Giá trị của di tích chùa Vua

    Chùa Vua là tên gọi chung của chùa Hưng Khánh, điện Thiên đế thờ Đế Thích, đền thờ Trần Hưng Đạo và điện thờ mẫu làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiệm, huyện Thọ Xương, nay chính là phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Vua được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa - một trong Thăng Long tứ quán, là di tích có ý nghĩa văn hóa độc đáo ở nước ta.

    Chùa Vua thờ Đế Thích (Indra) - vị thần tối thượng đứng chủ bách thần, ngự trị 33 tầng trời, trong đó có cõi Ta Bà của mọi chúng sinh. Ngài còn được tôn vinh là vị vua Cờ. Từ thời Lý, ở Thăng Long đã có chùa Hưng Khánh, trong cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống (Trung Quốc) và cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc đã ghi: “Vua nhà Lý cùng bầy tôi thường đi lễ chùa, đền Đế Thích vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm”.

    Di tích chùa Vua hiện nay tuy không còn lưu giữ nguyên vẹn sự cổ kính, đồ sộ như trước kia, song, nó vẫn ẩn chứa những giá trị tiêu biểu, độc đáo mà nhiều di tích truyền thống khác khó bề so được. Giá trị của di tích được tỏa ra từ nội dung, nguồn gốc lịch sử, kiến trúc và từ những sinh hoạt văn hóa truyền thống xoay quanh nhân vật được thờ. Tập hợp của những giá trị này làm cho ngôi chùa sớm nổi danh trong sử sách và khiến cho các thế hệ nối tiếp sau phải trân trọng giữ gìn.

    Chùa Vua có lịch sử xây dựng sớm và nằm trong địa vực quan trọng của kinh đô Thăng Long dưới thời Lê. Nơi chùa tọa lạc cũng là cung Thừa Lương, sát bên cạnh là đàn Nam Giao, đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng… Trong khu vực này, hằng năm diễn ra tế lễ quan trọng do nhà nước tổ chức tự đàn Nam Giao và các lễ hội truyền thống độc đáo để tưởng niệm những anh hùng dân tộc đã hy sinh vì đất nước. Bối cảnh văn hóa, lịch sử đó đã làm cho chùa Vua sớm hòa nhập với đời sống văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

    Đế thích là vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo với cương vị cai quản tầng trời. Việc xây đền thờ Đế Thích đã xuất hiện nhiều ở Ấn Độ và Campuchia (Angco Vat, Angco Thom). Ở nước ta, Đế Thích được thờ chung trong ngôi chùa Phật. Các di tích thờ vị thần này không nhiều, tiêu biểu như ở đền Đế Thích ở làng Liên Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và chùa Vua ở Thịnh Yên. Ngoài vị trí trong Ấn Độ giáo, Đế Thích còn được dân gian truyền tụng là một nhân vật rất cao cờ. Hằng năm, tại chùa Vua tổ chức hội thi cờ rất độc đáo, có quy chế chặt chẽ. Việc ghi tên những người đoạt giải cao lên trên tấm bia đá của chùa là một hình thức khuyến khích, biểu dương độc đáo và ít thấy trong các di tích truyền thống. Từ lâu, hội cờ chùa Vua đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của Thăng Long và của dân tộc ta.

    Kiến trúc của di tích chùa Vua hiện nay tuy không còn giữ được vẻ cổ kính ban đầu, song, nó vẫn là một di tích truyền thống được quy hoạch hoàn chỉnh như cổng tam quan, sân vườn và khu thờ tự. Các kiến trúc bộ phận này được xây dựng hợp lý, hài hòa và tôn đẩy lẫn nhau. Trong các nếp nhà, lối kết cấu truyền thống vẫn được bảo tồn. Sự góp mặt đầy đủ của những di vật gỗ được chạm khắc công phu, tinh xảo đã làm tăng thêm vẻ lộng lẫy, uy nghiêm cho không gian bên trong của di tích. Giữa sự ồn ào, xô bồ của quá trình đô thị hóa, sự trầm mặc, uy linh của ngôi chùa cổ càng làm giàu thêm bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

    Nhóm di vật văn hóa lịch sử trong di tích chùa Vua khá phong phú, đa dạng. Trong số này, các pho tượng tròn và các di vật gỗ màn có giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài việc làm đẹp cho di tích chùa Vua, chúng còn là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu tiến trình phát triển của nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

    Ngoài những giá trị chung đó, chùa Vua còn là nơi bảo vệ, giữ gìn những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Về sau, những đóng góp của di tích trong cuộc vận động cách mạng và kháng chiến của dân tộc, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho nhân dân địa phương. Theo dòng lịch sử, những di tích cách mạng - kháng chiến như những mốc son đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng di tích và địa danh cách mạng - kháng chiến nhiều và phong phú nhất cả nước. Chùa Vua không chỉ là một di tích tôn giáo có giá trị về lịch sử văn hóa, thể thao độc đáo ở thủ đô Hà Nội mà chùa còn là cơ sở hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ năm 1926 đến năm 1930. Chùa cũng là nơi hội họp, cất giấu tài liệu, vũ khí, luyện tập quân sự của Việt Minh thời kỳ trước cách mạng tháng Tám; Cách mạng tháng Tám thành công, chùa Vua là trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời tiểu khu 7. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến năm 1946, chùa trở thành nơi đóng quân, kho chứa lương thực, vũ khí đạn dược của mặt trận Hà Nội.

    Nói đến di tích cách mạng - kháng chiến không thể không kể đến công lao đóng góp của nhà sư trụ trì chùa. Nhà sư trụ trì chùa khi ấy là cụ Hoàng Đình Điều, tức thiền sư Thích Thanh Điều. Cụ là võ tướng của nghĩa quân Đề Thám, sẵn có tinh thần yêu nước, cụ đã hết lòng nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ an toàn cho các cán bộ cách mạng hoạt động tại chùa. Không những thế, cụ còn quyên góp nhiều tiền bạc, thuốc men ủng hộ kháng chiến. Với những thành tích đóng góp cho cách mạng, ngày 4-10-2001, cụ Hoàng Đình Điều đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng Có công với nước.

    Bên cạnh những giá trị độc đáo về lịch sử văn hóa, chùa Vua còn là một minh chứng hào hùng về cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của người dân Hà Nội. Chùa Vua đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định xếp hạng năm 1992 và đã được UBND thành phố Hà Nội gắn biển di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số 49/50/QĐ-UB ngày 10-8-2004.

    Trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị chùa Vua rất cần thiết phải coi trọng vai trò của chủ thể văn hóa. Nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa chùa Vua có vai trò rất quan trọng. Người dân nhận thức đúng về giá trị của di tích mới có hành động bảo vệ di tích. Ngược lại nhận thức của cộng đồng chưa cao sẽ dẫn đến sự thờ ơ, không quan tâm đến giá trị di tích. Vì vậy, để nâng cao vai trò và huy động được sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa cần tuyên truyền, định hướng giúp cho người dân nhận thức đúng vai trò, giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, để từ đó cộng đồng có sự quan tâm, đầu tư hợp lý.

    Các cấp chính quyền đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp hằng năm để triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản của nhà nước về quản lý di tích bằng nhiều hình thức khác nhau như: thông tin, tuyên truyền trên các tạp chí, tập san, bản tin, cổng thông tin điện tử cấp quận, tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc thi tìm hiểu luật và các văn bản của nhà nước về quản lý di tích cho các đối tượng có liên quan đến công tác này. Từ đó nâng cáo nhận thức cho chính quyền địa phương và nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Tác giả: Nguyễn Thành Hưng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;