Gánh hàng hoa

Gia đình tôi nhiều đời làm nghề trồng hoa. Những luống hoa đủ màu sắc rực rỡ mọc lên từ đôi bàn tay khéo léo của mỗi thành viên trong nhà. Dường như chúng biết nói. Bởi nếu chịu khó nhìn vào từng bông hoa với những đường nét uyển chuyển, đong đưa, người trồng hoa sẽ biết hoa đang nghĩ gì.

Được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước và vị trí buôn bán nên cả xóm tôi đều thi đua nhau trồng hoa. Thật ra thì phải nói chính xác là xóm hoa màu. Vì hoa chỉ trồng vào vụ đông - xuân, những mùa còn lại thì trồng rau, củ, quả.

Vào cuối năm, xóm tôi đẹp đến diệu kỳ. Cả xóm bừng lên sức sống bởi vô vàn loài hoa được đặt trong chậu để chuẩn bị mang ra chợ bán. Nhìn từ trên cao xuống, cả một vùng như tấm chăn đa sắc, uyển chuyển khuếch tán cả ánh sáng bầu trời. Ngày trước thương lái rất hiếm nên hầu như nhà nào cũng bán hoa lẻ là chính. Hoặc thương lái có mua thì cũng mua trực tiếp ở chợ cho tiện chứ không lặn lội vào tận vườn. Do giao thông chưa thông thoáng, đường đầy đá đỏ nên chẳng ai muốn tìm vào cho cực thân.

Nhộn nhịp nhất là những ngày cuối cùng của năm cũ. Mới tờ mờ sáng mà cả con đường nhỏ hẹp xóm tôi vui như trẩy hội. Các chị, các bà, các mẹ gánh hàng hoa ra chợ trên vai, miệng í ới gọi nhau át cả tiếng gà báo thức. Hàng hoa họp hai bên con đường dẫn vào chợ xã. Chỉ cần khách đi chợ bước vào cổng làng thôi đã tìm thấy mùa xuân bởi những gánh hàng hoa đẹp mắt. Hoa trải cả cây số khiến người đi đường choáng ngợp. Khách muốn dừng lại mua hoa nhưng cứ lưỡng lự, tần ngần vì gian hàng nào cũng đẹp, cũng đa dạng giống loài, màu sắc. Gia đình tôi may mắn khi buổi chợ nào cũng bán đắt. Bởi chẳng những hoa đẹp mà người bán hoa cũng xinh chẳng kém gì. Chị Hai tôi ăn nói có duyên lại trong độ tuổi xuân thì nên hầu như ai ghé mua cũng quý mến.

Nhưng cũng có năm gánh hàng hoa ế ẩm vì nhiều lý do. Hoa màu rớt giá, mà người ở quê sống bằng hạt gạo, rẫy dưa, ruộng mía… nên chi tiêu buộc phải thắt lại. Mặt khác, sự xuất hiện của hoa giả với giá rẻ hơn, giữ lâu hơn nên hoa thật bị bỏ rơi. Gánh hàng hoa ế, người trồng hoa bí xị như bánh tráng mắc mưa. Nụ cười tươi tắn của chị Hai tôi cũng ủ rũ theo hoa. Đến ba mươi Tết mà ruộng hoa còn quá nhiều. Ông tôi mới nghĩ ra cách mang hoa đặt khắp nhà, chưng đầy trong nhiều lọ cho có không khí Tết. Dù vậy cánh đồng hoa vẫn bung mình trong những ngày đầu năm.

Sau chuyện đó, ba tôi tính bỏ nghề trồng hoa để chuyển sang trồng dưa, thơm và các loại cây ăn quả vào mùa Tết nhưng ông nội không cho. Ông bảo: “Nghề nào cũng có lúc gặp thất bại, quan trọng là con biết tháo bỏ nút thắt để vượt qua khó khăn và đi tiếp”. Ba theo lời ông, ra tỉnh học cách kỹ thuật trồng hoa ở những kỹ sư nông lâm và một số người quen trong việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới, tạo giống và các hướng kinh doanh hiệu quả. Từ đó, ba nắm bắt thị trường mới. Người dân địa phương không chuộng hoa tươi vì kinh tế, mặt khác họ đã quá nhàm chán với các loại hoa. Vì vậy, ngoài việc gieo những giống hoa mới, ba còn tính chuyện tiếp thị hoa ra tỉnh.

Xu thế thị trường luôn thay đổi và ba tôi đã nhìn đúng hướng. Tết năm sau, gánh hàng hoa nhà tôi thưa dần, chỉ giới thiệu những hoa lạ cho bà con nông thôn thích mắt. Số còn lại, ba bán cho thương lái ở tỉnh. Thời đó đường chưa làm, xe ô tô không vào được. Cả nhà tôi phải chịu khó gánh từng thúng hoa ra con đường cái để giao cho khách. Hoa hết sạch chỉ mới 28 Tết. Dù lời ít, nhưng đó là bước đầu của ba tôi, mang hoa tiếp thị ra phố. Ba là người tiên phong, rồi kéo theo cả xóm. Hoa được dịp khoe sắc  xứ người.

Giờ thì gánh hàng hoa chỉ còn là ký ức. Con đường giờ đã được bê-tông hóa, thẳng tắp và tinh tươm. Người ta vận chuyển hoa bằng ô tô, ba gác, xe máy chứ không nhọc công gánh bộ dài mấy cây số như xưa. Nhà tôi vẫn còn theo nghiệp trồng hoa. Vì nhờ nó mà gia đình tôi trở nên no ấm, con cháu học hành đàng hoàng. Chỉ tiếc nụ cười xinh như hoa ngày ấy giờ đã già nua như cánh hoa tàn trước gió. Chị tôi theo chồng bỏ cuộc chơi, về nơi xứ người, vì kinh tế khó khăn nên lâu lắm mới về thăm nhà một lần. Người quen cũ, họ còn nhớ nụ cười xinh tươi ấy nên vẫn hỏi thăm đều đặn mỗi khi mua hoa. Không biết ở phương xa ấy, chị Hai tôi có còn nhớ gánh hàng hoa của thời son trẻ hay không?

 

NGUYỄN THANH VŨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;