NSND Đoàn Thanh Bình: Người thầy mẫu mực của làng chèo

Nhắc đến Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đoàn Thanh Bình, những người yêu mến nghệ thuật Chèo đều hết lòng ngợi ca. Giọng hát của cô được ví như khuôn thước của nghệ thuật, có khả năng rung chạm đến trái tim của bao thế hệ. Không chỉ thế, bạn nghề, đồng nghiệp và biết bao lớp học sinh còn ngưỡng mộ, tôn vinh bà là “thầy của những người thầy”.

Chữ duyên với nghề giáo

NSND Đoàn Thanh Bình sinh ngày 22/12/1954 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhiều đời. Bố mẹ bà là nghệ sĩ cải lương, bản thân Thanh Bình cũng từng là diễn viên của đoàn cải lương Bắc Thái (Thái Nguyên) được 2 năm. Bà nội của bà là nghệ nhân Chèo Cả Tam, một trong những cây đại thụ của làng Chèo được phong tặng danh hiệu NSND đầu tiên. Chính bà nội cũng là người dạy cho Thanh Bình hát Chèo từ năm 10 tuổi. Trước khi mất, bà còn để lại lời trăng trối là muốn có một đứa cháu theo nghiệp Chèo, bởi vậy mà năm 1971, Đoàn Thanh Bình theo ý nguyện của bà đi học tại trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp trường sân khấu, Thanh Bình trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam. Từ môi trường này, bà không chỉ được thể hiện khả năng trong nhiều vai diễn khác nhau mà còn bắt đầu làm quen với việc đứng lớp, trợ giảng cho các thầy cô, hướng dẫn các em học sinh khóa dưới. Nhiều nghệ sĩ gạo cội bây giờ như NSND Thanh Ngoan, NSND Vân Quyền, NSƯT Phú Kiên… cũng từng được sự dìu dắt của NSND Đoàn Thanh Bình trong những câu hát, nét diễn đầu tiên khi bước chân vào trường. 

NSND Đoàn Thanh Bình ngày còn nhỏ được mẹ bế (phải ảnh), NSND Cả Tam (bà nội của bà mặc áo đen ngồi ghế) cùng gia đình - Ảnh tư liệu gia đình

Bén duyên với công việc giảng dạy từ những năm 80 nhưng phải đến năm 1996, Đoàn Thanh Bình mới chính thức rẽ sang con đường này. Đó là khi bà dừng công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam và trở thành Giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. 15 năm gắn bó với mái trường, bà đã chèo lái 4 khóa học sinh cập bến bờ nghệ thuật, trong đó có nhiều học trò tiếp tục vươn xa với nghề, trở thành những lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên có uy tín trong các đoàn nghệ thuật trên khắp cả nước, đạt nhiều danh hiệu, thành tích cao trong các kỳ liên hoan nghệ thuật, sân khấu toàn quốc. Có thể kể đến những tên tuổi như: NSND Tự Long (Nhà hát Chèo Quân Đội), NSƯT Bá Dũng (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Ngọc Bích (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Hồng Tươi (Nhà hát Chèo Hải Dương), NS Thanh Tuyết (Nhà hát Chèo Quân Đội),… Có những học trò lại nối tiếp con đường giảng dạy của bà, trở thành những giảng viên tâm huyết với nghề, bồi dưỡng tích cực cho lớp trẻ với hy vọng có thể gìn giữ và phát triển vốn nghề quý báu mà ông cha để lại. Nghệ sĩ, thạc sĩ Thảo Hiền- giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là một trong số những học trò thuộc lớp đầu tiên mà NSND Đoàn Thanh Bình chủ nhiệm. Được bà dẫn dắt, khơi dậy tài năng từ ngày còn bỡ ngỡ bước chân vào con đường nghệ thuật truyền thống, vinh dự được là đồng nghiệp của bà ở trường, sát cánh cùng bà trên nhiều sân khấu, đối với Thảo Hiền, cô giáo chủ nhiệm của mình lúc nào cũng là một tấm gương sáng: “Có nhiều lúc, mình dường như đã chùn bước không muốn theo nghiệp giáo viên, nhưng chính cô là người đã động viên và giúp đỡ để mình tiếp tục theo nghề. Cô nói rằng, không phải ai cũng đủ khả năng và kinh nghiệm để được làm giáo viên, cô hy vọng em là người sẽ nối tiếp được nghiệp nhà giáo của cô. Chính những lời nói ấy đã khiến mình thức tỉnh, tiếp thêm động lực để vượt lên chính bản thân”. 

