KHÔNG GIAN SỐNG VÀ TẬP QUÁN SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI XỨ ĐOÀI

Xứ Đoài là một không gian văn hóa đặc trưng của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong không gian đó, quá trình con người khai phá đồng đất, tụ cư, định cư, tổ chức sinh hoạt đã được ghi lại bằng ngôn ngữ. Địa danh là một trong những sản phẩm ngôn ngữ cụ thể, phản ánh trực tiếp những dấu ấn này. Trên cơ sở các lớp địa danh khác nhau, chúng tôi miêu tả một không gian sống đặc thù của xứ Đoài, vừa sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất, vừa phải đối mặt với những khó khăn. Ở những nơi có điều kiện thuận lợi, người xứ Đoài tìm cách phát huy. Ở những nơi còn khó khăn, người xứ Đoài biến các sản phẩm lương thực thực phẩm không phổ biến thành phổ biến, biến môi trường thiên nhiên hoang sơ thành những nơi đáng ao ước để nghỉ ngơi, trải nghiệm.

Xứ Đoài là vùng trung châu, nằm ở phía tây Hà Nội, trải dài theo các dòng sông. Từ những buổi đầu lịch sử, xứ Đoài đã là đất bản bộ của người Việt, sau này lại là một trong bốn phiên trấn bảo vệ Thăng Long - Đông Đô. Xứ Đoài hiện đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, được nhắc tới như một không gian văn hóa đặc trưng của đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Trong lịch sử, trước khi là một vùng đất trăm nghề nức tiếng ven đô, xứ Đoài đã từng là nơi “ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”. Bên cạnh dải đồng bằng phía đông - đông nam màu mỡ, thuận lợi cho tập quán canh tác truyền thống thì phần lớn diện tích đất xứ Đoài có những đặc trưng môi trường hạn chế. Phát huy nguồn lợi tự nhiên, thay đổi và cải tạo những điều kiện khó khăn là cách mà người nông dân đồng đất xứ Đoài thích ứng, phát triển.

1. Một không gian thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp

Đặc điểm canh tác lúa nước của người xứ Đoài nhìn từ địa danh chỉ nơi sản xuất

Phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ là canh tác lúa nước. Cũng như các tỉnh trung châu khác, đất Sơn Tây là đất canh nông. Hầu hết các bản xã chí của lý trưởng gửi lên chính quyền bảo hộ vào đầu  TK XX, đều viết rằng các xã thuộc Sơn Tây là đất canh nông duy dĩ, chăn nuôi và các phương thức trồng trọt khác chỉ được cho là các nghề phụ, tăng gia làm đa dạng hóa bữa ăn hàng ngày.

Người xứ Đoài canh tác trên các xứ đồng. Tùy địa điểm, đặc trưng mà các xứ đồng được phân loại thành rộc, đồng, đìa, đầm/ trầm hoặc mảmộ. Mỗi làng sẽ sở hữu gần chục đến hơn chục xứ đồng như thế, xung quanh một dải đất hoặc gò đất cao được cư dân chọn làm nơi cư trú.

Các xứ đồng được định danh là ruộng rộc nằm ở nơi có địa hình không bằng phẳng, lượng nước không đồng đều, chỗ hạn chỗ úng. Olivier Tessie đã nhận xét rằng rộc là loại xứ đồng “ở các chân đồi gò, có nhiều chỗ trũng ngập nước, đọng nước nhỏ hẹp. Người ta tận dụng nước ngập để cấy lúa”, là các “thung lũng thứ cấp nơi có nhiều hố nối với nhau” (1). Ví dụ: Rộc Hàn xã Kim Bí là mảnh ruộng nằm trong chân của đồi Ngọc, Rộc Hươu, Rộc Cửa Đình, Rộc Dâu, Rộc Quýt, Rộc Dịn, Rộc Cây, Rộc Chiều Trê... ở xã Đại Đồng. Nhìn chung, rất nhiều xứ đồng thuộc các làng quanh lưu vực sông Tích được gọi là rộc.

Rộc không chỉ dùng để định danh cho các ruộng thung lũng. Đối với các làng nằm ở gần sông, ít tính chất đồi gò hơn, mang tính chất đồng bãi hơn, những mảnh ruộng nhỏ, bạc màu, nằm ở những góc khuất không thuận lợi vẫn được gọi là rộc. Ví dụ: Rộc Hủa xã Dị Nậu là mảnh ruộng xa nhất, nằm ở ranh giới giữa Dị Nậu và Phùng Xá. Phía trước mặt của Rộc Hủa còn một cánh đồng gọi là Ngoài Xa.

