MỘT VÀI THỦ PHÁP SÁNG TÁC CA KHÚC VỀ QUẢNG NINH

Nói đến Quảng Ninh không thể không nhắc tới vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, các địa danh đã đi vào lịch sử và tinh thần lao động hăng say của những người thợ mỏ. Các nhạc sĩ đã lấy đó làm nguồn cảm hứng, sáng tác ra những tác phẩm vừa mang đậm chất tự sự, vừa thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước. Mỗi tác giả đều có cách xây dựng hình tượng âm nhạc, chọn cho mình những đề tài sáng tác khác nhau. Ở đó, ca từ, giai điệu là những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của các ca khúc viết về vùng đất Quảng Ninh.

1. Nội dung ca khúc

Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên

Quảng Ninh nổi tiếng nhất với vịnh Hạ Long, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Địa danh này là nguồn cảm hứng vô tận cho những người làm nghệ thuật. Không phải bây giờ Hạ Long mới được biết đến mà ngay từ những năm đất nước còn chiến tranh gian khổ đã có rất nhiều các nhạc sĩ lấy cảnh đẹp thơ mộng nơi đây làm nguồn cảm hứng sáng tác.

Nhạc sĩ Hoàng Quý đã viết ca khúc Đêm trăng trên vịnh Hạ Long thể hiện vẻ đẹp nên thơ của Hạ Long khi màn đêm buông xuống. Toàn bộ ca khúc là một bức tranh thiên nhiên miêu tả về đêm của Hạ Long với sự tĩnh lặng êm đềm, pha chút buồn man mác. Với hình ảnh đó, tác giả đã xây dựng hình ảnh mang tính ngâm ngợi, tự sự: “Chiều rơi trong gió khơi đềm êm. Đằng chân mây dần trăng non lên...”. Nét ngọt ngào đằm thắm của giai điệu cùng sự phong phú của lời ca đã tạo nên sự thành công nhất định trong ý đồ của tác giả. Đêm trăng trên vịnh Hạ Long đã ăn sâu vào tiềm thức người yêu nhạc đặc biệt là người yêu những ca khúc viết về vùng đất Quảng Ninh.

Trong số những ca khúc viết về biển Hạ Long không thể không nhắc đến ca khúc Màu xanh của biển của nhạc sĩ Đức Minh. Lời ca mộc mạc, gần gũi chính là nỗi niềm tâm sự, một tình cảm chân thành của tác giả dành cho quê hương Quảng Ninh: “Nhưng tôi yêu nhất, yêu suốt đời, gắn bó trọn đời là màu xanh xanh biếc, là màu xanh bất diệt của biển khơi...”. Màu xanh bất diệt của biển đã đậm sâu trong tâm trí của tác giả, tình yêu đối với biển có những lúc trào dâng mãnh liệt: “Tạm xa quê hương, xa tầng than... xa ruộng đồng... xa mái nhà”, “xa em người anh yêu quý trọn đời” để đi theo tiếng gọi của biển khơi.

Nhạc sĩ Đỗ Hòa An có tới hơn 500 ca khúc viết về Quảng Ninh với nhiều thể loại và phong cách khác nhau. Non nước Hạ Long cho ông nguồn cảm hứng sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm sâu lắng như: Hoa xương rồng, Đêm trăng Hạ Long, Rồng hóa đá, Vũ điệu Hạ Long… Đặc biệt là ca khúc Hạ Long biển nhớ, không chỉ được người dân Quảng Ninh yêu thích mà còn được sự mến mộ của khán thính giả trên cả nước. Qua các ca khúc ca ngợi thiên nhiên nơi đây, người nghe nhạc có cảm giác gần gũi, yêu quý quê hương hơn, đặc biệt là những người con của Quảng Ninh.

Ca ngợi những địa danh lịch sử hào hùng

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho quê hương, Quảng Ninh còn được biết đến với những địa danh lịch sử mang dấu ấn hào hùng của dân tộc như: bãi cọc Bạch Đằng, chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, sông Bạch Đằng... Tất cả những địa danh đó phần nào nói lên được truyền thống quý báu của quê hương vùng than.

Sông Bạch Đằng nằm ở huyện Yên Hưng, giáp thành phố Hải Phòng. Năm 1288, vua Trần Nhân Tông đã chỉ huy quân dân nhà Trần đánh tan quân giặc, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Năm 1988, bãi cọc Bạch Đằng đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử Việt Nam. Với chiến công oanh liệt đó, Bạch Đằng luôn là đề tài ngợi ca của các nhạc sĩ trong các sáng tác viết về Quảng Ninh. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát Bạch Đằng giang để ca ngợi dòng sông lịch sử này. Mở đầu bài hát, tác giả xây dựng chủ đề âm nhạc mang tính chiến đấu, thôi thúc thông qua sự thể hiện của âm hình hành khúc và sự phát triển giai điệu trên những âm ổn định của giọng chính G-dur. Kết hợp cùng lời ca, ca khúc đã làm nổi bật hình ảnh của một dòng sông với những chiến công oanh liệt.

Sau đại thắng Bạch Đằng năm 1288, nhà vua, người anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng về Yên Tử sáng lập triều phái Trúc Lâm. Yên Tử ngày nay không chỉ là một khu di tích với sự phong phú về danh lam thắng cảnh mà còn là trung tâm văn hóa Phật giáo của cả nước. Nhạc sĩ Đỗ Hòa An đã cho ra đời ca khúc Cõi thiêng làm toát lên hình ảnh của một Yên Tử vừa có sự huyền bí: “lên cao để thấy bồng bềnh khói sương” vừa có tính chất uy nghiêm thanh tịnh: “lên cao để thấy vua trút áo bào... vua chích máu mình...”. Chỉ bấy nhiêu thôi ta cũng thấy hết vẻ thiêng liêng của chốn này. Tác giả đã xây dựng nên hình tượng âm nhạc mang tính chất dàn trải, miêu tả về một không gian bao la, mênh mông của một địa danh nổi tiếng.

Nhạc sĩ Xuân Quang cũng đã viết lên những lời ca thể hiện vẻ đẹp và tính chất linh thiêng của danh thắng Yên Tử qua ca khúc Nhớ về Yên Tử. Nội dung trong ca khúc như một lời tự sự, kể chuyện thiết tha, thể hiện một tình cảm chân thành của tác giả đối với vùng đất này: “Về Yên Tử nơi rừng xanh mây núi bao la, suối reo vang khúc hát ca... về Yên Tử đây một rừng chùa tháp bao la, nơi đây ghi dấu tích ngàn xa của cha ông…”. Toàn bộ lời ca như hiện lên một bức tranh phong cảnh vừa mộc mạc, gần gũi, vừa thể hiện sự huyền bí sâu xa của chốn linh thiêng.

Ca ngợi vẻ đẹp của con người   

Hình ảnh nổi bật, tiêu biểu nhất của con người Quảng Ninh là những người thợ mỏ, những ngư dân vùng biển, chúng ta có thể bắt gặp họ trong những tác phẩm văn xuôi, bài thơ, bức tranh và trong âm nhạc.

Với tình cảm yêu thương và tôn trọng, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết lên bản trường ca Tôi là người thợ lò. Đây là tác phẩm mang tính chất khái quát về cuộc sống gian khổ nhưng đầy vinh quang của người thợ lò. Tác phẩm được hình thành bởi nhiều phần với nội dung âm hình, ý nhạc khác nhau, làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ trong lao động sản xuất: “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ, bay trên núi Bài Thơ”. Đây là giai đoạn đầu của cuộc sống mới, khi chính quyền được giành về tay giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vùng mỏ được thành lập, những người thợ lò bây giờ không còn là những nô lệ bị áp bức, mà họ đã trở thành những chiến sĩ trên mặt trận lao động sản xuất.

Hình ảnh đẹp của những người thợ lò kiên trung, bất khuất cũng được thể hiện qua các ca khúc: Tình ca người thợ mỏ (Hoàng Vân), Những ngôi sao ca đêm (Phạm Tuyên)… Những người thợ lò, với tinh thần sục sôi ngọn lửa cách mạng, họ tiến quân vào lò, mang sức lực của tuổi trẻ để xây dựng quê hương. Cuộc sống lao động tuy rất nhiều vất vả, nhưng những người thợ luôn lạc quan yêu đời. Dù phải làm việc trong hầm sâu dưới lòng đất, nhưng những hình ảnh vui tươi của cuộc sống bên ngoài như: tiếng chim hót, tiếng trẻ thơ, tiếng còi tàu… cũng được thể hiện trong ca khúc.

Với mục đích phản ảnh về nhịp điệu của cuộc sống vùng đất mỏ, ca khúc Tình ca người thợ mỏ của nhạc sĩ Hoàng Vân mang tính chất vui tươi, trong sáng đầy sự lạc quan của những người thợ mỏ khi họ luôn cất vang tiếng hát lời ca.

