HỆ THỐNG LÀNG NGHỀ Ở CHÂU THỔ SÔNG HỒNG HIỆN NAY

Có những nghề thủ công ra đời, phát triển từ hàng nghìn năm trước như đúc đồng, gốm... và có những nghề mới hình thành trong khoảng gần trăm năm trở lại đây như thêu ren, dệt thảm, giày da... Nghề thủ công gắn liền với cuộc sống của người nông dân và yếu tố xóm làng nên khi nói đến nghề thủ công ở Việt Nam là phải nói đến làng nghề. Có rất nhiều làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm độc đáo mà tên làng gắn liền với nghề như: làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, chạm bạc Đồng Xâm, đúc đồng Ngũ Xã... nhưng có những làng chuyên nghề mà sản phẩm của nó chỉ phục vụ cho 1 khu vực dân cư nhất định như tổng, huyện, xã...

Trong công trình Làng nghề Việt Nam và môi trường, các tác giả có đưa ra con số thống kê về số lượng làng nghề năm 2005 như sau: Việt Nam có 1450 làng nghề với miền Bắc là 976 (làng nghề thuộc châu thổ sông Hồng là 856), miền Trung là 297 và miền Nam là 177 (1). Số liệu trên cho thấy, làng nghề ở miền Bắc nhiều gấp 3 lần so với miền Trung và gấp 5 lần so với miền Nam.

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) trong dự án nghiên cứu về quy hạch phát triển ngành nghề thủ công theo hướng công nghiệp hóa nông thôn ở nước CHXHCN Việt Nam và báo cáo 4 năm thực hiện Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg, Việt Nam có 2017 làng nghề với 1,4 triệu hộ gia đình tham gia sản xuất. Số hộ gia đình và số người tham gia sản xuất mặt hàng thủ công truyền thống ở các làng nghề trong cả nước chiếm tỉ lệ khá cao so với dân số trong cả nước.

Theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có 11 nghề thủ công chính: nhóm ngành nghề gốm sứ thủy tinh, nghề cói, nghề sơn mài, nghề mây tre giang đan, nghề thêu ren, nghề dệt, nghề gỗ, nghề chạm khắc đá, nghề giấy thủ công, nghề tranh in khuôn gỗ, nghề kim khí đúc đồng, chạm bạc... Trong đó làng nghề mây tre đan là 713 (35,24%), làng có nghề dệt là 432 (21,41%), làng sản xuất đồ gỗ là 342 (16,95%), làng thêu ren là 341 (16,90%) còn 189 làng thuộc các ngành nghề khác. Đây thực sự là những con số minh chứng cho vị trí của làng nghề đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Châu thổ sông Hồng là nơi tập trung nhiều làng nghề thủ công nhất trong cả nước, còn các làng nghề ở Trung và Nam Bộ hình thành và phát triển là do một bộ phận dân cư đã đưa nghề thủ công theo trong quá trình nam tiến. P.Gourou đã dẫn ra số liệu thống kê với 108 nghề thủ công khác nhau ở vùng đất này (2), nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể về các làng nghề. Phan Gia Bền cũng đã đưa ra khá nhiều số liệu về làng nghề ở đồng bằng Bắc Bộ (3).

Như vậy, các làng nghề ở châu thổ sông Hồng trước đây thường tập trung dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đáy, sông Luộc và sông Cầu với số lượng đậm đặc, các nghề chủ yếu phục vụ cho đời sống thường ngày như: dệt (vải, lụa), đan lưới, đan võng, thêu, dây thừng, chế biến thực phẩm, đan lát, đồ gỗ (mộc, sơn, cưa xẻ, chạm trổ, khảm, đóng thuyền, làm guốc, làm nông cụ), gạch ngói, làm giấy và đồ vàng mã, gốm... Hiện nay, châu thổ sông Hồng có 1030 làng nghề (4), tăng lên đáng kể so với 856 làng cách đây 5 năm. Điều này chứng tỏ các làng có nghề đã có sự chuyển đổi, bắt đầu thích nghi với nền kinh tế thị trường.


