Một vài suy nghĩ về Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh trước thềm kỷ niệm 10 năm được unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 27/11/2014, di sản Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định loại hình di sản này được thế giới công nhận và biết đến. Và những băn khăn trăn trở không chỉ là của những người làm công tác văn hóa mà còn là nỗi niềm của những người yêu lại hình nghệ thuật dân ca Ví – Giặm. Trước thềm kỷ niệm 10 năm sự kiện quan trọng này, tác giả bài viết muốn nói thêm đôi điều về loại hình nghệ thuật đang được nhiều người, nhiều tầng lớp quan tâm…

Một tiết mục tại Liên hoan Dân ca Ví, Giặm  Nghệ Tĩnh toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 - Ảnh- Thanh Tình

 

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân xứ Nghệ. Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng, được thể hiện trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, trong lao động sản xuất như ru con, trồng lúa, dệt vải, đốn củi... Lời ca của dân ca Ví, Giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi ở 368 làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân địa phương, làm nên bản sắc riêng của văn hóa con người nơi đây.

Hát Ví và hát Giặm là là thể hát đặc sắc và điển hình nhất của người dân xứ Nghệ. Bởi nó thể hiện được rõ bản sắc của một vùng quê. Là một loại hình nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuy nhiên, do dân ca Nghệ Tĩnh có nguồn gốc rất xa xưa, lại được truyền lại chủ yếu qua dân gian nên loại hình nghệ thuật này chỉ được người dân biết đến nó, yêu nó vì sự đặc sắc chứ không biết nhiều về bản thân loại hình nghệ thuật này. Xin được tản mạn đôi điều về dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh.

Ví, Giặm là hai thể hát dân ca có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Có nhiều điệu Ví, điệu Giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví trèo Non, Ví đò đưa; Giặm ru, Giặm kể, Giặm xay lúa… đặc trưng diễn xướng của Ví - Giặm Nghệ Tĩnh trước hết phải nói đến:

  Tính phổ cập: đâu đâu cũng có người hát dân ca, tầng lớp trẻ già đều hát dân ca…;

  Gắn với không gian và môi trường lao động: trèo non, dệt vải, cấy… xay lúa, ru…;

  Giao duyên giữa những lứa đôi trai gái;

  Tự tình, mượn câu hát để bộc lộ nội tâm;

  Tự sự, dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xảy ra;

  Giáo huấn, đối, đố;

  Mang tính du hý vào những dịp lễ, Tết, hội hè, thi thố tài năng v.v.

Hát Ví giao duyên nam nữ được phổ biến dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái. Vào các đêm trăng sáng, bà con thường đi ngắm trăng, chèo thuyền trên sông… Hát theo lối tường thuật ngẫu hứng một câu chuyện nào đó trong quá trình lao động và nông nhàn, trong lối sống thường nhật lâu dần được dân gian hóa. Hát Ví thường là hát tự do, không có tiết tấu, người hát có thể thể hiện một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp, ngắn dài có khi còn tùy thuộc vào lời thơ (bằng hay trắc, phương pháp phổ thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát…). Tính biểu cảm của hát Ví tùy vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát, nghe mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Thể hát Ví có nhiều làn điệu như: Ví đò đưa, Ví phường vải, Ví phường cấy, Ví trèo non...

Hát Giặm là thể hát nói, bằng thơ (vè) ngụ ngôn (5 chữ). Khác với Ví, Giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường, một bài Giặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu, câu 5 thường láy lại câu 4, mỗi câu có 5 từ (không kể phụ âm đệm). Tuy vậy, cũng có những bài Giặm không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát liên tục hàng chục câu, mỗi câu cũng không nhất nhất 5 chữ mà có thể 4 hoặc 6, thậm chí là 7 chữ (do lời thơ biến thể).

Ban Tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm  Nghệ Tĩnh toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 trao giải cho các tiết mục - Ảnh Thanh Tình

 

Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần, bày tỏ. Cũng có loại Giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả Giặm trữ tình giao duyên. Âm nhạc đi theo thường là phách. Các làn điệu của hát Giặm như: Giặm xẩm, Giặm nối, Giặm vè, Giặm cửa quyền, Giặm kể... Hát Giặm có thể xếp vào thể loại hát giao duyên. Bởi đây là thể hát có lề lối, tuy không được quy củ cho lắm nhưng hình thức ca hát cũng là đối đáp nam nữ, bên này đối với bên kia. Qua quá trình hát cũng đã có chuyện trao tình trao ngãi và cũng có chuyện nên duyên, nên nghĩa vợ chồng.

Trong những năm qua, nhất là từ khi dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phong trào hát dân ca, sáng tác lời mới dân ca được quan tâm và lan tỏa rộng khắp, đây là tín hiệu đáng mừng. Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh có 202 câu lạc bộ dân ca Ví - Giặm (tính đến thời điểm 4/2024) - (chưa kể đến các CLB ở các trường học). Thông qua các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng hằng năm, chúng tôi nhận thấy chất lượng nghệ thuật từng bước được nâng lên rõ nét, đều đó khẳng định sự quan tâm, tình yêu đích thực đối với di sản quý báu của dân tộc; trách nhiệm của mọi người, mọi tầng lớp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm. Tuy vậy, cũng phải nói đến những tồn tại mà lẽ ra không đáng có trong quá trình thể nghiệm, sân khấu hóa, phục dựng không gian diễn xướng… Đó là: Thứ nhất, tình trạng lạm dụng về phục trang, hóa trang, đạo cụ của loại hình nghệ thuật này gây phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, không phù hợp với tính chất, thời gian, không gian diễn xướng, địa điểm và hồn cốt của nội dung tác phẩm, phá cách quá giới hạn cho phép, phán ảnh sai với truyền thống, phong tục tập quán của con người xứ Nghệ.

Thứ hai: Biên đạo, dàn dựng “vô lề lối”, không biết bám vào sự đa dạng, phong phú, những đặc trưng, đặc điểm tiêu biểu của vùng quê và bản sắc con người xứ Nghệ, đặc biệt là tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên thể hiện qua điệu múa. Đây chính là một phần tạo nên bản sắc dân tộc trong văn hóa Việt Nam. Những hình ảnh đời thường đi vào múa được cách điệu hay đúng hơn là nghệ thuật hoá bằng tài năng của người diễn viên. Phải khẳng định rằng, ngôn ngữ của múa dân gian, chủ yếu là các động tác phản ánh quá trình lao động của người dân xứ Nghệ: đốn củi, ruộng đồng, bắt cá, vui đêm trăng,… duyên dáng, tinh tế, kín đáo. Tính chất ước lệ nhưng không quá siêu thực, huyền bí, không đồ sộ, lộng lẫy mà bình dị, trong sáng, hài hòa cân đối, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, tình yêu đôi lứa, những nét sinh hoạt thông qua múa phụ họa dễ cảm thụ và dễ hiểu. Phần “hồn”, phần “sắc” và phải có sự liên kết lôgíc giữa nội dung của làn điệu, tổ khúc hay không gian diễn xướng và múa phụ họa... Trong thời gian qua, các "nghệ nhân" không chuyên, chưa hiểu biết nhiều về dân ca xứ Nghệ đã lạm dụng quá nhiều trong biên đạo múa phụ họa: rợp trời cờ hoa, phục trang sặc sỡ, hiện đại, tiết tấu phá phách, sử dụng nhạc cụ điện tử với âm lượng lớn...

Thứ ba: Viết lời mới dân ca, một số “tác giả” chưa phân biệt được giữa dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển, dẫn đến cấu trúc chương trình, chọn lựa lời, tiết mục còn lẫn lộn giữa cũ và mới, giữa trò diễn xướng cổ và hoạt cảnh dân ca ngày nay. Hiện tượng sưu tầm, “copy” của người khác những tiết mục có sẵn để đưa vào dàn dựng và biểu diễn, dẫn đến tình trạng thiếu bản sắc riêng của địa phương và lại trùng lặp, giống nhau. Việc sử dụng đạo cụ lại không gắn với vai diễn, một số đạo cụ không khớp với không gian diễn xướng… Khi hát dân ca, không ít người sử dụng quá nhiều thổ âm địa phương, hát lời không rõ, làm cho người nghe khó hiểu, khó cảm thụ cái hay, cái đẹp của dân ca Nghệ Tĩnh. Một số lại lạm dụng các thổ ngữ, nói lái, đố tục giản thanh quá nhiều nên làm giảm đi tính uyên thâm, hóm hỉnh của dân ca, gây cười một cách gượng gạo… Lực lượng nghệ nhân cao tuổi và tác giả viết, biên soạn dân ca ngày càng ít đi…

Chỉ chừng đấy thôi ắt chưa đủ khi nói về một di sản văn hóa trải dài trên quê hương xứ Nghệ. Sau 10 năm, di sản dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta cũng cần phải đánh giá một cách khách quan những việc đã làm được, những việc còn thờ ơ “đánh trống bỏ dùi” với chính nó.

 Nhất thiết phải có định hướng đúng, nhận thức đúng về giá trị của loại hình nghệ thuật này, từ đó mới phân định được như thế nào là bảo tồn, cơ quan tổ chức nào bảo tồn, cơ quan tổ chức nào thể nghiệm, phát huy; các Câu lạc bộ dân ca ở cơ sở “còn, mất” ra sao…

Đã có rất nhiều những đề án, chính sách... trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh. Mong rằng những chính sách có sức lan tỏa sâu rộng và thực sự đi vào cuộc sống để dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh trường tồn, là hồn cốt của con người xứ Nghệ và là di sản quý báu của nhân loại cũng như nguồn lợi chính đáng trong thu hút khách du lịch.

 

MAI QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;