Hát bội Đào Tấn ở các lăng cá ông

Hát bội là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, được hình thành vào TK XIII ở miền Bắc, phát triển rực rỡ vào TK XIX ở miền Trung và suy yếu vào đầu TK XX. Đến nay, hát bội đã được nhà nước quan tâm đúng mức và đang dần khôi phục. Hiện nay, ở Việt Nam có ba phong cách hát bội chính: phong cách hát bội miền Bắc, phong cách hát bội miền Nam và phong cách hát bội miền Trung. Hát bội Đào Tấn (hát bội Bình Định) là tên gọi của dòng hát bội tiêu biểu ở miền Trung. Cụ Đào Tấn (1845 - 1907) là người góp công rất lớn trong việc hình thành dòng hát này ở Bình Định, được lưu truyền đến hôm nay.

    Ngư dân các vạn chài ven biển Bình Định hầu hết theo tín ngưỡng thờ Nam Hải Đại Tướng Quân, gắn với tục thờ cúng Cá Ông. Họ xây các lăng để thờ, hằng năm tổ chức giỗ Cá Ông và lễ Cầu Ngư để cầu mong mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an…

    Hát bội còn gọi là hát bộ (hay tuồng) và cũng có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc các thuật ngữ này. Tuy nhiên, chúng đều chỉ tên gọi của một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, hình thành vào TK XIII và lưu truyền đến hôm nay. Theo Trần Văn Khải, hát bội vì xuất phát từ chữ bội trong gia bội, bội nhị (thêm gấp hai lần), tức chỉ loại nghệ thuật sân khấu dùng lối ca hát, múa may, làm điệu bộ, được cách điệu nhiều (1).

   Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng cho rằng, bội là hát kịch, diễn kịch, diễn tuồng (2), còn theo tác giả Đoàn Nồng, gọi là hát bộ vì người ta cho rằng đây là loại nghệ thuật sân khấu “vừa hát, vừa đi và làm bộ tịch để biểu diễn cảm giác, cảm tình với câu hát”. Tên gọi này, cũng xuất phát từ Học bộ đình, là tên nhà dạy hát bội của cụ Đào Tấn (3).

   Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên gọi hát bộ là để phân biệt với cải lương, do khi mới hình thành loại hình sân khấu này chỉ có hát mà ít làm điệu bộ (4). Tuy nhiên, cải lương hoặc chèo cũng vừa hát, vừa làm điệu bộ, nên tên gọi này cũng chưa hợp lý. Còn tên gọi tuồng xuất hiện những năm đầu TK XX ở miền Bắc, chỉ cách biểu diễn có tuồng tích, cốt truyện, được xem là cách gọi không hợp lý vì cải lương hay chèo cũng đều có tuồng tích. Như vậy, chúng tôi cho rằng, hát bội là tên gọi hợp lý nhất, chỉ sự cách điệu cao về điệu bộ, là nét đặc trưng loại hình nghệ thuật sân khấu này. Tên gọi này cũng phổ biến ở Bình Định theo phương ngữ là hát bậu, tức hát bội.

   Ở vùng ven biển Bình Định, khi phát hiện xác cá voi trôi dạt vào bờ, ngư dân đem chôn cất chu đáo và lập bàn thờ cúng tế tại lăng Cá Ông (lăng Ông). Nơi đây, cá voi được ngư dân tôn là Thần Biển, Thần Hộ Mệnh..., là vị thần ban phúc lành. Kiến trúc các lăng Cá Ông ở Bình Định cũng như các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ cơ bản mang dáng dấp đình miếu, quay mặt về hướng Đông, gần biển hoặc nằm trong các vạn chài.

    Không gian diễn xướng của hát bội Bình Định gồm hai loại: thiêng và đời thường. Không gian thiêng là sinh hoạt hát bội gắn với các cơ sở thờ tự: lăng, đình, miếu, còn không gian đời thường được tách khỏi các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng.

    Hát bội thể hiện tính tổng hợp cao về hát, múa, kịch, văn học, mỹ thuật, võ thuật… Ngoài ra, nó còn thể hiện tính tượng trưng, ước lệ, cách điệu cao nhất trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Nghệ thuật này, có nhiều quy tắc, kỹ thuật biểu diễn, trình thức, mô hình nhân vật… đã tạo nên nét đặc trưng của hát bội Việt Nam.

    Qua khảo sát gần nhất của chúng tôi (2014), từ tờ Hợp đồng biểu diễn của các đoàn hát bội, hằng năm đã diễn ở 75 lăng Cá Ông (45 lăng ở Bình Định, 30 lăng ở các tỉnh khác). Hát bội Bình Định luôn gắn với tế lễ tại các lăng này, nên thường được ngư dân các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Thuận... mời về biểu diễn phục vụ.

   Các Lăng Cá Ông ở Bình Định thường nằm sát nhà ở của ngư dân. Cũng như ở đình miếu, buổi diễn hát bội đầu tiên ở lăng là để dâng cúng thần thánh. Các buổi diễn tiếp theo sẽ phục vụ cho người dân nên phải dựng sân khấu ngoài trời. Mặt sân khấu cũng phải đối diện với lăng, cách mặt đất khoảng 2m để “thần thánh cùng xem”.

    Thời gian diễn ra hát bội tại các lăng Ông ở Bình Định là vào ngày giỗ Cá Ông. Ngày giỗ tùy từng lăng, căn cứ vào ngày người ta phát hiện Cá Ông lụy vào bờ biển, chẳng hạn làng Hưng Lương, xã Nhơn Lý, Quy Nhơn là ngày 10 - 5 âm lịch; xã Nhơn Hải, Quy Nhơn là ngày 12 - 2 âm lịch; thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước là 16 - 2 âm lịch... Ngoài giờ hát lễ ở các lăng Ông, các đoàn hát bội Bình Định thường diễn các vở truyền thống như: Tam Chiến Lữ Bố, Cổ Thành, Quan Công phò Nhị Tẩu, Huê Dung Lộ... Các nhân vật trong tuồng tích này thể hiện tính anh hùng, sự trung thành, hình tượng các vị thần thánh... Sau đó là một số vở diễn do ngư dân địa phương yêu cầu, thường là những vở tuồng tiểu thuyết phổ biến ở Bình Định.

    Tỉnh này là nơi có các đoàn hát bội nhiều nhất trong cả nước, gồm 7 đoàn: Nhà hát tuồng Đào Tấn và 6 đoàn hát bội dân gian (Phước An, Tuy Phước, Ánh Dương, Trần Quang Diệu, Sông Côn, Nhơn Hưng). Lịch diễn của các đoàn này luôn kín vào mùa phục vụ lễ hội Cầu Ngư, cúng giỗ Cá Ông. Thời gian diễn ra hát bội Bình Định ở lăng Ông thường từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Trong đó, Bình Định vào các tháng 1, 2, 3, 4, 5 âm lịch, còn ở tỉnh khác vào các tháng 6,7,8 âm lịch. Vì vậy, tất cả các đoàn hát bội Bình Định đều hoạt động biểu diễn liên tục suốt từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch hằng năm trong việc phục vụ tế lễ tại các lăng Ông.

    Các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện nay, thường không có hát bội cúng lăng Ông mà là chầu văn (cúng Cầu Ngư ở Sơn Hải, Nghệ An), hò chèo cạn (cúng Cầu Ngư ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch ngày 15 - 5 âm lịch). Các tỉnh Nam Trung Bộ có hát bội dịp cúng lăng Ông hằng năm: Đà Nẵng, Quảng Nam vào tháng 3 âm lịch; Quảng Ngãi có Lễ Cầu Ngư ở Sa Huỳnh vào ngày 3 - 1 âm lịch, có hát bả trạo, hát sắc bùa, thỉnh thoảng có mời hát bội; Phú Yên rải rác từ các tháng 2,3 đến các tháng 6,8 âm lịch); Khánh Hòa có hát bả trạo, riêng hát bội do Nhà hát Tuồng truyền thống Khánh Hòa diễn; Bình Thuận ở Phước Lộc (xã La Gi) vào các ngày 14,15,16 tháng 6 âm lịch, thường mời đoàn hát bội Bình Định diễn. Các tỉnh ở Nam Bộ: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... không có hát bội trong lễ Nghinh Ông mà có đờn ca tài tử, hát bả trạo... Riêng ở TP. HCM có hát bội dịp lễ hội Nghinh Ông tại lăng Ông Thủy Tướng ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vào các ngày 15,16,17 tháng 8 âm lịch.

    Hát bội Đào Tấn gắn bó với các tập tục tế lễ tại các lăng Ông. Hằng năm, vào ngày giỗ cá Ông và lễ hội Cầu Ngư, ở Bình Định và các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, các đoàn hát bội Đào Tấn biểu diễn các vở tuồng truyền thống kéo dài ít nhất ba đêm liền. Đêm diễn đầu là các vở cổ, còn gọi là “tuồng nhà Ông” (Cổ thành, Quan Công phò Nhị Tẩu...) để dâng cúng Cá Ông, thần thánh... Các đêm diễn sau là các vở tuồng tiểu thuyết để phục vụ ngư dân vạn chài.

    Hát bội Đào Tấn là một bộ phận gắn bó với sinh hoạt tế lễ tại những lăng thờ Cá Ông ở Bình Định và các vạn chài ven biển miền Trung. Tập tục diễn xướng này, hình thành từ lâu đời cho đến nay vẫn còn phổ biến, đã thể hiện sự trường tồn của một loại hình nghệ thuật dân tộc.

____________

1. Trần Văn Khải, Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam - Hát Bội, Cải Lương,1970, tr.2-3.

2. Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng, Hát Bội, Kim Lai ấn quán, Sài Gòn, 1970, tr.249.

3. Đoàn Nồng, Sự tích và nghệ thuật hát bội, Mai Linh, 1942, tr.9.

4. Vũ Ngọc Liễn, Góp nhặt dọc đường, Nxb Sân khấu, 2001, tr.75 - 80.

Tác giả: Đào Thị Nhu Mì

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;