2014, trường khởi công thực hiện dự án Cải tạo sửa chữa Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trong đó, sửa chữa toàn bộ khu nhà hành chính 4 tầng, xây mới khu huấn luyện kỹ năng thực hành xiếc cao 8 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 5.946,5m². Hiện một số hạng mục của dự án đã được nhà thầu bàn giao, đưa vào sử dụng. Toàn bộ hệ thống sơ sở hạ tầng của trường được quy hoạch, phân chia thành 3 khối chính với tổng diện tích sàn xây dựng là 11.040,5m2. Trong đó, khu đào tạo văn hóa phổ thông và các môn học lý thuyết có tổng diện tích là 2.672m2. Khu hiệu bộ, hành chính và đào tạo kỹ năng thực hành chuyên môn, nghiệp vụ, nhà huấn luyện kỹ năng cơ bản với tổng diện tích sàn học, làm việc là 6.396,5m2. Khu biểu diễn thực tập là Nhà hát Thể nghiệm với số lượng 800 ghế ngồi với tổng diện tích 1.972m2 với hệ thống âm thanh, ánh sáng đáp ứng yêu cầu biểu diễn thực tập kết hợp có doanh thu. Ngoài ra, trường còn có hệ thống sân vườn, khu vực nuôi nhốt thú nhỏ phục vụ công tác đào tạo diễn viên, huấn luyện thú nhỏ biểu diễn của trường.

 
 
 
Trong buổi nhận bằng tốt nghiệp của học viên CHDCND Lào. Ảnh An Huy 
 

3. Nội dung chương trình, giáo trình đào tạo

Công tác đào tạo của Trường bao gồm 3 chương trình đào tạo chính: chương trình đào tạo văn hóa phổ thông, chương trình đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp hệ dài hạn 5 năm, chương trình đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp hệ ngắn hạn 3 năm, 2 năm. Ngoài chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn chuyên môn xiếc và tạp kỹ, Trường còn đào tạo văn hóa phổ thông cho học sinh ở 2 cấp học: trung học phổ thông và trung học cơ sở, phù hợp từng lứa tuổi. Hàng năm học sinh của trường đều đỗ tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông đạt tỷ lệ từ 70 - 100%.

Kể từ 2015, theo chủ trương và kế hoạch của lãnh đạo Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trường đã thực hiện chương trình đào tạo văn hóa phổ thông cho diễn viên của khối các nhà hát, đơn vị sự nghiệp của Bộ VHTTDL có nhu cầu. Số học sinh đang theo học văn hóa phổ thông hiện nay của trường lên đến hơn 200 người.

 Đối với các môn học trong chương trình đào tạo văn hóa phổ thông và các môn chung, trường thực hiện triển khai thực hiện bộ giáo trình theo quy định của Bộ GDĐT. Đối với các môn cơ sở ngành như: múa, âm nhạc, kỹ thuật biểu diễn (sân khấu), hóa trang..., trường đang thực hiện giảng dạy theo các tập bài giảng, giáo viên bộ môn trực tiếp giảng dạy biên soạn. Đối với các môn chuyên ngành, trường đang thực hiện các bộ giáo trình cấp Bộ như: đại cương nghệ thuật xiếc, lịch sử xiếc, cơ bản nhào lộn, cơ bản thể thao, cơ bản tung hứng, cơ bản thăng bằng...

4. Đội ngũ giáo viên

Tính đến tháng 9 - 2016, tổng số cán bộ, viên chức và người lao động của trường gần 100 người, trong đó chỉ tiêu biên chế được giao là 60 người (5 hợp đồng lao động theo nghị định số 68/NĐ-CP). Nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên kế cận có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng được yêu cầu không chỉ trong giai đoạn hiện nay, mà cả những giai đoạn tiếp theo. Những năm qua, tập thể lãnh đạo trường đã chỉ đạo công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể đội ngũ giáo viên như: cử giáo viên đi học các lớp đại học, sau đại học với các đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn, trực tiếp phục vụ công tác đào tạo của trường; học các lớp cao cấp, trung cấp về lý luận chính trị; mở lớp bồi dưỡng tại trường về chuyên môn nghiệp vụ cho các khoa. Vì thế, trình độ đội ngũ giáo viên của trường ngày một trưởng thành. Nếu trước đây, đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường hầu hết có trình độ trung cấp, thì ngày nay đã có: 1 tiến sĩ; 7 thạc sĩ; 42 cử nhân; 4 NSƯT; 4 cán bộ, giáo viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 8 cán bộ, giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Các cộng tác viên, giáo viên thỉnh giảng đều là những giảng viên có trình độ từ cử nhân trở lên.

