Xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề về sức khỏe tinh thần của con người ngày càng được báo động. Những năm gần đây, tỉ lệ căng thẳng, trầm cảm hay lo âu ngày càng tăng. Múa trị liệu được xem là một biện pháp can thiệp tập trung vào sự chuyển động để cải thiện các triệu chứng về tâm lý hay những rối loạn thần kinh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả của múa trị liệu. Nghiên cứu này giới thiệu những thông tin cơ bản về múa trị liệu và hiệu quả của múa trị liệu.
Trong một phòng múa trị liệu - Nguồn: internetodt.co.nz
Mở đầu
Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó vấn đề về sức khỏe tinh thần là vấn đề đáng báo động. Bởi trong thời gian gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19, những vấn đề liên quan tới sức khỏe tinh thần ngày càng cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ những vấn đề về sức khỏe tinh thần đã tăng lên 25% sau đại dịch. Tại Việt Nam, gần 15 triệu người mắc một trong mười biểu hiện rối loạn tâm thần thường gặp, đứng đầu là trầm cảm, lo âu (1). Những con số trên cho thấy tình hình đáng báo động về vấn đề sức khỏe tinh thần của con người trong thời đại này.
Múa là một trong những loại hình nghệ thuật quen thuộc, xuất hiện từ rất sớm. Múa có một vai trò to lớn trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa của nước nhà, mang những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện những nét đẹp đời sống cá nhân, đời sống tập thể và đời sống xã hội. Múa còn là quá trình trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Múa ngày càng phát triển và ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội. Không một công ty, doanh nghiệp hoặc tổ chức nào thiếu đi những điệu múa trong hoạt động, sự kiện của công ty. Hiện nay, múa còn tham gia vào các lĩnh vực khác như: vật lý trị liệu, tâm lý học như một liệu pháp can thiệp.
Mặc dù trên thế giới, múa trị liệu đã có lịch sử khoảng trên 80 năm, nhưng ở Việt Nam, lĩnh vực này mới xuất hiện và cũng đã chứng minh được phần nào hiệu quả của nó.
Khái quát về múa trị liệu
Theo hiệp hội Liệu pháp Khiêu vũ Hoa Kỳ (2020): “Múa trị liệu là liệu pháp tâm lý sử dụng múa/ chuyển động để thúc đẩy sự hòa nhập về cảm xúc, xã hội, nhận thức và thể chất” (2). Múa trị liệu đã xuất hiện từ khá sớm ở các nước phương Tây. Người đặt nền móng cho múa trị liệu là Marian Chace.
Marian Chace (1896-1970), một nghệ sĩ múa làm việc tại trường múa Denishawn (New York). Bà đã xin nghỉ tại trường vào năm 1930, sau đó tự mở những lớp dạy múa. Trong các lớp học đó, bà nhận thấy nhiều học sinh quan tâm tới những cảm xúc (cô đơn, sợ hãi, hoảng loạn…) hơn so với những kỹ thuật múa. Từ đó, bà khuyến khích học sinh tự do di chuyển theo cảm xúc hơn là để ý vào kỹ thuật múa. Dần dần, nhiều bác sĩ bắt đầu giới thiệu những bệnh nhân đến lớp học của bà và có nhiều cải thiện đáng kể. Bà trở thành nhân viên của hội chữ thập đỏ tại bệnh viện Saint Elizabeth. Marian Chace được coi là người đặt nền móng cho múa trị liệu. Sau đó, một số nghệ sĩ múa cũng sử dụng liệu pháp này, phổ biến nhất vào những năm 1940. Đến năm 1966, Hiệp hội Liệu pháp Khiêu vũ Hoa Kỳ (ADTA) được thành lập, đánh dấu cho việc múa khiêu vũ trở thành một khoa học (3).
Múa trị liệu khác với múa thông thường. Nếu như múa thông thường mang tính nghệ thuật, nghĩa là người ta sẽ quan tâm nhiều đến kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ và những yếu tố nghệ thuật trong quá trình biểu diễn thì múa trị liệu lại quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc của những người tham gia mà không có sự đánh giá về sự thuần thục hay những yêu cầu cao về mặt động tác. Những người tham gia múa trị liệu sử dụng những chuyển động múa của mình để thể hiện bản thân.
Múa thông thường được biểu diễn trước khán giả hoặc những không gian tập luyện mở. Còn múa trị liệu được thực hiện ở một không gian an toàn về mặt thể lý và mặt tinh thần. Người trị liệu theo phương thức này cũng cần đảm bảo những tiêu chuẩn bảo mật thông tin thân chủ.
Múa trị liệu mang tính cá nhân nhiều hơn so với múa nghệ thuật. Thông thường, khi tham gia những hoạt động múa, các nghệ sĩ múa cần phải có sự phối hợp với nhau một cách ăn ý để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, thậm chí họ sẽ chịu ảnh hưởng từ sự chỉ đạo của biên đạo múa. Còn ở múa trị liệu, các cá nhân được tự do sáng tạo, cảm nhận cảm xúc của bản thân và bộc lộ bản thân thông qua các động tác múa. Mỗi cá nhân lại có những thể hiện riêng, mang bản sắc của cá nhân, vì vậy có thể thấy múa trị liệu có tính cá nhân cao hơn so với múa nghệ thuật.
Người thực hiện múa trị liệu cần có những chuyên môn sâu về tâm lý và đảm bảo đạo đức của nghề trị liệu trong khi múa nghệ thuật không nhất thiết cần có những yếu tố này.
Có thể khái quát thành bảng so sánh như sau:
Bảng so sánh giữa múa và múa trị liệu
Những nguyên tắc của múa trị liệu
Những nguyên tắc lý thuyết được đưa ra trong múa trị liệu theo ADTA (4) như sau: Chuyển động là một ngôn ngữ, ngôn ngữ đầu tiên của con người. Giao tiếp phi ngôn ngữ và chuyển động bắt đầu từ khi con người trong bào thai và tồn tại tới suốt cuộc đời. Các nhà trị liệu chuyển động tin rằng ngôn ngữ không lời cũng quan trọng như ngôn ngữ lời nói và sử dụng cả hai hình thức giao tiếp trong quá trình trị liệu. Tâm trí, cơ thể và tinh thần được kết nối với nhau. Chuyển động thực hiện những chức năng như: giao tiếp, phát triển và biểu đạt cảm xúc. Các nhà trị liệu khiêu vũ/ chuyển động quan sát, đánh giá và can thiệp bằng cách xem xét chuyển động, chuyển động vừa là công cụ đánh giá, vừa là phương thức can thiệp chính.
Một số kỹ thuật sử dụng trong múa trị liệu
Trong quá trình múa trị liệu, người hướng dẫn (trị liệu viên múa) đánh giá ngôn ngữ cơ thể, hành vi phi ngôn ngữ, biểu hiện cảm xúc của thân chủ và thực hiện một số biện pháp can thiệp bao gồm: kỹ thuật phản chiếu (bắt chước chuyển động của thân chủ) để thể hiện sự đồng cảm và xác nhận trải nghiệm của thân chủ; kết hợp trị liệu theo nhóm người có vấn đề tương tự nhau với sự kết hợp những điệu nhảy của họ; sử dụng “phép ẩn dụ”: người trị liệu sẽ đưa ra một thử thách để người tham gia vượt qua hoặc đưa ra những tín hiệu công nhận thành quả (động tác thể hiện sự công nhận).
Hiệu quả của múa trị liệu
Múa trị liệu mang lại nhiều lợi ích cho con người. Trước tiên, múa trị liệu giúp con người cải thiện hình ảnh cơ thể và nâng cao lòng tự trọng. Múa trị liệu đã chứng minh được hiệu quả khi có nhiều nghiên cứu đưa ra những bằng chứng về sự cải thiện của con người sau khi tham gia liệu pháp này.
Thứ nhất, múa trị liệu cải thiện những triệu chứng về sức khỏe tinh thần
Múa trị liệu đã mang tới hiệu quả trong việc trị liệu những vấn đề về sức khỏe tinh thần như: căng thẳng, trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt... Nghiên cứu đầu tiên của Ritter và Graff Low (5) đã chứng minh múa trị liệu mang lại hiệu quả với các nhóm nhân khẩu học khác nhau (trẻ em, người già, những trường hợp phi lâm sàng hay cận lâm sàng), nghiên cứu này cho thấy múa trị liệu cải thiện những triệu chứng của lo âu. Đối với trầm cảm, nghiên cứu của Katriina và cộng sự (6) trên 109 người trầm cảm tham gia trong quá trình 3 tháng với múa trị liệu, kết quả cho thấy những người tham gia giảm rõ rệt những triệu chứng của trầm cảm, những triệu chứng về tâm lý và thể chất mà trầm cảm gây ra. Múa trị liệu làm giảm trầm cảm và lo lắng, đồng thời làm tăng chất lượng cuộc sống, kỹ năng giao tiếp và nhận thức. Nghiên cứu của Koch và cộng sự (7) trên tổng số 41 bài báo được đăng trong suốt 6 năm từ 2012-2018 trên dữ liệu của Tạp chí Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ cũng cho thấy hiệu quả của múa trị liệu, đó là: làm giảm những biểu hiện của trầm cảm, nâng cao mức độ hạnh phúc và gia tăng tích cực nhận thức về hình ảnh bản thân, đồng thời có sự cải thiện đáng kể năng lực giao tiếp ở những người tham gia trị liệu.
Múa trị liệu còn chứng minh được sự hiệu quả trong việc phục hồi các chức năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt. Bệnh tâm thần phân liệt tồn tại một dạng nhận thức sai lệch về bản thân, cho rằng bản thân yếu kém (Martin và cộng sự) (8). Các liệu pháp múa trị liệu có tác dụng cải thiện nhận thức về cơ thể, thúc đẩy cảm xúc, hành vi và những phản ứng nội tâm (Tschacher và cộng sự, 2017) (9). Nghiên cứu của Wang Chao và Liu Xiaolin (10) trên 60 bệnh nhân tâm thần phân liệt của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Trùng Khánh (Trung Quốc) đã cho kết quả: múa trị liệu thúc đẩy quá trình phục hồi trạng thái tinh thần, năng lực bản thân và chức năng xã hội cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt đang trong trạng thái hồi phục chức năng. Nghiên cứu của Karolina Bryl năm 2019 cũng cho thấy việc tham gia múa trị liệu làm tăng cường kết nối giữa cá nhân, tăng sự đồng cảm và kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của múa trị liệu còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, sự can thiệp kết hợp bởi nhiều biện pháp, trình độ của người trị liệu…
Thứ hai, múa trị liệu cải thiện những vấn đề bệnh lý khác
Múa trị liệu đã chứng minh được hiệu quả của nó với những vấn đề về bệnh lý khác. Đối với những người mắc Parkinson, khó khăn không chỉ nằm ở hoạt động nhận thức mà còn gặp khó khăn về dáng đi hoặc giữ thăng bằng. Tư thế không ổn định dẫn tới những nguy cơ ngã cao hơn, thậm chí có thể dẫn tới những vấn đề về khuyết tật, giảm chất lượng cuộc sống và phải nằm viện (11). Nghiên cứu của Li-li Wang và cộng sự cho thấy múa trị liệu có thể cải thiện chức năng nhận thức đối với những bệnh nhân Parkinson (12). Nghiên cứu của Gammon M. Earhart khi phân tích rất nhiều các bài báo cáo nghiên cứu đã cho thấy múa trị liệu có thể làm cải thiện khả năng giữ thăng bằng và dáng đi của những người mắc bệnh parkinson (13). Những hiệu quả của múa trị liệu cũng được nhiều tác giả khác báo cáo. Năm 2018, nghiên cứu của Kristin Michels và cộng sự (14) đã thực nghiệm múa trị liệu cho 13 bệnh nhân mắc bệnh parkinson trong 10 tuần và kết quả cho thấy những người tham gia có sự cải thiện về vận động và đánh giá rằng liệu pháp này có tính khả thi trong trị liệu.
Múa trị liệu cải thiện kiểm soát tăng huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu của Kaholokula tại Hawaii (15) thử nghiệm tác động của múa trị liệu với 263 người dân Hawaii trong 6 tháng, những người tham gia bị huyết áp cao và không mắc bệnh về tim mạch khi tham gia nghiên cứu. 3 tháng đầu, họ tham gia múa trị liệu khoảng 1 giờ/ lần và 2 lần/ tuần. 3 tháng sau, họ tập 12 bài với thời lượng ít nhất 1 giờ/ tháng. Kết quả cho thấy phần lớn những người tham gia can thiệp đã có sự cải thiện về huyết áp sau 6 tháng. Hay ở Tây Tạng, nơi có tình trạng thiếu oxy, áp suất thấp và bức xạ tia cực tím cao, khí hậu khắc nghiệt thì những yếu tố về mạch máu có sự thay đổi so với những người ở các vùng khí hậu khác. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm trên 30 người cao tuổi đã nghỉ hưu và kết quả cho thấy những người già (60-75 tuổi) tham gia múa trị liệu thì không mắc các bệnh về tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp (16).
Ngoài ra, hiệu quả của múa trị liệu còn được minh chứng bằng nhiều nghiên cứu khoa học khác, có hiệu quả tốt với các bệnh như: rối loạn ăn uống, bệnh alzheimer, can thiệp cho trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tăng động giảm chú ý.
Múa trị liệu ở Việt Nam
Có thể nói múa trị liệu tại Việt Nam là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Tuy vậy, những hoạt động múa trị liệu đang có những hướng đi rất tích cực. Nhiều workshop mang tên: “Nhảy múa và chuyên động” do Ths. Bùi Tuyết Minh tổ chức bắt đầu phổ biến từ năm 2016 và được tổ chức ở rất nhiều nơi như: Hà Nội, TP.HCM, thậm chí ở những vùng dân tộc thiểu số. Những workshop của chị đã nhận được sự đánh giá cao và công nhận từ những người tham gia (17). Bên cạnh đó, những khóa học từ Hanoi Grapevine (hanoigrapevine.com) tổ chức các khóa học về múa trị liệu với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Nghệ sĩ Lê Mai Anh cũng là một trong những nghệ sĩ tổ chức lớp học “Tâm nối” về múa trị liệu (18).
Múa trị liệu tập cho các nhóm đối tượng có những vấn đề chung - Nguồn: mensproject.eu
Ngoài những cá nhân, có thể thấy trị liệu bằng múa cũng được một số bệnh viện lớn của Việt Nam quan tâm và sử dụng như một liệu pháp can thiệp những vấn đề về sức khỏe cho người bệnh. Bệnh viện Ung bướu Hà Nôi đã đưa các động tác múa trị liệu vào trong quá trình sinh hoạt câu lạc bộ cho các bệnh nhân ung thư, chương trình đã mang tới không khí vui tươi, tích cực, sự đồng cảm, đồng thời truyền cảm hứng cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Tại Bệnh viện Vinmec, Ths. Bùi Tuyết Minh và Ths. Phùng Ngọc Hà đã cùng các phụ huynh có con tự kỉ trải nghiệm trị liệu với múa, giúp cha mẹ hiểu được cơ chế và hiệu quả của liệu pháp này với trẻ tự kỉ và mang lại những kiến thức về múa trị liệu cho phụ huynh làm quen và tiếp cận.
5. Kết luận
Múa trị liệu đã chứng minh hiệu quả trong suốt nhiều thập kỉ ở phương Tây. Tại Việt Nam, mặc dù đã có những hoạt động về múa trị liệu, tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn ít và chưa có nhiều trung tâm trị liệu chuyên biệt về lĩnh vực này. Hi vọng rằng, những nhà quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có thể phát triển liệu pháp này nhằm tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt với những nhóm người mắc một số vấn đề về sức khỏe tinh thần hoặc một số bệnh lý mà múa chuyển động mang lại những hiệu quả tích cực trong việc can thiệp và trị liệu.
___________________________
1. Dương Liễu, Gần 15 triệu người Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, đứng đầu là trầm cảm, lo âu, tuoitre.vn, 10-10-2022.
2. American Dance Therapy Association (Hiệp hội Liệu pháp Khiêu vũ Hoa Kỳ), What is Dance/Movement Therapy?, (Thế nào là múa trị liệu), adta.memberclicks.net.
3. Rakhi Shingala, Marian Chace: Dance Therapy Pioneer – Biography, Theory and Methodology, (Marian Chace: Nhà tiên phong trị liệu khiêu vũ - Tiểu sử, Lý thuyết và Phương pháp luận), cmtaisite.wordpress.com, 6-2-2016.
4. B.Meekums, Dance movement therapy: a creative psychotherapeutic approach, (Liệu pháp chuyển động khiêu vũ: một cách tiếp cận trị liệu tâm lý sáng tạo), Sage Publications, London, England, 2002.
5. M. Ritter and K. G. Low, Effects of dance/movement therapy: A meta-analysis, (Tác dụng của liệu pháp khiêu vũ /vận động: Một phân tích tổng hợp), Arts Psychother, tập 23, số 3, tháng 1-1996, tr.249-260.