NSND Đoàn Thanh Bình trải lòng: “Là một nghệ sĩ, sự ghi nhận cao quý nhất là tấm lòng của khán giả. Là một nhà giáo, thành công nhất là khi nhìn thấy những học trò của mình thành công”.

Thăng hoa trên giảng đường nghệ thuật

Nhiều người cho rằng, NSND Đoàn Thanh Bình dường như dừng lại sự nghiệp biểu diễn khá sớm, khi đang ở đỉnh cao của nghệ thuật, thăng hoa trong nhiều vai diễn, được ghi nhận với nhiều giải thưởng cao quý. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của nghệ sĩ, bà luôn cảm thấy thôi thúc khi nghĩ đến việc truyền dạy lại vốn nghề cho lớp trẻ nên cần thực hiện điều này sớm nhất có thể. Bà không dừng lại nghề diễn, chỉ là chuyển sự thăng hoa từ sân khấu lên giảng đường nghệ thuật với các học trò của mình. Thực tế, song song với công tác giảng dạy, Thanh Bình vẫn tham gia một vài dự án biểu diễn như Đông Kinh Cổ Nhạc hay những chuyến lưu diễn quốc tế để quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nghệ sĩ cho rằng, kinh nghiệm sân khấu là những vốn liếng rất giá trị để bà áp dụng vào việc giảng dạy cho học trò. 

Vợ chồng NSND Đoàn Thanh Bình - NSƯT Vũ Ngọc và các học trò Phương Chuyên (trái), NSƯT Thúy Hà (phải) - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Khi bắt đầu chuyển từ nghiệp diễn sang sư phạm, bà phải dành khá nhiều thời gian nghe lại băng đĩa của NSND Minh Lý để rà soát cách hát tất cả các làn điệu Chèo sao cho thật chuẩn xác, bởi cảm xúc và sự hóa thân trên sân khấu với mỗi vai diễn khác nhau sẽ có những cách hát không giống nhau, mà khi dạy cho học trò thì trước hết cần hát chuẩn chỉnh từng chữ. So với thời của bà, đi học và cách học nghề của lớp diễn viên ngày nay có rất nhiều khác biệt, vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn, nên phương pháp dạy và học cũng cần phải điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế: “Ngày trước, nếu như các cụ nghệ nhân truyền nghề 100%, bao giờ học trò làm được mới chuyển sang bài khác (hát hay múa đều như vậy) thì trong chương trình học của các em bây giờ được quy định một quỹ thời gian nhất định, không dàn trải nên đòi hỏi các em phải nắm bắt thật nhanh. Lúc này, giáo viên hướng dẫn sẽ cần phải đúc kết kinh nghiệm và vận dụng các phương pháp để làm sao truyền đạt cho các em nhanh hiểu và thực hành được”. Cô giáo Thanh Bình cũng bày tỏ sự thông cảm với các em sinh viên hiện nay khi vừa phải học, vừa phải làm nhiều nghề, đi hát nhiều thể loại khác nhau để trang trải cuộc sống nên ít người thực sự chuyên tâm, trau dồi chuyên môn. Những lúc này, bà phải dùng cả phương pháp tâm lý, vừa mềm, vừa rắn để thức tỉnh, động viên các em. Bà thường xuyên đưa học trò của mình tham gia các chuyến điền dã, trải nghiệm, biểu diễn để bồi đắp thêm tình cảm thầy trò, nhiệt huyết với nghề và học hỏi thực tế. Sau mỗi khóa học, kỷ niệm đẹp nhất có lẽ là những buổi báo cáo tốt nghiệp. Nhìn lại hành trình “vực nghé” gian nan nhưng khi các em học sinh tự tin, đam mê trên sân khấu, Đoàn Thanh Bình cũng cảm thấy thăng hoa. Đối với riêng bà, việc đào tạo lớp trẻ nối nghiệp càng trở nên ý nghĩa hơn khi không chỉ giữ được một giá trị tốt đẹp cho dân tộc, mà gần gũi nhất là giữ được một nghề của gia đình từ bao đời, như một niềm an ủi cho gia đình, như một sự tri ân tới người thầy đầu tiên, cũng chính là bà nội mình. 

