Nghề điêu khắc than đá ở Quảng Ninh

Điêu khắc than đá là một nghề thủ công mỹ nghệ mang tính độc đáo ở tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù, hiện nay chưa được công nhận là nghề thủ công truyền thống; song trên thực tế, nghề điêu khắc than đá vẫn được duy trì, hiện hữu trên địa bàn tỉnh với những đặc điểm riêng có, khác biệt về sự ra đời, nguồn gốc xuất thân của người làm nghề, quá trình tồn tại, chất liệu, kỹ thuật tạo tác, hình thành sản phẩm…

Một số sản phẩm điêu khắc than đá Quảng Ninh, xưởng Quyết Bình (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) - Ảnh: Trần Quốc Đạt

1. Vài nét khái quát về nghề thủ công truyền thống và nghề điêu khắc mỹ nghệ ở Việt Nam

Ở nước ta, nghề thủ công xuất hiện sớm, “hình thành ngay từ trong lòng xã hội nguyên thủy. Tuy nhiên, khi cơ cấu làng Việt ra đời và ổn định thì làng nghề mới trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành lịch sử kinh tế, văn hóa Việt Nam” (1). Các nghề nổi tiếng và lâu đời nhất có thể kể đến như nghề đúc đồng, dệt vải, làm giấy, làm gốm, chạm gỗ, chế tác đồ kim loại... đều xuất phát và tồn tại ở các làng; tên làng nghề gắn liền với đặc trưng sản phẩm, tên sản phẩm luôn kèm theo tên gọi của làng. Nghề thủ công Việt Nam không chỉ để lại cho đời sau những sản phẩm vật chất, mà còn góp phần phát triển và nâng cao giá trị cho các loại hình nghệ thuật dân gian...

Theo cách định danh trong dân gian, một nghề có quá trình tồn tại, phát triển lâu dài và tỷ lệ người làm nghề (ở trong làng) cao, thu nhập từ nghề là nguồn thu chính, tên làng dần gắn với tên nghề… thì được gọi là “làng nghề”; nghề có tỷ lệ người theo thấp, thời gian xuất hiện chưa dài, sản phẩm chưa mang lại tên tuổi cho làng… thì gọi là “nghề” của làng. Có thể kể đến một số đặc điểm tiêu biểu về nghề thủ công ở nước ta như: phần lớn là nghề phụ của người nông dân, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sản phẩm đơn chiếc; chủ yếu gắn với quy mô sản xuất của gia đình; kỹ thuật thô sơ, dựa vào sức người, sự khéo léo của nghệ nhân; mức độ chuyên môn hóa cao với khuynh hướng đi đến độc quyền sản xuất, giữ bí quyết ngành nghề; tính chất phân tán, không ổn định...

Song hành với lịch sử phát triển của dân tộc, nghề và làng nghề thủ công ra đời, kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ; luôn hàm chứa, lưu giữ và nuôi dưỡng truyền thống văn hóa một cách đậm nét, cụ thể và bền vững. Theo Nghị định của Chính phủ số 52/2018/NĐ-CP về Phát triển ngành nghề nông thôn, “nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền; làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời” (2). Theo cách phân loại của Luật di sản văn hóa, nghề thủ công truyền thống là một trong bảy loại hình của di sản văn hóa phi vật thể. Nghề thủ công truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc, một bộ phận trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc; sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn mang đậm giá trị văn hóa, thể hiện nét đặc trưng của vùng đất và con người.

Trong số các nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam, điêu khắc với ý nghĩa là một kỹ thuật tạo tác, được người thợ áp dụng trên một số chất liệu cụ thể như đá, gỗ, kim loại... để tạo hình, cho ra đời các sản phẩm thủ công gắn liền với các nghề, làng nghề tương ứng. Trong công trình nghiên cứu Tìm hiểu làng nghề thủ công điêu khắc - cổ truyền, tác giả Chu Quang Trứ cho rằng: làng nghề điêu khắc theo ba nhóm chất liệu chính là nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ và chạm khắc đá. Nếu như hội họa là nghệ thuật tạo hình trên mặt phẳng, bằng các yếu tố đường nét, màu sắc, hình diện thì điêu khắc là nghệ thuật tạo hình trong không gian ba chiều, bằng các khối có thể tích, sử dụng các phương diện tạo hình vào việc tạo dáng sản phẩm, sáng tạo môi trường không gian mang giá trị thẩm mỹ và công năng. Sản phẩm thủ công từ điêu khắc thường được gọi là đồ mỹ nghệ, luôn khẳng định được vị trí với đặc điểm nổi bật về giá trị thẩm mỹ, đẹp và tinh tế. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, một loại chất liệu đã được sử dụng, hình thành nên nghề điều khắc than đá, còn tồn tại cho đến nay.