6. K.Hyvönen, P.Pylvänäinen, J.Muotka và R.Lappalainen, The Effects of Dance Movement Therapy in the Treatment of Depression: A Multicenter, Randomized Controlled Trial in Finland, (Tác dụng của liệu pháp chuyển động khiêu vũ trong điều trị trầm cảm: Một thử nghiệm đa trung tâm, ngẫu nhiên có đối chứng ở Phần Lan), Front Psychol, tập 11, tháng 8-2020 tr.1687 .
7. Sabine C Koch, Laura Mehl, Esther Sobanski, Maik Sieber, Thomas Fuchs, Fixing the mirrors: a feasibility study of the effects of dance movement therapy on young adults with autism spectrum, (Phản chiếu: một nghiên cứu khả thi về tác động của liệu pháp vận động khiêu vũ đối với thanh niên mắc chứng tự kỷ), Autism, số 19, , 2015, tr.338-350.
8, 9. B.Isabelinha, A.Cruz-Ferreira, J.Maximiano và G.Almeida, “Effects of body-oriented therapies on the negative symptoms in people with schizophrenia: A systematic review, (Tác dụng của các liệu pháp định hướng cơ thể đối với các triệu chứng tiêu cực ở những người bị tâm thần phân liệt: Một đánh giá có hệ thống), J Bodyw Mov Ther, tập 33, tháng 1-2023, tr.189-201.
10. W.Chao và L.Xiaolin, Evaluation of the application effect of dancing therapy in the rehabilitation process of schizophrenic patients, (Đánh giá hiệu quả ứng dụng của liệu pháp khiêu vũ trong quá trình phục hồi chức năng của bệnh nhân tâm thần phân liệt), MEDS Clinical Medicine, tập 3, số 7, tháng 12-2022, tr.22-26.
11. Martin Sartera, Roger L.Albin, Aaron Kucinskia và Cindy Lustig, Where attention falls: Increased risk of falls from the converging impact of cortical cholinergic and midbrain dopamine loss on striatal function, (Nơi sự chú ý rơi xuống: Tăng nguy cơ té ngã do tác động hội tụ của mất dopamine vỏ não và midbrain đối với chức năng vân), Exp Neuro, số 257, tháng 7-2014, tr.120-129.
12. L.li Wang và cộng sự, Effects of dance therapy on non-motor symptoms in patients with Parkinson’s disease: a systematic review and meta-analysis, (Tác dụng của liệu pháp khiêu vũ đối với các triệu chứng không vận động ở bệnh nhân Parkinson: đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp), Aging Clin Exp Res, tập 34, số 6, tháng 6-2022, tr.1201-1208.
13. G. M. Earhart, Dance as Therapy for Individuals with parkinson Disease, (Khiêu vũ như một liệu pháp cho những người mắc bệnh parkinson), Eur J Phys Rehabil Med, tập 45, số 2, tháng 6-2009, tr.231.
14. K. Michels, O. Dubaz, E. Hornthal và D. Bega, Dance Therapy’ as a psychotherapeutic movement intervention in parkinson’s disease, (Liệu pháp khiêu vũ như một can thiệp chuyển động trị liệu tâm lý trong bệnh Parkinson), Complement Ther Med, tập 40, tháng 10-2018, tr.248-252.
15. J. K. Kaholokula và cộng sự, A Cultural Dance Program Improves Hypertension Control and Cardiovascular Disease Risk in Native Hawaiians: A Randomized Controlled Trial, (Một chương trình khiêu vũ văn hóa cải thiện kiểm soát tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người Hawaii bản địa: Một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát), Annals of Behavioral Medicine, tập 55, số10, tháng 10-2021, tr.1006-1018.
16. G. Li. và cộng sự, The effect of traditional Tibetan guozhuang dance on vascular health in elderly individuals living at high altitudes, (Tác dụng của điệu nhảy guozhuang Tây Tạng truyền thống đối với sức khỏe mạch máu ở những người cao tuổi sống ở độ cao lớn), Am J Transl Res, tập 12, số 8, 2020, tr.4550.
17. An An, Múa chuyển động trị liệu, bạn đã biết chưa?, suckhoedoisong.vn, 27-1-2018.
18. Huỳnh Vy, Nghệ sĩ, biên đạo múa Lê Mai Anh: Hạnh phúc với múa trị liệu, tuoitre.vn, 27-5-2022.
Ths LÊ QUỲNH TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023