5. Hoạt động đào tạo

Kể từ ngày thành lập đến nay, trường đã đào tạo được hơn 1.700 diễn viên xiếc theo hình thức đào tạo chính quy tập trung và hệ đào tạo vừa làm vừa học. Trong đó, đào tạo 42 khóa cho ngành xiếc Việt Nam, 13 khóa cho ngành xiếc của CHDCND Lào và vương quốc Campuchia, chưa kể đến các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn.

Trên lĩnh vực hoạt động đối ngoại những năm qua, ngoài những nước đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống với trường như: CHLB Nga, Trung Quốc, vương quốc Campuchia, CHDCND Lào, đến năm 2012, trường đã mở rộng mối quan hệ hợp tác với CH Pháp, CHDCND Triều Tiên, Mongolia, Australia... Từ năm 2014, trường đã thực hiện cam kết hợp tác trao đổi 2 chiều, đào tạo giáo viên, học sinh giữa Học viện Nghệ thuật Quốc gia Australia với Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Năm 2011, trường được Bộ VHTTDL quyết định làm chủ đầu tư nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp dựng công trình tổ hợp rạp xiếc sân khấu tròn và dành tặng cho đoàn xiếc quốc gia Campuchia vào ngày 26 - 9 - 2012 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia. Có thể nói, đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị to lớn trong lĩnh vực hợp tác đối ngoại của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam với ngành xiếc vương quốc Campuchia.

Tính đến năm 2016, ngoài việc tổ chức đào tạo dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ cho con em nhân viên các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam như: Thụy Điển, Pháp, Lucxambua, Chile…, trường đã đào tạo 13 khóa ngắn hạn, dài hạn cho ngành xiếc của nước CHDCND Lào và ngành xiếc của vương quốc Campuchia, với tổng số 176 diễn viên và 114 tiết mục.

6. Hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo

Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy của trường những năm gần đây được Ban Giám hiệu đặc biệt chú trọng quan tâm. Trường đã và đang tổ chức biên soạn, biên dịch các bộ giáo trình đạt chuẩn cấp Bộ phục vụ giảng dạy; sưu tầm, hệ thống được hơn 10 đầu đĩa với hàng trăm thể loại, tiết mục xiếc khác nhau trên thế giới làm tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh học tập. Hoàn thành đề án khoa học phục vụ định hướng phát triển cơ sở giáo dục, đào tạo; phối hợp với Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện 1 đề tài khoa học cấp Bộ; đăng tải 11 bài viết trong kỷ yếu khoa học, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và thông báo khoa học của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Giảng viên của trường đã tham gia đào tạo, hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho các học viên của Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Học sinh của trường đã gặt hái nhiều thành tích trong chuyên môn. Nhiều người đã trở thành những cán bộ có uy tín trong ngành văn hóa. Tính riêng từ năm 2009 trở lại đây, đã có 198 lượt học sinh. Ngay từ khi đang học tập tại trường, các học sinh đã đoạt được 42 giải thưởng vàng, bạc và đồng tại các cuộc thi, liên hoan xiếc trong và ngoài nước. Trong đó có những liên hoan xiếc uy tín vào bậc nhất thế giới như: liên hoan xiếc quốc tế được tổ chức tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đoàn Việt Nam đoạt 8 giải vàng, 12 giải bạc, 4 giải đồng, 2 giải đặc biệt, 3 giải khuyến khích, 1 giải nhì toàn đoàn, 5 giải tài năng xiếc trẻ, 4 giải đạo diễn xuất sắc nhất... Những năm gần đây, 100% học sinh tốt nghiệp được các đơn vị nghệ thuật xiếc công lập đón nhận.

Thực hiện đề án chiến lược phát triển trường giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, hiện nay cấp ủy, Ban Giám hiệu đã và đang tổ chức kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy, huấn luyện kỹ năng thực hành; nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp quản lý trong hoạt động đào tạo, mở thêm chuyên ngành đào tạo mới... Chính vì thế, chất lượng đào tạo của trường ngày càng được nâng cao, uy tín về chất lượng đào tạo của trường ngày một được khẳng định.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : HOÀNG MINH KHÁNH

;