Giá trị thẩm mỹ tạo hình thiết bị vui chơi vận động dành cho trẻ em dưới 14 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh

Từ thập niên đầu TK XXI, TP.HCM chứng kiến sự ra đời liên tiếp của các đô thị mới, kéo theo sự hình thành các vùng cộng đồng dân cư, đòi hỏi nhu cầu cung cấp các cơ sở học tập và thiết bị vui chơi cho trẻ em phải có và đầy đủ. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 đã đặt ra mục tiêu phát triển các sân chơi trẻ em; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI cũng xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng văn hóa, xã hội toàn diện. Vì thế, việc nghiên cứu giá trị thẩm mỹ trong thiết kế tạo hình mang tính nghệ thuật của thiết bị chơi cho trẻ em trong không gian công cộng (KGCC) là vấn đề thiết thực và rất cần những gọi mở xu hướng hữu hiệu cao hơn nữa nhằm phát triển không gian văn hóa giáo dục trong đô thị hiện đại, đặc biệt là sân chơi ngoài trời cho trẻ em và cộng đồng của thành phố.

Thiết bị chơi trong KGCC tại TP.HCM giàu sự cách điệu

Nghệ thuật thiết bị chơi cách điệu truyền tải đến người chơi những nội dung, môi trường và nhân vật điển hình với ít chi tiết hơn và nhấn mạnh vào hình dạng, màu sắc và hình thức. Tính cách điệu trong một đối tượng và cách tạo hình của đối tượng đó sao cho phù hợp với mục tiêu, chức năng là một trong những đặc điểm mà thiết bị chơi thể hiện một cách trực quan sinh động trong các vùng KGCC tại TP.HCM. Đối tượng thiết bị được cách điệu biểu hiện không cần đầy đủ và chính xác hình dáng thực tế của chúng, mà “Điều này có thể bao gồm sự đơn giản hóa về hình dạng, đường nét, màu sắc, hoa văn, chi tiết bề mặt, chức năng và mối quan hệ với các đối tượng khác” (1). Tuy nhiên, có thể thấy khác với tạo hình hai chiều, sự cách điệu trong thiết bị chơi thường được nhìn thấy là hình thức cách điệu giản lược hơn là hình thức cách điệu cường điệu. Sự cách điệu giản lược này tạo ra các hình khối ít chiếm thể tích, tương đối phẳng; trẻ em có thể nhận ra đối tượng mà không cần thêm chi tiết… Điều này cho phép nhà tạo hình nâng cao ngôn ngữ hình ảnh và tự do sử dụng các hình dạng và màu sắc.

Trong KGCC của TP.HCM, thiết bị chơi trẻ em ngày càng có xu hướng mô đun hóa trong cấu trúc, tạo nên biểu hiện gọi là “thương mại hóa”. So với giai đoạn trước năm 2010, các thiết bị chơi đang được thiết kế theo phong cách giản lược và tách biệt thành các thành phần khác nhau, ví dụ, cầu bập bênh dành cho trẻ 2-5 tuổi có cấu trúc gồm bốn phần: đế để đỡ chịu lực, lò xo cho hoạt động nhún, phần yên để ngồi và tựa để vịn, tất cả được trang trí. Sử dụng phương pháp mô đun hóa, các phần này được sản xuất từ các vật liệu khác nhau, ví dụ như: kim loại cho đế và lò xo và nhựa cho phần yên. Các thiết bị chơi cách điệu giản lược từ các đối tượng khác nhau, chỉ khác nhau ở tựa và trang trí, trong khi các phần còn lại giống nhau. Ví dụ, cầu bập bênh ngựa có hình ảnh đầu ngựa để trẻ tựa vịn và đuôi để trang trí. Đây là sự tư duy thẩm mỹ của nhà tạo hình, tạo ra trạng thái bán khối cho thiết bị chơi. Ngoài ra, thiết bị chơi trong TP.HCM ngày nay còn kết hợp sự hiện đại và sáng tạo để tạo thành các tác phẩm trừu tượng có thể sánh ngang với các tạo hình thiết bị chơi trên thế giới.

Xu hướng trừu tượng trong tạo hình thiết bị chơi tại TP.HCM

Các xu hướng nghệ thuật tạo hình trừu tượng trong thiết kế thiết bị chơi trong KGCC tại TP.HCM có các biểu hiện ngôn ngữ khác nhau.

Xu hướng trừu tượng hình học, sử dụng các hình thể hình học, mặt phẳng, đường thẳng và đường đứt để tạo ra các bố cục phi khách quan. Trong thiết bị chơi tại TP.HCM, nhận thấy những hình khối hình học được biểu thị dựa trên cấu trúc khối ảo của nét. Các diện kết hợp với trang trí mảng âm và màu sắc khác nhau, tạo nên sự đa dạng và thú vị trong thiết kế.

Xu hướng trừu tượng hữu cơ, xu hướng này lấy cảm hứng từ triết lý của triết gia người Pháp Henri Bergson. Sự trừu tượng hữu cơ sử dụng các hình dạng và đường nét trừu tượng, tròn trịa, uyển chuyển, tương tự như những gì chúng ta thấy trong tự nhiên. Đây không phải là một phong trào hay trường phái cụ thể, mà là một cách tiếp cận nghệ thuật có thể thấy trong tác phẩm của nhiều nghệ sĩ khác nhau. Trong thiết bị chơi, chúng ta có thể nhìn thấy sự pha trộn giữa yếu tố nhận dạng được và yếu tố tạo hình thẩm mỹ không thể nhận dạng được. Ví dụ, hình thái khối có biểu cảm mềm mại, tròn trịa, không rõ ràng về hình tượng cụ thể, nhưng lại kích thích trẻ em thử nghiệm tương tác. Điều này phản ánh sự phát triển của nghệ thuật tạo hình trừu tượng trong bối cảnh văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

Vào những năm 70 của TK XX, thiết bị chơi tại TP.HCM vẫn tồn tại dưới dạng tạo hình đơn giản theo cấu trúc chức năng. Tuy nhiên, với sự mở cửa ngoại giao và phát triển của nghệ thuật, chúng ta thấy sự đa dạng và sáng tạo trong thiết kế thiết bị chơi có phần đa dạng hơn. Ngày nay, tạo hình trừu tượng trong thiết bị chơi tại TP.HCM theo xu hướng này thực sự là một phần quan trọng trong việc tạo ra không gian vui chơi hấp dẫn và thú vị cho trẻ em tại TP.HCM. Cách tiếp cận này thể hiện một thế giới sinh động của trí tưởng tượng mà không liên quan đến hình dáng thực tế. Các đối tượng được cách điệu biểu hiện tính chất biểu tượng và ẩn dụ, truyền đạt cảm xúc và biểu cảm. Cách tạo hình của nghệ sĩ tạo ra một tổng thể thống nhất và các thiết bị chơi thể hiện sự tồn tại trong không gian một cách mới lạ. Biểu hiện trừu tượng thị giác trong thiết bị chơi mang tính thực tiễn cao và thú vị.

Đa dạng trong vật liệu, hình thức tạo hình, phương pháp gia công của các thiết bị chơi trong cùng một sân chơi

Thiết bị chơi trong các khu vực KGCC ngoài trời tại TP.HCM thể hiện tính đa dạng. Tính đa dạng này phản ánh việc sử dụng nhiều loại vật liệu và hình thức tạo hình khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng đa dạng trong lối tạo hình nghệ thuật sáng tạo thiết bị chơi do sự phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư của thành phố ngày càng đổi thay nâng cấp. Trong các trung tâm công cộng có giới hạn (như các khu vực chung cư cao cấp), thiết bị chơi thường mang xu hướng nghệ thuật trừu tượng hoặc có tính tạo hình công nghiệp hóa cho sự sản xuất. Do đó, vừa tồn tại phương thức tạo hình cho sản suất thủ công, vừa tồn tại phương thức tạo hình cho sản suất hàng loạt. Điều kiện vật chất và phương thức gia công đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa thiết bị chơi trên sân chơi ở TP.HCM.

