NGHỀ LÀM HÀNG MÃ CỦA LÀNG ĐÔNG HỒ

        Hàng mã hay đồ mã là những khái niệm dùng để chỉ những đồ làm bằng giấy và có thể đốt được. Đó là những thứ mà người sống muốn dành cho người đã mất. Tùy vào mỗi địa phương mà ở đó họ có những cách gọi lái hàng mã hay đồ mã thành vàng mã. Nhưng cho dù cách gọi nào thì đồ mã vẫn được hiểu là những sản phẩm dành cho người đã mất.

Cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu nào cho thấy thời điểm xuất hiện việc đốt vàng mã ở nước ta, nhưng chắc chắn điều này đã tồn tại từ hàng trăm năm do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Hiện nay, đồ vàng mã được sử dụng phổ biến trong đời sống tín ngưỡng của cư dân một số nước phương Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc (1).

Đốt đồ mã đã trở thành tục lệ lâu đời, bén rễ sâu vào đời sống tâm linh của người Việt, thể hiện sự tri ân đối với những người đã mất. Tục đốt vàng mã phổ biến ở mọi vùng miền của đất nước nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng

Đi liền với tục đốt vàng mã là sự ra đời nghề làm hàng mã, trở thành nghề truyền thống của nhiều làng Việt. Làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một trong số đó.

1. Lịch sử nghề hàng mã ở làng Đông Hồ

Xưa kia, Đông Hồ thuộc phủ Thuận An, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc. Thời Pháp thuộc, tổng Đông Hồ gồm 8 làng: Đông Tơi, Lạc Thổ, Thường Xá, Đạo Tú, Xuân Tú, Tú Khê, Tú Tháp và Đông Hồ.

Hiện nay, làng Đông Hồ thuộc thôn Đông Khê xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng nghề ở đồng bằng sông Hồng nổi tiếng với hai nghề truyền thống là làm tranh dân gian và hàng mã.

Tương truyền nghề hàng mã xuất hiện ở làng Đông Hồ từ khá sớm (khoảng cuối TK IX) và gắn liền với nhân vật Cao Biền.

Khoảng cuối thời Đường, Tiết độ sứ Cao Biền sang cai trị nước ta (866-873) có đóng quân ở Đông Hồ, chia làm 5 doanh, sau lập thành 5 ấp. Dân 5 ấp đều thờ Cao Biền. Cao Biền giỏi về địa lý, đã cắt tóc, móng tay yểm huyệt ở Đông Côi, dân gọi là lăng Đô Hộ.

Hàng năm vào tháng 2, dân 5 ấp mở hội nhưng cứ vào đêm cuối thường có đám lửa sáng bốc lên đi về Đông Côi, bên trong như có cờ xí, lọng, kiệu, võng, văng vẳng tiếng chiêng trống, âm nhạc. Đến lăng Đô Hộ đám lửa đi quanh rồi tắt.

Những giai thoại đó thực hư chưa rõ nhưng đã phản ánh niềm tin của người dân Đông Hồ vào sự tồn tại một thế giới vô hình của người chết. Trong thế giới đó, người chết cũng có những nhu cầu sinh hoạt, sử dụng các vật dụng như khi còn sống. Vì vậy, việc làm ra những vật dụng bằng giấy để đốt cho người chết trở thành một nhu cầu thiết yếu. Phải chăng đấy chính là nguồn gốc lịch sử của nghề làm vàng mã ở Đông Hồ.

Về sau này, chính sử liệu địa phương của làng nghề này cũng cho rằng: nghề hàng mã có mặt ở Đông Hồ khoảng thời kỳ Cao Biền đô hộ. Nghề hàng mã hình thành do chính người dân 5 ấp ở Đông Hồ (có thể có cả người của quân đội Cao Biền định cư ở lại, hoặc tùy tướng của Cao Biền) thời đó nghĩ ra để phục vụ cho các nghi thức thờ cúng.

Trải qua năm tháng, các thế hệ trong làng truyền nghề cho nhau. Làng nghề vẫn giữ gìn được 2 nghề truyền thống đó là nghề làm hàng mã và làm tranh dân gian Đông Hồ.

Trước những năm 50 TK XX, làng nghề có sự phân biệt rõ rệt về thời gian. Từ tháng ba đến tháng bảy là thời gian làng làm hàng mã. Từ tháng tám đến tháng chạp người dân chuyển sang làm tranh. Từ những năm 90 TK XX đến nay, hầu hết các hộ dân trong làng chuyển sang làm nghề hàng mã.

