Thừa Thiên Huế: Phát huy vai trò văn hóa dòng họ trong xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có gần 4.000 dòng họ. Trong những năm qua, các dòng họ đã phát huy vai trò của mình trong công tác vận động, tuyên truyền thành viên trong họ tộc thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn, nhiều dòng họ đã vận động con cháu hiến đất mở đường, tự động tháo dỡ hàng rào của dòng họ, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Các gia đình, dòng họ đóng góp tiền của, nhân công xây dựng đường làng, cổng làng, Nhà văn hóa thôn. Bên cạnh đó, các dòng họ đã tích cực phối hợp với Ban điều hành xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, lực lượng công an trong đấu tranh tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; ký cam kết đảm bảo dòng họ không có người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, cờ bạc; chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, tích cực cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí trong quy ước xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa...

Nhiều dòng họ đã vận động con cháu hiến đất mở đường, tự động tháo dỡ hàng rào của dòng họ, hiến đất xây dựng nông thôn mới

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều dòng họ đã trở thành các mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương, hoạt động hiệu quả như: dòng họ Võ Đại (làng Nong, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), dòng họ Trần (thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), dòng họ Phan Phước (thị xã Hương Trà), dòng họ Trương Văn (xã Phong Hải, huyện Phong Điền)... Để các dòng họ phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT, phát kiển kinh tế gia đình thì theo quy ước của dòng họ, những người đứng đầu các nhánh, phái, bậc cao niên  phải làm nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, là chỗ dựa tin cậy để người dân trong họ kính trọng và học hỏi. Đối với mỗi hộ gia đình, phải chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân. Mỗi cá nhân không vi phạm pháp luật, không được mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục, phòng chống tệ nạn xã hội.

Cùng với việc phát huy vai trò của các dòng họ tiêu biểu trong tự quản về ANTT, tại Thừa Thiên Huế còn có nhiều mô hình dòng họ điển hình trong thành lập các Quỹ Khuyến học, Quỹ Xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để con cháu học tập, phát triển kinh tế, điển hình như dòng họ Nguyễn Văn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), họ Phan (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), họ Văn Đình (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), họ Nguyễn Văn (thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), 16 họ tộc tại làng Kế Môn, huyện Phong Điền... đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội của địa phương. Nhiều dòng họ trở thành hạt nhân trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Dòng họ Trương Văn nổi bật trong việc tự quản về ANTT (xã Phong Hải, huyện Phong Điền): Những người trong họ tộc phải tự phòng, tự quản, tự bảo vệ các thành viên gia đình, dòng họ mình không vi phạm pháp luật để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống nhằm xây dựng thành công quy ước xây dựng dòng họ tự quản về ANTT. Cụ thể như: không để xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Trong gia đình, dòng họ có người lầm lỗi thì phối hợp với tổ hòa giải, cảm hóa, giáo dục. Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa... tình trạng con cháu vi phạm pháp luật của các dòng họ tự quản về ANTT giảm hẳn. Mỗi dòng họ trở thành một tổ tự quản, mỗi gia đình là một tổ hòa giải, góp phần giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống.

 Bên cạnh việc tự quản, tự phòng, tự hòa giải, không có tệ nạn xã hội, cùng nhau phát triển kinh tế, các dòng họ trên địa bàn tỉnh còn tích cực phối hợp với Ban điều hành xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, lực lượng công an trong đấu tranh tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; ký cam kết đảm bảo dòng họ không có người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, cờ bạc; chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, tích cực cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí trong quy ước xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa... Để phát huy tính tích cực của Dòng họ tiêu biểu tự quản về ANTT trên địa bàn, Ban điều hành xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa các địa phương cần chủ động hơn trong công tác phối hợp, xem đây là những hạt nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động, cùng địa phương thực hiện đảm bảo phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Mô hình Dòng họ “3 quản” do dòng họ Lương Quang ở thôn Chiết Bi, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy đảm nhận. Đây là dòng họ có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, hiện chiếm 40% số hộ trong thôn. Theo nội dung quy ước dòng họ “3 quản”, ngoài việc phải chấp hành những quy định chung của họ tộc, mỗi thành viên còn phải nỗ lực xây dựng dòng họ văn hóa, bài trừ hủ tục và tệ nạn xã hội; gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; xây dựng dòng họ tương thân tương ái, không có bạo lực gia đình và bạo hành trẻ em; xây dựng gia đình văn hóa, con cháu hiếu học. Với tư cách là những người lớn tuổi, “bậc cha chú” - những người có vai trò là trụ cột của gia đình, dòng họ - sẽ giáo dục và nuôi dưỡng con cháu mình sống theo những truyền thống quý báu của dòng họ; biết kính trên, nhường dưới, yêu thương, quan tâm, chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình; luôn tôn trọng tình cảm vợ chồng, sống vui vẻ đầm ấm, hòa thuận…

Thực tế cho thấy, dù xã hội có phát triển như thế nào thì vai trò văn hóa dòng họ sẽ không gì thay thế được, đó là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp có giá trị bền vững theo thời gian. Các họ tộc đã cùng nhau giữ gìn việc lễ, việc nghĩa, các truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa làm cho tình cảm gia tộc ngày càng gắn bó hơn, góp phần phục hồi đạo đức, kỷ cương gia đình và xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; giáo dục phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, hiền từ; con trung hiếu, cháu thảo hiền”; giáo dục các thế hệ con cháu, tạo nên mạch truyền nối tiếp cho dòng họ; góp phần xây dựng xã hội an bình, giàu bản sắc văn hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị...

Nhằm khẳng định vai trò của các dòng họ trong đời sống xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ đã tổ chức gặp mặt 400 đại diện trưởng họ tộc, già làng trên địa bàn để cảm ơn sự đồng hành của các dòng họ trong việc xây dựng và phát triển của quê hương, qua đó bày tỏ sự quan tâm rất lớn của Đảng, chính quyền về vai trò và sự đóng góp rất lớn của dòng họ vào việc giáo dục đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân, từ đó tạo nên một xã hội phát triển bền vững cả về văn hóa - kinh tế, lưu giữ giá trị tốt đẹp của dân tộc. Tại cuộc gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ đã nhấn mạnh: “Chính đội ngũ trưởng họ tộc đã gương mẫu, tận tâm chỉ dạy, vận động con cháu trong dòng họ gìn giữ nề nếp gia phong, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, phát triển văn minh đô thị và nông thôn, tham gia tích cực các mô hình xây dựng dòng họ hiếu học, dòng họ văn hóa, dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, dòng họ tiêu biểu trong tham gia các phòng trào xã hội tại địa phương”; “Các dòng họ ở Thừa Thiên Huế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ nề nếp gia phong của dòng họ mình. Vậy nên chính các bác, các chú, các anh trưởng họ tộc và già làng ở đây là những tấm gương sáng, nhân tố quan trọng khẳng định sức sống nội sinh và sự lan tỏa, phát triển của văn hóa Huế; của một Huế truyền thống văn hiến, sang trọng trong quá khứ và hội nhập, giàu có trong hiện tại, để Huế phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”.

Thông qua buổi gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ đã đề nghị sự có phối hợp giữa chính quyền địa phương với các họ tộc trên địa bàn để tiếp tục phát huy vai trò của dòng họ trong việc xây dựng các phong trào như ngày chủ nhật xanh; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; bảo vệ an ninh Tổ quốc; khuyến học và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tăng cường sự phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các dòng họ tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... bởi yếu tố văn hóa dòng học đóng vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân, đặc biệt trong xu thế xã hội càng phát triển với sự du nhập nhiều nền văn hóa từ bên ngoài vào, việc phát huy vai trò văn hóa dòng họ càng có ý nghĩa, góp phần xây dựngThừa Thiên Huế hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát huy tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả: Nguyễn Thúy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

;