Truyền tiếp những ngọn lửa

Cho đến bây giờ, dù đã chính thức nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước, nhưng NSND Đoàn Thanh Bình dường như còn làm nhiều hơn. Bà và chồng của mình là NSƯT Vũ Ngọc vẫn miệt mài giảng dạy khắp các nơi, cho các đoàn nghệ thuật như Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình,… Gần đây nhất, hai vợ chồng thầy cô vừa có chương trình tập huấn cho lớp diễn viên trẻ ở Nhà hát Chèo Thái Bình. NS tài năng trẻ Lê Vân của nhà hát bày tỏ sự xúc động khi gặp lại bà: “NSND Đoàn Thanh Bình là người đã thổi hồn cho vai diễn Đào Huế của tôi dành Huy chương Vàng khi tham gia Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020. Tôi biết cô đã từng thành công vang dội với vai diễn này. Khi tìm đến nhà cô để xin truyền dạy, được cô gảy thêm từng nét diễn, ánh mắt, điệu bộ, đài từ, đặc biệt là cách hát thì tôi càng thêm khâm phục. Cô không chỉ giúp đỡ tôi trong vai diễn mà còn động viên tôi rất nhiều. Thời gian đó, tôi vừa sinh em bé, lại từ Thái Bình lên Hà Nội học, cô bảo tôi ở lại nhà cô 3 ngày để tiện cho việc học, đỡ phải đi lại xa xôi. Đó là những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên”.

NSND Tự Long cùng bạn học tới thăm cô giáo chủ nhiệm Đoàn Thanh Bình - Ảnh tư liệu gia đình

Không chỉ giảng dạy cho các học sinh, nghệ sĩ trong môi trường chuyên nghiệp, NSND Đoàn Thanh Bình còn tích cực tham gia giảng dạy cho những người yêu chèo không chuyên ở khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Bà cũng không ngại cập nhật các phương pháp giảng dạy online để kết nối được với nhiều người hơn. Từ năm 2015, bà đã có các audio phát sóng trên YouTube để hướng dẫn hát các làn điệu Chèo. Năm 2017, bà tham gia giảng dạy cho các bạn sinh viên yêu Chèo của dự án Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương. Trước Tết 2020, bà dạy online cho 1 lớp của những Việt kiều yêu thích dân ca ở Đức hay ngay trong tháng 11 này, bà cũng có buổi chia sẻ về nghệ thuật Chèo cho một nhóm sinh viên đại học tại Ý…     

Người ta vẫn hay lo cho tương lai của truyền thống và nhìn vào sự yếu thế của Chèo trong bối cảnh đa dạng văn hóa hiện nay, nhưng ở một khía cạnh lạc quan mà nói, nghệ thuật Chèo vẫn thật vững chãi khi còn có những người thầy tâm huyết như NSND Đoàn Thanh Bình. Thế hệ các nghệ sĩ - giáo viên như bà chính là nhịp nối quan trọng để cho những giai điệu Chèo tiếp tục ngân vang, để ươm những mầm Chèo xanh tiếp tục vươn lên đầy sức sống.

ĐINH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

;