Lớp Bồi dưỡng kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Từ ngày 6 đến 9-6, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Lớp Bồi dưỡng kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Tham gia có đông đảo học viên đến từ các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở VHTT một số tỉnh, thành…

 PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu 

Phát biểu tại Lớp bồi dưỡng, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2016, khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được ban hành, phát triển công nghiệp văn hóa có mục tiêu sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững”.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định mục tiêu cụ thể: “Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Du lịch văn hóa; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%...”, cho thấy sự kỳ vọng vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta trong tương lai. Việc nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Trong các Hội thảo, những vấn đề liên quan đến công nghiệp văn hóa được đưa ra rất rõ, tuy nhiên mức độ lan tỏa chưa mạnh mẽ. Chúng ta cần đầu tư vào nguồn lực con người, trước tiên là trong ngành VHTTDL, để những người làm trong lĩnh vực VHTTDL lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ, từ đó từng bước lan tỏa, tạo ra hiệu quả thực tiễn”.

Học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam tham gia khảo sát thực tế tại Bảo tàng Hà Nội, chiều ngày 6-6

Tại Lớp bồi dưỡng, học viên được nghe và tham gia thảo luận nhiều chuyên đề  thiết thực như: “Chính sách chung quản lý các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay” - PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương; “Chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm văn hóa, bắt đầu từ khách hàng” - TS Lê Quốc Vinh (Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo); “Vai trò của du lịch trong việc hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa” - PGS, TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch); “Quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa” - PGS, TS Trần Văn Hải (Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Tầm quan trọng của thiết chế nghệ thuật chuyên nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hóa” - PGS, TS Nguyễn Thế Sơn (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Tin, ảnh: VÂN ANH

;