Khác với rộc, đồng là những mảnh ruộng bằng phẳng, có diện tích lớn, dễ canh tác, đất đai màu mỡ do được phù sa bồi đắp. Ở phía đông nam của xứ Đoài, nơi gần sông Hồng, sông Đáy, các từ tố phân loại dùng để gọi tên nhiều hơn hẳn so với rộc. Ví dụ: Đồng Khánh, Đồng Rành, Đồng Mông, Đồng Cay, Đồng Bần (Đại Đồng), Đồng Ke, Đồng Mỵ, Đồng Sen, Đồng Màu (Canh Nậu), Đồng Đành, Đồng Nhô, Đồng Lục, Đồng Trong (Dị Nậu)...

Song song với ruộng đồng, có những tên gọi xứ đồng được tạo bởi thành tố bờ hoặc đìa. Chúng thường nằm ngay sát các tuyến sông. Đơn cử như: các xứ đồng Bờ Cửa, Bờ Cũ, Bờ Thơi, Bờ Đa, Bờ Cái Ngoài, Đìa Dưới, Đìa Ve của Canh Nậu, phân bố cạnh sông Tây Ninh, là con sông đào có nhiệm vụ tưới tiêu cho cả Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn. Các ruộng đìa có thể đã từng là nơi trữ nước, úng nước, các ruộng bờ được tạo ra bởi hoạt động đắp đập be bờ, ngăn nước sông tràn vào ruộng.

Làng nào cũng có một hoặc hai xứ đồng dùng vào việc chôn cất, cải táng người chết. Vì thế, chúng cũng mang luôn tên gọi này để chỉ định, quy chiếu cho công năng của nó, như: Mả Triền, Mả Chao, Đồng Mả (hiện vẫn là nghĩa trang) ở Canh Nậu, Mả Xây ở Dị Nậu, Mả Đình ở Đại Đồng, Mả Lao, Mả Sổ ở Chàng Sơn.

Khi so sánh đặc điểm về nơi canh tác ở khu vực đồi núi khuất nẻo (Khánh Thượng), khu vực đất đồi xen lẫn đất bằng ven sông (Kim Bí), khu vực gò đồi trung tâm (Đại Đồng) và khu vực thấp, được phù sa mới bồi đắp (Canh Nậu, Dị Nậu), chúng tôi thấy ở những nơi bằng phẳng, đất đai còn màu mỡ, tên các xứ đồng cũng được phân loại đa dạng hơn. Như cách phân loại xứ đồng ở Dị Nậu, Canh Nậu (đìa, bờ, mả, đồng, hố). Trong khi đó, trên bản đồ quy hoạch nông thôn ở Khánh Thượng, chỉ chú thích về nơi canh tác ruộng nước mà không thấy đặt tên cho các khu vực này. Có thể vì xứ đồng không phải là một tri nhận quen thuộc đối với cư dân miền núi.

Đặc điểm canh tác của xứ Đoài nhìn từ địa danh chỉ nơi cư trú

Ở châu thổ Bắc Bộ, do diện tích nhỏ hẹp, nơi cư trú và nơi sản xuất thường ở rất gần nhau, thậm chí, nơi sản xuất cũng chính là nơi cư trú. Đối với xứ Đoài, dải đất ven sông, tình trạng này càng trở nên phổ biến. Các địa danh chỉ nơi cư trú đều thể hiện đồng thời cả tập quán sản xuất, không gian canh tác. Nhiều địa danh vốn là tên các xứ đồng, ao đầm đã được chuyển hóa thành tên thôn, tên làng, tên xóm và ngược lại. Vì vậy, nhóm địa danh chỉ nơi cư trú cũng gián tiếp cung cấp các thông tin về đặc trưng không gian sản xuất như: Đại Đồng, Đồng Vang, Đồng Bảng, Đồng Nội, Đồng Phú, Hoắc Châu, Liễu Châu...

Ngoài ra, còn phải nói tới các tên làng Nôm. Kẻ Bí, Kẻ Giai, Kẻ Mơ, Kẻ Mía, làng Chanh, Kẻ Me, Kẻ Quýt, làng Bún lưu lại thông tin về những sản phẩm ăn uống của người Việt. Kẻ Hóc, Kẻ Lọc, Kẻ Đòng, Kẻ Trầm, Kẻ Sải lưu lại thông tin về đặc điểm địa hình. Kẻ Lâu với biến thể Kẻ Xay đã dùng một công cụ chế biến quen thuộc đối với cư dân nông nghiệp Văn Lang dùng để đặt tên làng. Kẻ Vù/bò cho biết một loại gia súc dùng làm sức kéo. Kẻ Nủa/Nỏ, Nủa Bừa cho biết công cụ sản xuất của người nông dân trồng lúa nước. Hiện nay, rượu làng Mơ (Mai Trai) và mía đường ở Đường Lâm (Sơn Tây) vẫn là những sản phẩm có tiếng. Không phải vô tình mà cư dân dùng một loại sản vật nào đó để đặt tên cho nơi mình cư trú.

Một nhóm địa danh khác tồn tại dưới dạng phức thể địa danh + sản phẩm. Bằng cách này, một sản phẩm nào đó đã được tôn vinh như biểu tượng văn hóa của địa phương. Đầu tiên, các phức thể này nằm trong ca dao tục ngữ. Sau đó, chúng có thể trở thành những cụm từ cửa miệng, khi cư dân muốn đề cao chất lượng, hay coi như một dạng đặc sản: rượu làng Mơ, bánh đúc Đại Đồng, quạt làng Chàng, bánh tẻ Phú Nhi... Nếu địa phương đăng ký bảo hộ sản phẩm, nghề làng được công nhận thì những sản phẩm sẽ trở thành những thương hiệu được nhà nước bảo hộ.

Như vậy, mặc dù về mặt nội bộ cấu trúc địa danh (Đại Đồng, Mơ/Mai Trai, Chàng/Chàng Sơn, Phú Nhi, Đồng Thái...) gần như không có dấu vết nào về sự liên hệ với hoạt động sản xuất, nhưng cách nó gắn liền với một loại sản phẩm nông nghiệp cũng góp phần thể hiện đặc trưng canh tác của vùng, có tác dụng khu biệt vùng này với vùng khác, làng này với làng khác.

Các phức thể địa danh + sản phẩm xuất hiện nhiều ở các làng phía đông bắc xứ Đoài. Xuôi xuống hạ lưu cũng có thể thu thập được một loạt trường hợp tương tự như vậy ở ven sông Hồng, sông Đáy như: lượt Bùng/Phùng Xá, chồi Bùng vải Kẻ Núc, nâu Kẻ Sải (Thúy Lai), lúa Hương Ngải, bún Minh Tranh, bánh tẻ Cầu Liêu (Thạch Thất), quýt Tích Giang, muống Linh Chiểu (Phúc Thọ), dơi Sài Sơn, cá Đầm Bung (Quốc Oai)… Các địa danh cặp, địa danh cụm với một thang độ đánh giá theo các kiểu khác nhau, bằng cách tuyệt đối hóa chất lượng sản phẩm của làng mình: chè Đông Viên - cha đánh mẹ đe cũng không bỏ (Mặc dù cha đánh mẹ đe/Em cũng không bỏ bát chè Đông Viên) hoặc xếp đồng đẳng chất lượng: cháo làng Ghề - cơm phố Mía - chè Đông Viên (Em đi nhớ cháo làng Ghề/Nhớ cơm phố Mía nhớ chè Đông Viên)...

 
 
 
Cảnh quan làng Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh Bình Xuân
 
 

2. Không gian không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp

Không gian xứ Đoài ổn định ở khoảng TK XVII - XVIII, khi người nông dân cày sâu bén rễ ở đất châu thổ, đã quen với cánh đồng thẳng cánh cò bay, với canh trì, canh viên, canh điền, đã xa rừng nhạt biển. Lúc này xứ Đoài - Sơn Tây bắt đầu được quan niệm là nơi nước độc ma rừng, đi dễ khó về, sinh kế khó khăn, thu nhập không ổn định.

Từ những thông tin trong ca dao tục ngữ vùng Sơn Tây, có thể thấy, ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, xứ Đoài đã từng là một nơi đầy ám ảnh. Ám ảnh đầu tiên là canh tác lúa nước không năng suất (công lênh chẳng được) dẫn đến phải thay thế bằng loại lương thực rẻ tiền khác (ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều). Ám ảnh thứ hai là xứ Đoài được xếp vào cùng một khu với các tỉnh miền núi khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên là nơi nước độc ma rừng. Tiêu biểu là hai khu vực đồi gò trung tâm và khu vực đồi núi phía tây.

Khu vực đồi núi phía tây

Xứ Đoài trong tâm thức của dân châu thổ là một nơi nguy hiểm có thể gây chết người. Dòng sông Đà với thác Bờ, ghềnh Bợ và sự hùng vĩ một cách đầy bí ẩn của núi Tản Viên. Người dân cho rằng đây là nơi ma thiêng nước độc hơn tất cả mọi nơi khác. Cho đến đầu TK XX, Phạm Xuân Độ miêu tả khu vực này là “một nơi cây cối um tùm, suối khe ẩm thấp, giống muỗi truyền bệnh dễ sinh sản” (2).