Tính đa dạng cũng có thể được giải thích từ đặc điểm văn hóa của TP.HCM từng là trung tâm khu vực Đông Nam Á, nơi tập trung đông dân cư - nhiều tầng lớp và nhiều nguồn gốc văn hóa. Trong quá trình phát triển xây dựng công trình và tìm hiểu nguồn gốc, người ta có thể tái hiện lại các sự vật trong tâm trí thành những tác phẩm tạo hình có hình thể hoặc phi hình thể (2). Cấu trúc của thiết bị chơi đã được tối ưu hóa để chịu lực, hoàn thành chức năng bệ đỡ và các chức năng sử dụng.

Thiết kế chú trọng thẩm mỹ công năng giải trí

Tại TP.HCM, các công viên (CV) không chỉ là nơi giải trí mà còn mang tính thẩm mỹ cao. Các thiết bị chơi trong CV được thiết kế để đảm bảo an toàn và tạo cảm giác thú vị cho người dùng. Dưới đây là một số điểm nổi bật về thiết bị thẩm mỹ trong các CV tại TP.HCM:

Thiết bị chơi vận động cho trẻ em: các CV thường có thiết bị như xích đu, leo trèo, giúp trẻ phát triển thể chất và tăng cường sự linh hoạt.

Hồ nước và thiết bị chơi nước: các CV có hồ nước ở giữa, tạo cảnh quan và lọc không khí. Thiết bị chơi nước bao gồm cầu tuột xoắn ốc, dù nấm tạo “mưa”, thiết bị chơi bóng rổ dưới nước và phao rùa.

Xe lửa điện và thiết bị chơi điện tử: các sân chơi có xe lửa điện chạy trên đường ray dành cho trẻ em. Còn trẻ em lớn có thể sử dụng sân chơi xe điện đụng và thiết bị chơi trò chơi điện tử.

Thiết bị hỗ trợ và nhà nghỉ mát: các CV ngày nay còn tăng cường thiết bị hỗ trợ và nhà nghỉ mát. Tạo hình theo hình thức hài hước gợi nhớ đến rạp xiếc trong ký ức người Sài Gòn, góp phần vào đặc điểm tạo hình giàu tính giải trí của vùng sân chơi nơi đây.

Nhìn chung, việc thiết kế và lắp đặt các thiết bị thẩm mỹ trong CV không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn tạo ra môi trường vui chơi an toàn và thú vị cho mọi người. Chúng có tính nhẹ (cấu trúc), dễ thay đổi (chức năng và tạo hình). Các vùng sân chơi ngày nay còn kết hợp với tạo hình hài hước, gợi nhớ đến rạp xiếc, tạo nét giải trí và gắn bó cảnh quan.

Thiết kế phát huy tính thẩm mỹ bằng văn hóa bản sắc riêng phản ánh được đặc điểm khu vực

Điển hình có CV Bình Phú, nằm tại trung tâm Quận 6, là khu vực kinh doanh và sản xuất nhỏ của thành phố. Đây cũng là nơi cư trú chính của người Hoa, cùng với Quận 5 là trung tâm kinh doanh. Diện tích sân chơi cho trẻ em chiếm nửa tổng diện tích CV. Ở phía Nam, nhóm thiết bị chơi vận động mang tiếng nói về văn hóa và nghệ thuật truyền thống. Hình tượng rồng, cá chép vượt vũ môn và quang gánh gợi nhớ về quê hương và quá khứ. Các thiết bị chơi này được tạo hình tả thực, ý nghĩa rõ ràng và có sức biểu hiện hình khối lớn. Rồng trang trí mang dấu ấn rồng thời Nguyễn với râu dài và mắt lồi to dưới cặp sừng ngắn khoẻ.

CV Bình Phú là nơi duy nhất có nhiều biểu tượng văn hóa như vậy. Điều này phản ánh đặc điểm khu vực, vì đây là nơi cư trú của cộng đồng người Hoa. Mẫu hình trang trí phổ biến trong văn hóa người Hoa bao gồm rồng, phượng, lưỡng long triều nguyệt, tứ linh và tứ vật. Cá chép cũng được ưa chuộng, ngụ ý sức sống mãnh liệt và ý chí vươn lên bất chấp khó khăn. Về hình thái, cá chép có cấu trúc thủy động học, hài hòa và mạnh mẽ. Những hình tượng này không chỉ đơn thuần là tác phẩm trưng bày, mà còn tạo liên kết với người dùng thông qua thị giác và giao tiếp. Công tác tạo hình đã tôn trọng giá trị văn hóa và tạo ra sự kết nối khái niệm. Vùng đất Quận 5 và Quận 6, từng là Sài Gòn - Gia Định, giữ gìn và phát triển giá trị dân tộc Hoa Việt.

Những hình tượng này dù không phải quá đặc sắc như một tác phẩm trưng bày tại những bảo tàng hay viện văn hóa, nhưng ít nhiều hình thức của đối tượng nói lên: phản ánh chính nó, bối cảnh sử dụng và người dùng tương tác với nó “tạo ra kết nối khái niệm” (3). Trẻ em (có thể cả phụ huynh) sẽ “giải mã” sản phẩm một cách có ý thức và vô thức dựa trên hình thức bên ngoài của thiết bị chơi. Chúng là một phần của con đường giao tiếp giữa người tạo hình các thiết bị chơi với người sử dụng và người xem. Tuy nhiên, người dùng trong trường hợp này là trẻ em - người cần được cung cấp trải nghiệm, ý nghĩa cuối cùng do kết quả tạo hình cộng hưởng với khả năng sáng tạo của trẻ em để tạo nên hình thức sau cùng trong tâm trí trẻ. Tạo ra ý nghĩa của thiết bị chơi yêu cầu sự nghiên cứu về các phẩm chất mang tính biểu tượng của các hình thức nhân tạo trong bối cảnh sử dụng chúng và việc áp dụng kiến thức này vào kiểu dáng được tạo ra. Vì thế, các sáng tạo và biểu hiện ngôn ngữ tạo hình này của thiết bị chơi có thể được sử dụng để báo hiệu các giá trị văn hóa và cảm xúc khác; đồng thời, có thể giúp định vị lại chúng; thể hiện tinh thần tôn trọng giá trị quá khứ của một cộng đồng.

Thiết kế hòa hợp thẩm mỹ đa văn hóa

Điển hình là CV Tao Đàn, với tên gọi xưa là “vườn Ông Thượng”, “vườn Bờ Rô,” thể hiện sự hỗn dung của tính cách Việt qua việc kết hợp thẩm mỹ trong không gian của nó. CV Tao Đàn được tả là “sân sau” của dinh Toàn quyền (tên gọi vào cuối TK XIX), mang một phức hợp gồm vườn cây gỗ trăm tuổi, vườn hoa, khu mộ cổ, hồ nước dài, cụm đền tháp, đền nhỏ thờ Vua Hùng, vườn điêu khắc và vùng sân chơi trẻ em. Đặc điểm hỗn dung trong chức năng này cũng thể hiện trong tạo hình.

Ở góc độ xã hội, giá trị văn hóa lịch sử của sân chơi Tao Đàn là rất lớn. Là nơi lưu giữ giá trị văn hóa văn minh vật chất của một thời kì, là lợi ích to lớn về tinh thần cho đại bộ phận dân cư sinh sống gần cạnh nó cũng như du khách qua lại nơi chốn này. Ở góc độ nghệ thuật, bản thân CV có sự phù hợp với môi cảnh, không gian sống và cộng đồng dân cư, KGCC nơi này đang mang chức năng kép. Ngày thường, KGCC của Tao Đàn là không gian giải trí, tập thể dục của người lớn, sân chơi cho trẻ em. Vào dịp Tết và các lễ hội, Tao Đàn trở thành nơi trưng bày tác phẩm điêu khắc, bonsai và cây cảnh.