Hiện nay dân số của làng Đông Hồ 1.975 người với 356 hộ thì có tới 353 hộ làm hàng mã, chỉ còn lại 3 hộ làm tranh. Trước đây, nghề hàng mã của làng chỉ phục vụ cho tín ngưỡng thờ cúng của các gia đình trong vùng và một số nơi lân cận, nhưng hiện nay những sản phẩm của làng hầu hết đã có mặt ở nhiều vùng trên đất nước (2).

2. Những đặc điểm của làng nghề hàng mã Đông Hồ

          Nguồn nguyên liệu

Làng nghề Đông Hồ không chỉ được biết đến bởi nghề tranh dân gian mà còn nổi tiếng khắp vùng bởi nghề làm hàng mã với những đặc điểm riêng biệt. Khác với các làng nghề, làng nghề Đông Hồ với nghề làm hàng mã chủ yếu phục vụ tín ngưỡng thờ cúng nên những sản phẩm ở đây rất đặc biệt. Đó là những sản phẩm được đốt (hóa) để gửi xuống cho người cõi âm. Để những sản phẩm đó có thể đốt được, yêu cầu bắt buộc phải làm từ những chất liệu dễ cháy như giấy, tre, nứa, hồ...

Trước đây, người dân trong làng thường mua nguồn nguyên liệu từ rất nhiều nơi khác nhau. Giấy được mua chủ yếu ở làng Giấy huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Để tạo ra sự đa dạng sản phẩm cho cõi âm đòi hỏi cần phải có rất nhiều loại giấy. Giấy được phân chia chủ yếu nhờ vào độ dày mỏng của mỗi loại. Tùy vào những sản phẩm mà có cách lựa chọn giấy khác nhau

Tre và nứa được mua ở bến Hồ hoặc những bãi tập kết tre từ trên vùng cao chuyển về... Nhưng hiện nay, do sự phát triển của làng nghề, nguồn nguyên liệu đã được đưa đến tận làng qua các lái buôn hoặc đại lý.

Hồ còn được gọi là keo, loại chất kết dính nhằm dán các mảnh giấy thành những hình thù của sản phẩm. Trước đây, hồ được làm từ bột gạo nếp nấu lên, để có thể tạo nên độ kết dính, họ thường cho nước vôi trong trộn với bột gạo nếp theo một tỷ lệ nhất định. Hiện nay, việc sử dụng bột gạo nếp để nấu thành hồ đã không còn nữa và được thay bằng bột sắn dây, tiết kiệm chi phí đáng kể cho các hộ gia đình sản xuất.

          Sản phẩm hàng mã

Với quan niệm trần sao âm vậy, những sản phẩm gì có ở trên trần gian là những người làm nghề sẽ tạo ngay ra mẫu đó bằng giấy để đốt xuống âm phủ. Nghề hàng mã với cơ cấu sản phẩm đa dạng, lên tới hơn 70 loại, được phân chia làm 3 nhóm:

Những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt của người âm: có thể kể đến những sản phẩm như quần, áo, giày, dép, mũ, nón, ô, nhà cửa, xe máy, ô tô, bếp ga, máy giặt,...

Những đồ cho việc tế lễ như: voi, ngựa, hình nhân, bộ đồ mở phủ...

Vàng mã: bao gồm tiền và vàng thỏi.

Trong mỗi sản phẩm lại mang rất nhiều loại khác nhau, có những loại to, nhỏ hay trung bình nhưng cũng có những loại lại phân biệt với nhau bởi màu sắc. Có lẽ cũng chính bởi sự phong phú trong cuộc sống trần gian đã tạo nên một thế giới hàng mã cho người âm đa dạng đến vậy.

          Kỹ thuật làm hàng mã

Nếu ai đó đã từng biết đến nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với những bức tranh mộc mạc, dung dị nhưng đầy sự tinh tế, trau truốt và mềm mại do bàn tay của những người nghệ nhân thì có thể thây sự mai một của nghề làm tranh và thắng thế của nghề làm hàng mã phải chăng là những lời tri ân đối với những người đã khuất.

Nghề tranh mai một dần, nhưng sự tỉ mẩn, khéo tay của người dân nơi đây vẫn còn đó. Họ đã dồn những tinh hoa của cha ông để lại tạo vật dụng làm cho người cõi âm những sản phẩm thật cẩn thận, tỉ mỉ, công phu có khi gấp rất nhiều lần so với việc làm tranh.

Nghề hàng mã đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ. Đó là điều cần thiết và bắt buộc cho những ai làm loại sản phẩm này. Nghề hàng mã với vài chục sản phẩm như vậy, mỗi sản phẩm lại có rất nhiều loại khác nhau. Mỗi loại lại yêu cầu một mẫu thiết kế riêng. Để làm được một sản phẩm, họ phải trải qua từ 5 đến 6 công đoạn, có khi lên đến gần chục công đoạn khác nhau.

Có lẽ chính vì điều đó mà mỗi gia đình làm hàng mã ở Đông Hồ thường chỉ làm từ 1 đến 2 sản phẩm. Mỗi gia đình tự chọn những sản phẩm riêng, họ học một cách thành thạo những khâu để tạo ra sản phẩm của mình. Chẳng qua một trường lớp đào tạo nào, những phương pháp và cách làm đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

         Thị trường tiêu thụ

Nghề làm hàng mã khá dễ làm, đầu tư khuôn sản xuất đơn giản, gọn nhẹ, nguồn nguyên liệu tre, giấy phong phú, tận dụng và thu hút sức lao động lúc nông nhàn. Hiện nay, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhu cầu tâm linh được coi trọng. Đó là điều kiện thuận lợi giúp nghề mã làng Đông Hồ mở rộng và phát triển. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng mã của Đông Hồ có mặt nhiều địa phương, tiêu biểu như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình..., nhưng tập trung và chủ yếu hơn cả đó là phố Hàng Mã (Hà Nội). Làng Đông Hồ cung cấp cho phố Hàng Mã hàng nghìn tấn sản phẩm mỗi năm.

3. Ảnh hưởng của nghề làm hàng mã trong đời sống văn hóa của làng Đông Hồ

          Nghề chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của địa phương

Trước kia, 2 nghề làm tranh và làm hàng mã có sự phân công rõ ràng về thời gian trong năm. Người dân coi trọng nghề làm tranh để phục vụ đời sống thẩm mỹ, nghề làm hàng mã với những sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng.

Nghề làm hàng mã ở làng Đông Hồ vẫn ngày ngày phát triển, số hộ gia đình ngày càng tăng lên, số lượng lao động tham gia ngày càng cao.

Trái với đó là nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Do nhiều nguyên nhân trong đó có tác động của cơ chế thị trường, cả làng Đông Hồ giờ chỉ còn lại 2 hộ gia đình lưu giữ nghề làm tranh dân gian. Sản phẩm tranh dân gian ít và kém tiêu thụ. Chợ tranh Đông Hồ cũng đi mất theo thời gian, người dân chạy theo những loại tranh của Trung Quốc với những màu sắc sặc sỡ, rẻ tiền. Dân Đông Hồ làm tranh dân gian hầu như không bán được cho người Việt mà chủ yếu chỉ bán cho khách quốc tế. Từ đó, việc người dân dời bỏ nghề làm tranh và quay sang nghề hàng mã cũng là điều dễ hiểu.

Nếu nghề làm tranh Đông Hồ giờ đây gặp nhiều thăng trầm, khó khăn thì nghề hàng mã lại có những bước phát triển mạnh. Nếu như trước đây, nghề hàng mã chỉ đơn thuần là công việc phụ cho người dân làm trong lúc rảnh rỗi thì hiện nay đã trở thành nguồn thu chính cho mỗi gia đình trong làng.

Mỗi hộ gia đình có từ 4 đến 5 người với hơn 3 sào ruộng bình quân. Nhưng thực ra có hơn 70% các hộ gia đình không làm ruộng mà cho người dân nơi khác thuê hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Thu nhập chính của mỗi gia đình hầu như đều trông vào nghề hàng mã. Trong những năm qua, nghề hàng mã đã đóng góp một phần không nhỏ vào tổng sản phẩm xã hội của địa phương.

Năm 2011, tổng sản phẩm xã hội của xã Song Hồ là 67,7 tỷ đồng, trong đó nghề hàng mã đã đóng góp 18,5 tỷ đồng, chiếm tới 27,3%. Thu nhập bình quân của người dân làm nghề hàng mã là 2.800.000 đồng/ tháng. Chính vì điều đó, hàng mã đã trở thành cứu cánh cho những hộ nông dân ở vùng quê nơi đây. Cuộc sống của họ đã khá giả lên nhờ vào nghề hàng mã.