Chặng đường đầy gian nan vất vả trong công cuộc xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp còn được phản ánh trong bài hát Những ngôi sao ca đêm của nhạc sĩ Phạm Tuyên với tính chất dàn trải, sâu lắng. Ca khúc là sự hồi tưởng về những giai đoạn gian nan vất vả đã qua của vùng đất này. Vào đầu bài hát ta thấy hiện lên một bầu trời đêm lung linh đầy sao: “Sao lấp lánh trên trời cao, sao lấp lánh cả trên tầng cao, sao lấp lánh thành phố mỏ...”. Ngoài những ánh sao của tự nhiên, ta còn thấy hiện lên những ánh sao của những người thợ mỏ đi làm ca đêm. Đây chính là ánh sáng của chiếc đèn lò được tác giả cường điệu hóa trở thành những ánh sao lung linh.

Bên cạnh đề tài ca ngợi hình ảnh cao quý của người thợ mỏ, cuộc sống lao động của những người dân vùng biển cũng được các nhạc sĩ quan tâm, điển hình là ca khúc Hò biển. Với tốc độ vừa phải của nhịp 3/8, nhạc sĩ Nguyễn Cường xây dựng nên một hình tượng âm nhạc với tính chất nhẹ nhàng, khỏe khoắn như thể hiện nhịp điệu kéo lưới của những người dân chài.

2. Giai điệu

Sự hình thành giai điệu trong ca khúc được biểu hiện qua các phương pháp diễn tả âm nhạc như hòa âm, tiết tấu, sắc thái, cường độ…

Âm điệu

Các ca khúc viết về Quảng Ninh có giai điệu rất mượt mà. Các nhạc sĩ đã vận dụng rất khéo léo các thủ pháp sáng tác như mô tiến, mô phỏng, lặp âm…

Trong bài Đêm trăng trên vịnh Hạ Long, nhạc sĩ Hoàng Quý đã vận dụng triệt để thủ pháp mô phỏng giữa các tiết nhạc, câu nhạc để tạo nên hình tượng âm nhạc mang tính bồng bềnh của sóng nước Hạ Long.

Ví dụ:

 
 
 

Mở đầu là sự kết hợp đều đặn của các nốt đơn cùng với lối tiến hành bình ổn của giai điệu được tác giả sử dụng xuyên suốt toàn bài bằng thủ pháp mô phỏng tạo lôgic chặt chẽ trong quá trình phát triển âm nhạc, làm nổi bật sự đều đặn, nhịp nhàng như sóng nước Hạ Long. Lời ca chắp cánh thêm cho giai điệu để đưa người nghe như lạc vào một không gian đầy thơ mộng, huyền ảo: gió khơi êm đềm mang vị mặn mới của biển, ánh vàng của trăng non hòa cùng sóng trong xanh, xa xa bóng non trập trùng mờ ảo. Đâu đâu thấy văng vẳng “tiếng đàn thánh thót theo ngàn lời ca”. Cảnh trời nước về đêm đã làm cảm xúc trong lòng tác giả trào dâng, thể hiện sự hồi tưởng: “Lời sóng dạt dào nhắc nhở lời xưa hồn nước lừng danh”.

Trong ca khúc Tình ca người thợ mỏ của nhạc sĩ Hoàng Vân, phần coda đã liên tục sử dụng sự mô tiến, mô phỏng giữa các môtíp nhằm tăng thêm tính chất vui tươi lạc quan yêu đời của những người thợ mỏ:

 
 
 

Trong Tình ca người thợ mỏ, nhạc sĩ Hoàng Vân đã làm cho giai điệu trở nên hoạt bát hơn, thể hiện tình yêu đối với vùng than khi sử dụng các nốt lặp lại:

 
 
 
                       Vùng than thân yêu ơi, trong tình quê hương có một tấm lòng dành cho…

Ngoài việc thể hiện được tính chất vui tươi trong sáng hoặc thôi thúc rắn rỏi, thủ pháp lặp lại âm còn làm tăng thêm sự đằm thắm sâu lắng của giai điệu, như trong ca khúc Màu xanh của biển:

 
 
 

