Gốm sứ Chu Đậu và văn hóa du lịch

Chu Đậu là vùng quê nằm bên tả ngạn sông Thái Bình thuộc trấn Thương Triệt, huyện Thanh Lâm, Nam Sách Châu, nay là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Xưa kia, Chu Đậu là vùng Trần triều Hải khấu (cảng nhà Trần). Theo chữ Hán, Chu là thuyền, Đậu là bến (bến thuyền đỗ). Nơi đây, thuyền bè ra vào tấp nập. Từ Chu Đậu, xuôi sông Thái Bình đến Nấu Khê, sang sông Kinh Thày ra cảng Vân Đồn, một cảng giao lưu với các nước của người Việt xưa. Cũng từ Chu Đậu, xuôi sông Thái Bình sang sông Luộc đến Phố Hiến về Thăng Long cũng là một thương cảng lớn từ TK XVII.

1. Gốm sứ cổ Chu Đậu

Gốm Chu Đậu từ lâu đã không còn gây tiếng vang lớn như các làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, Phù Lãng, Bồ Bát, Thổ Hà… nhưng phong cách gốm Chu Đậu vẫn được lưu truyền và gìn giữ bởi những người thợ bản xứ trên đường đi di tản. Tại làng gốm Bát Tràng, có một chi của dòng họ Vương từ Chu Đậu chuyển đến từ cuối TK XVI, đã cùng các dòng họ từ Thanh Hóa, Nam Hà tụ lại Bạch Hổ phường làm nên một dòng gốm Bát Tràng phát triển cho đến tận ngày nay. Trong gia phả họ Vương còn ghi chép lại: dòng họ Vương ở xã Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, lấy nghề gốm làm nghiệp, sau có một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Cụ Vương Quốc Doanh, là người đỗ đạt, có công cùng các dòng họ khác làm hưng thịnh dòng gốm tại Bát Tràng.

Có thời gian, nghề gốm làng Chu Đậu thất truyền và Chu Đậu chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu. Dân làng chỉ còn biết làm ruộng và dệt chiếu, họ không biết làm đồ gốm nữa. Dấu vết của làng gốm đã chìm sâu dưới lòng đất, biến mất trong ký ức của người dân làng Chu Đậu. Làng gốm cổ Chu Đậu chỉ thực sự được quan tâm và hồi sinh bắt nguồn từ một lá thư  của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản, ngài Makoto Anabuki, gửi ông Ngô Duy Đông - Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) năm 1980: Trong một chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông có dịp vào thăm bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istanbul và đã thích thú chiêm ngưỡng bình gốm hoa lam cổ cao 54cm của Việt Nam - báu vật của Thổ Nhĩ Kỳ được mua bảo hiểm với giá 1 triệu USD. Trên bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (nghĩa là năm Thái Hòa thứ 8 (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ). Ông Anabuki đã nhờ ông Bí thư tỉnh ủy xác định xem vào thời vua Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? ở đâu? bà (hay cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào? học kỹ thuật vẽ gốm ở đâu? sản xuất gốm đặt ở đâu?... (1). Lá thư trở thành chất xúc tác để tìm ra gốm Chu Đậu, từ chiếc bình gốm cổ tại Bảo tàng Tokapi Saray Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, lần theo dấu vết chúng ta tìm ra cả làng gốm cổ tại Việt Nam. Không những thế, các nhà khảo cổ đã tìm ra được quê hương bản quán của tác giả, người đã tạo ra chiếc bình, đó là: nữ nghệ nhân Bùi Thị Hý, sống vào TK XV ở làng gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Kết quả khai quật cho thấy tại làng gốm Chu Đậu đã phát hiện nhiều sản phẩm gốm ở độ sâu 1,5 đến 2m, rải rác khắp làng. Ở lần khai quật thứ ba, năm 1984, đã phát hiện ra cả đáy lò nung gốm và các dụng cụ tạo hình gốm. Theo các nhà nghiên cứu, Chu Đậu xưa là một trung tâm gốm cao cấp, xuất hiện vào cuối TK XIV, cực thịnh vào TK XV - XVI và tàn lụi vào TK XVII do nhiều nguyên nhân: nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá, nghệ nhân làng gốm phải phiêu bạt đến vùng khác và lập nên các làng nghề gốm mới. Giặc Minh xâm lược nước ta đã bắt đi nhiều nghệ nhân giỏi, một số khác di cư sang Nhật, Triều Tiên hoặc đi tìm đường làm ăn ở các làng gốm trong nước như nghệ nhân Vương Quốc Doanh đã dẫn cả một đoàn thợ lên làng gốm Bát Tràng, góp phần làm cho gốm Bát Tràng hưng thịnh như ngày nay… Một nguyên nhân nữa là trấn Thương Triệt xưa là vùng chiêm trũng gần sông, dễ bị ngập lụt, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến việc sản xuất gốm.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn Yên (Kiếp Bạc) TK XIII, gốm Lý - Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát. Bởi vậy gốm Chu Đậu thời đó đã đạt được 4 tiêu chuẩn: mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Một điều nữa là gốm Chu Đậu thể hiện được tâm hồn Việt qua hoa văn trang trí gắn với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng như: cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người đội nón, mặc áo tứ thân, kết tóc đuôi sam, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây, chim cá… Giữa các sản phẩm thường có chữ phúc, chính, sĩ, Hoa, trung, kim, ngọc, tàm, quỳ, trù… có thể là tên hiệu của các chủ lò. Phương pháp chế tạo cũng đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Xương gốm phần lớn có màu xám nhạt, cứng rắn, có loại trắng đục, trắng trong. Phương pháp trang trí rất đa dạng, phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo như vẽ, khắc, họa, đắp… sản phẩm được phủ và vẽ chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, men màu tam thái hoặc rạn đục…

Đầu năm 1994, tại vùng biển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam, ngư dân Duy Xuyên và Hội An đã phát hiện và lặn vớt được nhiều hiện vật gốm. Qua giám định khoa học, cho thấy toàn bộ hiện vật gốm này đều có nguồn gốc từ làng gốm Chu Đậu, được sản xuất vào khoảng TK XIV - XVI. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm, trong đó khoảng trên 250 nghìn hiện vật còn lành lặn, chứng tỏ từ xa xưa, gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi với số lượng lớn bằng đường hàng hải. Như vậy Chu Đậu xưa là nơi hoạt động, sản xuất đồ gốm dân dụng và mỹ thuật phồn thịnh của cư dân Việt.

Những sản phẩm gốm Chu Đậu đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, từ Ai Cập đến Trung Cận Đông và toàn bộ các nước Đông Nam Á, đặc biệt, Nhật Bản là nước có sản phẩm gốm Chu Đậu nhiều nhất. Đến nay đã có 46 bảo tàng của các nước trên thế giới có trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.

Nói đến sản phẩm gốm Chu Đậu không thể không tự hào nhắc đến những nghệ nhân như Đặng Huyền Thông, Bùi Thị Hý, Vương Quốc Doanh đã khai sinh ra dòng gốm hoa lam, đặc trưng cho gốm thời Hậu Lê và cũng là thành tựu huy hoàng của mỹ nghệ nước nhà. Với những nỗ lực của mình, gốm Chu Đậu đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho 9 chữ vàng: gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam.

2. Gốm sứ Chu Đậu và văn hóa du lịch

Từ một làng gốm cổ thất truyền đến một trung tâm xuất khẩu sản phẩm gốm và khu du lịch làng nghề hấp dẫn là cả một quá trình gian nan khôi phục và phát triển tinh hoa vốn cổ làng nghề gốm Chu Đậu của Công ty cổ phần gốm Chu Đậu (thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro).

Được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, tháng 10 - 2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã ra đời và bắt đầu đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư giai đoạn một là 24 tỷ đồng. Cơ sở rộng 33.250m2 được xây dựng bên dòng sông cổ chảy qua làng. Giai đoạn đầu của xí nghiệp là mở cuộc săn lùng, sưu tầm những mẫu gốm cổ độc đáo, chiêu hiền đãi sĩ nhằm tập hợp những chuyên gia, nghệ nhân tài danh nhất trong các làng gốm cổ truyền đến xí nghiệp, cộng tác nghiên cứu để tìm ra từng loại gam màu của gốm cổ. Hơn 20 nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa, Hải Dương… đã hợp tác với xí nghiệp, vừa nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm cổ Chu Đậu, vừa thiết kế những mẫu sản phẩm mới để chuẩn bị đưa vào sản xuất. Gần 200 thanh niên, chủ yếu là người của làng Chu Đậu được tuyển chọn và đào tạo, truyền dạy kỹ thuật cơ bản và bí quyết trong từng công đoạn chế tác, nhằm tạo họ thành những tay thợ đầu đàn trong các lò gốm gia đình của tương lai.

Bắt đầu từ tháng 5 - 2003, xí nghiệp gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên với 8.490 sản phẩm trị giá 20.000USD sang thị trường Tây Ban Nha. Sau gần 400 năm, Chu Đậu lại có hàng xuất sang Tây Ban Nha, nơi nhập chuyến hàng cuối cùng của Chu Đậu vào TK XVII.

Để giới thiệu sản phẩm gốm Chu Đậu của xí nghiệp với khách hàng trong nước, nước ngoài và với khách du lịch, xí nghiệp đã khánh thành nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm rộng trên 1.000m2. Đồng thời với việc phát triển thương mại, UBND tỉnh Hải Dương cũng đầu tư để thôn Chu Đậu có cơ hội phát triển du lịch làng nghề. Đường từ thành phố về làng và đường nội bộ trong làng được nâng cấp. Đền thờ ông tổ nghề gốm Chu Đậu là Đặng Mậu Nghiệp được tu sửa khang trang. Các di tích lò gốm cổ được gìn giữ, nhà trưng bày gốm Chu Đậu, nơi lưu giữ nhiều hiện vật gốm cổ cũng được sửa sang đón khách.

Tuy nhiên đến làng Chu Đậu, cái không khí của một làng nghề truyền thống không có, bởi duy nhất chỉ có một Xí nghiệp gốm Chu Đậu nằm đơn độc ngoài bìa làng, trông giống như một liên doanh sản xuất công nghiệp. Nhận thấy tầm quan trọng của việc khôi phục và phát triển một làng nghề gốm danh tiếng. Bộ Công nghiệp đồng ý và giao cho Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh cùng Sở Công nghiệp Hải Dương phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nhằm khôi phục và phát triển làng gốm cổ Chu Đậu. Như vậy, dự án khôi phục, phát triển sản xuất và du lịch làng nghề gốm cổ Chu Đậu sẽ làm sống lại một làng nghề đã bị thất truyền. Bộ mặt vùng quê thuần nông bên sông Thái Bình sẽ được thay đổi toàn diện. Hàng ngàn lao động sẽ có việc làm, đời sống của bà con làng nghề sẽ được cải thiện. Không khí làng nghề sẽ trở lại, thương hiệu gốm Chu Đậu Việt Nam sẽ hồi sinh, phát triển sau hơn 400 năm bị quên lãng.

_______________

1. Huỳnh Anh Tuấn, Gốm Chu Đậu Việt Nam, tham luận Hội thảo Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, giá trị truyền thống và vấn đề phát triển, 2015.

 

Tác giả: Bùi Thị Hằng

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;