Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO

Sự kiện nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11-7-2006 chứng tỏ sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thay đổi tích cực, to lớn và toàn diện trong 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng. Sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định vị thế ngày càng cao của nước ta trên thế giới, thể hiện rõ ý chí của toàn Ðảng, toàn dân quyết tâm xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, ổn định về chính trị, đồng thuận về xã hội. Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, sự kiện này cũng có những tác động thuận - nghịch to lớn, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hành động kịp thời và hiệu quả.

 

1. Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Trên thế giới, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào đều tìm mọi cách giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa của riêng mình. Bản sắc văn hóa mỗi dân tộc đã đóng góp chung cho nền văn minh nhân loại, làm đa dạng, phong phú, kết tinh những tinh hoa văn hóa của các dân tộc ở khắp các châu lục. Việc giao lưu văn hóa giữa các nước trên thế giới là rất cần thiết, nó là nguồn bổ sung, làm giàu có thêm cho nền văn hóa mỗi dân tộc. Một nền văn hóa đóng cửa khép kín sẽ khô héo, thiếu sức sống và kém phát triển. Vấn đề đặt ra khi giao lưu, hội nhập quốc tế là chúng ta không chỉ tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại mà còn phải giữ gìn được bản sắc nền văn hóa dân tộc.

Thực tế cho thấy, khi mở rộng giao lưu văn hóa, bên cạnh cơ hội để tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới thì những sản phẩm xấu, độc từ bên ngoài cũng tràn vào nước ta. Nạn sách đen, băng đĩa kích thích bạo lực, kích dục len lỏi đến ngõ xóm, làng quê… Càng mở rộng giao lưu văn hóa, càng phải ngăn chặn quyết liệt những sản phẩm xấu, độc. Ngăn chặn có hiệu quả cái xấu chính là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng ta luôn xác định phải xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ban hành năm 1998, có thể được coi là một cương lĩnh định hướng lâu dài cho sự nghiệp văn hóa nước ta. Nghị quyết đã khẳng định “văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”, “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội”.

Trên cơ sở đó, chúng ta tập trung mọi nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Ðảng để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, từng cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Chỉ trên cơ sở có một nền văn hóa như vậy, xã hội ta mới có nguồn lực nội sinh to lớn, để từ đó, có sức đề kháng, khả năng “miễn dịch” mạnh mẽ trước những yếu tố tiêu cực du nhập từ bên ngoài và nảy sinh ngay từ bên trong, từ mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã xác định những chương trình hành động cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống lành mạnh. Ðây có thể coi là nhiệm vụ văn hóa trung tâm cần được thể hiện mạnh mẽ trong cuộc vận động lớn Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn liền chặt chẽ với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Cuộc chiến cam go phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xác lập vai trò gương mẫu thật sự của đội ngũ cán bộ, đảng viên có giành được thắng lợi quyết định thì sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng lối sống, nếp sống thấm nhuần lý tưởng, đạo đức cao đẹp mới được coi là thành công. Ngoài ra, còn và hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác như: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; phát triển văn học nghệ thuật, sáng tạo các giá trị mới; phát triển thông tin, đại chúng, báo chí xuất bản; phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng; phát huy mặt tích cực của các tôn giáo, tín ngưỡng trong xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp, hướng thiện; chủ động đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa... cũng cần được quan tâm thực hiện.

2. Giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Ðể thực hiện được các nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài, chúng ta cần có hệ thống các giải pháp hữu hiệu.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa

Đây là giải pháp có ý nghĩa bao trùm, quan trọng nhất, xuất phát từ vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sau hơn 30 năm đổi mới, những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, đã chứng tỏ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Hiện nay, khi chúng ta mở cửa hội nhập để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn, sự lãnh đạo của Đảng càng có nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các đường lối và chủ trương về bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; gắn tăng trưởng kinh tế với văn hóa, phát triển kinh tế vì mục tiêu văn hóa.

Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa

 Hoàn thiện bộ máy quản lý văn hóa theo hướng tinh, gọn, giảm bớt tính hành chính, hướng về cơ sở, cần chú ý xây dựng đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách, hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa; chú ý tới tính hiệu quả của các văn bản pháp quy.

Tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ đối với các sản phẩm văn hóa trong nước phù hợp lộ trình cam kết quốc tế. Trong lĩnh vực điện ảnh, cần xác định tỷ lệ cần thiết truyền hình phát sóng phim trong nước, nhất là vào các “giờ vàng” và nâng dần tỷ lệ này trong các năm sau.

Nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa. Trong những năm tới, cần hoàn thành các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình văn hóa trọng điểm, coi đó là những dự án mang tính đột phá để thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trường quay và cơ sở kỹ thuật điện ảnh ở Cổ Loa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam… Cần tiếp tục tôn tạo các di tích lịch sử ở Huế, Hà Nội… các di tích lịch sử cách mạng; các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh...

Sự nghiệp xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nguồn lực đa dạng trong nhân dân là hết sức to lớn. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, làm cho văn hóa không chỉ là một lĩnh vực tinh thần đơn thuần, mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ ngành văn hóa

Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở cần phải được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng mạnh hơn nữa mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Thực tế cho thấy, đội ngũ những người làm văn hóa ở không ít nơi đang thiếu và yếu cả về số lượng cũng như chất lượng. Cần chú ý đưa cán bộ, nghệ sĩ đi đào tạo nâng cao ở các nước tiên tiến, trở thành nòng cốt cho đội ngũ cán bộ văn hóa các ngành, các cấp.

Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc

Bảo tồn các di sản văn hóa là việc làm được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, vì di sản là vốn quý của dân tộc để lại cho muôn đời sau. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, tôn vinh các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người hoạn nạn... trở thành phong trào rộng khắp trong quần chúng.

Các di tích văn hóa đã và lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể đang được quan tâm bảo tồn, tôn tạo phát huy góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Bên cạnh đó, cần coi trọng sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếp tục tổ chức các ngày hội văn hóa của dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa tiêu biểu nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật, bảo vật, cổ vật và di vật có giá trị đặc sắc. Nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình văn hóa; có kế hoạch đầu tư cho khâu sáng tác kịch bản, dàn dựng chương trình, vở diễn, đào tạo tài năng nghệ thuật; tổ chức các cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật để có những tác phẩm giá trị cao, hấp dẫn, có tính giáo dục tư tưởng thẩm mỹ cao phục vụ nhân dân.

Xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa lành mạnh

Phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, huy động các nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, đoàn thể tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng và mở rộng phổ biến các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, góp phần hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó, hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Chỉ có như vậy, cốt cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế và phát triển nói chung của dân tộc.

Quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động văn hóa

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động văn hóa, đặc biệt là về xuất bản, báo chí, bảo tồn các giá trị văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, bản quyền tác giả, quảng cáo, các hoạt động dịch vụ văn hóa, karaoke, vũ trường, internet công cộng, kinh doanh văn hóa phẩm, in, nhân băng, đĩa hình, băng, đĩa nhạc... Phải kiên quyết chống lại những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa.

3. Kết luận

Việt Nam gia nhập WTO thể hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đồng thời, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Gia nhập WTO tức là chúng ta đã ra “sân chơi lớn”, ở đó có rất nhiều cơ hội song cũng đan xen nhiều thách thức cho đất nước trong quá trình phát triển.

Đối với lĩnh vực văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội, khi ra sân chơi này, chúng ta có nhiều cơ hội để giao lưu, tiếp thu, kế thừa những thành tựu tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến. Song, vấn đề là ở chỗ, khi tiếp xúc, giao lưu văn hóa, bên cạnh những cái tích cực, chúng ta cũng phải đối phó với những thách thức to lớn, nhất là việc phải làm gì để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chính vì vậy, việc nhận thức đúng những cơ hội, thách thức để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tận dụng thời cơ, khắc phục những khó khăn thách thức để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - một trong những động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tác giả: Phạm Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

 

;