Kon Tum tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh

Tối 9-2, tại TP Kon Tum, Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ tỉnh Kon Tum đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913-9/2/2023) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận thành phố Kon Tum là thành phố loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.

 

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang;  lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Kon Tum có: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ kỷ niệm Lê Ngọc Tuấn; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động; các nhân sĩ trí thức; đại biểu 4 tỉnh của CHDCND Lào; 2 tỉnh của Vương quốc Campuchia và đông đảo người nhân dân trong tỉnh.

Trong diễn văn ôn lại truyền thống 110 năm Kon Tum xây dựng và phát triển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cho biết: Kon Tum theo tiếng Bana có nghĩa là Làng Hồ - mảnh đất ở phía bắc Tây Nguyên. Từ xa xưa đã có con người cư trú, bằng chứng tiêu biểu là di chỉ khảo cổ học: lung lăng thuộc hậu kỳ đồ đá cũ. Con người đã tồn tại và phát triển trên vùng đất giàu tài nguyên từ đời này qua đời khác, trải qua vô vàn biến động, thử thách. Trong đó, phải kể đến sự hiện diện từ rất sớm của các dân tộc tại chỗ như: Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, RơMăm, Hre (Hrê)…

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum

Với vị thế là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng ở bắc Tây Nguyên, Kon Tum luôn là một trong những mục tiêu trọng yếu của các thế lực ngoại xâm. Chính vì thế, ngay khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy chính trị tại đây. Ngày 9-2-1913, toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum bao gồm một vùng đất rộng, lớn ở vùng bắc Tây Nguyên nhằm tăng cường cai trị và khai thác tài nguyên tại vùng đất này, tỉnh Kon Tum ra đời từ đó. Không cam chịu làm nô lệ cho thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã anh dũng đứng lên, đấu tranh chống lại ách xâm lược của kẻ thù, nổi bật là phong trào Nước Xu của đồng bào Xê Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng; phong trào lập Làng chiến đấu ở xã Xốp do già làng A Mét lãnh đạo đã đi vào tác phẩm văn học Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành, trở thành biểu tượng của tinh thần anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Trong quá trình thực hiện khai thác thuộc địa và nhằm tiêu diệt những người yêu nước, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà ngục Kon Tum, nhà ngục Đắc Lây để đày ải tù chính trị. Cũng chính tại nhà ngục Kon Tum những hạt giống đỏ đã nảy mầm, Kon Tum đã sớm lập tổ chức đảng cộng sản đầu tiên - Chi bộ binh vào cuối tháng 9-1930. Từ đây, các cuộc đấu tranh: lưu huyết, tuyệt thực của những người cộng sản tại nhà ngục Kon Tum làm nên bản tráng ca sống mãi với thời gian. Nơi đây là ngọn cờ thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum không ngừng phát triển. Cùng với cách mạng tháng 8-1945 ở Kon Tum giành thắng lợi…

Trải qua hai cuộc kháng chiến, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của đảng đã anh dũng cùng quân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách góp phần vào Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu tại lễ kỳ niệm

Trong thời gian đầu khi thành lập tỉnh, điều kiện của tỉnh Kon Tum hết sức khó khăn, hầu như phải bắt tay xây dựng lại từ đầu với nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu sản xuất cây lương thực truyền thống, giao thông trong thế ngõ cụt, nhiều xã không có đường giao thông đến trung tâm, đời sống nhân dân khó khăn nhiều mặt. Qua quá trình chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay tỉnh Kon Tum có 10 đơn vị hành chính các huyện và dân số hiện nay toàn tỉnh 590.000 người. Với sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tỉnh đã có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,86%, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới. Các tuyến giao thông, huyết mạch được đầu tư, tạo hành lang kết nối với các tỉnh lân cận, hệ thống từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng…

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Tự hào về lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng của tỉnh Kon Tum trong suốt 110 năm xây dựng và phát triển, cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum đang vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại chặng đường 110 năm đầy oanh liệt, càng làm cho chúng ta hiểu và tự hào hơn về quá khứ, nhận biết đánh giá đúng hiện tại, tin tưởng vững chắc ở tương lai tươi sáng trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta nguyện làm cho sử vàng dân tộc mãi rạng ngời, xứng đáng với tổ tiên hàng ngàn năm hy sinh xương máu để đạt được mục tiêu cao cả là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ: Kon Tum là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã xây dựng, gìn giữ, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc ta và vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ...

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, từ một tỉnh có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống bà con các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu. Song, Đảng bộ chính quyền, nhân dân các dân tộc Kon Tum đã phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, triệt để khai thác tiềm năng lợi thế, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 9,5% cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực... Diện mạo Kon Tum ngày càng đổi thay, tươi đẹp hơn xưa, đậm đà bản sắc, tạo nên sức sống mới, khí thế mới. Để có được những thành tựu to lớn, là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng biểu dương những thành tích mà đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được trong những năm qua.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng chia sẻ, kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của tỉnh, tự hào về những thành tích to lớn đã đạt được. Song vẫn còn những việc phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để tỉnh không ngừng phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng nâng cao.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết quan trọng, có tính chiến lược, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - vùng đất cách mạng, anh hùng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đúng với truyền thống đoàn kết, thủy chung, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.

Để tỉnh Kon Tum tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng gợi mở một số nội dung để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh Kon Tum quan tâm trong thời gian tới. Đó là, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, cùng những khó khăn, thách thức của tỉnh nhà; rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương những năm qua; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của tỉnh, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, biến nó thành sức mạnh, thành hành động cụ thể của mỗi tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương Kon Tum phát triển nhanh, bền vững và tươi đẹp hơn. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực…; thích ứng với biến đổi khí hậu; chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch; tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không phù hợp; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; quan tâm củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn…

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là Đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.

Tại buổi lễ, diễn ra chương trình nghệ thuật “Đi về phía Mặt Trời” , quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước biểu diễn.

Chương trình nghệ thuật do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo nội dung; Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VHTTDL phối hợp thực hiện; chỉ đạo nghệ thuật, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chỉ đạo nghệ thuật; NSND Quang Vinh tổng đạo diễn.

Chương trình có sự tham gia của 130 diễn viên đến từ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum và các diễn viên quần chúng; đặc biệt có sự tham gia của ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương, Y Vol, Ngọc Mai, Thu Hằng...

Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 - Chuyện làng Hồ; Chương 2 - Tiếng gọi đại ngàn và Chương 3 - Kon Tum mùa Xuân về, các tiết mục hát múa, hoạt cảnh sân khấu được dàn dựng công phu, đặc sắc với nội dung tôn vinh nét văn hóa truyền thống, hào khí cách mạng của các dân tộc tỉnh Kon Tum; ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân dày công mở cõi, xây dựng quê hương Kon Tum; cổ vũ tinh thần đoàn kết “ý Đảng, lòng dân” trong quá trình xây dựng và phát triển Kon Tum như hôm nay.

NGỌC BÍCH - Ảnh: VGP- điện tử chính phủ

;