Sáng 27-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều hành nội dung phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu đã thảo luận Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2024.
Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày dự kiến Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2024; đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Theo đó, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với nhiều đổi mới, cải tiến.
Cụ thể: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường với việc xây dựng và ban hành hơn 23 văn bản quan trọng trong hoạt động giám sát. Qua đó, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và Nhân dân quan tâm; đặc biệt, chú trọng hoạt động giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của Thủ tướng Chính phủ…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự kiến Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2024
Hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao… Kết quả giám sát đã cung cấp thêm nhiều thông tin, giải pháp, phương hướng để góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng pháp luật; nhiều kiến nghị giám sát đã được các cơ quan kịp thời nghiên cứu tiếp thu, xử lý trong quá trình xây dựng trình Quốc hội thông qua các đạo luật.
Hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, qua đó, đã tạo điều kiện để các cơ quan chủ động chuẩn bị các báo cáo thuộc trách nhiệm, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể; đồng thời, chú trọng việc đổi mới trong công tác chuẩn bị báo cáo trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và cử tri với Đảng và Nhà nước…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, bao gồm 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan ; Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý và đề nghị các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 của Quốc hội, nhất trí cao về Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Đại biểu nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát đã có nhiều đổi mới, tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, giảm tối đa phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị liên quan. Điều đó đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, xử lý được nhiều vụ việc tồn đọng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân.
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn TP Hà Nội
Đại biểu cho rằng cần tiếp tục phân định rõ, nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa trong hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Tuy vị trí, vai trò, phạm vi, phương pháp, quy trình của mỗi cơ quan khác nhau, nhưng cần nâng cao hiệu quả phối hợp, điều phối giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả giám sát, đảm bảo tính khách quan, độc lập.
Bên cạnh đó, về công tác bảo đảm các điều kiện thực hiện giám sát, kinh nghiệm cho thấy, yếu tố này ảnh hưởng lớn tới chất lượng giám sát, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế làm việc của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia, sự tham gia của các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác giám sát. Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát.
Đánh giá cao Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) bày tỏ đồng tình lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn Thanh Hóa
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chuyên đề này cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội, vì chính sách nhà ở xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đại biểu cho biết, tuy pháp luật, chính sách đã có, nhưng việc triển khai nhà ở xã hội cho người dân còn nhiều khó khăn, còn khoảng cách xa so với mục tiêu, nhu cầu đặt ra.
Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, đại biểu cho rằng cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách. Đại biểu đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006, thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005 cho đến năm 2023 để quán triệt tốt chủ trương của Đảng trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng nội dung giám sát cần trả lời được các vấn đề tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào?
Bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình về dự thảo Nghị quyết dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng nhấn mạnh : hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến tích cực, nhiều tiến bộ rõ rệt, có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận, cách thức tổ chức, tiến hành công việc, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giám sát vẫn còn một số điểm hạn chế cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn Hưng Yên
Đại biểu cho rằng, cần quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị giám sát, đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể các nội dung giám sát, cần thành lập tổ công tác, giúp việc của đoàn giám sát là những cán bộ, chuyên gia, các đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về lĩnh vực giám sát.
Bên cạnh đó, cần tích cực thu thập các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát. Tổ công tác của đoàn giám sát cần làm việc trước với cơ quan đơn vị liên quan, xác minh, làm rõ những vấn đề cần thiết trước khi đoàn giám sát làm việc chính thức với đơn vị chịu sự giám sát. Sau giám sát, phải ban hành kết luận Nghị quyết của cuộc giám sát, Nghị quyết kết luận giám sát phải nêu cụ thể các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, có kiến nghị, yêu cầu cụ thể. Ngoài ra, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có vi phạm, đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết tại phiên thảo luận đã có 15 ý kiến đại biểu phát biểu. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ để tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình. Qua thảo luận cho thấy, đa số ý kiến thống nhất Tờ trình và dự kiến chương trình giám sát; ghi nhận việc chuẩn bị báo cáo một cách công phu. Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với các nhận định đánh giá về kết quả hoạt động giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 với nhiều đổi mới hiệu quả; bày tỏ cơ bản thống nhất với dự kiến của năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nội dung chương trình giám sát chuyên đề năm 2024, ngoài 4 chuyên đề nghị đại biểu lựa chọn, có một số ý kiến đại biểu đề nghị lựa chọn thêm các lĩnh vực như kinh tế biển, luật biển, cơ sở dữ liệu quốc gia, việc ban hành văn bản pháp luật ở địa phương; đề nghị tổ chức hội nghị cuối năm để đánh giá hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cũng kiến nghị nhiều nội dung cụ thể khác về nội dung chương trình, hình thức, thành phần thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát như tăng kinh phí, chế độ báo cáo… Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan Quốc hội nghiên cứu để tham mưu để điều hòa các hoạt động giám sát và tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, năm 2024 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Đây cũng là năm Quốc hội tiến hành xem xét, thảo luận và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì vậy, việc triển khai Chương trình giám sát 2024 với nhiều nội dung tiếp tục đổi mới, cải tiến sẽ là cơ sở quan trọng để sửa đổi các quy định pháp luật về hoạt động giám sát nói riêng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung theo đúng tinh thần giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, Nghị quyết về thành lập các đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội trong kỳ họp.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội