HAY Ở ĐÂY VÀ DỞ Ở ĐÂY

LTS: Giữa tháng 12- 2010, có một sự kiện mỹ thuật ở Hà Nội gây chú ý lớn trong giới: triển lãm của hai tác giả đã có danh tiếng, họa sĩ Lý Trực Sơn và nhà điêu khắc Đào Châu Hải, mang tên Không vô can và ballad biển Đông. Triển lãm không chỉ được dư luận trong giới quan tâm đặc biệt mà còn được giới truyền thông chú ý vì ý nghĩa xã hội song hành của nó. Triển lãm được nhắc đến nhiều song giá trị nghệ thuật cũng như tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp của nó lại ít được đề cập. Bài viết dưới đây như một sự bổ sung thông tin phân tích từ góc nhìn nghệ thuật và nghề nghiệp, hi vọng giúp bạn đọc quan tâm có thêm chiều thông tin khác về một triển lãm từng được đánh giá là triển lãm đôi đẹp nhất năm 2010.

 

 

 

Đúng như dự đoán, với giới mỹ thuật thì đây được xem như một triển lãm thuộc hạng bom tấn. Hai tác giả danh tiếng Đào Châu Hải và Lý Trực Sơn tiếp tục được giới mỹ thuật và báo chí ca tụng và khiến cho danh tiếng của họ tiếp tục gia tăng.

Có thể nói ngay rằng, nhìn vào khối lượng và chất lượng tác phẩm thì đây hẳn là một sự trình bày kỳ công sau quá trình sáng tác rất tận tụy. Và cũng thấy được tham vọng khẳng định một đẳng cấp nghệ thuật thực sự trong giớí mỹ thuật hiện nay. Trong triển lãm này, họ xuất phát ở một ví trí rất cao. Ai cũng biết, hai ông là nghệ sĩ lão luyện, có bằng cấp và chuyên môn cao, cũng là giảng viên và ít nhiều có ảnh hưởng lên một số nghệ sĩ tài năng khác. Bởi vậy, sự kỳ vọng của công chúng đối với triển lãm là điều đương nhiên.

Ngay từ cái tên triển lãm, một cái tên quá hay nhưng cũng thật khó nhằn. Nó hay vì người ta có thể nói: ngay từ cái tên này có vấn đề, bởi nó gợi ý cho người ta đến bối cảnh và những diễn biến phức tạp liên quan đến biển đảo quốc gia, hoặc những uẩn khúc nào đó can hệ đến tác giả hoặc đến công dân nói chung… Cụm từ không vô can trong bối cảnh này đã trở nên quá xuất sắc, lúc mà những cái đầu cả nghĩ và hay thích xem tác phẩm bằng việc diễn giải ý nghĩa nói thông điệp gì thì cụm từ trên lại là một nhịp rất gián tiếp, không vô can trở nên đanh thép, buộc người ta phải tìm cách quay về với những giá trị tạo hình chứ không phải vấn đề câu chuyện nội dung hay ý nghĩa. Ở đây, không vô can có thể được hiểu như một tình huống nói tới việc chủ động/bị động của cá nhân hay dân tộc dính líu vào thời cuộc như thế nào... Không có gì quá đáng khi nói rằng cụm từ không vô can ở đây là một sự hóc búa về ngôn ngữ học.

Thật tiếc vì đã không có hai triển lãm cá nhân khá hay của riêng từng nghệ sĩ bởi theo tôi, đây không phải là một sự kết hợp tuyệt vời như nhiều lời khen ngợi từ báo giới. Một chuyến đi khảo sát cùng nhau ra hải đảo là một điều vô can với những tác phẩm có thể thực hiện sau đó của hai ông, nó cũng vô can với chủ đề, đề tài nếu có thống nhất, nó chỉ có thể trở nên có dính líu khi thực sự đứng cạnh nhau được về ngôn ngữ nghệ thuật và hiệu quả thị giác.