Tỉ lệ làng nghề thủ công ở châu thổ sông Hồng

Có thể thấy, Hà Nội, Thái Bình và Hà Nam là 3 tỉnh có nhiều làng nghề nhất chiếm 60,8% tổng số. Tỉnh có ít làng nghề nhất là Vĩnh Phúc với 17, chiếm tỉ lệ 1,7%. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh khi xét theo tiêu chí công nhận làng nghề của Bộ NN&PTNT thì chưa có làng nghề nào được công nhận, mặc dù nghề thủ công ở hai huyện Đông Triều và Yên Hưng khá phát triển. Huyện Đông Triều chỉ có một số xã thôn sản xuất gốm sứ tập trung như gốm sứ Vĩnh Hồng, xã Mạo Khê, gốm sứ Cầu Đất, xã Đức Chính và hình thành hợp tác xã, công ty như hợp tác xã Ánh Hồng, công ty TNHH Thắng Lan, công ty cổ phần gốm sứ Trường Thành... Huyện Yên Hưng chủ yếu là các làng nghề đan thuyền nan, lờ, đó, lưới... như thôn Hưng Học, xã Nam Hòa. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất ra các sản phẩm của nghề thủ công ở Quảng Ninh lại rất phát triển.

Dựa trên số liệu thực tế, chúng tôi chia nhóm làng nghề ở châu thổ sông Hồng thành 14 nhóm: nghề gốm, chiếu cói, sơn mài, mây tre đan, thêu ren, dệt, gỗ, giấy, đá mỹ nghệ, kim khí (kim hoàn, chạm bạc, rèn), chế biến lương thực thực phẩm, thuộc da, đa nghề và nghề khác. Chúng tôi đã gộp nhóm làng nghề tranh in khuôn gỗ vào nhóm giấy và thêm 4 nhóm làng nghề so với tiêu chí của Bộ NN&PTNT là: chế biến lương thực thực phẩm, thuộc da, đa nghề và nghề khác. Nhóm các làng nghề khác bao gồm xây dựng, sản xuất VLXD, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, trồng hoa cây cảnh, làm nhựa, bốc thuốc... Trong đó, làng nghề mây tre đan là 230 chiếm tỉ lệ 22,3%, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (102 làng) và Thái Bình (34 làng). Nhóm làng nghề chế biến lương thực thực phẩm là 137 chiếm tỉ lệ 13,3%, cũng tập trung chủ yếu ở Hà Nội (47 làng), Thái Bình (22 làng). Nhóm làng đa nghề là 192 chiếm 16,1%, tập trung ở Hà Nam (116 làng) và Thái Bình (59 làng).


Tỉ lệ 14 nhóm làng nghề thủ công ở châu thổ sông Hồng

Hà Nội và Thái Bình là hai địa phương có mật độ làng nghề dày đặc và được coi là hai tiểu vùng đặc trưng của châu thổ sông Hồng. Vì thế, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích hệ thống làng nghề của 2 tỉnh này.

Hệ thống làng nghề ở Hà Nội

Ngày 1-8-2008, Hà Nội có sự thay đổi về địa giới hành chính: tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội làm tăng số quận, huyện và diện tích từ 921,8 km2 lên đến hơn 3.300 km2. Cũng chính vì thế, số lượng làng nghề ở Hà Nội tăng từ 11 làng lên đến 272 làng (5). Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước nên trong lịch sử cũng như thời điểm hiện tại là nơi tập trung đông làng nghề nhất trong cả nước với 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. Do vị trí địa lý đặc biệt như vậy nên khi phân tích về hệ thống làng nghề của Hà Nội, chúng tôi thống nhất so sánh đối chiếu với số liệu của các làng có nghề bởi, riêng địa bàn Hà Nội, sản phẩm mà các làng có nghề tạo ra đã tác động một phần không nhỏ vào thị trường.

 

Tỉ lệ giữa các làng có nghề và làng nghề trên địa bàn Hà Nội

Có thể thấy rằng số lượng làng nghề được công nhận chỉ bằng 1/5 tổng số làng có nghề ở Hà Nội. Huyện có nhiều làng có nghề đều thuộc tỉnh Hà Tây cũ: huyện Chương Mỹ (174 làng), Thanh Oai (87 làng), Thường Tín (125 làng), Ứng Hòa (113 làng), Phú Xuyên (124 làng), Mỹ Đức (83 làng), Ba Vì (101 làng). Làng nghề và làng có nghề ở Hà Nội trước thời điểm sáp nhập (năm 2008) chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (11/143 làng). Điều này cũng dễ dàng lý giải bởi tỉnh Hà Tây được mệnh danh là đất trăm nghề.

Hiện nay, khu vực 36 phố phường nghề trước đây của Hà Nội tuy vẫn còn tên phố nhưng phường/hội nghề thủ công đã tan rã. Với con số thống kê ngẫu nhiên khi khảo sát 135 tuyến phố chính tại Quận Hoàn Kiếm thì có 36 phố bán sản phẩm liên quan đến các làng nghề, tập trung chủ yếu ở khu phố cổ với tổng số cửa hàng là 553, với nhiều loại mặt hàng khác nhau, rất ít cửa hàng chuyên bán từng loại sản phẩm như trong các phường hội thủ công trước đây. Hoạt động của phường hội thủ công không còn, chỉ còn lại một số hộ sản xuất thủ công trong làng - phường đúc đồng Ngũ Xã, làm đồ hàng mã... Các cửa hàng bán sản phẩm của làng nghề tồn tại được, ngoài nhu cầu phục vụ cho đời sống dân sinh còn dựa vào sức mua và sức thu hút khách du lịch của Hà Nội. Điều này khác hẳn với việc hình thành thị trường ở khu vực 36 phố phường xưa: Sức hút của kinh đô, hay nói cách khác, sự tập trung quyền lực của nhà nước phong kiến ở kinh thành Thăng Long đã tạo ra nhu cầu buôn bán và phục vụ tầng lớp thị dân, quan lại, hoàng tộc.

P.Gourou đã cho chúng ta thấy rằng: trước đây, cư dân làm nghề thủ công tập trung ở phía tây Hà Đông, dọc theo sông Đáy (6). Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ rõ, huyện Thanh Oai là vùng thủ công nghiệp mạnh nhất với gần 1/3 dân số làm nghề thủ công. Hiện nay, huyện Chương Mỹ là huyện có nhiều làng có nghề nhất ở châu thổ sông Hồng với 174 làng có nghề và 33 làng nghề. Huyện Thanh Oai tuy tổng số làng có nghề ít hơn (87) nhưng số làng nghề được công nhận lên đến 51 chiếm 58,62% tổng số làng có nghề. Nếu đối chiếu trên bản đồ thì những huyện có nhiều làng nghề nhất đều tập trung ở phía nam Hà Nội: huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức. Như vậy, đã có sự chuyển dịch các làng nghề về mặt không gian so với những nghiên cứu trước đây.

Xét về cơ cấu nhóm làng nghề ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi có biểu đồ như sau:


 

Cơ cấu nhóm làng nghề ở Hà Nội


 

Cơ cấu nhóm làng có nghề ở Hà Nội

Khi so sánh về cơ cấu nhóm làng nghề với các làng có nghề ở Hà Nội và đối sánh về tỉ lệ % giữa các nhóm làng nghề của cả châu thổ sông Hồng, chúng ta có kết quả tương đối đồng nhất: nhóm làng nghề mây tre đan vẫn là nhóm tiêu biểu và có số lượng lớn nhất, sau đó là chế biến lương thực thực phẩm, thêu ren, dệt, và kim khí, kim hoàn. Làng đa nghề ở châu thổ sông Hồng xuất hiện khá nhiều, nhưng ở Hà Nội chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ với 2,2%. Hai nhóm làng nghề cói và đá mỹ nghệ không thấy xuất hiện ở địa bàn Hà Nội. Sản phẩm gốm mặc dù được bày bán ở rất nhiều cửa hàng bán đồ thủ công trên các tuyến phố nhưng chỉ có 3 làng nghề được công nhận. Như vậy, khi nhìn toàn cảnh bức tranh chung về hệ thống làng nghề ở Hà Nội, chúng tôi thấy rằng: Hà Nội là nơi tập trung mật tập và có mặt hầu hết các làng nghề ở Việt Nam. Mặc dù, số lượng làng nghề được công nhận chỉ dừng lại ở con số 272, nhưng về thực chất sản phẩm làm ra của các làng có nghề ở Hà Nội chiếm một vị trí đáng kể trên thị trường. Đây cũng là một đặc điểm mang tính riêng biệt của làng nghề Hà Nội.

Hệ thống làng nghề ở Thái Bình

Vốn là vùng đất sa bồi nằm ở tả ngạn, hạ nguồn của châu thổ sông Hồng, có địa giới tự nhiên ngăn cách với các tỉnh khác bởi sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và một mặt giáp biển Đông, Thái Bình tuy là vùng đất mới nhưng có diện tích tương đối rộng với 1.368.000m2. Hiện nay, Thái Bình có 6 huyện và 1 thành phố, dân số trung bình là 1.843.000 người, chiếm 10,3% so với dân số vùng châu thổ sông Hồng và khoảng 2,25% so với dân số của của nước. Mật độ dân số trung bình là 1.193 người/km2 gấp 1,32 lần so với dân số của vùng châu thổ và 3,6 lần so với cả nước. Tuy nhiên, tính đến năm 2005 tỉ lệ đô thị hóa mới chỉ đạt 7,2%, chỉ bằng 30,4% mức độ đô thị hóa của châu thổ sông Hồng và 27,5% so với mức độ đô thị hóa của cả nước (7). Năm 2000, toàn tỉnh Thái Bình có 82 làng nghề, đến cuối năm 2001 đã tăng lên 95 làng và đến ngày 31-12-2002 đã lên đến 132 làng tăng so với năm 2000 là 50 làng, trong đó có 19 làng nghề quy mô cấp xã. Năm 2009, toàn tỉnh có 203 làng nghề chiếm 19,7% tổng số làng nghề ở châu thổ sông Hồng, đứng thứ hai sau Hà Nội. Huyện Hưng Hà và Kiến Xương là hai huyện nhiều làng nghề nhất.

 


 

 

Số lượng các làng nghề ở Thái Bình năm 2009

Nếu xét cơ cấu nhóm làng nghề thì số lượng làng đa nghề, làng nghề trồng, chế biến cói và làng nghề mây tre đan chiếm số lượng khá lớn: làng đa nghề có 59 làng chiếm 29,1%; làng nghề trồng, chế biến cói có 40 làng chiếm 19,7%; làng nghề mây tre đan có 34 làng chiếm 16,7%.

P.Gourou có viết về các trung tâm công nghiệp trong đó có tỉnh Thái Bình (8).

Tư liệu này cho chúng ta thấy một phần bức tranh chung về làng nghề ở Thái Bình vào những năm 30 của thế kỷ trước, mặt khác lại minh chứng rằng, các làng đa nghề mới xuất hiện hơn 70 năm trở lại đây. Như vậy, nếu như Hà Nội là nơi tập trung nhiều làng nghề nhất thì Thái Bình lại là một tỉnh thuần nông nghiệp, với áp lực dân số cao gần như nhất trong cả nước, với nhu cầu buôn bán trao đổi hàng hóa trong nội tỉnh cao, vì thế đây là nơi tập trung số lượng làng nghề đông thứ hai ở châu thổ.

Với số liệu như trên, chúng tôi đưa ra một số đặc điểm chung về hệ thống làng nghề ở châu thổ sông Hồng hiện nay.

 Các làng nghề tồn tại, phát triển cho đến ngày nay về cơ bản và cốt lõi vẫn là các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, do thấy nghề phụ có thu nhập cao, nên cư dân của một số làng thuần nông đã học và đưa nghề về làng, tuy sản xuất mặt hàng thủ công truyền thống nhưng những làng này vẫn là làng nghề mới. Hiện nay, xu hướng chung ở tất cả các làng có nghề thủ công đều cố gắng đạt được các tiêu chí do nhà nước đề ra để được công nhận danh hiệu làng nghề.

Đại bộ phận cư dân ở các làng nghề vẫn gắn liền với nông nghiệp nhưng nguồn thu chủ yếu lại dựa vào làm nghề thủ công. Hầu hết các làng đều chưa được chuyên môn hóa, một người thợ thủ công vẫn làm tất cả các công đoạn từ khâu đầu tiên cho đến khi ra thành phẩm. Mỗi gia đình là một xưởng sản xuất nhỏ, người chủ gia đình trực tiếp làm, quán xuyến toàn bộ các khâu trong chuỗi chu trình làm nghề từ việc thu mua nguyên liệu, phân công lao động, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Số lượng gia đình thuê thêm thợ rất ít. Một số địa phương đã thành lập được cụm công nghiệp, hay một số công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân nhưng về bản chất vẫn là những người thợ thủ công đến làm tại xưởng hoặc doanh nghiêp đứng ra thu mua các sản phẩm sản xuất tại gia đình.

Qua khảo sát, chúng ta thấy rằng, tỉ lệ và cơ cấu ngành nghề ở từng địa phương trong khu vực châu thổ sông Hồng không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện tự nhiên mà các ngành nghề ở từng nơi có những điểm khác biệt. Gần đây các làng đa nghề chiếm tỉ lệ khá lớn so với các làng chuyên nghề, thể hiện sự biến chuyển của làng nghề trong thời điểm hiện nay.

_______________

1. Đặng Kim Chi, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Lệ Minh, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 2005, tr.55, 56.

2, 6, 8. Pierre Gourou, Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 412, 415.

3. Phan Gia Bền, Sơ khảo lịch sử phát triển thủ công nghiệp Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

4. Số liệu tác giả bài viết thống kê năm 2009.

5. Số liệu thống kê năm 2009 của Sở Công thương Hà Nội.

7. Niên giám thống kê Thái Bình 2005.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011

Tác giả : Vũ Trung

;