Khi nghệ thuật được chiêm nghiệm từ cuộc sống

Người con xứ Nghệ - Họa sĩ Lê Huy Tiếp được biết đến là một trong những người đi đầu trước thời kỳ đổi mới của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm nghệ thuật của ông đã vượt ra ngoài trực giác thông thường, đánh thức những cảm xúc sâu kín nhất, tinh tế trong tâm hồn những người thưởng tranh.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp cùng tác phẩm Máu chiến tranh, 1972 của ông tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore

Chào họa sĩ Lê Huy Tiếp! Với niềm đam mê nghệ thuật từ bé của mình cùng cơ hội du học 6 năm ở nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều chất liệu nghệ thuật khác nhau, lí do gì ông lựa chọn sơn dầu là người bạn gắn bó với mình trên con đường nghệ thuật?

- Đúng là từ bé tôi đã thích vẽ và có cơ hội được thử sức với nhiều chất liệu nghệ thuật khác nhau nhưng tôi lại thích nhất là sơn dầu. Trước hết bởì đây là chất liệu đã được con người sử dụng từ thế kỷ thứ 15 - khi kỹ thuật sơn dầu đã bắt đầu phát triển. Những tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng trên thế giới thời bấy giờ cho đến nay vẫn còn nguyên những màu sắc tươi sáng.  

Trong hội họa, sơn dầu là chất liệu dễ vẽ nhất và ai cũng có thể vẽ được. Bởi vậy, chất liệu này được nhiều họa sĩ chọn lựa và gắn bó, coi nó là công cụ để biểu đạt tất cả những sự vật trong cuộc sống: từ sợi tóc, sự lấp lánh của thủy tinh, sự sần sùi của đồ gỗ, cái tươi mát của phong cảnh... bằng các kỹ thuật khác nhau như là dày, đắp, vẽ nhiều lớp như các họa sĩ cổ điển.

Nếu so với các chất liệu khác, không có chất liệu nào có thể truyền đạt được hoàn toàn khả năng mà người nghệ sĩ mong muốn như sơn dầu. Nhưng điều đó cũng thách thức chính người nghệ sĩ cần phải có kỹ thuật rất nhiều qua học hỏi mới có thể truyền đạt được sự tinh tế của chủ thể qua chất liệu này. Với khả năng biểu đạt tinh tế, vẽ sơn dầu sẽ rất dễ lộ ra những phần chưa hoàn chỉnh nếu như anh ta không có đủ kinh nghiệm, đủ trình độ, đủ khả năng về chất liệu này. Khi ấy, sơn dầu sẽ như một con ngựa bất kham dẫn anh đến những chỗ mà anh không thể lường trước được. Do đó việc học tập những kỹ thuật để vẽ sơn dầu là một điều cần thiết đối với những người muốn tìm đến sơn dầu là một chất liệu để bộc lộ tất cả biểu đạt tất cả những mong muốn của mình qua tác phẩm nghệ thuật. Và điều này thì không phải ai cũng hiểu ra được.

Ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm gắn với những cột mốc thời gian của đất nước: Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ (1972); Hòa Bình (1986).... Vậy ngoài những cảm hứng sáng tác được lấy từ sự kiện đời sống thì thầy còn lấy cảm hứng sáng tác từ đâu?

- Cảm hứng sáng tác của tôi là bất cứ thứ gì tôi nhìn thấy, là tất cả những điều đem đến cho tôi sự xúc động, gợi nhắc tôi về cuộc sống. Những bức tranh của tôi như một cuốn nhật ký đầy ắp những cảm xúc ngẫu hứng.

Tùy từng giai đoạn tôi có những cảm xúc riêng. Thời trẻ, tôi dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài nên những bức tranh giai đoạn này đều mang đến những cảm xúc rất dữ dội, như tác phẩm Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ hay những tác phẩm với chủ đề chiến tranh. Sau này, khi hòa bình, tôi hy vọng đất nước bước tới một giai đoạn mới, tình cảm mới, năm 76-78 tôi vẽ tranh Sáng tác, thể hiện một nửa về hiện thực nông thôn Việt Nam, một nửa về vai trò của con người trong hoàn cảnh mới. 

Lê Huy Tiếp, Du thuyền Crystal Symphony, 2013

Năm 1989-1990, khi biến cố ở Đông Âu với hệ thống các nước XHCN sụp đổ, tôi có vẽ tác phẩm Gió nóng. Trong tác phẩm ấy tôi đã vẽ một giá vẽ. Trong bức tranh trên giá vẽ ấy đang khắc họa hình ảnh một người phụ nữ, nhưng chưa kịp hoàn thiện đã bị gió thổi và đổ vỡ hoàn toàn. Tác phẩm ấy đối với tôi như một bản nhạc vừa chứa đựng nỗi buồn của người họa sĩ, vừa có sự chuyển động của thiên nhiên cảnh vật. Tôi lựa chọn lồng ghép 2 điều ấy để thể hiện sâu sắc nhất tình cảm, cảm xúc của mình.

Ngoài những sự kiện của đất nước và thế giới, mối quan hệ giữa con người - thiên nhiên - vũ trụ, vòng luân hồi - sinh tử cũng xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông, ông có thể chia sẻ thêm về điều này không ạ?

- Thiên nhiên - vũ trụ là đề tài tôi hay tìm đến bởi tôi là người yêu sự tự do. Tôi thích sự mênh mông của biển cả và bầu trời. Tôi cũng hay vẽ về thân phận con người nữa. Chưa nói đến thiên hà hay vũ trụ, tôi luôn thấy thân phận con người quá bé nhỏ trên trái đất này. Vì thế, tôi dùng bầu trời, bãi biển để diễn tả sự trống trải, cô đơn của con người. Đó cũng như một lời lý giải tại sao con người ta hay gửi những chuyến tàu thám hiểm ra ngoài vũ trụ, đến những hành tinh khác, như một cách để gửi tín hiệu với mong muốn cố gắng bắt liên lạc với cá thể sống nào đó ngoài trái đất. 

Nhưng dù rộng lớn, mênh mông, cô đơn vậy nhưng trong tranh của tôi vẫn luôn có tinh thần lạc quan vui sống. Những người xem tranh tôi có thể dễ dàng nhận ra, tôi có nỗi ám ảnh riêng về sự tàn lụi, nhưng trong tôi luôn có niềm hy vọng, cũng giống như việc mình phải chấp nhận sự tồn tại của cái xấu để nâng niu những cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

Lê Huy Tiếp, Cô gái và con chó trắng, 1976

Đối với tôi, nghệ thuật là cuộc sống, tranh của tôi là cuộc sống của tôi. Tôi luôn tìm thấy được khoảng lặng đồng cảm từ những nhân vật trong các sáng tác của mình. Điều đó cũng giống như việc người thích tranh tôi là những người thích tôi vậy, một mối tương quan giữa đài phát và đài thu ở một tần số nhất định. Hội họa cũng đã mang lại cho tôi một cuộc sống nhiều thú vị, bởi tôi có thêm nhiều bạn bè để cùng đồng cảm, là nguồn động lực, động viên tôi trước những khó khăn trong cuộc đời. 

Ông làm cách nào để nuôi dưỡng, duy trì nguồn cảm hứng khi sáng tạo một tác phẩm?

- Có những tác phẩm tôi mất thời gian rất lâu để hoàn thiện. Từ khi tôi nảy ra ý tưởng đến khi tôi hoàn thành mất đến 9 năm trời. Trong quá trình ấy, tôi luôn luôn nảy ra thêm nhiều những ý tưởng mới, hình ảnh mới để làm sao tác phẩm của mình được hoàn thiện nhất, đạt được kết quả tốt nhất khi đến với người xem. Tôi luôn nghĩ đến nó, sống với nó, đến khi cảm thấy bản thân đầy đủ sức khỏe, năng lượng dồi dào, sung sức nhất, đủ khả năng biểu đạt được những nét bút của mình, tôi mới vẽ. Vì thế mà nhiều tác phẩm kéo dài đến 7,8,9 năm, nhưng cũng có những tranh tôi vẽ chỉ cần thời gian rất ngắn khoảng 3-4 tiếng đồng hồ.

