Nhân dịp ra mắt tập thơ “Trắng mây tóc mẹ” và chào mừng Ngày sách Việt Nam, ngày 13-4-2025 buổi giới thiệu, giao lưu "Trắng mây tóc mẹ: Mở trang sách - Chạm vần thơ" đã diễn ra tại Nhà xuất bản Kim Đồng (55 Quang Trung, Hà Nội). Một số bài thơ đặc sắc trong tập thơ với minh họa của họa sĩ Quyên Thái cũng được trưng bày nhân dịp này.
Toàn cảnh buổi giao lưu
Buổi giao lưu thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và các độc giả yêu thơ, đặc biệt là sự có mặt của các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông, Hà Nội) và sinh viên trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà thơ Trương Anh Tú cho biết: “Tôi không bao giờ định trước việc viết một bài thơ cho thiếu nhi hay cho người lớn. Khi viết thơ, trước mặt tôi chỉ là trang giấy. Bạn đọc của tôi có thể là một em bé, một thanh niên, một trung niên hay một người lớn tuổi… Quan trọng là thông qua một bài thơ tôi có thể nói lên những rung động, những suy nghĩ của mình. Rất vui là rất nhiều bài thơ của tôi đến được với bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Và tôi tin rằng bạn đọc ở mọi lứa tuổi có thể tìm thấy ý nghĩa, niềm vui, những thông điệp trong những bài thơ ấy”.
Tác giả cũng bộc bạch, trong thơ, ông thường lấy thiên nhiên để diễn giải tâm trạng và đưa vào những vấn đề của đời sống xã hội. Bởi vậy bất cứ ai đọc cũng có thể liên tưởng, nghĩ suy. Thơ ca làm người ta trẻ lại, hồn nhiên hơn, bởi trong mỗi con người luôn có một đứa trẻ, nếu nhìn cuộc đời với con mắt hồn nhiên thì sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị. Với ông, thơ không chỉ là tiếng lòng mà còn là tiếng đời, thơ ca phải luôn nghiêng về đời sống, chúng ta đọc một bài thơ phải thấy được suy nghĩ, thấy đời sống trong đó. Thơ ca cũng cho chúng ta đôi mắt để nhìn cuộc sống, suy ngẫm, thấy triết lý đời sống trong đó và nhìn lại chính mình. Tác giả cũng cho rằng, thông điệp lớn nhất của người làm thơ là thông điệp về con người, thông điệp nhân văn, hướng tới những điều tốt đẹp nhất của con người, bằng thứ ngôn ngữ rất đẹp của tiếng Việt.
Độc giả nhỏ tuổi là học sinh trường tiểu học Nguyễn Du đọc thơ và giao lưu với tác giả
Với bài thơ Trắng mây tóc mẹ được lấy làm tựa đề cho tập thơ, tác giả chia sẻ ông không chỉ nói về tình yêu với mẹ mà với khổ thơ kết “Con giọt sương bé nhỏ/Mang trên vai đất trời/Trắng cùng mây tóc mẹ/Con thành người mẹ ơi!”, ông còn gửi gắm trong đó tình yêu với người mẹ Tổ quốc. Bởi, “dù ở xa nhưng trái tim tôi luôn hướng về quê mẹ - Tổ quốc Việt Nam. Ai cũng yêu và luôn hướng về người mẹ của mình, với tôi Tổ Quốc mình cũng ở đó!”.
Trong phần giao lưu, PSG, TS Vũ Nho chia sẻ, khi nhà thơ Trương Anh Tú cho ra mắt tập thơ Những mùa hoa anh nói, ông đã viết một bài bình luận, trong đó nhận xét rằng Trương Anh Tú là một giọng thơ trong trẻo hồn nhiên và ông đánh giá rất cao sự hồn nhiên đó bởi đây là một phẩm tính rất quan trọng của thơ, nhất là thơ cho tuổi thơ. Ông cho rằng dù tất cả mọi người lớn đều có một thời là trẻ em nhưng khi trưởng thành, chỉ có một số rất ít vẫn giữ được cô bé hay cậu bé đó trong mình. Chính những người ít ỏi này nếu làm thơ, sẽ giữ được “cặp mắt xanh non”. Họ viết thơ cho trẻ em bằng cách cảm cách nghĩ của người “đồng tuổi” nên trong trẻo, hồn nhiên, ngộ nghĩnh độc đáo và thú vị. Tập thơ Trắng mây tóc mẹ của Trương Anh Tú có thể ví như một “nụ cười nhỏ”, nụ cười hồn nhiên, thân thiện.
Các em nhỏ hào hứng làm thơ giao lưu cùng tác giả
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đồng tình với nhận xét đó, bà cho rằng: “Thơ viết cho thiếu nhi của Trương Anh Tú rất trong trẻo và điều này luôn cần thiết để nuôi dưỡng sự hồn nhiên trong tâm hồn. Giữ được điều này vô cùng khó, tôi cũng là người viết nhưng rất ít khi viết cho thiếu nhi, tác giả có những bài thơ đã chạm được đến cảm xúc của độc giả”.
Nhà văn Lê Phương Liên bày tỏ niềm vui vì được cảm nhận không khí rất sôi động của tình yêu thơ ca trong các em học sinh tham gia buổi giao lưu. Bà cho rằng những cuộc giao lưu trò chuyện nói về vẻ đẹp của thơ ca như thế này càng củng cố niềm tin: tình yêu với thơ sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bà cũng rất vui vì nhận thấy một giọng thơ khác biệt trong dòng thơ viết cho thiếu nhi. Theo bà, những áng thơ bay bổng, dung dị, dễ đọc, dễ thấm vào lòng con trẻ trong tuyển tập thơ của tác giả Trương Anh Tú sẽ góp phần lan tỏa giá trị của thơ ca đến với đông đảo độc giả.
Bìa tập thơ
Trương Anh Tú sinh năm 1967 tại Hà Nội, sống và làm việc tại Đức đã hơn 30 năm. Các tác phẩm chính của anh bao gồm: tập thơ Cảm xúc (Nxb Văn học, 2007), tập thơ Những màu hoa anh nói (Nxb Hội Nhà văn, 2018), tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan Hoa ban mai - Poranme Kwiaty (Nxb Ofcyna Wydawnicza G&P/Poznan, Ba Lan, 2021), tập thơ Trắng mây tóc mẹ (Nxb Kim Đồng, 2025). Thơ của ông từng có mặt tại thư viện nhiều trường đại học trong nước và nước ngoài, được dùng làm tư liệu nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài, được trích dẫn làm đề thi và in trong sách giáo khoa ở Việt Nam. Làm thơ và sáng tác nhạc từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trương Anh Tú đã có nhiều tác phẩm từng được giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước, và là một trong những tác giả sống ở nước ngoài có thơ đăng nhiều nhất trên các báo, tạp chí ở Việt Nam. Trắng mây tóc mẹ bao gồm 24 bài thơ xinh xắn, gần gũi với mọi lứa tuổi, là những cảm nhận giản dị mà tinh tế về vạn vật xung quanh thông qua con mắt thơ. Những hình ảnh xuất hiện trong thơ anh đều thân thuộc, trong veo và tràn ngập tình yêu thương với cuộc sống và con người. Vốn được biết tới với phong cách vẽ bay bổng với những gam màu tươi sáng, ấm áp, các bức vẽ minh họa của họa sĩ trẻ Quyên Thái đã góp phần truyền tải những cảm xúc yêu thương, gắn bó với con người, cuộc đời, thiên nhiên và quê hương đất nước ở mỗi bài thơ.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN