Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã mở đầu phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Nội dung được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trong phiên chất vấn về các vấn đề: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội…
Báo cáo tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý phát triển bảo hiểm xã hội, là những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược của quốc gia, vừa liên quan trực tiếp đến đời sống, đến miếng ăn, giấc ngủ hằng ngày của hàng triệu người dân, của người lao động và lực lượng hưu trí cả nước. Thời gian qua, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường từ xung đột Nga - Ukraine, từ sự thăng trầm của kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, những điều này đã tác động ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội nước ta.
Tình hình trong nước, đại dịch COVID-19 đã để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống, cuộc sống hằng ngày của người dân. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ bão phức tạp, sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường lao động, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết giữa nhiệm kỳ của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định hơn bao giờ hết, chúng ta đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của Nhân dân ta và tinh thần này được khơi dậy một cách mãnh liệt. Phương châm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng, xã hội được quan tâm, chỉ đạo đồng bộ trên quy mô cả nước. Chúng ta đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn để cơ bản đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đã triển khai nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả nhiều chính sách xã hội, trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: hơn 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã triển khai đồng bộ, nhanh chóng 4 nhóm chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 với trên 120.000 tỷ đã hỗ trợ 68 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,41 triệu người sử dụng lao động. Công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngày càng được các bậc cha mẹ, người học và xã hội quan tâm. Quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo được nâng lên, góp phần quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Bảo hiểm xã hội và công tác quản lý bảo hiểm xã hội ngày càng đi vào nề nếp, giữ vai trò trụ cột, quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy nhiên, khi đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, thời gian qua sản xuất, kinh doanh của chúng ta cũng đã và đang gặp phải không ít khó khăn. Vấn đề đời sống lao động, việc làm cũng nảy sinh nhiều vấn đề, hệ lụy phải đối mặt, một bộ phận người dân, người lao động đang gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
“Thời gian tới, chúng tôi nghĩ rằng đối với ngành cũng phải tập trung dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới về những vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội, những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Nguyên tắc chung của ngành đặt ra là cần nhìn xa, chủ động, sớm hành động, mau lẹ, ứng xử kịp thời với từng vấn đề” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đặt câu hỏi chất vấn: Theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 này đã đánh giá về quy mô lao động, việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm, sức lao động chưa được tận dụng phát huy và khai thác hợp lý, dẫn đến việc di chuyển nguồn lao động từ địa phương này đến địa phương khác còn ở mức cao, chi phí, sức lao động thì lớn, song, hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên?
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đặt câu hỏi chất vấn
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu việc làm là có. Bình quân tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta hiện nay quý 1 là 2,25%. Bộ trưởng nêu rõ: “Nhìn lại cách đây hơn 1 năm, ngày 11-11-2021, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp chúng ta vào nhóm tốp 5 về tỷ lệ thất nghiệp. Đến thời điểm này, thì tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta có gia tăng hơn, nhưng không phải riêng chúng ta. Tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta 2,25% quý 1, mà nếu so với thế giới thì tỷ lệ thất nghiệp này ở ngưỡng thuộc các quốc gia thấp. Ngày 26-5 vừa rồi, chúng tôi có những thống kê, có báo cáo chính thức số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc và cắt giảm, do cắt giảm đơn hàng cũng như các yếu tố khác thì khoảng 506 ngày, trong đó khoảng 270.000 số mất việc làm. Chúng tôi cho rằng tình trạng này có mấy nguyên nhân: do cắt giảm đơn hàng, do tái cơ cấu sản xuất, nguyên nhân thay đổi về lực lượng lao động...”.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn với hai câu hỏi: Năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để triển khai tốt công tác an sinh xã hội trong năm 2023 và trong thời gian sắp tới? Và xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương ở cấp trình độ, đào tạo và giải pháp trong thời gian tới?.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Về công tác an sinh xã hội của chúng ta đã rất cố gắng. Tôi cũng mạnh dạn nói rằng, bình quân những năm trước đây, trước năm 2021 ngành Lao động, thương binh và xã hội cùng với các địa phương thông thường chỉ hỗ trợ trực tiếp được khoảng 1 triệu người thuộc các đối tượng mà ngoài đối tượng thường xuyên do tác động ảnh hưởng thiên tai, lũ bão, dịch... Nhưng trong 2 năm đến 3 năm vừa qua, chúng ta đã hỗ trợ tới 68 triệu lượt người”.
Theo Bộ trưởng: “chưa bao giờ các địa phương cùng với các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian vừa qua. Các chính sách đã đến với người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tiêu cực nhất. Đây là một sự cố gắng rất lớn của các ngành, các cấp và nhất là các địa phương và công tác kiểm tra, giám sát và thời gian tới tiếp tục quan tâm vấn đề này...”.
Về quy hoạch giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: các địa phương thời gian vừa qua cũng đã tiến hành một bước gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm tới 279 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hầu như bây giờ các tỉnh trừ có những trọng điểm về kinh tế, xã hội, còn lại hầu hết các địa phương chỉ còn 1 đến 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành, đa cấp, còn lại trừ các khu vực trọng điểm. Quy hoạch này cũng đã thực hiện từng bước, còn tới đây thì sẽ tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, các bộ, ngành, đoàn thể...
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội