Làng Sánh và những dấu tích lịch sử văn hóa

Làng Sánh (kẻ Sánh) là tên Nôm của làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Xã Thọ Lập hiện nay có 2 làng, 7 thôn, thời Lý - Trần thuộc huyện Lương Giang, đầu thời Lê thuộc huyện Ứng Thụy, thời Quang Thuận triều vua Lê Thánh Tông thuộc huyện Thụy Nguyên, cuối thời Nguyễn thuộc huyện Thiệu Hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng thuộc xã Thuận Minh, năm 1946 đổi tên Thuận Minh thành Thọ Minh. Năm 1954, hai làng Yên Trường và Phúc Bồi tách khỏi xã lớn Thọ Minh thành lập xã mới có tên là xã Thọ Lập và giữ nguyên tên xã đến ngày nay.

Tên gọi kẻ Sánh chứng tỏ nơi đây là một vùng đất cổ. Theo truyền thuyết, ngay từ đầu công nguyên, vùng đất này đã có con người tụ cư thành làng xóm. Tài liệu Lịch sử xã Thọ Lập cho biết: Khi Thái thú Tô Định phá được nghĩa quân của Hai Bà Trưng, tướng Đô Đương đem quân đóng ở hữu ngạn sông Lương thường cho quân sĩ đêm đêm lội sông sang lấy ngô, lúa cho ngựa ăn. Nhân dân Yên Trường trồng cây lá nán (lá han) rào vườn ruộng, giặc ban đêm mò sang bị lá nán quệt vào “cắn” ngứa và đau, không dám sang quấy phá nữa (1). Tài liệu này cũng nhắc đến một số nhân vật và sự kiện lịch sử của làng, như người họ Vũ theo làm gia tướng cho Dương Đình Nghệ, Lê Thiêm (tài liệu khác ghi là Lê Thiện) tham gia khởi nghĩa Lam Sơn...

 Giải thích về tên gọi của làng, trong vùng có truyền thuyết về việc lập làng: Thời Lý - Trần, ông Sính (hay Sánh) mới bắt đầu khai phá đất hoang, lập trại ấp. Ông Sính mất, đất đai trở lại hoang vu. Ông Nguyễn Thiện gốc người Trường An (Ninh Bình) gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, đánh giặc có công được phong tước Đại Trí tự, ban họ vua thành Lê Thiện. Ông không làm quan, xin ở lại khai thác đất cũ của ông Sính mà ông Thiện từng một thời gian cư trú lánh nạn giặc Minh. Lê Thiện đem họ hàng và chiêu mộ dân nghèo đến kẻ Sánh cày cuốc làm ăn, lập làng đặt tên An Trường để con cháu đời sau không quên gốc tổ Tràng An (chữ An Trường phát âm khác là Yên Trường).

Về tên làng Yên Trường, thần tích đình làng Yên Lược (xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân, sát phía Tây Nam làng Sánh) còn giải thích: Vào thời Lê Trung hưng, nhà Lê xây dựng kinh đô Vạn Lại và hành cung Yên Trường mới đổi tên một số làng lân cận thành YênPhúc, tạo nên “tiền tam Yên, hậu ngũ Phúc” (Yên Trung, Yên Trường, Yên Lược và Phúc Bồi, Phúc Lập, Phúc Địa, Phúc Cương, Phúc Xá, Phúc Tỉnh). Trong đó, An Lạc Châu đổi thành Yên Lược, An Trường thành Yên Trường, An Trung thành Yên Trung (2).

Làng nằm ở nơi giáp ranh giữa trung du và đồng bằng xứ Thanh, địa hình có đủ cả đồi, rừng, đồng ruộng, bãi bồi, sông ngòi, nằm giữa sông Chu ở phía Nam và sông Cầu Chày ở phía Bắc. Nhìn trên bản đồ vệ tinh có thể thấy, đất đai nơi cư dân làng Sánh sinh sống là một gò cao, xung quanh là sông, hồ, đầm…, phía Nam làng là bãi bồi, đồng ruộng trù phú. Địa chí huyện Thọ Xuân cho biết: trước TK X (hoặc muộn nhất là trước thời Lý), ở đây chưa có hệ thống đê, với lưu lượng nước rất lớn về mùa mưa, dòng sông Chu đổi dòng liên tục, một mặt gây nạn lũ lụt, mặt khác, bồi đắp một lượng lớn phù sa tạo nên đất đai màu mỡ và để lại vết tích các nhánh sông chết cùng vô số những mau, hón, hồ, đầm… (3). Phía Tây Bắc làng Sánh còn có Long Hồ - một hồ tự nhiên rộng lớn, hiện trạng địa hình ngày nay khiến người ta nghĩ nó vốn là một đoạn sông cổ, do quá trình bồi lấp tự nhiên mà trở thành hồ. Theo cư dân địa phương, hồ này hiện nối với sông Cầu Chày.

Sông Chu đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của làng, đồng thời cũng là con đường giao thông huyết mạch chạy qua làng. Từ đây, thuyền bè có thể ngược lên Bái Thượng, Thường Xuân, Ngọc Lặc, qua sông Âm lên Lang Chánh hoặc xuôi về vùng đồng bằng, nhập vào sông Mã ở Ngã Ba Đầu rồi ra biển. Bến Sánh một thời tấp nập, trên bờ có chợ Sánh nên thuyền lớn, thuyền bé neo đậu và mua bán hàng hóa nhộn nhịp. Một tháng chợ họp 6 phiên chính vào ngày các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29; ngoài ra còn có thêm 6 phiên chợ xép vào ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 (âm lịch). Người trong và ngoài tỉnh đến đây để mua bông, lạc, ngô, khoai, sắn, đậu, chè xanh, chuối, than, củi, song, mây... và bán các loại cần dùng cho dân địa phương: nước nắm, mắm tôm, nồi đất, nồi đồng, chum vại... Đặc biệt, chè Sánh Lược (4) rất được ưa chuộng. Đây là đặc sản của làng Sánh (nay thuộc xã Thọ Lập), làng Lược (nay thuộc xã Thọ Minh), bởi khi mang cây chè này đến vùng đất khác trồng thì không cho mùi vị, hương sắc thơm ngon như ở đây. Chè Sánh Lược thời xưa là mặt hàng nổi bật để trao đổi, buôn bán ở chợ Sánh, chợ Lược. Tương truyền, đây cũng là một trong những sản vật tiến vua cùng với cá rô đầm Sét, bánh răng bừa...

Tuy nhiên, vùng đất Yên Trường (cũng như Vạn Lại) sẽ không mấy khác biệt so với nhiều làng quê khác của người Việt nếu như không được lựa chọn là hành điện của triều đình Lê Trung hưng. Các tài liệu thư tịch hầu như thống nhất ở các sự kiện: Năm 1546, vua lập hành điện ở sách Vạn Lại; Năm 1553, vua dời hành tại đến Yên Trường; Năm 1570, vua dời hành tại về Vạn Lại; Năm 1593, vua dời đô ra Thăng Long.

Như vậy, vùng đất Vạn Lại - Yên Trường giữ vai trò là kinh đô của đất nước trong 47 năm, trong đó, Yên Trường là hành điện trong các năm 1553 - 1570 (17 năm). Nơi đây luôn giữ vị thế quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê, như Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Vua Lê lại lui về đóng ở Vạn Lại, mà kho tàng vẫn ở Yên Trường. Sau khi trở về Thăng Long, tuy thành Tây Đô và hành điện Vạn Lại bỏ tàn phế mà cung phủ ở Yên Trường vẫn còn. Lại hơn 20 năm sau, họ Trịnh nhân chỗ cũ xây dựng phủ khố cung thất ở đấy, gọi là Nghi Kinh” (5).

Trong Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục dùng các từ được dịch ra là “hành tại”, “hành điện”, tức là nơi triều đình xây dựng những cung điện để vua nghỉ ngơi khi tuần du ở các nơi xa kinh đô Thăng Long. Dòng chú thích ở Khâm định Việt sử thông giám cương mục giải thích: “Hành tại, chính nghĩa là chỗ ở của nhà vua khi đi tuần du. Đây Cương mục có ý cho rằng Thăng Long tuy chưa khôi phục được, nhưng vẫn có thể coi như của nhà Lê: cung điện ở Thăng Long vẫn là chỗ ở chính của vua Lê, còn những chỗ doanh trại hành quân như ở Vạn Lại hay ở An Tràng này chỉ là nơi ở tạm thời trong khi đi tuần hành hay du ngoạn của vua Lê đó thôi. Nhưng, thực ra, hành tại đây chỉ là chỗ nhà riêng để vua Lê và gia quyến nhà vua cư trú” (6). Tuy nhiên, do toàn bộ triều đình và các việc quản lý, điều hành hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong phạm vi địa bàn nhà Lê quản lý đều diễn ra ở Vạn Lại - Yên Trường nên vùng đất này có tính chất kinh đô. Thư tịch chép về một vụ hỏa hoạn ở dinh Yên Trường năm 1585: “Ngày 17, dinh Yên Trường cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín mặt trời, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ đến giờ thân lửa mới tắt” (7). Hậu quả vụ cháy lớn cho thấy, lúc ấy Yên Trường không phải hành cung, hành điện, mà là một kinh thành - kinh thành kháng chiến, thủ đô trung hưng của nhà Lê.

Vậy tại sao nhà Lê - Trịnh lại chọn Yên Trường và Vạn Lại làm hành điện? Năm 1546, khi quyết định lập hành điện ở sách Vạn Lại, “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó” (8).

Việc dời hành điện từ Vạn Lại về Yên Trường được giải thích như sau: “Đến năm Thuận Bình thứ 6 (1554), Lê Trang Tông nhận thấy đất Lam Kinh chật hẹp mà địa thế Yên Trường thì phía tả có núi non, phía hữu có sông cái, hình thế rộng rãi hiểm trở, mới dời hành điện đến đây, đóng ở đây trải 20 năm” (9). Việc dời hành điện từ Yên Trường về Vạn Lại năm 1570 cũng được giải thích: “Sau khi bị quân Mạc lấn cướp, Vua Lê lại lui về đóng ở Vạn Lại, mà kho tàng vẫn ở Yên Trường” (10). Khi có chiến tranh, Vạn Lại hiểm sâu hơn An Trường, nhưng trong thời gian bình yên, An Trường lại có ưu thế hơn để phát triển.

Có thể thấy, tuy cùng chung một dải đất miền bán sơn địa, nhưng Yên Trường cận kề sông Chu, đồng ruộng Yên Trường được khai phá từ sớm, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, thuận lợi cho việc đặt trụ sở triều đình. Địa thế tự nhiên, đê điều, hồ, đầm, đồi cũng tạo nên một thế che chở, phòng thủ khi có giặc tấn công. Ở đây còn có Long Hồ vừa rộng, vừa sâu, mà người dân vùng này cho rằng đây chính là hồ thủy quân, từ đây thủy quân Lê theo sông Lương ra sông Mã tiến đánh quân Mạc ngoài Bắc. Nó cũng là đường giao thông vận tải thuận tiện, tiếp tế lương thực cho Yên Trường. Thư tịch cũng ghi sự kiện tháng 10-1570: “Kính Điển tấn công lũy An Tràng, ngày đêm không ngớt. Quan quân giao chiến với địch, không lợi, phải đóng chặt cửa lũy, dựa vào địa thế hiểm trở giữ thế thủ” (11). Trước sức tấn công ồ ạt của quân Mạc, Yên Trường khó lòng trụ vững, do vậy, nhà vua phải chuyển hành điện về Vạn Lại, để dùng địa thế hiểm trở chống cự với nhà Mạc.

Diện Mạo của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường như thế nào đến nay chưa tìm được tư liệu ghi chép cụ thể. Đại Nam nhất thống chí chỉ cho biết: “Phủ Yên Trường nhà Lê: ở địa phận xã Yên Trường, huyện Thụy Nguyên, là hành tại của nhà Lê hồi đầu Trung hưng, đất rộng chừng 7, 8 mẫu, trước kia có cung phủ thành trì, nay đều thành ruộng, chỉ còn lại dấu cũ và một cái hồ ở trong thành mà thôi” (12).

Dù không có sử liệu ghi chép rõ việc kiến thiết xây dựng An Trường - Vạn Lại như thế nào, nhưng chắc chắn nhu cầu sinh hoạt thường ngày của cung đình, quân đội, quan lại và dân chúng trong khu vực kinh thành cần phải có phố xá, quán hàng, chợ búa, các kho vũ khí, kho lương thực, xưởng sản xuất vũ khí, khu vực luyện quân, bến thuyền, chợ... Hiện nay, các công trình trên không còn, nhưng dựa vào địa danh các cánh đồng, ta được biết một số công trình từng tồn tại trong kinh thành kháng chiến: Đầu phủ: phía Tây cung vua phủ chúa; Trung Phủ: khoảng giữa cung điện; Phủ Đường: dấu tích xưa xây dựng phủ đường; Hồ Sen: hồ thả sen của vườn ngự; Thành Chân: đồng gần chân thành lũy An Trường; Hố Súng: ruộng trũng cạnh kho vũ khí; Dọc/ Rọc/ Roọc Gạo: ruộng sâu cạnh kho gạo; Đồng Cốc: đồng cạnh kho lúa; Bến Tắm Tiên: nơi tắm của cung phi, phu nhân.

Đồng thời, hiện vật ít ỏi còn lại trên mặt đất hoặc đã từng đào được trong lòng đất (hiện không còn mà chỉ được người dân kể lại) cũng giúp hình dung một số khu vực, công trình. Khu trung tâm của hành điện Yên Trường được phỏng đoán là khu vực đền Ông Phỗng, nay chỉ còn lại một tượng Phỗng đã bị cụt tay, mất đầu, tư thế quỳ trong khuôn viên gia đình ông Trần Đình Thành, thôn 2, Yên Trường. Ông Thành cho biết, trước kia trong vườn nhà có rất nhiều ông Phỗng bằng đá. Khi làm nhà, gia đình đã đưa một số ông Phỗng xuống giếng và lấp lại. Người dân xung quanh cũng cho biết khu vực này trước kia rất nhiều Phỗng với đủ kích thước.

Dấu tích kho được phát hiện ở khu vực lân cận, khi người dân cách đây khoảng hơn 20 năm đào được nhiều hiện vật vàng và chì với số lượng lớn. Theo mô tả của người dân, chì được đúc đều đặn, hình như bánh đúc, có viên có chữ, khả năng lớn là hiện vật trong kho thời Lê Trung hưng.

Khi khảo sát thực tế ở làng Sánh, chúng tôi còn được người dân cho biết về khu vực nghi là mộ Bà Chúa Chè. Về nhân vật này chưa có tài liệu xác thực. Theo tài liệu của ông Lê Xuân Kỳ dẫn trong sách Địa chí huyện Thọ Xuân, Bà Chúa Chè chính là công chúa Mai Hoa - chị gái vua Lê Thế Tông, được giáo sĩ Ordunez De Cevallos truyền đạo và thu phục, lấy tên thánh là Flora Maria. Năm 1591, công chúa Mai Hoa lập một nhà tu kín bên cạnh hành cung Vạn Lại. Cũng thời điểm ấy, nhà Lê Trung hưng đã khôi phục lại đất nước, trở về Thăng Long, công chúa Mai Hoa không hồi kinh, ở lại hỗ trợ quá trình truyền đạo và dạy dân trồng chè, vì thế nhân dân tôn thành Bà Chúa Chè. Nhân vật này chưa rõ thực hư, nhưng truyền thuyết liên quan đến thời Lê Trung hưng ở mảnh đất Yên Trường cho thấy sự nảy sinh của Công giáo tại khu vực này và phần nào cho thấy sự cởi mở trong chính sách ngoại giao thời Lê Trung hưng đã hình thành và tiếp tục được duy trì ở thời gian sau. Như tại chùa Mật Sơn (thành phố Thanh Hóa), chúng ta cũng bắt gặp tượng Vua Lê Thần Tông và các hoàng hậu, phi tần; trong đó, một tượng phi tần có dáng vẻ đặc biệt: vóc người đẫy đà, trang phục lộng lẫy, mặt phương phi, sống mũi thẳng gồ cao trên khuôn mặt giống đặc điểm của người phương Tây. Lần giở lại tư liệu, Alexandre de Rhodes trong Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (viết ở TK XVII) có đoạn cho biết: trong số những người vợ của Lê Thần Tông có một bà cung phi người Hà Lan (13). Le Breton trong cuốn sách Những đình chùa và những nơi lịch sử trong tỉnh cho biết, tượng 6 người vợ của Vua Lê Thần Tông ở đây gồm: 1 người An Nam, 1 người Trung Hoa, 1 người Ba Thục, 1 người Xiêm, 1 người Hà Lan và 1 người Mường (14). Phải chăng đó là kết quả của mối giao hảo của nhà Lê - Trịnh với nước ngoài, là sự dàn xếp hòa thuận với các tù trưởng thiểu số vùng biên viễn đã được ghi lại dấu ấn trong di sản văn hóa.

Trong khu vực làng Yên Trường còn sót lại một số bi ký cổ. UBND xã Thọ Lập hiện lưu giữ một bia đá niên hiệu Cảnh Thống (1498). Bia có 2 mặt chữ Hán, kích thước 62x8x85cm. Năm 2015, trong dịp kiểm kê di tích của huyện Thọ Xuân, cán bộ kiểm kê đã dịch sơ bộ một vài thông tin trong bia và xác định đây là loại bia mộ của bà cung phi họ Phạm sống tại cung Thụy Đức. Bà sinh được 1 con trai và 2 con gái. Bà bị bệnh, được chuyển đến cung Thiên An. Thái y chữa trị nhưng bệnh tình của bà không thuyên giảm. Bà mất ngày 1-9 năm Giáp Ngọ. Ngày 3-11 năm Đinh Dậu, bà được sắc phong là Minh Phi, là con gái của Tả Đô Đốc Sùng? - Vũ Ba Văn Liêu. Công chúa thứ 1 là (?) Hoa, công chúa thứ 2 là Giản Thuyên, phong Xuân Minh công chúa (15). Tại nhà ông Lê Khắc Đồng (thôn 3 Yên Trường) cũng còn 1 bia đá niên hiệu Thành Thái 3 (1881) có tên Lê Quý Hiền bi ký. Ngoài ra, chắc chắn còn nhiều dấu tích và hiện vật mà người viết chưa có điều kiện tìm kiếm.

Đình làng Yên Trường thờ Thành hoàng làng Cự Lẫm, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Về vị Thành hoàng của làng, sách Lịch sử xã Thọ Lập đề cập đến bản thần tích có tên là Thiên vương trấn thủy đệ nhất giáp được sưu tầm, tập hợp trong cuốn Bách thần lục (16). Vị thần này đã báo mộng cho Vua Lê Hoàn đánh thắng giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục có sự nghiên cứu kỹ lưỡng thêm. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của di tích này trong đời sống tâm linh cộng đồng. Tương truyền, chùa Trình Tùng trước khi ra trận năm 1592 đã đến ngôi đình để làm lễ và cuối cùng giành chiến thắng, đánh tan được quân Mạc, chấm dứt tình trạng chia tách Nam - Bắc triều. Để tạ ơn thần, Chúa Trịnh ra lệnh cho làng Yên Trường hằng năm làm lễ tế thần vào ngày 12-2 âm lịch. Đây cũng là ngày hội lớn nhất của làng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trong thời kỳ hiện đại, làng Yên Trường cũng là nơi thành lập một trong những tổ chức cách mạng đầu tiên của huyện Thọ Xuân vào năm 1928, đó là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Sau đó, Chi bộ Đảng Cộng sản Yên Trường được thành lập ngày 22-7-1930 là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân và là 1 trong 3 chi bộ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Làng Yên Trường cũng là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29-7-1930.

_______________

1. Đảng ủy - HĐND - UBMTTQ xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Lịch sử xã Thọ Lập, Nxb Thanh Hóa, 2020, tr.23.

2. Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Thanh Hóa, Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa đình làng Yên Lược (xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, 2007, tr.3.

3. Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Thọ Xuân, Địa chí huyện Thọ Xuân, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.40.

4. Chè Sánh Lược: chè của làng Sánh (xã Thọ Lập) và của làng Lược (xã Thọ Minh) thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

5, 9, 10, 12. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr.315-316, 315, 315, 315.

6, 8, 11. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998 (ấn bản điện tử được chuyển thể năm 2001), tr.642, 639, 653.

7. Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.161.

13. Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nxb Tổng hợp, 1994, tr.14.

14. Le Breton, Những đình chùa và những nơi lịch sử trong tỉnh Thanh Hóa, bản dịch của Nguyễn Xuân Phương hiện lưu giữ tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa, 2013, tr.26.

15. Ban Quản lý di tích và danh thắng, Tài liệu kiểm kê di tích huyện Thọ Xuân, 2015.

16. Nguyễn Văn Tuân dịch chú, Dương Tuấn Anh hiệu đính, Bách thần lục, Nxb Đại học Sư phạm, 2018.

LÊ XUÂN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;