Hai hệ thống thiết bị sân chơi miễn phí Tao Đàn đã làm giàu cho giá trị thẩm mỹ của tác phẩm mỹ thuật công nghiệp thông qua đặc điểm nghệ thuật hiện đại của nó. Hệ thống thiết bị vận động liên hoàn bao gồm các thiết bị như leo trèo, chuyền, nhảy, chui, đu, xoay, đung đưa và nhún.

Thiết bị này có cấu trúc khung sắt linh hoạt, tạo hình dựa trên đường nét và đem lại cảm giác chuyển động nhanh đa dạng. Mặt bằng thiết kế hình cong cho phép khai thác nhiều bố cục khác nhau và việc thêm khối tiểu cầu tạo ra ý nghĩa biểu tượng về mạng lưới liên kết trong đô thị năng động và hòa nhập. Hệ thống thiết bị “Đài quan sát” và “Con tàu phiêu lưu”: Đài quan sát được thiết kế như một trạm gác và ngọn hải đăng. Có ba hướng lên đài: thang dây, leo núi và bậc thang bình thường. “Con tàu phiêu lưu” có hai tầng, phần dưới trẻ vào bằng đường chui, còn phần trên có thang bằng kim loại và băng ngồi. Đây là nơi trẻ em có thể thả trí tưởng tượng bay bổng.

Một điểm đặc biệt là phía sau của con tàu, nơi không hướng về “ngọn hải đăng”, được thiết kế để khuyến khích sự sáng tạo của trẻ em. Nơi này có thể vừa làm ghế, vừa làm bàn, nơi nặn cát, tô màu tượng. Cách tạo nhiều hướng nhìn và kiểu thiết kế cho con đường đi giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo. Ngoài ra, việc trẻ em có thể quan sát vườn điêu khắc từ trên tàu cũng là một điểm thú vị. Điều này giúp trẻ tiếp cận nghệ thuật một cách tự nguyện và học cách phối hợp màu sắc thiên nhiên và thế giới nghệ thuật. Điều này được tác giả Eugene F. Provenzo cho rằng: một thiết bị để chơi được thiết kế và chừa khả năng cho đứa trẻ “tự thiết kế” trò chơi của chúng là một thiết kế nhân bản (4).

Hệ thống thiết bị vui chơi chính của Tao Đàn phản ánh tính hiện đại và xu hướng hòa nhập nghệ thuật thế giới, đóng góp vào giá trị thẩm mỹ của sân chơi và thể hiện sự sáng tạo của trẻ em. Tính đa dạng của thiết bị chơi và xu hướng thẩm mỹ mang tính biểu tượng cũng là điểm đáng chú ý.

Kết luận

So với sự phát triển nghệ thuật thiết kế thiết bị chơi và sân chơi trên thế giới, TP.HCM cần một sự nỗ lực về chính sách, đầu tư tài chính và tư duy tạo hình hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay, Thành phố đang hoàn thiện dần các xu hướng nghệ thuật tạo hình trong thiết bị chơi để đáp ứng nhu cầu của trẻ em.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Kim Aava, Reality and stylization: A technical overview (Tổng quan về kỹ thuật hiện thực hóa và cách điệu), interviewed: Kirill Tokarev, 2016, tr.58.

2. Nguyễn Thanh Tùng, Chủ nghĩa trừu tượng và sự thay đổi các quan niệm nghệ thuật, Tạp chí Thông tin Mỹ thuật, Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, số 2-2014, tr.67.

3. Kenneth E. Miller, Deborah L. Billings, Playing to grow: A Primary Mental Health Intervention With Guatemalan Refugee Children (Chơi để phát triển: Một can thiệp sức khỏe tâm thần ban đầu với trẻ em tị nạn Guatemala), American journal of Orthopsychiatric, Volume 64, Issue 3, 1994, tr.346.

4. Arlene Brett, Eugene F. Provenzo, and Robin ccC. Moore, The Complete Playground Book (Sách hướng dẫn cho sân chơi toàn diện), Nxb Đại học Syracuse, New York, Hoa Kỳ, 1993, tr.39.

Ths NGUYỄN THỊ UYÊN UYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;