2. Định vị và nhận diện nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh

Quảng Ninh có vị trí ở địa đầu Đông Bắc Việt Nam. Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vừa thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ; là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu đất nước, đa dạng về văn hóa tộc người, sở hữu nhiều di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt là Vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quảng Ninh cũng là địa bàn dự trữ và khai thác than đá chính của đất nước, tạo cơ sở cho công nghiệp khai khoáng phát triển; đồng thời cũng là điều kiện cho sự xuất hiện và tồn tại của một nghề thủ công độc đáo - điêu khắc mỹ nghệ trên chất liệu than đá của địa phương.

Nhân tố chủ thể, các yếu tố không gian và thời gian của nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh

Từ cuối TK XIX, thấy được tài nguyên khoáng sản than đá của Quảng Ninh, thực dân Pháp tăng cường khai thác tại các khu Hồng Quảng, Mạo Khê, Vàng Danh, Cẩm Phả, Hà Tu. Họ thành lập Công ty Than Bắc Kỳ, độc quyền khai thác và tiêu thụ than đá, ra sức vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân công thuộc địa. Cùng với công nghiệp than, Quảng Ninh là một trong những nơi giai cấp công nhân Việt Nam hình thành sớm nhất, đông nhất và có những đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Công nhân than Quảng Ninh chính là chủ thể sáng tạo ban đầu của nghề điêu khắc than đá. Ông Nguyễn Đức Thuận - một thợ nguội khéo tay, làm việc ở mỏ Mông Dương, đã chế tác sản phẩm đầu tiên là chiếc tẩu hút thuốc lào từ mẩu than đá. Sự xuất hiện nghề, việc hành nghề ban đầu có sự khuyến khích, tạo điều kiện của chủ mỏ người Pháp. Một số sản phẩm tạo tác như Mô hình sa bàn mỏ Mông Dương, đã được người Pháp mang về chính quốc dự triển lãm, nhận được giải thưởng của Chính phủ Pháp.

Tính đến thời điểm hiện nay, nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh đã tồn tại được khoảng 70-80 năm. Ban đầu, chỉ có một số hộ dân làm nghề, sau đó có sự phát triển hơn trên cơ sở nguồn nguyên liệu than đá tại chỗ, sẵn có của địa phương. Giai đoạn trước đổi mới, Hợp tác xã Mỹ nghệ Quảng Ninh (trực thuộc Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh) đã được thành lập, tập trung hàng trăm nhân công, sản xuất các sản phẩm từ than đá, thậm chí còn xuất khẩu hàng hóa bán ra nước ngoài. Sau năm 1986, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả, sáp nhập với Công ty Nhiếp ảnh rồi giải thể (3). Mặc dù nghề điêu khắc than đá vẫn được một số người thợ tâm huyết duy trì, nhưng gặp phải một số khó khăn trong việc truyền nghề, mở rộng sản xuất và quảng bá sản phẩm, đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian. Hiện nay, một số hộ gia đình vẫn tiếp tục hành nghề, chủ yếu tập trung trên hai địa bàn là khu vực phường Hồng Hà (Hạ Long) và Cọc 6 (Cẩm Phả). Trong đó, việc sản xuất, kinh doanh ở Hạ Long có phần khả quan hơn. Gia đình ông Nguyễn Tuấn Quyết (cháu của người thợ đầu tiên Nguyễn Đức Thuận) và bà Nguyễn Thị Thanh Bình luôn đi đầu trong việc sản xuất, nhiệt huyết bảo lưu nghề.

Nhận diện và xác định các giá trị của nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh

Tại Quảng Ninh, điêu khắc than đá có thể coi là một nghề thủ công mỹ nghệ, có đặc điểm riêng về nguyên liệu, cũng như kỹ thuật chế tác. Các sản phẩm điêu khắc từ than đá khá tinh xảo, đẹp mắt và có được sự yêu thích của khách hàng. Hiện nay, nghề được tiến hành trong phạm vi một số hộ gia đình chưa hình thành làng/ khu nghề, song, vẫn được duy trì và tồn tại trên thực tế ở Hạ Long và Cẩm Phả, mang lại nguồn thu nhập cho người làm. Đây là một nghề thủ công độc đáo, duy nhất có ở vùng mỏ Quảng Ninh, chứa đựng nhiều giá trị, có thể kể đến như:

Về mặt lịch sử, nghề điêu khắc than đá có quá trình hình thành, tồn tại gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất và con người trên địa bàn tỉnh. Sự xuất hiện của nghề ghi dấu quá trình người Pháp khai thác kinh tế thuộc địa, phát triển công nghiệp khai khoáng, cũng như sự ra đời giai cấp công nhân tại vùng mỏ. Quá trình tồn tại của nghề cũng thể hiện những thăng trầm trong các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tiêu biểu như mô hình hoạt động của Hợp tác xã trước đổi mới; cũng như giai đoạn phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, định hướng XHCN hiện nay.

Trên khía cạnh văn hóa, nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh là một minh chứng cụ thể và sinh động về khả năng sáng tạo, hoa tay, kỹ thuật tạo tác của người dân địa phương trên cơ sở một nguồn nguyên liệu phổ biến ở đây. Than đá là một khoáng sản, một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. “Vàng đen” đất mỏ thường được chúng ta biết đến với tư cách một nguồn nguyên liệu sử dụng trong công nghiệp nhiệt điện, việc sản xuất hoặc đun nấu… Nhưng trong trường hợp này, người thợ thủ công với kỹ thuật khéo léo đã tạo ra công năng mới cho than, hình thành nên các sản phẩm - tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và đẹp mắt, có giá trị sử dụng, giúp ích, phục vụ cuộc sống. Một số sản phẩm đặc trưng của nghề điêu khắc than đá là tượng người, lọ, lục bình, phong cảnh Vịnh Hạ Long, đồ trang trí, vòng đeo tay…

Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, sản phẩm của nghề là đồ tạo tác đẹp mắt, trải qua quy trình sản xuất công phu. Do đặc tính cứng và giòn, việc điêu khắc trên chất liệu than đá đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác cao thì mới tạo ra được một sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Để làm được sản phẩm, nguyên liệu phải là than già, có độ bóng và mịn than thì mới làm được. Than được cưa tùy theo kích thước sản phẩm, nếu có vỡ, nứt là phải bỏ đi, không thể tận dụng lại; rồi tiến hành đục, mài; tiếp đến là công đoạn đánh ráp, đánh bóng. Do đặc thù của quá trình chế tác, các dụng cụ làm nghề là cưa, đục, dũa… đều được chế lại cho phù hợp. Điêu khắc than phải làm thủ công gần như 100%. Hiện nay, có một số máy cưa, máy mài, nhưng người thợ cũng vẫn phải chế lại theo mục đích sử dụng. Có thể nói, bằng kỹ thuật điêu khắc, người thợ đã thổi hồn cho những hòn than vô tri, vô giác trở nên mềm mại, uyển chuyển và có những vẻ đẹp riêng - đặc biệt là sắc đen tuyền và độ bóng bẩy.

Trên phương diện kinh tế, mặc dù không phổ biến rộng khắp nhưng điêu khắc than đá là một nghề có thời gian tồn tại khá lâu tại địa phương, cho đến nay đã xuyên qua hai thế kỷ. Người dân hành nghề, kiếm sống được bằng tình yêu nghề và sức lao động, sáng tạo của mình cũng như khả năng đáp ứng linh hoạt với nhu cầu tiêu thụ. Sản phẩm than đá mỹ nghệ có giá cả khá đa dạng, từ vài chục, vài trăm nghìn (chiếc thuyền buồm, hòn gà chọi…), đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng (đôi lục bình, mặt trống đồng…) tùy kích cỡ và độ tinh xảo. Sản phẩm được sản xuất, bán, có mặt trên thị trường, bao gồm đồ gia dụng, đồ lưu niệm, các sản phẩm văn hóa tại các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh hoặc ở một số cửa hàng tại gia đình của người chế tác.

3. Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh - một giá trị văn hóa độc đáo cần được bảo tồn

Điêu khắc than đá là một nghề thủ công vô cùng độc đáo của vùng đất mỏ Quảng Ninh. Tính chất độc đáo của nghề được thấy rõ trên cơ sở so sánh với các đặc điểm của nghề thủ công nói chung, nghề điêu khắc mỹ nghệ nói riêng ở nước ta, cụ thể nhất là về nguồn gốc xuất thân người thợ và nguyên liệu chế tác ra sản phẩm:

Nghề thủ công thường được biết đến là nghề phụ của người nông dân, làm lúc nông nhàn; nhưng những người thợ đầu tiên của nghề điêu khắc than đá lại là người công nhân lao động ở khu mỏ. Đây là một ngành nghề phổ biến, đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh, nhất là vào giai đoạn khai thác kinh tế thuộc địa của người Pháp. Thực chất, phần lớn những người công nhân Việt Nam ban đầu vốn cũng có nguồn gốc từ người nông dân mà ra, họ bị tước đoạt hết ruộng đất, phải làm việc cho tư bản. Thành phần giai cấp của người sáng tạo cũng mang lại đặc điểm riêng cho nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh, thể hiện mối quan hệ gián tiếp với nghề nông chứ không phải là trực tiếp như các nghề thủ công phổ biến khác.

Nghề điêu khắc mỹ nghệ phát triển trên phạm vi cả nước, sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ như đá, kim loại, gỗ; hình thành nên nhiều làng nghề nổi tiếng. Trong đó, hiện vật đá được coi là bức “thông điệp” xuyên thời gian, đồng là chất liệu đích thực của điêu khắc, còn gỗ là “điều kiện” lý tưởng cho khả năng sáng tạo của con người. Tuy nhiên, duy nhất tại Quảng Ninh, kỹ thuật điêu khắc được thực hiện trên nguồn nguyên liệu than đá. Than đá có tính chất khác với đá, gỗ, kim loại; than không có độ mềm, dẻo dai như gỗ; không có độ cứng chắc, bền vững như đá; cũng không có đặc điểm nóng chảy, đông đặc như kim loại. Với tính chất cứng và giòn của than đá, việc điêu khắc đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, tỉ mỉ của người thợ thủ công, đặc biệt phải là loại than phù hợp (già than, than không có vỉa, không lẫn sít, không giòn), chỉ có ở mỏ than Cao Sơn, Đèo Nai hoặc Cọc 6 của Quảng Ninh.

Với những phân tích trên, có thể coi điêu khắc than đá là nghề thủ công mang đậm bản sắc địa phương, riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ quá trình tồn tại của nghề, từ tình hình thực tế hiện nay cho thấy, nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Vì một số lý do như việc hành nghề vất vả, lam lũ; vấn đề vệ sinh môi trường sản xuất, quá trình chế tác than rất bụi bặm; màu sắc của sản phẩm đơn thuần (màu đen đặc trưng của nguyên liệu than đá) có tính hạn chế; nên người thợ gặp khó khăn nhất định trong việc dạy nghề, truyền nghề cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nghề vẫn còn được duy trì, chưa mất đi, thực sự là nhờ vào nhiệt huyết, công sức, sự cống hiến của các cá nhân làm nghề tại địa phương.

Theo Nghị định số 52, nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt cả 3 tiêu chí sau: Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề (4).

Xem xét, áp dụng theo các tiêu chí trên, có thể hiện tại nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh chưa đáp ứng được một cách đầy đủ, trọn vẹn. Nhưng, như đã khẳng định, nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh vừa có tính độc đáo, vừa hội tụ được nhiều yếu tố, đặc điểm chung của nghề thủ công, nghề điêu khắc mỹ nghệ ở Việt Nam, do đó cần được khuyến khích, bảo tồn. Trên thực tế, những người thợ làm nghề cũng bày tỏ nguyện vọng được duy trì, bảo tồn, phát triển nghề. Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng của người thợ, cần có sự quan tâm hơn nữa của giới nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn nghề. Nếu như nghề bị thất truyền, không có nữa sự hiện diện của những sản phẩm điêu khắc than đá Quảng Ninh thì thực sự có thể coi là một “mất mát” trong văn hóa của vùng mỏ.

____________________

1. Viện Nghiên cứu văn hóa, Tổng tập Nghề và Làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.7.

2, 4. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn, Hà Nội, 2018.

3. Lê Thanh Hoa, Tìm hiểu về nghề điêu khắc than mỹ nghệ tại Quảng Ninh, uhl.edu.vn, 10-6-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Quảng Ninh, “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh” tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế (nhân dịp Festival Nghề truyền thống Huế, năm 2021), Quảng Ninh, 2021.

2. Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan - Thuật ngữ và định nghĩa chung, Tiêu chuẩn Việt Nam 10382:2014, Hà Nội, 2014.

3. Trần Quốc Đạt, Bảo tồn và phát huy giá trị nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh, Tiểu luận chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2022.

4. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.

5. Chu Quang Trứ, Tìm hiểu làng nghề thủ công điêu khắc - cổ truyền, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014.

6. Văn phòng Quốc hội, Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Di sản văn hóa, Hà Nội, 2013.

7. Viện Nghiên cứu văn hóa, Tổng tập Nghề và Làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 1-6, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.

8. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996.

Ths PHẠM THU HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;