Khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Tối 11-5, tại quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính ở Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024: "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đây là hoạt động gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker trao Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long  - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới - Ảnh: Báo Hải Phòng

Tham dự khai mạc Lễ hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt  Nam Jonathan Baker cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Về phía Hải Phòng và Quảng Ninh có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu khai mạc- Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024, nhìn lại lịch sử Hải Phòng là nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc, TP Hải Phòng luôn tự hào về truyền thống trung dũng, quyết thắng. Hải Phòng được biết đến từ thời Nữ tướng Lê Chân khai hoang - lập trang An Biên; Hải Phòng có dòng sông Bạch Đằng lịch sử với những chiến công hiển hách của cha ông ta để giành độc lập cho dân tộc.

Hải Phòng tiếp tục là địa phương “đi trước về sau”, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc trong những năm kháng chiến cứu nước;  là nơi có nhiều đột phá, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đã gợi mở và góp phần với Trung ương để ban hành Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 về “khoán trong nông nghiệp”. Trong nhiều năm gần đây, kinh tế xã hội của Thành phố luôn phát triển mạnh mẽ và đột phá, bình quân 9 năm liền GRDP đạt 12,7%/năm.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Từ năm 1992, tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình và được UNESCO ghi danh Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994; lần thứ hai Vịnh Hạ Long tiếp tục được ghi danh vào năm 2000. Tiếp theo đó, tỉnh Quảng Ninh – vùng đất phía đông của Tổ quốc đã phát huy vị thế thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh để phát triển du lịch, do đó GRDP của Quảng Ninh 9 năm liên tiếp đạt trên 10%/năm. Để nâng tầm giá trị Vịnh Hạ Long, từ năm 2011 Quảng Ninh và Hải Phòng đã thống nhất và song hành lập hồ sơ trình UNESCO để Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16-9-2023.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định: “Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng Chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”.

Đối với thành phố Hải Phòng, từ những năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Hải Phòng rất chú trọng xây dựng các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị văn hóa cho muôn đời sau. Vì vậy, hiện nay, Hải Phòng có 132 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt; có 21 bảo vật quốc gia được công nhận, xếp trong tốp đầu của cả nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng rất coi trọng giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của người dân, bởi văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng nhấn mạnh: “Với truyền thống lịch sử - văn hóa - con người Hải Phòng, cùng với những di sản văn hóa đã được vinh danh sẽ là tiền đề là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu, Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH - HĐH và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tặng hoa chúc mừng đại diện UNESCO, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker đã trao Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long  - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long  - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới cho lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu chúc mừng hai địa phương, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân địa phương cùng cam kết ở mức cao nhất để thúc đẩy sự phát triển cân bằng, bền vững khu di sản, thay vì chỉ lựa chọn các dự án có giá trị kinh tế cao, ngắn hạn nhưng có nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực tới khu di sản.

Ông Jonathan Wallace Baker nhấn mạnh, hai tỉnh, thành phố cùng các tổ chức, đơn vị liên quan và người dân địa phương còn nhiều việc phía trước phải làm để đạt mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế bền vững, trong đó có việc giữ gìn Khu Di sản thiên nhiên thế giới vô giá này theo đúng yêu cầu của Công ước về Di sản thế giới. Việc thực hiện các cam kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ là một trong 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới từ năm 2024.

Sân khấu được dàn dựng hoành tráng, công phu - Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng

Ngay sau lễ khai mạc là Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” gồm 3 chương. Chương 1 với tên gọi “Khúc nguyệt cầm của biển”, hình tượng chủ đạo là ánh trăng huyền thoại. Dưới ánh trăng, những truyền thuyết, huyền tích của lịch sử TP Hải Phòng được tái hiện. 

Chương 2 với tên gọi “Hải Phòng - Rạng rỡ tháng Năm” lấy hình tượng chủ đạo trong dàn dựng sân khấu là ngọn hải đăng với nhiều ý nghĩa về lịch sử và thời đại.

Chương 3 với tên gọi “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”, hình tượng chủ đạo là mặt trời thể hiện cho những khát vọng mãnh liệt của thành phố trước bình minh mang vận hội, thời cơ mới, mở ra cánh cửa bước vào tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố Cảng.

Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam và thành phố : Dàn nhạc dân tộc Việt Nam, dàn kèn đồng Trung ương, NSND Khánh Hòa, NSND Thanh Lam; các ca sĩ: Thu Phương, Tùng Dương, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik..., Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đoàn múa HT, Vũ đoàn Mai Trắng, CLB Thiếu nhi Sao tuổi thơ… cùng gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên.

Kết lại chương trình là màn bắn pháo hoa tầm cao xen với tầm thấp trong 15 phút, gây ấn tượng khó quên cho nhân dân và du khách.

NGÔ HUYỀN

 

;