Hãy nhìn thật kỹ những con sóng bằng sắt thép, hay có thể gọi đó là những ký tự sóng cũng được. Đào Châu Hải rất xuất sắc với ngôn ngữ điêu khắc cô đọng, khúc chiết, tạo ra sự áp chế góc cạnh, sắc sảo và vẻ đẹp đáng gờm từ cả chất liệu lẫn ngôn ngữ tạo hình. Những con sóng này chồm đến trước cả những ý thức xã hội và ngữ nghĩa. Những tác phẩm điêu khắc này xuất sắc nhất trong các tác phẩm của ông. Nhưng ông chỉ dừng lại ở việc tạo tác ra những điêu khắc tuyệt vời kia. Cách trình hiện những con sóng không vô can ở triển lãm là một sự thất bại về kỹ năng đặt bày tác phẩm và giải quyết không gian. Những sự mất công dàn dựng mùng màn phức tạp kia thật là đáng tiếc. Sự tham chi tiết này là một nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của việc trình hiện tác phẩm. Có thể hiểu việc dùng mùng màn trước hết làm tôn tác phẩm bởi nền gạch của phòng triển lãm quá sẫm, nhưng không phải với chất liệu vải màn xô và cách trình bày diêm dúa đó. Cái cách đó không những không bổ trợ gì cho những khối điêu khắc kia mà còn làm giảm sự hiện diện rất quan trọng tập trung, cũng như tính khái niệm mà khối điêu khắc có được. Thật sai lầm cho những giọng điệu nói rằng đó là cách thể hiện tài tình sự tương phản đối lập giữa chất liệu cũng như màu sắc. Nếu có mong muốn thực sự cho những hiệu quả trên, có lẽ phải cất công đi tìm những cách khác chứ không phải với mùng màn và những đoạn băng dính cẩu thả dưới sàn nhà.

Sự xuất hiện rất lỏng lẻo và nhạt nhẽo của một cái bàn gấp cũng được cuốn vải màn nữa có thể cộng hưởng gì trong tương quan này? Trường hợp tương tự xảy ra với một trích đoạn sóng vô lối được đặt trên một bệ sắt sơn màu đỏ sẫm. Đây là một điểm nhấn, một dấu chấm phá hoại những khối sóng tuyệt vời kia. Kể cả nó có tượng trưng cho bất kỳ cái gì thì đây cũng là chi tiết không nên xuất hiện như vậy ở triển lãm này. Những khối sóng kia có lẽ đã trở nên nặng ký hơn rất nhiều nếu được trình hiện một cách khắt khe hơn, dứt khoát hơn và đơn giản hơn. Chúng ta có lẽ sẽ còn khiến người xem thấy sướng mắt hơn, xúc động hơn bởi sự lạnh lùng đặc quánh khi triển lãm này chỉ có sóng và sóng. Vì nó sẽ gây ra một cảm giác tập trung cao độ, chỉ những khối sóng đầy cá tính kia cũng đủ sức chất vấn ta, có thái độ lại với ta. Tất cả những thứ lẽ ra không nên thêm nếm ở triển lãm này chỉ làm vướng víu cho con sóng của Đào Châu Hải mà thôi. Thoạt tiên là những con sóng ở chính giữa đã quá thuyết phục về cách tạo hình. Nhưng ngay cả với những con sóng đứng ốp thẳng lừ tấm lưng với bức vách chẳng khác gì những lưỡi cưa cũng cực kỳ ấn tượng. Nó là một bổ trợ sắc sảo về nhịp, về chiều vận động cũng như sự phong phú hóa về tạo hình… Cái đóng góp đắc địa nhất của hàng cưa thẳng đứng này chính là sự cực đoan về thị giác, một bố cục rất cao tay của điêu khắc gia lão luyện. Chỉ chừng đó thôi, có lẽ cũng đủ cho biết bao tính từ và cảm thán để dành cho tác phẩm tuyệt vời này của ông. Vậy mà sự đáng tiếc gấp bội lại không thể không nói ra ở đây, ngoài những con sóng đang làm tôi khâm phục thì phần trình hiện trong triển lãm đã lộ ra những hạn chế. Ở đây là những vấn đề của con mắt nhà nghề chứ không phải tay nghề, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn thấy một sự chủ quan rất lớn. Bởi như đã nói, một điều không thể chối cãi là vị trí đáng nể của ông trong giới mỹ thuật, và có một sự ca tụng từ những người xung quanh ông tới mức gần như tuyệt đối. Rất nhiều những khen ngợi, phân tích về ngôn ngữ tạo hình những khối sóng kia, tôi cũng vậy, rất muốn góp thêm vào những trùng ý...

Ở hoàn cảnh khác đôi chút, đó là những bức tranh rất thú vị, tinh khiết, trầm lắng của Lý Trực Sơn. Tôi và vài người bạn đều có chung quan điểm rằng ngắm nhìn những bức tranh của ông còn bổ cho tinh thần hơn những bản ballad quá mượt mà. Nhưng triển lãm này quá khó cho một sự kết hợp đơn giản như vậy. Liệu có người nào sẽ vặn lại rằng: vậy là triển lãm này cần sự kết hợp phức tạp, cầu kỳ hay sao? Điều đó thì không thể chắc, vì cầu kỳ hoặc đơn giản đều có thể được, nhưng không phải đơn giản như cách hai ông đã bày như thế này. Không vô can và ballad biển Đông tự nó đã không hề đơn giản từ ngữ cảnh nghệ thuật động chạm tới lẫn sự hứa hẹn một hàm lượng nghệ thuật, tri thức. Không nói gì tới một triển lãm nặng ký như thế này, ngay đối với một triển lãm hết sức bình thường thì vấn đề là sự tương thích. Mà ở đây chỉ thấy một chi tiết có thể tạm coi là tương thích gượng ép có phần yếu đuối là vải màn xô đặc nhắc ở khung nền để bức tranh dán lên. Chi tiết dàn dựng này liệu đã được các tác giả cân nhắc kỹ lưỡng về sự xuất hiện của nó, thực sự không có nó thì tác phẩm có bị kém đi phần nào? Ngưòi ta cũng có lý khi nhận xét rằng, tranh của ông quá thú vị, quá đẹp dù nó có là ballad biển Đông hay không biển Đông, điều đó hầu như không liên quan gì tới chất lượng nghệ thuật, cũng như ngôn ngữ hội họa mà ông đang làm. Lại tương tự như thế, vô can hay không vô can hay gì đi nữa thì khách quan nhìn nhận những tác phẩm điêu khắc về sóng của Đào Châu Hải vẫn là hạng dẫn đầu trong làng điêu khắc Việt Nam hiện nay.

Nhân có sự xuất hiện triển lãm đáng chú ý này, bên lề có nhiều câu hỏi được đặt ra với điêu khắc đương đại về sự mở rộng ngôn ngữ, về giới hạn chất liệu, về dàn dựng bố cục, và còn rất nhiều câu hỏi khác... Hướng suy nghĩ này tôi e rằng sẽ lại đưa chúng ta trở về dạng câu hỏi thế nào mới là điêu khắc, thế nào mới được gọi là nghệ thuật sắp đặt, và lại vướng vào những chuẩn hóa cứng nhắc trong một số trường hợp, lại vừa quá chung chung với một số yêu cầu. Nói như vậy, nhưng hiển nhiên chúng ta vẫn biết ví dụ: cái này là điêu khắc, cái kia là nghệ thuật sắp đặt và cái kia thì nằm ở giữa hai cái trên

        Cuối cùng, thiết nghĩ, trước mắt chúng ta có thể chỉ là một tác phẩm nghệ thuật và chỉ là tác phẩm mà thôi, thế cũng đủ. Những khía cạnh thể loại gì, đề tài gì, chất liệu gì, kích cỡ thế nào..., nếu không quá quan trọng cho một việc cụ thể nào đó thì cũng nên để chúng yên bởi chúng không thể can hệ gì hay không soi sáng gì đến thực nghiệm và sáng tác của nghệ sĩ.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011

Tác giả : Vũ Đức Toàn

;