Làng Đông Hồ trước đây được biết đến với cái tên làng Mái. Đó là vì cả làng toàn mái tranh, vách đất. Thế mà hiện nay trong làng 98% là nhà tầng, gác. Nếu như trước kia cả làng chỉ có vài chiếc xe máy thì hiện nay đã có hơn 30 chiếc ô tô. Số hộ khá và giàu đã lên tới 75% với 1.075 hộ gia đình (3). Bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt nhờ vào thu nhập của nghề hàng mã.

Việc làm luôn là vấn đề cấp bách và giành được những sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt với những địa phương thuần nông thì đó lại là bài toán khó giải. Nhưng đối với xã Song Hồ lại khác. Vấn đề việc làm ở đây lại được giải quyết khá triệt để nhờ vào nghề làm hàng mã.

Xã Song Hồ với dân số là 5.734 người, có 3.450 người trong độ tuổi lao động. Hơn 80% trong số đó làm nghề hàng mã. Người lao động có công ăn, việc làm, có thu nhập ổn định, điều đó giúp làm giảm tỷ lệ đói nghèo. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã Song Hồ là 2,94% với 41 hộ (4). Nghề hàng mã đã giúp nhiều hộ gia đình thoát khỏi nghèo và cận nghèo. Không chỉ dừng lại đó, nó còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương.

         Những tác động tiêu cực của nghề làm hàng mã ở Đông Hồ

Không thể phủ nhận, nghề làm hàng mã Đông Hồ hiện nay đã đem lại thu nhập cho người dân, tạo cho họ có cuộc sống ổn định. Nhưng kéo theo sự tăng trưởng kinh tế là sự thay đổi về cảnh quan kiến trúc của làng nghề. Những ngôi nhà 2, 3 tầng mọc lên ngày một nhiều đã phá vỡ khung cảnh làng quê Việt truyền thống ở Đông Hồ. Những ngôi nhà mái không còn cũng như cái tên làng Mái truyền thống giờ dần dần bị quên lãng.

Bên cạnh đó, khối lượng sản phẩm khổng lồ, mỗi năm gần 50.000 tấn sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ, sẽ tạo ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nhiều nơi. Ngay tại làng Đông Hồ, trong quá trình sản xuất, những nước thải phẩm màu chưa qua xử lý đổ thẳng ra môi trường đã gây ra tình trạng ứ đọng tại các cống rãnh, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Những chiếc máy cắt giấy hoạt động gây lên tiếng ồn và bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Xét ở một phạm vi rộng hơn, những sản phẩm của làng nghề này dù được người thợ làm cẩn thận, tỉ mỉ và trau chuốt đến đâu thì chỉ cần sau những khóa lễ, chúng đã trở thành những đống tro bụi. Ước chừng, mỗi năm, nước ta đốt khoảng hàng vạn tấn hàng mã, tiêu thụ hàng nghìn tỉ đồng cho việc đốt hàng mã.

Kết luận

Từ thực trạng của nghề làm nghề hàng mã ở làng Đông Hồ, có thể thấy, hiện nay tục đốt vàng mã đã bị lạm dụng một cách quá mức, mỗi năm gây tốn kém hàng chục tỉ đồng của của xã hội. Chính sự thái quá đó là khởi nguồn của những mê tín, dị đoan và gây hệ quả xấu cho toàn xã hội. Ngày 12-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Trong đó, tại điểm C, điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, nơi công cộng khác (5).

Nghị định trên đã được thi hành với thời gian hơn 2 năm, nhưng kết quả mà nó đạt được lại không mấy khả quan. Và trên thực tế, nghề hàng mã từ xưa đến nay đã trở thành nghề truyền thống tạo công ăn việc làm cho nghìn người lao động ở các làng quê, điển hình nhất là làng Đông Hồ. Vậy nếu như trong tương lại nghề làm hàng mã nói chung trên cả nước, và làng Đông Hồ nói riêng bị xóa bỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân. Đây chắc chắn sẽ là bài toán khó cần tìm đáp án hợp lý đặt ra cho các cấp chính quyền hiện nay.

_______________

1. www.hoidisan.vn

2. www.thuanthanh.gov.vn

3, 4. Số liệu phỏng vấn người dân Đông Hồ.

             5. Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Lê Thị Cúc

;