 Đất canh tác hạn chế, điều kiện tự nhiên nguy hiểm. Núi Ba Vì và sông Tích như tường thành chắn giữa khu tây bắc và khu đông nam. Đó là lý do người nông dân đồng bằng Bắc Bộ nhận thức một cách mơ hồ về vùng núi Ba Vì qua vài ba địa danh như: Tản Viên, Ba Vì, sông Bờ, ghềnh Bợ (Thứ nhất thác Bờ thứ nhì ghềnh Bợ), Cẩm Đái, Vô Khuy (Lào Cai, Yên Bái không bằng Cẩm Đái Vô Khuy), Yên Mao, Thái Bạt (muỗi Yên Mao, ao Thái Bạt).

Phía tây nam xứ Đoài không phải là nơi cư trú phù hợp cho người Việt châu thổ, nên những địa danh chỉ nơi cư trú còn mang những nét thô sơ. Ví dụ: Trại Khoai, Búi Thông, Búi Thông Dưới, Chằm Già - Ba Trại; Lặt, Sổ - Ba Vì, Bưởi, Mít, Ninh, Sui - Khánh Thượng, Pheo, Lặt, Sổ, Vống, Gốc Vải - Minh Quang... Cách thức định danh bằng từ Hán Việt song âm tiết vốn quen thuộc với người xuôi lại xuất hiện rất ít ở khu vực này. Những trường hợp địa danh Hán Việt (Hà Tân, Hoàng Long, Yên Thành - Tản Lĩnh, Minh Hồng - Minh Quang, Sơn Hà, Yên Sơn, Hợp Sơn, Hợp Nhất - Ba Vì…) đều rất mới. Bắt nguồn từ tên các hợp tác xã hoặc xí nghiệp giải thể hoặc chuyển đổi cơ cấu mà thành như: HTX Sơn Hà (Đá Chông) đổi thành thôn Sơn Hà; HTX Sổ đổi thành xóm Sổ; HTX Liên Minh (Mộc, Lội); HTX Đồng Tâm đổi thành xóm Đồng Tâm, rồi thành thôn Cốc Đồng Tâm… Điều đó cho thấy, một phần tư xứ Đoài là thuộc về vùng tri nhận mơ hồ đối với chủ thể văn hóa. Sự mơ hồ và e dè đó đã kéo theo cả một ý niệm về một vùng đất không dễ sống đối với cư dân châu thổ.

Khi nhà nước hình thành các xí nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp thì nguồn đặc sản địa phương mới được chú ý, góp phần vào việc nâng cao thu nhập của đồng bào. Các khu dân cư sau núi Ba Vì mới được biết tới, được công nhận là những làng nghề truyền thống. Thương hiệu, địa danh nhờ đó cũng trở nên phổ biến, được vinh danh như: làng nghề chế biến chè khô thôn Búi Thông, thôn Đô Trám, hôn Trại Khoai, làng nghề chế biến tinh bột sắn thôn Minh Hồng, làng nghề chế biến thuốc nam người Dao thôn Yên Sơn…

Ý niệm về một nơi ma thiêng nước độc hiện đã được thay thế bằng một nơi sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ. Để thu hút khách du lịch, một loạt những đầm, ao, suối, núi cũng được cấp cho những cái tên mới bay bổng hơn. Thác Đa, Thác Mây, Khe Cạn, Dốc Mông thành Khu du lịch Thác Đa (Vân Hòa, Ba Vì); suối Vày, suối Quýt, suối Gốc Gạo thành Khu du lịch Suối Mơ (Yên Bài); suối Đon Vàng, hồ Khoang Xanh thành Khu du lịch Suối Tiên (Vân Hòa)…

Người ta bắt đầu lựa chọn xứ Đoài cho việc nghỉ dưỡng, dã ngoại và tận hưởng tự nhiên trong lành. Đó chính là cách thức thích nghi với môi trường như Jacques Barrau nhận định: “Văn minh là tổng các thích nghi ổn định với môi trường tự nhiên; nói cách khác, có những sự trao đổi giữa văn hóa với môi trường, thậm chí là những trao đổi liên tục bởi vì sự biến đổi môi trường do hoạt động của con người không ngừng buộc con người phải có những thích nghi mới” (3).

