HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ NGHIÊN CỨU SO SÁNH VIỆT NAM - HÀN QUỐC

Trong ngày 3 và 4-3-2017, lần đầu tiên, hội thảo quốc tế về Việt Nam và Hàn Quốc từ tiền hiện đại đến những thời kỳ hiện đại ban đầu đã được tổ chức ở Hà Nội. Chương trình do Viện nghiên cứu quốc tế về Châu Á - IIAS (Hà Lan), Trung tâm châu Á thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức. 52 học giả, nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có các trung tâm nghiên cứu hàng đầu như Đại học tổng hợp Harvard, Đại học Tổng hợp New York (Mỹ), Đại học Tổng hợp Kyoto (Nhật Bản), Đại hoc Tổng hợp Cambridge (Anh quốc), Đại học Tổng hợp Hamburg (CHLB Đức)… đã tham gia chương trình, bên cạnh một số học giả của ba đơn vị tổ chức nói trên. Đây cũng là hội thảo khoa học xã hội hiếm hoi được diễn ra ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, chung một ngôn ngữ sử dung là tiếng Anh cho tất cả các hoạt động. Hội thảo được chia thành 16 tiểu ban với đa dạng các chủ đề từ chính trị, xã hội, lịch sử đến nghệ thuật. Bản báo cáo chính của bà Huệ - Tâm Hồ Tài, người Mỹ gốc Việt, giáo sư chuyên ngành lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã đề cập đến mối tương quan giữa quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc, khởi sự từ năm 1597, khi hai vị sứ giả Phùng Khắc Khoan (Đại Việt) và Yi Su Wang (Triều Tiên) cùng đi sứ sang Trung Quốc và trao đổi với nhau những bài thơ bằng tiếng Hán của họ. Cùng chung một ảnh hưởng văn hóa (ngôn ngữ) và áp chế chính trị từ một nước lớn (Trung Hoa) nhưng những tương đồng và khác biệt trong hướng đi đến độc lập và phát triển của hai dân tộc, hai nước đã cho thấy nhiều vấn đề lớn và chung của các dân tộc trên thế giới trên con đường tiến hóa của mình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : CHI MAI

;