               … hương xa tầng than kiêu hãnh, xa ruộng đồng xa mái nhà yên ấm…

Trong quá trình xây dựng giai điệu, việc sử dụng kết hợp các quãng cũng là một yếu tố khá quan trọng góp phần tạo nên âm hưởng của bài hát. Sử dụng quãng một cách hợp lý, chặt chẽ sẽ làm ca khúc trở nên lắng đọng, dễ gần với công chúng hơn. Trong những sáng tác về Quảng Ninh, tỷ lệ các ca khúc trữ tình chiếm phần lớn nên thường có giai điệu mềm mại, du dương… Tuy nhiên, để có được những nét giai điệu hấp dẫn các nhạc sĩ thường sử dụng các bước nhảy quãng 4, quãng 5 đúng. Sự kết hợp này giúp giai điệu của bài hát vừa mang âm hưởng dân gian nhưng vẫn rất hiện đại trong ca từ và không mất đi chất trữ tình sâu lắng của nó. Trong bài hát Hạ Long biển nhớ, nhạc sĩ Đỗ Hòa An còn sử dụng bước nhảy quãng 7 tạo nên khoảng rộng dựa theo trục âm của giọng chính:

 
 
 

                        Về với Hạ Long gió lộng mây hồng có phố thợ chênh vênh…

Tóm lại, ca khúc về Quảng Ninh được các nhạc sĩ viết giai điệu rất phong phú, bên cạnh sự bình ổn về tuyến giai điệu còn xuất hiện những quãng nhảy xa nhằm tạo sự đột biến, trở thành điểm nhấn cho tác phẩm. Các thủ pháp lặp âm, mô tiến, mô phỏng… được sử dụng thường xuyên. Đó là thủ pháp màu sắc mới cũng như tạo điểm nhấn cho ca khúc.

Tiết tấu

Tiết tấu chính là cơ sở để tạo ra âm hình với các sắc thái riêng biệt không trộn lẫn giữa các tác phẩm âm nhạc. Với một ca khúc bất kỳ, tiết tấu là cơ sở để xác định loại nhịp phù hợp nhất với tác phẩm, kể cả với ca sĩ, nhạc công. Các nhạc sĩ thường sử dụng loại nhịp 2/4 và 4/4 với tính chất sâu lắng trữ tình mang chất liệu của nhạc nhẹ nhưng vẫn ẩn chứa bên trong chất liệu của tiết tấu dân gian Việt Nam nhằm ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên trên vịnh Hạ Long.

Ca khúc Đêm trăng trên vịnh Hạ Long của nhạc sĩ Hoàng Quý được kết hợp với lối tiến hành giai điệu bình ổn ở nhịp 3/4 với mô hình tiết tấu nốt đơn, tạo nên âm nhạc du dương, êm đềm:

 
 
 

                Chiều rơi trong gió khơi đềm êm đằng chân mây dần trăng non lên…

Hay với bài u xanh của biển, tác giả lại thể hiện một tình yêu tha thiết với biển qua những âm hình tiết tấu nghịch phách mang đậm chất nhạc nhẹ:

 
 
 

                     Nhưng tôi yêu nhất yêu suốt cuộc đời gắn bó trọn đời…

Bên cạnh tính chất nhẹ nhàng, dàn trải, sâu lắng... cũng có những ca khúc thể hiện sự sôi động với tính chất vui tươi, khỏe khoắn thể hiện trên nền âm hình tiết tấu đảo phách theo phong cách nhạc nhẹ như ca khúc Tình ca người thợ mỏ của nhạc sĩ Hoàng Vân:

 
 
 

            …Chi Lăng, Bạch Đằng lịch sử nghe tha thiết trong tâm hồn thợ mỏ vào…

Ngoài ra, để ca ngợi vẻ đẹp người công nhân lao động, với nhịp điệu hối hả hăng say, một số nhạc sĩ đã sử dụng tiết tấu hành khúc (nhịp đi), sôi động với nhịp độ 2/4, 4/4. Ca khúc Xe đêm trên công trường của nhạc sĩ Đức Nhuận đã sử dụng âm hình tiết tấu móc đơn chấm dôi làm tăng thêm sự khẩn trương, hăng say lao động:

 

                        …đêm lung linh muôn vì sao những đoàn xe đi lên tầng…

Như vậy, tiết tấu là chỗ dựa vững chắc cho giai điệu, là thành tố quan trọng trong việc xây dựng giai điệu. Dựa vào tiết tấu người soạn đệm sẽ lựa chọn và định hình được loại nhịp, từ đó sẽ chọn được những tiết tấu phù hợp với từng mảng ca khúc hay từng đề tài về ca khúc viết về Quảng Ninh.

Với một lượng lớn các ca khúc viết về Quảng Ninh, các nhạc sĩ đã khai thác nhiều khía cạnh khác nhau về thiên nhiên và con người vùng đất này. Với những thủ pháp sáng tác độc đáo, ca từ đi vào lòng người, các ca khúc viết về Quảng Ninh sẽ luôn có sức sống mãnh liệt trong lòng những người con của vùng đất này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : TRẦN ĐỨC NHÂM

;