Khu vực gò đồi trung tâm

Khu vực ven sông Tích nơi cư trú lâu đời cũng là khu vực đất chật người đông vào bậc nhất xứ Đoài. Vì “đa đinh thiểu điền”, chưa chống xong hạn lại lo chống úng nên việc canh tác ruộng nước ở đây không mang nhiều hiệu quả. Người nông dân vì thế mà phải tìm cách phát triển các nghề thủ công sẵn có và các nghề phi nông nghiệp khác để “dĩ nghệ thế điền”. Giống như cách gắn các sản phẩm nông nghiệp vào địa danh để tự hào và tôn vinh sản phẩm, người xứ Đoài ở vùng trung tâm cũng gắn các sản phẩm thủ công nghiệp vào địa danh. Ví dụ: Nủa Bừa - công cụ cày bừa; Nủa Chàng - đục chạm; thợ rèn Quang Húc - sản xuất công cụ lao động; quạt Chàng; quạt Đại Đồng - sản phẩm thủ công phục vụ đời sống; lượt Phùng, chồi Bùng - vải lụa, đồ may mặc; bún Minh Tranh, chè lam Thạch Xá - lương thực thực phẩm, diều Kẻ Nủa - phương tiện giải trí...

Chuyển đổi cơ cấu nghề, thay đổi sinh kế, biến các nghề phụ thành sinh kế chủ đạo, phù hợp với môi trường, biến các làng nông nghiệp thành làng nghề thủ công nghiệp là cách để người nông dân xứ Đoài vùng trung tâm thích ứng với môi trường tự nhiên không thuận lợi. Từ đó, xứ Đoài trở thành mảnh đất trăm nghề. Hiện nay, 9 làng nghề truyền thống ở khu vực trung tâm này có tên gọi là: làng nghề cơ kim khí Phùng Xá xã Phùng Xá; làng nghề mộc, may Hữu Bằng; làng nghề mây tre giang đan xuất khẩu Thái Hòa, Phú Hòa, Bình Xá xã Bình Phú; làng nghề mộc Chàng Sơn xã Chàng Sơn; làng nghề mộc, xây dựng Canh Nậu xã Canh Nậu; làng nghề mộc, xây dựng Dị Nậu xã Dị Nậu; làng nghề chè lam Thạch Xá xã Thạch Xá. Trong một phức thể tên làng nghề, thành tố làng với hàm nghĩa đánh dấu về ý nghĩa đơn vị tụ cư lâu đời, thành tố đánh dấu nghề làng, đặc trưng nổi bật làm nên sự công nhận (cơ kim khí, mây giang đan, mộc may, mộc chạm...); thành tố tên riêng có tác dụng cá thể hóa, phân biệt sản phẩm của làng này với làng khác (Phùng Xá, Hữu Bằng, Phú Hòa, Chàng Sơn). Những phức thể kiểu này không còn chỉ được lưu truyền trong dân gian mà đã được nhà nước bảo hộ như một dạng tên gọi ổn định, được người làng tự hào, tìm cách quy hoạch, phát triển kinh tế, văn hóa.

Tóm lại, từ các lớp địa danh khác nhau, có thể thấy, xứ Đoài là vùng đất vừa thuận lợi vừa không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp truyền thống. Vùng thuận lợi là vùng đất phía đông, nơi được bồi tụ liên tục bởi dòng sông Hồng, sông Đáy. Đây là nơi có các xứ đồng rộng lớn, các bãi bồi màu mỡ với ao hồ đầm bãi, nơi có những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng. Người xứ Đoài đã đem các đặc sản đó gắn với địa danh như một niềm tự hào. Khu vực không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp là khu vực đồi núi phía Tây và đồng bằng trung tâm. Không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp vì người nông dân đồng bằng châu thổ đã có một khoảng thời gian dài xa rừng nhạt biển để quen với ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Với những hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, biến các sản phẩm lương thực thực phẩm không phổ biến thành phổ biến, biến môi trường thiên nhiên hoang sơ thành những nơi đáng ao ước để nghỉ ngơi, trải nghiệm, như ngày nay, vùng xứ Đoài nghèo khó ám ảnh trước kia đã trở thành một vùng đất mới năng động trên mọi mặt ở đồng bằng châu thổ sông Hồng.

____________

1. Olivier Tessier, Xây dựng và gọi tên không gian: Lịch sử và tập quán văn hóa ở một làng trung du (tỉnh Phú Thọ), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng, vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.139-179.

2. Phạm Xuân Độ, Sơn Tây tỉnh địa chí, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 1941, tr.26.

3. Georges Codominas, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.32.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tác giả : NGUYỄN PHƯỢNG ANH

;