Điều gì đã giúp ông có được sự trưởng thành trong nghệ thuật - điều được nhiều nhà phê bình nghệ thuật công nhận qua triển lãm cá nhân nhân kỷ niệm 50 năm hoạt động nghệ thuật của mình được tổ chức vào cuối năm 2020? 

- Bên cạnh việc đam mê theo đuổi hội họa từ nhỏ, tôi may mắn được tiếp xúc với những trào lưu nghệ thuật thế giới khi du học Nga năm 19 tuổi. Nhờ vậy, tôi biết được tiến trình của hội họa và những xu hướng nghệ thuật mới. Khi về Việt Nam, tôi cố gắng sáng tạo những tác phẩm người Việt Nam có thể tiếp thu được. Trong mỗi tác phẩm của mình, tôi muốn không chỉ mang đến cho người xem những cảm quan ngoài trực giác mà còn đánh thức được những phần tâm lý ẩn náu bên trong của tiềm thức con người, thể hiện nhân sinh quan của người nghệ sĩ, điều mà nghệ thuật hiện đại đã giúp tôi làm được điều đó.

Một số họa sĩ trẻ hiện nay sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật với những dấu ấn cá nhân riêng, nhưng vì chưa nhận được phản hồi tích cực từ công chúng đã vội thay đổi để phù hợp với thị hiếu người xem mà đánh mất cái tôi của mình. Ông có suy nghĩ sao về điều này và có lời khuyên gì gửi gắm đến thế hệ trẻ?

- So với ngày trước, tôi thấy các bạn trẻ ngày nay có rất nhiều thuận lợi: internet giúp các bạn dễ dàng tiếp cận thông tin thế giới, những vật tư vật liệu, điều kiện giao lưu tiếp xúc giữa người sáng tác và người tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng và gần gũi hơn. Chính thế cũng dẫn đến tình trạng nhiều họa sĩ dễ dãi trong cuộc sống, không giống như chúng tôi ngày trước, phải có một tình yêu mãnh liệt lắm mới dám bỏ quan những khó khăn của cuộc sống hàng ngày để theo đuổi nghệ thuật. Khi ấy, đó là sự dấn thân. Mãi đến năm 1995, khi đất nước ta mở cửa, thị trường tranh mới bắt đầu sôi động kẻ mua người bán, mối quan hệ giữa người mua và người vẽ mới rộng mở hơn. Tôi nghĩ người trẻ phải có được những trải nghiệm như vậy, họ mới biết trân quý và trân trọng những giá trị nghệ thuật.

Tác phẩm với thời gian 9 năm sáng tác của họa sĩ

Vấn đề căn bản nữa là ai cũng phải học. Học để trải nghiệm, để nhìn ra “cái tôi” của mình. Sáng tác là quá trình đi tìm bản ngã mà trên hành trình đó, có người nhìn ra sớm, có người nhìn ra muộn, có những người lại chẳng bao giờ nhìn ra được mình. Người họa sĩ cần phải học cách sống chân thành và vẽ trung thực, bởi đời sống xã hội trong hoàn cảnh đất nước hiện nay có rất nhiều chi phối về vật chất và tinh thần. Chính những chi phối ấy tác động không nhỏ đến giới trẻ. Nếu bản thân họa sĩ không vững tin vào con đường mình đi, không bình tĩnh đào sâu về kiến thức và học tập, nhìn theo những tấm gương và con đường của người đi trước, họ sẽ rất khó khăn trong cuộc sống, dễ dàng lung lay bởi nhiều sự cám dỗ của đồng tiền và sự phê bình của người khác.

Tất nhiên, trong phạm trù nghệ thuật, càng lên cao thì càng khó hiểu. Vì thế, anh cũng cần phải kiên định và tự tin. Mà để đạt được sự tự tin cần phải vững vàng trong kiến thức. Hai điều này cần đi song hành với nhau, cùng với đó cần phải biết tiếp thu kiến thức từ những người đi trước và người ngoài. Điều đó tôi nghĩ rất cần thiết đối với các bạn trẻ. 

Xin cảm ơn họa sĩ Lê Huy Tiếp về buổi trò chuyện ngày hôm nay, chúc ông luôn thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc để sáng tạo thêm những tác phẩm mới! 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;