Một số thủ pháp nghệ thuật trong phim Chàng vợ của em (tiếp theo số 422 và hết)

    Riêng thủ pháp dàn dựng mang tính liên kết không đứt quãng giữa các cảnh liền kề của bộ phim, hay kết nối các nội cảnh nhằm thể hiện câu chuyện rõ ràng hơn, tạo điều kiện để người xem hiểu được mối quan hệ về thời gian và không gian giữa các cảnh quay: công viên, tiệm sách cũ, công ty Orion, căn hộ… nơi diễn ra câu chuyện của Hùng và Mai. Nghệ thuật dàn dựng này đã được Alfred Capus, nhà biên kịch của công ty Film d’Art (Pháp) đúc kết: “Nếu chúng ta muốn giữ được sự chú ý của công chúng, chúng ta phải duy trì tính liên kết không đứt quãng giữa các cảnh liền kề” (3) ngay từ năm 1908.

    Trong phim Chàng vợ của em kỹ thuật hướng nhìn tương hợp được đạo diễn và quay phim sử dụng thường xuyên, đặc biệt là cách sử dụng kỹ thuật hướng nhìn tương hợp kép khá hiệu quả. Chẳng hạn trong cảnh nhân vật Mai giới thiệu về dự án Orion, khi Mai nhìn xuống phía sân khấu nơi Hùng đứng và sau đó đạo diễn chuyển sang Mạnh - một nhân vật khác ngồi sau bàn dưới khán phòng và đang nhìn vào theo hướng ngược lại với hướng lúc đầu. Kiểu xen cảnh này, với sự tỉ mỉ hơn một chút, được định danh là “cảnh quay/cảnh quay đảo ngược” vốn được nhiều đạo diễn có nghề sử dụng trong các cảnh đối thoại, đánh nhau, hỗn chiến và các tình huống khác, trong đó các nhân vật có tác động qua lại với nhau. Trong điện ảnh, kỹ thuật quay cảnh/ đảo cảnh trở nên phổ biến trong nhiều thập kỷ gần đây. Trong nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam gần đây như Đừng đốt, Trúng số, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hay trong phim tự sự Chàng vợ của em, cách làm đó vẫn là phương pháp được sử dụng trong xây dựng các cảnh đối thoại chính, không chỉ giữa hai nhân vật chính là Hùng và Mai.

    Ngoài ra, trong phim còn sử dụng thủ pháp đối lập: chỉ riêng cặp đôi nhân vật chính đã hội tụ nhiều sự trái chiều. Nếu Mai có ngoại hình đẹp, thông minh, hiện đại, người phụ nữ của xã hội nhưng không kém phần mong manh, nữ tính… thì Hùng lại có ngoại hình không đẹp trai, già hơn, bình thường về nhiều phương diện, hơi khờ, ngốc nghếch nhưng tốt bụng, chân thành và dễ thương. Đó là chưa kể ngoại hình, tuổi tác, tính cách của Hùng và Mạnh; ngôi nhà của Hùng và căn hộ của Mai… và chưa kể các mặt đối lập khác của hệ thống nhân vật trong phim.

    Về tổng thể, Chàng vợ của em là một bộ phim tốt trong bối cảnh chung của điện ảnh Việt, tuy nhiên dưới góc nhìn của người viết, tác giả đề xuất một số phương án và trao đổi thêm với đạo diễn Chàng vợ của em một số vấn đề.

    Trước hết, tên phim Chàng vợ của em (so với tên gốc Busy Woman Seeks Wife, tạm dịch: Người phụ nữ bận bịu tìm kiếm vợ) là một sự chơi chữ trong tiếng Việt, cũng là một sáng tạo ngôn từ (chàng vợ) đáng kể, ngõ hầu tạo sự độc, lạ nhằm hướng tới khán giả trẻ và khán giả nữ. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu của tên phim dễ làm liên tưởng đến một phim giải trí thuần túy, thậm chí không khiến khán giả phải chờ đợi bởi khó hy vọng một điều gì mới mẻ ở một tên phim, dù thoát khỏi tên phim có vẻ cải lương.

    Dù có thể đạo diễn muốn nhấn mạnh tính cách “nghĩ sao nói vậy”, “mồm nhanh hơn não” và không chín chắn (ít nhất trong chuyện bày tỏ cảm xúc) của Hùng thì phần chuyển từ ghét sang yêu (khi Hùng đột ngột tỏ tình và nói với Mai rằng mình đủ tiêu chuẩn để thành bạn đời lý tưởng, bất chấp cô chưa biết anh là ai) có thể nói không chỉ khiên cưỡng mà còn không phù hợp về diễn biến tâm lý, làm cho cái kết có hậu trong mối tình của cặp đôi nhân vật chính bị giảm đi ít nhiều.

    Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng là hành trình kết nối với người thân của các nhân vật trong phim (là một trong mạch chuyện trọng tâm nhằm làm toát lên chủ đề phim này và mối quan hệ nhân quả của các nhân vật) tuy đã có cái kết như ý, nhưng nhìn chung không được đạo diễn “đeo bám” triệt để. Có thể do đạo diễn chưa coi trọng đúng mức vấn đề và vị trí, tầm quan trọng của mạch chuyện này trong phim. Cũng có thể dung lượng chính của phim được tác giả dành cho các mạch chuyện khác. Vì thế, hành trình kết nối với người thân trong phim chưa lấy hết nước mắt khán giả như tiềm năng và mục đích hướng tới của nó, đây là điều đáng tiếc.

    Kết phim có nhiều phương án, và các nhà làm phim (kịch bản và đạo diễn) đã chọn kết thúc có hậu, giống như nhiều phim Hollywood. Tuy nhiên, người viết muốn đề xuất một cái kết khác. Bởi vì, bản thân câu chuyện khi dẫn đến cảnh Hùng ngước nhìn lên bầu trời dõi theo chiếc máy bay chở Mai đi Tokyo đã cho thấy một cái kết có hậu xảy ra với cặp đôi nhân vật chính, hoặc giả nếu chưa đến thì chỉ còn vấn đề thời gian, bởi đó là điều tất yếu. Kết phim dừng ở đây sẽ là một cái kết mở, khiến dư âm của câu chuyện tình yêu đẹp còn đọng lại, khiến sự chờ đợi sẽ không chỉ dành cho các nhân vật trong cuộc mà cả cho người xem. Còn cái kết với cảnh hôn nhau của cặp đôi nhân vật chính trong phim (có tham khảo kết phim Hollywood) có thể làm thỏa mãn ai đó, tuy nhiên dễ gây cảm giác no nê hơn là cảm giác của thực khách sành ăn đối với một món ngon chưa dùng hết. Hơn nữa sẽ thuận về yếu tố thẩm mỹ nhiều hơn nếu đó là cảnh hôn nhau của cặp nam thanh nữ tú (Mạnh và Mai chẳng hạn), dù không thể phủ nhận việc dàn dựng cảnh hôn được làm mờ, đặt làm trung tâm trong bối cảnh cả bầu trời là một thủ pháp và là một sáng tạo đáng kể về nghệ thuật tạo hình phim này.

    Tương tự với cách kết phim trên là câu chuyện xảy ra với phương án chọn bài hát kết phim. Có lẽ phương án về một giai điệu da diết, lắng đọng kết hợp với ca từ đẹp, chau chuốt sẽ hiệu quả, giúp phim tạo dư ba, âm vọng hơn phương án về một giai điệu sôi nổi, nhịp đi, ca từ bình thường, không có gì đặc biệt?

    Trong những năm qua, khai thác đề tài gia đình, nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam đã tạo được dấu ấn như: Tướng về hưu, Bến không chồng, Áo lụa Hà Đông, Cánh đồng bất tận, Tâm hồn mẹ, Chuyện của Yến… Riêng với phim truyện truyền hình dài tập Việt Nam, đề tài này rất nhiều tiềm năng, chỉ kể các phim gần đây: Cả một đời ân oán, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai, Bồng bềnh trên sông, Nếu còn có ngày mai, Chuyện tình bà nội trợ… Và ngẫu nhiên Chàng vợ của em ra rạp chiếu cùng dịp với nhiều phim truyền hình về đề tài gia đình, trong đó có phim truyền hình dài tập Hạnh phúc không có ở cuối con đường của Việt Nam, hay Bố là trụ cột (Full house of happiness) của Trung Quốc trên VTV1… đã cho thấy đề tài gia đình trong điện ảnh thế giới nói chung, phim truyện điện ảnh Việt Nam nói riêng vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho việc áp dụng các thủ pháp nghệ thuật của các nhà làm phim. Trong bối cảnh và trên mảnh đất đó, các tác giả của Chàng vợ của em cũng đã ít nhiều biết cày, cấy đúng cách yếu tố gia đình vào tác phẩm theo cách của riêng mình.

    Với việc tuân theo các nguyên tắc thẩm mỹ thể loại, Chàng vợ của em đã giải được đề bài đặt ra về phim giải trí và phim nghệ thuật, hoặc chí ít là việc kết hợp các yếu tố giải trí và nghệ thuật trong một tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm phim truyện điện ảnh nói riêng, để mang lại hiệu quả cần có.

    Mục đích của các thủ pháp nghệ thuật là gì nếu không phải là làm cho tác phẩm được khách thể thẩm mỹ tiếp nhận ở mức cao nhất. Với ý nghĩa đó, nếu điều đáng kể nhất không phải là hành trình mà là kết cục thì Chàng vợ của em cuối cùng đã làm được điều đáng kể nhất: không ít lần khiến trái tim khán giả bị lay động mạnh vì xúc động và khiến họ phải ứa nước mắt.

______________

3. Kristin Thompson, David Bordwel, Lịch sử điện ảnh, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 83.

Tác giả: Vũ Ngọc Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;