Miệt biển Vĩnh Châu: Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Vĩnh Châu là thị xã miệt biển ở tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm gần 70%). Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Về thị xã Vĩnh Châu hôm nay, đi giữa những con đường hoa đầy thơ mộng, rực rỡ ánh đèn đêm, uốn lượn quanh những ngôi nhà tường, ngói đỏ khang trang; chứng kiến từng chuyến xe hàng được vận chuyển ra từ cánh đồng tôm, ruộng hành tím, rẫy củ cải của bà con chạy bon bon trên những con đường nhựa, bê tông… sẽ không còn ai hoài nghi về hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bởi lợi ích thiết thực mà phong trào này mang lại cho địa phương là rất lớn: đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (2016 - 2019), Vĩnh Châu đã vận động người dân hiến hơn 48.000m2 đất, 16.000 ngày công lao động và 2,2 tỷ đồng để xây dựng trường học, nhà văn hóa ấp, đường giao thông nông thôn… Nổi bật như Hòa thượng Thạch Huôl cùng tập thể Ban quản trị chùa Prêy chóp hiến 5.000m2 đất xây dựng Trường Trung học cơ sở Lai Hòa. Mô hình trồng hoa trên tuyến lộ Nam sông Hậu ấp Trà Vôn A, Trà Vôn B, xã Vĩnh Tân; ấp Kinh Mới, Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp; ấp Năm Căn, xã Lai Hòa, ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa. Mô hình gắn đèn chiếu sáng dọc tuyến lộ Nam sông Hậu (đoạn từ Trường Dân lập Cảnh Thành đến giáp ấp Giồng Nổi), tuyến lộ Pà Len, xã Vĩnh Hải. Mô hình tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp dài 800m, ấp Thạch Sao, xã Hòa Đông dài 500m.

Tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có bà Phan Thị Huệ, ngụ ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, người đã kết hợp với Đoàn từ thiện Bông Sen Trắng vận động các Mạnh Thường Quân xây nhà ở cho người nghèo. Từ khi tham gia hoạt động năm 2016 đến nay, bà đã xây được 10 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Hải và xây 23 căn trong toàn tỉnh (35 triệu đồng/căn) với tổng số tiền 805 triệu đồng; ngoài ra, bà con ủng hộ 2.200 phần quà cho người nghèo với tổng số tiền 660 triệu đồng. Bà Huệ chia sẻ, thấy một số hộ có hoàn cảnh khó khăn nên đã vận động các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm đến giúp đỡ, nhằm góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đồng thời giúp các hộ nông dân nghèo có nhà ở để yên tâm lao động, sản xuất.

Phong trào văn hóa, văn nghệ hoạt động khá sôi nổi ở nhiều xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.
 

Để vận động đồng bào Khmer tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vai trò của các sư sãi, Thượng tọa Kim Thương, Trụ trì chùa Chhung Thum, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu - Sóc Trăng) đã vận động cất, sửa chữa được 3 căn nhà cho hộ nghèo và làm lộ, sửa lộ nông thôn, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng… Thượng tọa Kim Thương chia sẻ: “Với trách nhiệm của sư trụ trì, tôi luôn kêu gọi bà con phật tử chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi cũng thường vận động phật tử tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các hành động thiết thực, cụ thể như trồng cây xanh, đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình nông thôn, tích cực chung tay trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, khó khăn…”. Qua đó, đồng bào phật tử bổn sóc ngày càng tích cực hơn, có trách nhiệm hơn, tự nguyện đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bà Phạm Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX. Vĩnh Châu cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, năm 2019, ban chỉ đạo phong trào còn phối hợp với các ngành có liên quan vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 382 triệu đồng; trợ giúp cho 18 người có công, tổ chức triển khai xây dựng 105 căn nhà ở theo Quyết định số 33 của Chính phủ; tổ chức thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa được hơn 2,1 tỷ đồng, có 7.500 người được giúp đỡ... Đến cuối năm 2019, Vĩnh Châu có 3/6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới là Hòa Đông, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Tân; có 79/97 ấp, khóm văn hóa; có 38.517/40.046 (đạt 96,2%) hộ công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa (có 1.085 hộ Gia đình văn hóa tiêu biểu); hộ nghèo từ 33,34% năm 2010, giảm xuống còn 9,56%.

“Từ nay đến cuối năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào, đặc biệt là về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị, cơ quan, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao một cách đồng bộ, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thị xã” – bà Hương nói.

Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tin chắc rằng không bao lâu nữa ở Vĩnh Châu thị xã miệt biển, sẽ mọc lên những khu đô thị khang trang và sầm uất, xứng danh là một thị xã vững chãi đi lên từ văn hóa xây dựng NTM và ĐTVM.

 

Tác giả: Phương Nghi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;