Chiều 7-1, tại tỉnh Hà Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Nghệ thuật biểu diễn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác 2023. Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương; đại diện lãnh đạo các Hội nghề nghiệp, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Q.Cục trưởng Cục NTBD Trần Ly Ly, Cục phó Cục NTBD Trần Hướng Dương chủ trì và điều hành Hội nghị
Báo cáo Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023, Q. Cục trưởng Trần Ly Ly cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2022 đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; xung đột quân sự, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến mọi hoạt động văn hóa nói chung, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng.
Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách để kịp thời ban hành các giải pháp vĩ mô phù hợp. Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; kinh tế vĩ mô giữ vững ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ; các hoạt động văn hóa - xã hội trở lại bình thường...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, ngành VHTTDL nói chung, lĩnh vực NTBD nói riêng đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch công tác năm.
Cụ thể, lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh/thành phố giao. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai được tổ chức thành công hết sức tốt đẹp, Chương trình nghệ thuật của lễ khai mạc được đánh giá là điểm nhấn văn hóa quan trọng nằm giới thiệu hình ảnh của một đất nước Việt Nam thân thiện và hiếu khách, một Đông Nam Á đoàn kết, mạnh mẽ và sẵn sàng tỏa sáng.
Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thường xuyên phối hợp và có mối liên hệ chặt chẽ với Sở VHTTDL/Sở VHTT/Sở VHTTTTDL trên cả nước, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để triển khai có hiệu quả công tác tổ chức phát triển sự nghiệp theo kế hoạch công tác năm 2022 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Cục cũng đã tổ chức thành công Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 tại Nghệ An với sự tham gia của khoảng 600 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo đến từ 11 đơn vị tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước; Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2021 (Đợt 2) tại Đắk Lắk với sự tham gia của hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật. Tại Hà Nam, sau 16 ngày biểu diễn, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, cùng sự tỏa sáng của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp; Liên hoan Cải lương toàn quốc đã được tổ chức thành công tại Long An với 22 đơn vị nghệ thuật; Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022 tại Hà Nội với sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Liên hoan Âm nhạc ASEAN - 2022 được tổ chức thành công tại Quảng Nam với nhiều tiết mục, thể loại biểu diễn phong phú, đa dạng như: ca, múa nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, kịch ca truyền thống, hát dân ca… Đồng thời, tổ chức phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề Sống mãi với thời gian hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030) và 85 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2030).
Q. Cục trưởng Cục NTBD Trần Ly Ly trình bày báo cáo công tác Nghệ thuật biểu diễn 2022
Các Nhà hát đã triển khai nhiều hoạt động biểu diễn, chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và tăng cường hoạt động quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống, hiện đại đến với đông đảo quần chúng khán giả trong cả nước theo nội dung phong trào thi đua năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Về Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Cục NTBD đã chỉ đạo các nhà hát trung ương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các chương trình nghệ thuật: Lễ hội vì hòa bình “từ mùa hè đỏ lửa 1972 đến những mùa hè hòa bình” kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022); Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); Tham gia Tiểu ban Khai mạc và Bế mạc chương trình nghệ thuật đặc biệt Lễ Khai mạc Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - Việt Nam 2021; Chỉ đạo, tổ chức thành công Lễ Khai mạc và Bế mạc Sea Games 31...
Các đơn vị nghệ thuật trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục điều động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước. Công tác biểu diễn giao lưu đối ngoại được các đơn vị nghệ thuật tổ chức thực hiện tốt, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật phục vụ đón các nguyên thủ sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngoài việc tổ chức biểu diễn phục vụ chính trị, các đơn vị nghệ thuật trung ương còn tham gia tổ chức, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa, du lịch và biểu diễn có thu: tổ chức dàn dựng, sửa chữa, nâng cao 38 chương trình, 51 vở; 1676 buổi biểu diễn.
Khối các cơ quan, đơn vị địa phương đã bám sát định hướng chỉ đạo của Bộ VHTTDL, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTTDL/Sở VHTT/Sở VHTTTTDL trên toàn quốc triển khai đảm bảo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tiếp tục được tăng cường, thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP. Công tác thẩm định, cấp phép, tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa đến cho công chúng những giá trị thẩm mỹ cao đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Trong năm 2022, các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã: tổ chức dàn dựng 302 vở, 615 chương trình, 378 tiết mục; sửa chữa, nâng cao 45 chương trình, 92 tiết mục; 8979 buổi biểu diễn (trong đó có 564 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 450.000.000 lượt người xem (qua hình thức trực tiếp) và thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và kênh youtube...
Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn còn gặp phải những tồn tại, khó khăn như: thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương, và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối, đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung, nhưng cũng có những điểm khác biệt, nên sẽ có nhiều ảnh hưởng tới việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân.
Về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ diễn viên kế cận: cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức, các rạp hát, địa điểm biểu diễn có sẵn hiện xuống cấp không thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc biểu diễn, luyện tập, làm việc; các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận; nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng chuyên môn, nguồn nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả, các tác phẩm nghệ thuật mới chưa được đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn ra công chúng. Quá trình thực hiện và đổi mới cơ chế chính sách đặc thù cho nghệ sĩ còn chậm, bất cập dẫn đến người lao động có tâm lý chán nản, không thực sự toàn tâm toàn ý với nghề; mức kinh phí đầu tư của địa phương cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp, khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động...
Bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội nghị
Bà Trần Thị Kiều Tôn – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre: hiện nay tỉnh có một đoàn nghệ thuật truyền thống, nhưng do hạn chế về kinh phí hoạt động, nên vừa kết hợp giữa hoạt động chuyên nghiệp vừa kết hợp với trung tâm truyền thống để đưa nghệ thuật biểu diễn gắn với địa phương. Thời gian tới, với kinh nghiệm của các địa phương khác, tỉnh sẽ thực hiện kết hợp giữa nhiều loại hình để tạo sức mạnh tổng hợp, qua đó tập trung đầu tư cho các vở chuyên nghiệp cần kinh phí cao, đồng thời vừa giữ được hoạt động nghệ thuật truyền thống và gắn với du lịch...
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Lào Cai Đinh Minh Hà mong muốn sửa đổi quy định về thù lao biểu diễn để phù hợp với thực tế
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Lào Cai Đinh Minh Hà chia sẻ, tỉnh vẫn giữ được Đoàn Nghệ thuật dân tộc và Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Lào Cai, về hoạt động chuyên nghiệp chưa có sự nổi bật, chỉ giữ được bản sắc các dân tộc là chính. Tỉnh Lào Cai đã quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn, nhưng hiện nay mức chi cho biểu diễn vẫn ở mức 50.000đ/ buổi diễn, mức này rất thấp và không còn phù hợp với thực tế. Chúng tôi mong muốn và đề xuất với Bộ VHTTDL, Cục NTBD cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định để phù hợp với thực tế hơn.
Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh nhấn mạnh: Với sự quan tâm chú trọng của Đảng và Nhà nước hy vọng thời gian tới đây sẽ có những bước chuyển biến về văn hóa nghệ thuật
Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết: Hiện nay, việc tổ chức biểu diễn khá khó, không xây dựng cả năm mà xây dựng từng chương trình. Với sự cạnh tranh hiện nay, việc xây dựng chương trình, tìm tài trợ là khó khăn. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về văn hóa, mong rằng thời gian tới đây sẽ có những bước chuyển biến về văn hóa nghệ thuật, cũng như nâng cao đời sống cho các nghệ sĩ…
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi: Năm 2022, Cục NTBD đã làm một khối lượng công việc rất lớn, trong đó Hội nghệ sĩ sân khấu phối hợp với Cục NTBD nhịp nhàng và ăn ý, đưa đến nhiều hoạt động, nhất là sau dịch COVID thì sự thích ứng khá nhanh. Với hơn 10 cuộc Liên hoan thấy được sự nghiêm túc của Cục NTBD cũng như sự làm việc, sáng tạo của các nghệ sĩ trong năm 2022. Năm 2023 mong muốn các đơn vị nghệ thuật, bên cạnh các Liên hoan, thì các nghệ sĩ cần xây dựng và phát huy, quảng bá các tác phẩm. Việc giới thiệu và quảng bá tác phẩm rất hữu ích đối với các nhà hát, qua đó đời sống của nghệ sĩ sẽ nâng lên...
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi mong muốn các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ cần xây dựng và phát huy, quảng bá các tác phẩm
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật. Thứ trưởng đánh giá cao ngành nghệ thuật biểu diễn đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các Sở địa phương, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường có hiệu quả công tác quản lý nhà nước; các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên cả nước; thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ; công tác thẩm định, cấp phép, tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.
Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, các Hội nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh tổ chức. Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc được coi trọng. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Công tác khen thưởng luôn đi đôi và gắn liền với các phong trào thi đua tạo cơ sở cho việc khen thưởng nhằm lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đầy đủ và kịp thời nhất để khen thưởng (trong các cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp); khen thưởng chính xác, công khai và kịp thời để động viên, nêu gương và thúc đẩy phong trào phát triển.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, năm 2023, Cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, để tiếp tục lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm còn tồn tại trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị
Tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển.
Tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.
Tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới, để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên đặc biệt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH