Gương điển hình tiên tiến ngành Văn hóa: Y Kô Niê - người “nặng lòng” lưu giữ văn hóa Tây Nguyên

Hơn 30 năm tham gia công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa, ông Y Kô Niê, Phó trưởng Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, bản thân cảm thấy rất tự hào khi được đứng trong hàng ngũ một đoàn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, có hướng đi vững vàng và tiềm năng phong phú trong kho tàng văn nghệ dân gian các dân tộc trên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk. Năm nay, trong dịp Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa, ông Y Kô Niê vinh dự là một trong 78 gương điển hình tiên tiến được Bộ VHTTDL tôn vinh. Đây hoàn toàn là một kết quả xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của người con hết lòng vì các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên.

Mặc dù gần nửa đời người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, được giao nhiều nhiệm vụ, trọng trách, ông Y Kô Niê vẫn rất khiêm tốn, cho rằng những đóng góp của mình còn rất nhỏ bé, nếu còn sức khỏe ông vẫn mong muốn được cống hiến để những giá trị văn hóa dân tộc không bị mai một, biến mất.

Kể về chặng đường công tác của mình, ông cho biết, ban đầu, từ một tuyên truyền viên của cơ sở thuộc huyện M’Drăk, làm công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sau đó, bằng năng lực và sự nhiệt huyết vốn có của bản thân, ông được Sở VHTT tỉnh Đắk Lắk, tuyển chọn và đưa về Đội Thông tin - Lưu động. Trong môi trường làm việc mới, ông đã đạt được những thành tích xuất sắc, được các cấp ủy và lãnh đạo đơn vị điều động công tác tại Sở VHTTDL, thực hiện nhiệm vụ sưu tầm nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân tộc.

Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk làmTrưởng Ban Giám khảo trong chương chình "Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 năm 2023 - Ảnh: NVCC

Trong quá trình công tác, ông Y Kô Niê đã tham gia dịch tiếng Việt sử thi Đam Săn, Khing Jú, Mdrong Dăm... cùng với Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đối với ông, “công việc này rất có ý nghĩa, bởi sử thi không phải chỉ dừng lại ở văn hóa cổ truyền truyền miệng đơn giản, mà còn có thể giúp người Tây Nguyên điều chỉnh những lĩnh vực trong đời sống xã hội, thậm chí cả về mặt tư tưởng. Đó là một kho tàng vô giá của cha ông mà chúng ta cần gìn giữ”. Nói đến những khó khăn của công việc dịch thuật sử thi, ông Y Ko Niê nhớ lại, thời gian đó, ông và các cộng sự đều là những người làm kiêm nhiệm, vừa làm công việc chuyên môn chính của mình tại cơ quan, vừa tham gia việc dịch thuật sử thi và một số tài liệu pháp luật khác nên thời gian nghiên cứu không được tập trung. Hơn nữa, đều là những người chưa qua trường lớp biên dịch nên công tác dịch thuật chưa chuyên nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tra từ để diễn đạt.

Chưa dừng ở đó, những đóng góp cho văn hóa dân tộc của người con Tây Nguyên còn trải dài theo thời gian. Theo Quyết định số 2136-QĐ/TU ngày 22-7-2020 của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, ông Y Kô Niê đã tham gia viết đề tài khoa học cấp bộ mang tên “Sử thi Ê đê hiện nay: Nghệ nhân và việc trao truyền nghệ thuật diễn xướng”. Cuốn sách cho người đọc hiểu rằng sử thi sống thể hiện qua nghệ thuật diễn xướng và gắn với sự trao truyền nghệ thuật này trong cộng đồng. Trong nhiều trang viết, bạn đọc có thể biết tới sự tồn tại của sử thi Ê Đê hiện nay qua nhiều tâm trạng, cảm xúc và đánh giá của nhiều đối tượng khác nhau, từ nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, những người dân, nghệ nhân đang trực tiếp, hàng ngày đối diện với vấn đề bảo tồn sử thi ở địa phương (cả tích cực lẫn tiêu cực).

Giữ cương vị là Phó Trưởng đoàn - Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk và nhiệm vụ giao, ông Y Ko Niê đã sưu tầm nhiều sách, tài liệu cũng như các nghiên cứu văn hóa dân tộc Ê đê có giá trị lớn, như: Tập sách Klei duê Ê đê - lời nói vần của dân tộc Ê đê, 235 trang, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2011; Tập sách ảnh Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông Gar dài 52 trang do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2011. Sưu tầm và biên tập Truyện cổ Ê đê di sản văn hóa cần gìn giữ, gồm 3 quyển, mỗi quyển 164 trang do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản. Ngoài ra, còn có tập sách ảnh Tuh pin êa - Lễ cúng bến nước của dân tộc Ê đê, gồm 52 trang, được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành năm 2014…

Bên cạnh đó, khi còn làm công tác tuyên truyền, ông Y Kô Niê còn tham gia viết kịch bản và dàn dựng trên 50 câu chuyện thông tin, đạt giải tuyên truyền viên giỏi trong các đợt Liên hoan Thông tin - Lưu động của tỉnh và toàn quốc. Ông còn là tác giả quyển sách kịch thông tin tuyên truyền Người Tây Nguyên làm theo lời Bác, dài 240 trang, gồm 14 kịch bản tuyên truyền, do Nhà xuất bản Đắk Lắk xuất bản năm 2020.

Không những là một nhà sưu tầm, nghiên cứu tâm huyết với các sách, tư liệu văn hóa dân tộc, ông Y Kô Niê còn thể hiện là một người tài năng đối với công tác tổ chức sáng tác và dàn dựng chương nghệ thuât chuyên nghiêp. Nhiều tác phẩm có sự tham gia của ông đã thành công và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng. Trong đó, có thể kể đến tiết mục hòa tấu Knăm Hgơr còn thương nhau thì về. Ông cũng là một và họa sĩ thiết kế và phối khí dàn dựng xuất sắc, đạt 2 Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2021 đợt II, do Đắk Lắk đăng cai. Ngoài ra, người Phó Trưởng đoàn - Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk còn biên tập, xây dựng nhiều chương trình phục vụ các ngày lễ lớn của tỉnh và của cả nước; Xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị cao về chủ đề tư tưởng, về ngôn ngữ nghệ thuật nhằm phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Ông Y Kô Niê trong vai Người tạc tượng của vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" - Ảnh: NVCC

Hoạt động thường xuyên và năng nổ đối với các sự kiện, chương trình văn hóa dân tộc là thế, khi nhớ lại quãng thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phải tạm dừng biểu diễn trên sân khấu cho khán giả như thường lệ, ông Y Kô Niê cảm thấy rất khó khăn, nhưng ông đã cùng với đội ngũ anh em nghệ sĩ, diễn viên trong Đoàn luôn bám sát nội dung, chủ đề, chú trọng đến chất liệu của địa phương, chất liệu dân tộc và hiện đại xây dựng những chương trình, tiết mục đem lại hiệu quả cao trong công tác biểu diễn nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, ông cũng xác định, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc; sưu tầm, nghiên cứu, cải tiến, chế tác nhạc cụ và phát triển các điệu múa dân gian, dân tộc thông qua sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp nhằm phục vụ các nhiệm vụ và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của tầng lớp nhân dân trong tình hình mới.

Ngoài tham gia biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật trong những dịp chào mừng, kỷ niệm các sự kiện trong đại của tỉnh và đất nước, ông Y Kô Niê còn tham gia các cuộc Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc và Liên hoan âm nhạc ASEAN. Ông cùng Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đã xây dựng một chương trình nghệ thuật mang đậm chất dân tộc, thể hiện âm hưởng đại ngàn núi rừng Đắk Lắk nhưng cũng lồng ghép thành công các yếu tố hiện đại mang đến sự mới mẻ cho tác phẩm. 

Đối với ông Y Kô Niê, các chương trình mang tính dân tộc dễ dàng tiếp cận và thu hút được nhiều đối tượng khán giả là chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng. Có thể kể đến: biểu diễn Văn hóa Cồng chiêng định kỳ vào tuần thứ hai, thứ tư hằng tháng và phục vụ các sự kiện của các tỉnh bạn, kể cả đi ra nước ngoài như: Hàn Quốc, Campuchia... Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông là vở ca kịch Khát vọng Dam Săn của tác giả Nguyễn Cường và nhà biên kịch Hồng Hoa. Ông cho rằng, đây là một tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, đã toát lên được tinh thần Đam San với những nét đậm đặc của văn hóa dân gian Ê đê nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Ông rất vui và tự hào vì được là thành viên trong ê-kíp sáng tạo của tác phẩm, với các vai trò cố vấn dân tộc học, dịch tiếng Ê đê, họa sĩ, tác giả kịch bản ánh sáng kiêm nghệ sĩ biểu diễn. Về trang phục, cơ bản ê-kíp sáng tạo sử dụng trang phục gốc của người Ê đê; đạo cụ cũng phục dựng khiên, mác, đều từ mẫu xưa được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Dù có những đóng góp liên tục, đều đặn đối với công cuộc giữ gìn văn hóa dân tộc truyền thống, nhưng Phó Trưởng đoàn - Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk Y Kô Niê vẫn luôn có một mong muốn, đó là trong tương lai, sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của Đảng, Nhà nước và tỉnh Đắk Lắk để những nghệ sĩ, diễn viên, hay những người làm nghiên cứu như ông được phát huy hết năng lực và bản lĩnh trong vai trò của mỗi người. Bên cạnh đó, ông cũng trăn trở, hiện nay, do văn hóa hiện đại đã du nhập, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa mới, mang tính phổ thông phù hợp với nhiều tầng lớp, lứa tuổi hơn; đồng thời, do cơ chế thị trường đã tác động đến đời sống ở các buôn làng, nên văn hóa Tây Nguyên có những nét phôi phai. Đã thế môi trường diễn xướng thay đổi, nên các giá trị văn hóa dân tộc rất cần đến sự chung tay, phối hợp của toàn thể các cấp chính quyền để giữ gìn, lưu truyền cho các thế hệ mai sau. 

NGÔ HUYỀN

 

 

 

;