Hậu Giang thực hiện tốt công tác Bình đẳng giới

Căn cứ Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL Hậu Giang đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai sâu rộng đến tất cả đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện nghiêm túc, gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình. Cùng với đó, Sở cũng quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động.

Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội làm việc với tỉnh Hậu Giang

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho thấy: Sở VHTTDL đã thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung. Qua đây, đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong tình hình hiện nay. Đáng chú ý, Sở VHTTDL còn tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, trong đó có tích hợp nội dung về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ”, hướng tới mục tiêu “Gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”; quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xây dựng mô hình về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ bằng cách lồng ghép vào việc xây dựng các mô hình của Sở như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng… Hoạt động của các mô hình này ngoài việc giảm dần số vụ bạo lực gia đình, đã cung cấp thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của các tầng lớp nhân dân trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Sở VHTTDL với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành văn bản tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trên địa bàn tỉnh, lồng ghép vào Tháng hành động vì bình đẳng giới; phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới hằng năm và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Những hoạt động trên đã rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam, đảm bảo duy trì số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ là 2,05 lần so với nam giới. Hằng năm, 100% công chức, viên chức, người lao động đều có đăng ký và cam kết san sẻ việc trong gia đình; 100% người bị bạo lực gia đình được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% người gây bạo lực gia đình ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Hơn 57,5% dân số trên địa bàn tỉnh được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; hơn 98% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới. 100% xã, phường, thị trấn mỗi tháng có từ 1 đến 2 tin, bài trên hệ thống thông tin cơ sở; hằng tháng có chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Bài và ảnh: QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

;