Hội thảo khoa học "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch"

Sáng ngày 7-7-2023, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu di tích Phủ Chủ tịch ngày càng sâu rộng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, Khu di tích Phủ Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ với đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.

Trong khuôn khổ thực hiện của đề tài, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã phối hợp và có sự tham vấn của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ giáo dục ở các bảo tàng, di tích Trung ương và địa phương cùng các cán bộ Khu di tích và đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình.

Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Di sản văn hóa không chỉ là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn là nguồn tài nguyên tri thức phong phú có giá trị giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục nhân cách cho các thế hệ trẻ. Giáo dục di sản văn hóa là một phần thiết yếu của công tác giáo dục, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Có một loại hình di sản đặc biệt quan trọng - đó là di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục di sản tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần đào tạo con người về nhân sinh quan, đạo đức, lối sống.

Ngày nay, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục di sản, các bảo tàng, di tích đã và đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại là một đòi hỏi thực tiễn, cũng là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong quản lý hệ thống bảo tàng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Khu di tích Phủ Chủ tịch là loại hình bảo tàng lưu niệm đời sống danh nhân, được hình thành ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2-9-1969). Đây là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc, bởi nơi đây gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứa đựng những giá trị tài liệu, hiện vật phong phú, phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống đời thường của Người trong 15 năm cuối cùng (1954-1969). Trải qua hơn 54 năm hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị (1969-2023), Khu di tích Phủ Chủ tịch được bảo tồn tương đối nguyên vẹn và trở thành “trường học khoa học xã hội và nhân văn giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt Nam”. Đặc biệt từ năm 2003, thực hiện Quyết định 35/2003/QĐ-BGDĐT đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành môn học chính thức trong tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước, thì nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ của giáo viên, học sinh và sinh viên tới tham quan, học tập và nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Phượng - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: việc kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết tại nhà trường và tham quan học tập thực tế tại Khu di tích là sự đổi mới phương pháp giảng dạy. Thông qua hoạt động này, giúp cho học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao niềm tự hào về lãnh tụ kính yêu, biết vận dụng tư tưởng của Người vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Ứng dụng công nghệ xây dựng các chương trình giáo dục là vấn đề rất mới đối với các bảo tàng và di tích ở Việt Nam. Ban Tổ chức đã nhận được 25 bài tham luận của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý văn hóa, các nhà giáo và các bạn đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập trung vào 3 vấn đề quan trọng: Di sản Hồ Chí Minh và giáo dục thế hệ trẻ; Hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích.

TS Lê Thị Minh Lý phát biểu tại Hội thảo

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam chia sẻ: để chuẩn bị cho cuộc Hội thảo quan trọng này, nhóm công tác của Khu Di tích đã nghiên cứu nhiều tư liệu trong nước và quốc tế, tổ chức 4 cuộc khảo sát thực tế tại các bảo tàng, di tích tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình và nhiều cuộc tại Hà Nội, trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học tham gia viết tham luận.

PGS, TS Doãn Thị Chín chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ

PGS, TS Doãn Thị Chín chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong kho tàng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và Nhân dân Việt Nam, tư tưởng về giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là một giá trị tinh thần vô cùng quý báu và hết sức sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người về vấn đề này, trong hàng chục năm qua việc nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ đã được chúng ta tiến hành thường xuyên, liên tục, sâu rộng và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tham luận đã luận giải, làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay theo chỉ dẫn của Người.

TS Chu Đức Tính tham luận tại Hội thảo

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh với tham luận Vai trò giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với thanh niên hiện nay nhấn mạnh sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng thanh niên. Từ việc đánh giá đúng bản chất anh hùng và khả năng cách mạng của thanh niên, từ việc nhìn rõ những ưu điểm và hạn chế của thanh niên và từ tình cảm bao la trìu mến đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đặt niềm tin vào thanh niên, tạo mọi điều kiện cho thanh niên phấn đấu, tu dưỡng và phát huy mọi khả năng tiềm tàng của mình. Tin tưởng vào bản chất và sức mạnh của thanh niên nhưng phải giáo dục để họ trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải được giáo dục vừa “hồng”, vừa “chuyên”. 

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ về công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Bà Cù Thị Minh chia sẻ một số kinh nghiệm về công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh

Theo bà Cù Thị Minh - Trưởng phòng Tuyên truyền, Giáo dục (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch), Khu di tích Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những “kênh” tạo nên “sức mạnh mềm”, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Công tác tuyên truyền, lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh ngày nay ngày càng được đa dạng hóa. Các hoạt động giáo dục tại Khu di tích cũng đạt được những hiệu quả thiết thực.

Cũng tại hội thảo, ông Lê Tử Dương trình bày những tiến bộ trong trình diễn bảo tàng với nhiều thông tin thiết thực khi áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào giáo dục di sản. Tham luận đã giới thiệu hệ thống tra cứu nội bộ, ứng dụng mã QR, Tour 360º, công nghệ quét 3D hiện vật, thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Sau 4 giờ làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần xây dựng cao, Hội thảo đã nghe 12 phát biểu trình bày tham luận và các ý kiến trao đổi.

“Từ những ý kiến đóng góp và sáng kiến tại Hội thảo, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ bước đầu xây dựng chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh” - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng khẳng định.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;